Thursday, August 14, 2014

Chút Tình Xin Gởi Gió

Châu Thị Thanh Cảm


Mấy hôm nay trời bỗng nắng như đổ lửa, cái nắng gay gắt như thiêu đốt mang theo làn gió nóng xát vào da thịt cái cảm giác bức bối khó chịu. Chiều xuống, ánh nắng cuối cùng của ngày đã khép lại nhưng cái nóng vẫn còn hầm hập bủa quanh. Trong cái chập choạng của hoàng hôn, những con đường trong thành phố lại càng đông đúc, người xe càng hối hả như muốn mau chóng trở về nhà sau một ngày tất bật…

Kể từ sau cái ngày con đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài chính thức - được thông xe, vì sống gần đó nên mỗi chiều, khi nắng dần phai và thành phố bắt đầu lên đèn, tôi thường một mình dạo bộ bên cây cầu rộng thênh thang trên con đường đep nhất nội đô này. Cũng bởi mấy hôm nay trời nắng nóng nên người đến bên cầu hóng mát nhiều hơn mọi ngày. Ngoài những người lớn tuổi kết hợp đi bộ và hóng gió như tôi còn có rất nhiều bạn trẻ từng nhóm bên thành cầu thảnh thơi thư giản… Ngày đã tắt nắng, gió từ mặt sông thổi lên man mát, có mùi hương hoa nào quyện tròn trong không gian… lan man…nhẹ nhỏm…

Tôi vẫn thường trở về khi trời đêm đã bắt đầu trở gió và mặt sông thẫm lại. Và, hôm nào cũng vậy, cứ đều đặn vào tầm giờ này, phía dưới chân cầu lại chầm chậm nhô lên một chiếc xe nhỏ với ngồn ngộn những giấy vụn, bao bì, chai lọ… bên trên được phủ một tấm vải bạt nhàu nhĩ và cáu bẩn. Chiếc xe và cái mớ hỗn độn ấy che khuất tầm nhìn của một bà cụ gầy còm lưng còng ở phía sau, đang cố đẩy cho chiếc xe nhích lên từng chút một. Trên đầu bà cụ đội một chiếc mũ vải rộng vành đã trở màu đen nhẻm, phía sau xe lủng lẳng một chiếc nón lá rách tươm, chiếc nón có lẽ để bà đỡ ướt lúc trời chợt đổ mưa hay dịu bớt cái nắng gắt trưa hè?

Bà cụ già chậm chạp đẩy chiếc xe ì ạch từng bước lên cầu… Cứ tưởng bà sẽ phải vất vả với chiếc xe đầy phế liệu ấy, nhưng hôm nào cũng vậy, lúc thì chàng trai trẻ, lúc cô gái trên đường… họ dừng lại và rồi tận tình giúp bà đưa xe sang đường hay đẩy nó leo lên con dốc nhỏ qua phía bên kia đường ray xe lửa.

Lần này, tôi đến bên bà cụ và bắt chuyện làm quen...
- Bà ơi, cho con cùng đẩy giúp bà… - Gọi là bà nhưng nhìn bà cụ tôi nghĩ chắc chỉ trạc tuổi mẹ tôi thôi. Bà chậm rãi:
- Vâng, nhờ cô... - Bà nói mà không nhìn tôi, một giọng Bắc khàn khàn. Chầm chậm, tôi cùng bà vừa đẩy chiếc xe, vừa trò chuyện…
- Bà ơi, con có thể gọi tên bà là gì ạ?
- Tôi tên Cao Thị Thành, tám mươi hơn rồi cô ạ, nhưng đời tôi sao khổ mãi thế này… ! - Giọng bà như ngấn nước.
- Thế bà có chồng hay con cháu gì ở đây không? - Tôi hỏi.  
- Ông nhà tôi mất đã lâu. Tôi có hai người con gái, một đứa cũng mất rồi, đứa còn lại 52 tuổi rồi đấy cô, nó tên Hường, nhưng khổ thân… nó bị bệnh tâm thần… - Bà ngập ngừng - Mười mấy năm rồi nó vẫn ở Bệnh Viện Tâm Thần Thủ Đức. Hằng ngày tôi phải đi nhặt ve chai để kiếm cái ăn qua ngày và cũng để gom góp mà vào thăm con… - Bùi ngùi một lúc, bà tiếp tục kể - Cô biết không? Nó có chịu vào bệnh viện tâm thần đâu, phải nhờ mấy ông nhà nước dụ dỗ mãi nó mới cho chở đi đấy! Ngày còn ở nhà, mỗi khi lên cơn là nó xé rách áo quần, đổ cả cơm canh… Có nhiều lần nó còn đuổi đánh luôn cả tôi cơ… Nhưng biết sao được cô ơi, nó là con của tôi mà…! - Bà đưa cánh tay áo ngắn ngủn quệt ngang, có lẽ mắt bà đang rơm rớm.

