Friday, August 22, 2014

Người khách không mời!

Peace Nguyen

 

 

Bàng hoàng, sửng sốt, tôi ôm chầm đứa em trai, kêu lên thảnh thốt "trời ơi" rồi bật khóc.

Em tôi vừa ra khỏi cửa bệnh viện U bướu Sài gòn, còn tôi vừa xuống phi trường Tân Sơn Nhất tối qua. Chỉ mới cách nhau sáu tháng, tôi đã không còn nhận ra Ngự, em tôi. Từ một thanh niên khỏe mạnh, đầy sức sống, một thầy giáo dạy Vovinam đã nhiều năm, giờ đây trước mặt tôi là một ông già lưa thưa tóc vì thuốc hóa trị, thân thể yếu đuối, tay chân khẳng khiu, đi đứng xiêu vẹo , cho dù em chưa đầy 57 tuổi.
   
Ba tháng trước đó, trong chuyến vui chơi xa với bạn bè, tôi nhận điện thoại từ gia đình ở Việt nam: "anh Ngự bị ung thư phổi,giai đoạn cuối" . Tôi sửng sờ, bước chân chập choạng, niềm vui chơi dập tắt, đầu óc ngổn ngang
- "làm sao cứu em tôi, tôi phải về, tôi phải về lại Việt Nam"

Ngự gọi qua cho tôi, khi thì trấn an, khi thì buồn tâm sự "Chị ơi, bác sĩ bảo còn hy vọng nên em vào Sài Gòn, chỉ có đều vào bịnh viện chán quá, tiền có bao nhiêu dốc ra cho y tá, người dọn dẹp, để họ quan tâm, ăn thì xin phiếu miễn phí, còn hộp bánh trung thu 500 ngàn phải mua biếu bác sĩ"

Em tôi đó, mơ ước tương lai sáng ngời trở thành bác sĩ, nhưng biến cố 1975 đành vỡ mộng đi vào trường Công Nhân Thủy Lợi để rồi sau đó bỏ việc, lặt vặt buôn bán qua ngày trong thành phố Qui nhơn bé nhỏ, chỉ kiếm đủ bữa ăn cho gia đình, tiền đâu chữa bệnh?. 
Tôi gởi chút tiền cho em và hỏi thăm chữa như thế nào? em nói: 
- " Bác sĩ hỏi em ,muốn chữa theo giá tiền nào? 50,100,hay 200 ngàn"

Ôi cái xã hội văn minh thay, chữa bệnh mà nghe giá cả cứ như mua bán, phải chăng họ cho rằng, cây súng colt 6 viên đạn bé tí , có thể giết được con voi ung thư trong cơ thể  bệnh hoạn chăng? và để cố níu kéo mạng sống mong manh, em đã cầm thế căn nhà hai gian đang ở.

Tôi là người đã từng đau đớn chịu đựng cái chết đột ngột của chồng, cuả 2 đứa em tôi, cái đau như cắt đi một phần thân thể, giờ đây nhìn cái chết từ từ đến với em, lòng tôi đau như vết thương ung mủ, lở loét, nhức nhối mà không biết ngày nào sẽ vỡ ra.

Đó là cái tết sum họp cuối cùng của gia đình tôi, khi má tôi nói: "chúc con khỏe mạnh lại" Em cười trả lời: "Má đừng lo cho con, con không thể chết trước Má được đâu, vì đó là tội bất hiếu" . 
Chúng tôi đã cố nuốt sự ngẹn ngào gượng cười để chúc tụng nhau. Sau đó, tôi đưa cả gia đình em làm một chuyến du lịch Nha Trang, Đàlạt, Sài Gòn, em vui khỏe hẳn ra, mọi người bảo Ngự thoát chết rồi.

Ngày trở về Mỹ, tôi đến nhà chào em, nhìn em xanh xao, tôi hỏi " Sao em không về nhà Má để đưa chị đi ?" Em buồn bã trả lời:
 - Bởi vì em chỉ muốn nghĩ rằng, chị không đi đâu, chị đang ở Việt Nam".
 Ôm lấy cái thân thể khô đét của em lần cuối mà thương em đứt ruột, nước mắt trào ra, tôi quay đi như chạy trốn.

Ba giờ chiều, tôi vào đến Sài Gòn, đang nằm nghỉ lưng, bỗng đứa em út tông vào phòng, hét lên:
-  "chị ơi, anh Ngự chết rồi, anh thổ huyết trong buồng tắm khi chị vừa đi!".
Tôi bật dậy và không tin được điều nghe thấy, trời ơi, chồng tôi đã chết trên vũng máu, giờ em tôi cũng vậy, tại sao?. Tôi quay về lại Qui Nhơn ngay trong đêm đó. Trên đường đi, tôi cố gắng bình tĩnh để giải quyết mọi vấn đề, gọi báo tin cho con, hoãn chuyến bay, lo mua hòm , tìm đất chôn em bên cạnh Ba và các em ; và lo cho cả mẹ già, sợ bà ngã qụy vì không chịu đựng nỗi đau mất con.

Mười giờ sáng, tôi bước vào căn nhà của em, chỉ mới hôm qua, khi tôi ra đi căn nhà còn vang tiếng cười của trẻ thơ, giờ là tiếng tỉ tê than khóc với mùi nhang khói, thay vào chiếc giường em nằm là chiếc hòm gỗ màu đỏ, khi tôi nhìn vào khuôn mặt lạnh băng của em, thì máu, trời ơi máu, máu ở đâu nhiều quá, tràn qua mủi, qua tai, qua miệng em, theo bọt khí phì phò, nổi bong bóng.. tôi hét lên: “ Không ,hình như em tôi còn thở, còn đang sống!” mọi người kéo tôi ra ngoài, đóng nắp hòm lại.

