Lê Phước An
Sau ba tháng nhập học vào Đệ Thất niên khóa đầu tiên của trường Trung Học Qui Nhơn, tên gọi ban đầu của trường Trung Học Cường Đễ, tôi về quê thăm nhà. Chỉ ba tháng mà tôi thấy thời gian dài lắm. Tôi ngồi thu lu trong thùng “xe lôi”, một lọai xe cải tiến, gió thổi phần phật hai bên tai, hai tay tôi bám chặt vào vành tôle của thùng xe, suốt đoạn đường từ Qui Nhơn
về Thị Trấn Bình Định. Xe lôi là phương tiện giao thông rất phổ biến vào thời kỳ này. Xe lôi gồm một thùng xe vừa cho một hoặc hai người ngồi, có hai bánh xe đạp gắn hai bên. Thùng xe được gắn vào sau một chiếc xe gắn máy hiệu Sache hoặc Gobels. Xe gắn máy chạy, lôi thùng xe chạy theo, nên có tên là “xe lôi”.
Bước xuống xe, vai mang túi xách, tôi lững thững
đi bộ khoảng bảy cây số trên đường ruộng về nhà. Trăng thượng tuần treo cao
trên nền trời xám đậm. Tôi đều bước nhưng lòng miên man nhiều suy nghĩ. Chỉ mới
cách xa có vài ba tháng mà tôi cảm thấy làng quê như nhuộm một màu khác lạ, như
xanh hơn, tươi hơn. Hai bên đường, lúa xanh phả bờ gợn sóng, theo gió đuổi về
xóm làng xa. Cảm nhận sự thanh thảng an bình, có lẽ xuất phát từ trong nội tâm
của tôi, bởi lòng tôi đang có niềm vui lớn vì được trở lại học đường. Xa xa,
vài ánh đèn “măng-sông” tỏa ánh sáng màu xanh; ở đó còn vang vọng tiếng trống
chầu thùng thùng là nơi dân làng đang tổ chức đám hát bội.
Chỉ mới mấy tháng trước đây thôi, khi ông “A Lô”
chưa chỉa ống loa vào xóm, loa rằng: “Hiệp
định đình chiến đã được ký ở Giơ-ne-vơ… ”,
thì tôi vẫn còn là thằng nhóc, quần đùi áo cánh, người lúc nào cũng lấm lem bụi
đất, cả ngày quanh quẩn ngoài bờ tre hay xó rào để đánh bi, đánh đáo. Tôi thực
sự trở thành một đứa lêu lổng đã ba năm qua, kể từ ngày tôi thôi học ở trường
Hòa Bình vì sợ máy bay Pháp thả bom. Vậy mà bây giờ tôi đã được đi học, lại
được học ở trường thành phố nữa chứ. Mặc dầu Qui Nhơn những ngày ấy chỉ là một
bãi trống trải, hoang tàn, dấu vết của “tiêu thổ” và chiến tranh còn bày ra
cùng khắp. Nhưng so với quang cảnh những làng quê như Hòa Bình, Trung Lý, Đa Tài,
nơi có những lớp học của một trường Trung Học, tên chính danh là trường Trung
học cấp III An Nhơn mà tôi đã trải qua một niên khóa, thì Qui Nhơn hiện giờ
“của tôi” đẹp và “hoành tráng” hơn nhiều.
Trong vài tuần lễ đầu sau ngày khai giảng, tôi
không lo việc học mà chỉ chú tâm lo chuyện đổi mới con người tôi. Tiếp xúc
những bạn học đến từ những thành phố văn minh như Hà Nội, Huế, Sài Gòn… tôi cảm
thấy mình rất đỗi quê mùa, lạc hậu. Các bạn nam như Nguyễn Đình Phước, Nguyễn
Văn Tư, Hoàng Tỵ… luôn luôn đồ tây “đóng thùng”, mang giày da và tóc chải
brillantine láng bóng. Các mợ nói giọng Bắc, giọng Huế, giọng Sài gòn thì luôn
áo dài, tóc uốn và giày gót cao. Những thứ mà trước đây chừng một năm, con gái
Bình Định có nằm mơ cũng không thấy. Nhưng chỉ hơn tháng sau, không ai bảo ai,
bọn “củ mì” chúng tôi, từng bước cũng tàm tạm theo kịp bạn bè.