Nhìn bà, ngại ngần tôi hỏi:
- Bà đi từ lúc nào mà bây giờ mới về vậy?
- Từ sáng sớm, sau khi đã bán mấy cái ngày hôm qua… - Bà mộc mạc trả lời, giọng khàn đục.
- Vậy mỗi ngày bà bán được bao nhiêu? Có đủ chi tiêu không?
- Dăm ba chục nghìn là nhiều. Hôm nào có người cho lon bia, thùng giấy… thì bán được nhiều hơn… Nhưng cô ạ… - Giọng bà chầm chậm, đứt quảng -  Ngày nào cũng có người gọi cho, có khi cho cả tiền, cả cơm… Có lẽ họ thương cho hoàn cảnh khốn khổ của tôi…

Quay lại nhìn, ánh mắt ấy hấp háy và đôi môi thâm nâu thoáng một nụ cười, nét cười buồn trên khuôn mặt nhăn nhúm, đen đủi. Rồi bà tiếp tục với giọng trầm đều như muốn trút cạn nỗi lòng u ẩn:
- Tôi quê ở Thái Bình, vào Nam từ năm Năm Tư cơ cô ạ. Hai đứa con, một đứa mất đã lâu, một đứa thì bệnh tâm thần bao năm nay… Thật khốn khổ cái thân tôi…! Già rồi, chết đi đã là cái nhẽ… nhưng con tôi… nó dở khóc dở cười, không biết sau này phải làm thế nào? Tội nó lắm cô ơi…! - Giọng bà buồn thiu, từng câu… từng câu một như cắt cứa cả lòng. Ánh mắt đùng đục của bà nhìn ra xa xăm, khắc khoải những nỗi niềm… Bà khóc, tiếng khóc nhỏ cuộn tròn âu lo, cả hai chúng tôi chợt lặng im suốt một đoạn đường.

Chiếc xe đầy phế liệu của bà cụ đã lên hết con dốc. Gió đã nhiều hơn, se mát. Tôi cùng bà ngồi xuống bên vệ cầu và mời bà chai nước, nhân thể tiếp tục câu chuyện còn dang dở của chúng tôi…
- Bà đi suốt cả ngày tối về chắc ngủ ngon, bà nhỉ? - Tôi hỏi.
- Nhức mỏi cả người đấy chứ! Hằng đêm tôi vẫn ngủ nhờ mái hiên nhà người ta, trải cái kia ra là ngủ thôi, đêm cũng lạnh lắm…! - Vừa nói bà vừa đưa tay chỉ tấm vải bạt đo đỏ đang phủ lấy chiếc xe. Tôi nhìn theo cánh tay cong cong của bà mà lòng thấy thương vô kể. Rồi bà như thì thầm: 
- Khổ lắm cô ạ, ngủ có được bao nhiêu đâu… sáng sớm lại phải đi rồi… ! Đôi khi… - Giọng bà lạc hẳn, ngập ngừng… rồi bỏ lửng câu nói nửa chừng. Có lẽ chăng, bà đang ngẫm buồn cho số phận mà ông trời đã định sẵn đời mình?
- Sao bà không vào viện dưỡng lão? Trong ấy mọi người sẽ lo cho bà…!
- Cũng có nhiều người khuyên tôi như thế, nhưng phải ở ngoài này kiếm tiền chứ cô, có tiền để thỉnh thoảng vào viện thăm con cô ạ! Mà mỗi tháng, phường còn cấp cho tôi thêm những hai trăm tư nghìn nữa đấy! - Bà khoe với tôi. Nhìn bà, đôi mắt bà thoáng cười như vừa có một niềm vui nào chợt đến. Tôi thấy vui lây với niềm vui nhỏ bé của bà mà lòng mình thì thắt lại…

Đêm đã dài hơn, người bên đường đã thưa hơn và gió khuya se lạnh. Có tiếng rầm rập của đoàn tàu chạy trên cây cầu sắt, tiếng còi rít vang như xé cả không gian. Bà cụ đưa mắt buồn nhìn theo con tàu cho đến khi nó mất hút trên đường ray dài xa thẳm. 