Ba tuần còn lại, tôi cho người xây mộ, và lo chuộc lại căn nhà cho vợ con em. Đó là những gì tôi làm được, để hồn em thanh thản ra đi, theo người khách vô hình không mời đến đón. Giờ đây, em đã không còn chịu đựng những đau đớn từ thứ ung thư quái ác, em đã làm con chim hải âu bay đi tìm lại hoa biển của mối tình đầu tuyệt đẹp mà đã dang dỡ đau buồn. Em ra đi mang theo tiếng kèn Harmonica lảnh lót mà em thường thổi, để mỗi khi ngước nhìn chim bay trên bầu trời cao, tai nghe tiếng gió vi vu, chị biết đó là em- Ngự ơi !

Chuyện kể trên chỉ là nhớ lại của  ba năm về trước, còn chuyện hôm nay:

Tôi vừa ra khỏi căn nhà của một người anh, người bạn. Anh nằm đó trên chiếc giường bệnh viện, bên cạnh khung cửa cao, được che nắng bằng một màn “voan” trắng, phủ từ trần nhà xuống. Ngoài kia, nắng mặt trời chói chan, đầy sức sống nhưng sức sống ấy vẫn không truyền được cho thân thể anh đã héo tàn vì tế bào ung thư hành hạ. Nhạc sĩ Trịch Công Sơn đã viết: "chút nắng vàng rồi đây cũng vội", cũng như đứa em trai của tôi ngày nào, anh rồi cũng vội đi, bỏ lại bao nhiêu thương nhớ .

Tế bào ung thư là gì mà quá ác nghiệt, như một vòi rồng hút hết nước cho dòng sông cạn khô , phơi đáy. Như một cơn bão lớn đánh gục cây cổ thụ, bật gốc, lá rụng xác xơ, chỉ còn trơ lại cành cây khẳng khiu, khô héo. Hay như một loại tầm ăn lá dâu, lạo xạo nhai suốt đêm, để sáng ra cả mủng lớn đầy lá dâu tằm chỉ còn trơ lại cọng lá quăn queo với những con tằm no nê, trơn láng.

Anh, một người đàn ông lịch lãm, từ tốn, nhẹ nhàng. Anh xem tôi như một người em, có lần tôi đã hoảng lên "Anh ơi, giúp em, xe em nằm dọc đường rồi". Lâu lâu gặp anh, anh mỉm cười, khiêm tốn nhắc nhở "để chi lên cân vậy em, thấy chưa! mặc áo dài không đẹp nữa rồi" . Anh là người gợi lại hình ảnh của chồng tôi , ngọt ngào, hát hay, nhảy đầm giỏi.

Thế giới khoa học ngày nay đã chinh phục được vũ trụ, khám phá được các hành tinh to lớn, cách xa chúng ta tính theo năm ánh sáng. Vậy mà tế bào ung thư bé tí tẹo nằm ngay trong cơ thể ta, tại sao phải bó tay để nó len lỏi, ẩn nấp trong cơ thể hút hết nhựa sống, rồi chờ ngày nó mở cửa đón người khách không mời vào nhà, đem ta ra đi để lại thân thể vô tri trên trần gian tạm bợ, rồi thì cũng tan theo gió cát để lại bao nỗi đau cho người thân thương còn lại.

Con đường đó, kẻ trước người sau ai rồi cũng đi qua; chẳng qua chỉ là một giấc ngủ dài mà thôi. Tôi chỉ mong anh hiểu rằng, bạn bè luôn quan tâm đến anh, thương anh, dù không dám gọi điện thoại hoặc đến thăm vì muốn cho anh được nghỉ ngơi, nhưng mọi người luôn cầu nguyện cho anh tìm đượ sự bình an.


Rồi bụi thời gian sẽ thổi hết mọi muộn phiền, mọi nhớ nhung thương tiếc. Nhưng tôi tin chắc  rằng, tất cả bạn bè vẫn ghi đậm trong tim hình ảnh  vui nhộn của anh với “ Let’s Twist Again”, và giọng ca trầm ấm mà anh thường hát trong những lần họp mặt:

"Tôi đi giữa hoàng hôn, khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương.........”
  
 Houston 11/8/2014
 Peace Nguyen

_____________________________________________________
______________________

1 comment:

  1. Cám ơn chị Peace Nguyen về một bài viết thật cảm động và buồn.
    QN rất đồng ý với chị về câu
    " Con đường đó, kẻ trước người sau ai rồi cũng đi qua..."
    Nhưng chị ơi, mình may mắn được sống ở Mỹ nhiều năm, đã quen với cách đối xử bình đẳng, nhân đạo giữa người và người, nên khi nhìn thấy sự vô lương tâm của các Bác sĩ & bệnh viện ở VN , mình thật xót xa cho những người ở trong nước.

    Ở VN bệnh mà không tiền thì coi như chết , chết ngay khi vừa mới phát bệnh. Chết theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, về cả phần xác lẫn phần hồn..

    Xin chia buồn cùng chị , chị M Hoà quí mến.
    QN./

    ReplyDelete