Tôi và bà lại chầm chậm đi tiếp đoạn đường còn lại. Đang định giúp bà đẩy chiếc xe sang bên kia con phố để rẽ vào con hẻm nhỏ, nơi bà hằng đêm tá túc, bỗng có tiếng nói ở phía sau:
- Cô ơi… Để con đẩy hộ và đưa bà sang đường cho cô ạ…! - Tôi quay lại, một cô gái trẻ với khuôn mặt tươi tắn và đôi mắt trong veo, đôi mắt trong sáng của tình yêu thương mà tôi vẫn thường bắt gặp đâu đó giữa cuộc đời này. Bất chợt, tôi mỉm cười cùng cô gái trẻ…     

Tôi chia tay bà cụ sau khi đã xin phép được chụp vài tấm hình kỷ niệm. Nhìn dáng bà gầy còm bên cô gái trẻ cùng nâng bước bên đường, mắt tôi nhòa đi trước một hình ảnh đẹp mà dung dị giữa đời thường. Tôi biết, bên những người còn vô tâm ích kỷ, thì vẫn còn đó hình ảnh nồng ấm của tình yêu và lòng nhân ái. Vẫn còn đó sự sẻ chia ân cần giữa người với người mà tôi vẫn nhìn thấy quanh đây, giữa cuộc sống này. Nó như một nốt lặng giữa bản nhạc đời nhiều thanh âm, như nhát vẽ đơn sơ nhưng đủ phác nên một bức tranh lung linh sáng đẹp, như lát cắt ngọt nhẹ đủ chạm vào trái tim nhân ái của mỗi con người. Và, những hình ảnh dung dị ấy cũng đủ để ta đối diện với chính mình và đủ để tôi thêm một lần tự vấn???

Dẫu vẫn biết trên dòng đời này, bước chân không ít lần đã phải phân vân, ngần ngại trước những ngả đường? Đâu sẽ là ngả rẽ đưa ta đến nơi chốn hạnh phúc, bình yên và đâu là khúc quanh đưa mình vào ngõ cụt? Làm sao ta biết trước… ? Thôi thì mong, hãy cứ mong những buồn đau va vấp sẽ cho ta thêm vững vàng, thêm quý yêu cuộc sống, cũng như những gian nan vất vả sẽ đủ để bà cụ ấy manh mẽ hơn trong chặng đời còn lại của mình! Tôi bỗng nhớ đến một câu nói mà đâu đó tôi đã có lần đọc được: “Không quan trọng bạn nghĩ cuộc sống này tuyệt vời hay tồi tệ ra sao. Thức dậy mỗi sáng, cảm ơn cuộc đời, vì vẫn có những người ở một nơi nào đó đang phải chiến đấu để tồn tại… ”.                 

Phố đêm, cây cột điện chơ vơ giữa ánh đèn vàng. Bóng bà cụ lom khom bên chiếc xe đổ dài trên con hẻm nhỏ…

Vài chiếc lá sa kê úa màu thả rơi trên phố, êm nhẹ như một phận người…

Sài Gòn, tháng Ba 2014
Châu Thị Thanh Cảm


___________________________________________________

3 comments:

  1. Đâu thấy có gì tội nghiệp đâu?. Bà già có sự lựa chọn: vô sống trong viện dưỡng lão, hay lây lất sống bụi ở ngoài, và bà đã chọn lây lất sống ngoài. Con bà bị bịnh thì ̣đã có nhà thương lo miễn phí. Hà cớ gì phải than oán lâm ly cho bả?

    ReplyDelete
  2. Suy cho cùng mỗi một con người đều có số mạng và đều có cái nghiệp chướng, đây không biết là sự thật hay 1 câu chuyện hư cấu. bà cụ trong câu chuyện này cũng là do cái nghiệp mà thôi.

    ReplyDelete
  3. Đọc câu chuyện mình nghĩ nếu vào Ở viện dưỡng lão thì hình như không có dư tiền để làm việc gì hết. Nếu không còn nhu cầu nào khác thì không sao, nhưng Bà ấy còn con ở viện tâm thần , phhải đi thăm, ít nhiều cũng tốn kém chứ lòng nào bỏ mặt.
    Đồng ý với Hanna , mỗi cuộc đời là một nghiệp số, chẳng ai muốn mình phải khốn khổ thế...

    ReplyDelete