Mỗi sáng, đóng bộ đồ mới duy nhất để đi học, tôi
tự cảm thấy như mình trở thành một người lớn. Cũng phải thôi, tôi bây giờ đã là
một học sinh lớp Đệ Thất (!), mà có người nói tiếng Tây là Première
Année. Nhưng ở trường, tôi vẫn là thằng nhóc con. Vào những buổi chơi bóng ở
sân vận động, các bạn không bao giờ chọn tôi vào đội bóng. Các bạn sợ cái tướng
nhóc tì của tôi sẽ làm vướng chân họ. Tôi chỉ có nhiệm vụ giữ quần áo, đồng hồ
cho cả hai đội và ngồi xem các bạn chơi. Mà đúng là phần đông học sinh của
trường tôi vào thời ấy, đều lớn cả. Lớn cả người và có lẽ cả tuổi tác. Bỏ mất
ba năm lêu lổng, nên vào Đệ Thất tôi đã mười lăm, tuổi tối đa để được nhận vào
học, vậy mà vẫn có nhiều bạn còn già hơn tôi, chắc là có người đã khai bớt
tuổi. Bên cạnh nhà trọ của tôi là nhà trọ của “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ”: Trần
Đình Ân, Bùi Xuân Lang và Nguyễn Văn Lộc. Trần Đình Ân to con lớn xác hơn nhưng
vẫn còn độc thân. Hai tên kia thì đã có vợ ở quê nhà. Mỗi lần chị Hương, vợ Lộc
từ quê đến thăm, tôi thấy Lộc hơi thẹn thùng, khép nép với bạn bè. Từ ngày có
Nguyễn Hiệp, biệt danh là Hiệp Lùn đến trọ chung, Hiệp thường hay mỉa mai, chọc
ghẹo Lộc về chuyện Lộc đã có vợ, Lộc dọn đi nơi khác, sau một trận đập lộn tưng
bừng với Hiệp. Phía sau nhà tôi trọ là nhà trọ của Tuấn, Tú và L. Tú và L. là
hai anh em ruột, nhưng tính tình của hai người thì khác nhau. Tú hiền lành, nhỏ
nhẹ và tốt với bạn bè bao nhiêu thì L. có cách hành xử trái ngược. L. lúc nào
cũng cau có, thích dùng những lời lẽ nặng nề và ưa cãi lộn. Cãi với L. chuyện
gì, chỉ khi nào bạn chấp nhận L. thắng thì mới yên chuyện, bằng không thì anh
chàng cứ lải nhải hòai. Nhiều lần L. hùng hổ hiếp đáp cả Tú. Tuấn ghét.
Hồi đó, chúng tôi học mỗi ngày hai buổi. Buổi
sáng bãi trường lúc mười một giờ, chiều học lại lúc hai giờ. Sau khi vội vã ăn
cơm xong, ngày nào L. cũng đánh một giấc trưa. Tú và Tuấn có “nhiệm vụ” phải
canh giờ để đánh thức L. Hôm nào quên gọi L. là y như có chuyện trách móc, cãi
cọ. Một bữa, L. đang ngon giấc, Tuấn dùng dao lam cạo râu, nhẹ tay cạo nhẵn một
bên chân mày của L. rồi đạp xe đi học sớm. Thức dậy, L. vội đi học không hề
biết. Đến trường, bạn bè nhìn L. được một dịp cười no. Đi học về, L. thộp ngực
Tuấn hỏi “Có phải ông cạo chân
mày tôi không ?”.Tuấn chối, bảo trưa nay Tuấn không có nhà. Vì không bằng
chứng, L. đành chịu, khóc hu hu. Sáng hôm sau, L. gởi đơn cáo bịnh, xin nghỉ
học một tuần. Bà chủ nhà thương tình, mài mực xạ trộn với lọ nghẹ đắp lên chỗ
bị cạo, đồng thời cắt tỉa bớt chân mày bên kia, nên chừng bốn năm bữa sau,
trông cũng tạm được. L. ở nhà nhưng vẫn phải tìm sách học để cập nhật bài vở.
Riêng môn Thế Giới Sử của thầy Trần Đình Hoàn thì không có sách. Đến giờ, thầy
vào lớp, hai tay chắp sau lưng, đi lên xuống trong lớp; thầy ứng khẩu đọc cho
học trò viết như viết chính tả một đoạn sử chừng vài trang. Nào là sự suy tàn
của nền văn minh Hy Lạp, La Mã, hoặc là sự thành hình của đoàn Thập Tự Quân hay
là sự thất thủ của thành Constantinoble… Hết giờ, thầy lặng lẽ rời lớp. Bài
viết đó cũng là bài giảng của thầy. Vì không có sách, L. bảo Tú mượn vở của
Thu, một bạn học cùng lớp để chép lại (Tuấn và Tú học khác lớp với L.). Thu là
cô gái Huế có mái tóc dài, giọng nói thanh tao, nhỏ nhẹ. Nhà Thu ở trước cổng
Ga xe lửa, cũng gần với xóm trọ của chúng tôi. Đôi lần, L. có mời Thu đến nhà,
rồi úp mở khoe hai đứa đã là “một cặp”. Tú mang tập vở của Thu về để trên bàn,
bảo Tuấn: “Chút nữa L.
thức dậy, ông nói với nó tập vở của Thu tôi mượn cho đấy !”. Tuấn cầm tập vở xem, nảy ý muốn chọc
L. một trận nữa. Tuấn mang vở ra chỗ vắng, nhái theo tuồng chữ của Thu, viết
một tin nhắn cho L. Đại khái nội dung bức thư là Thu hỏi thăm L. đã bớt bịnh
chưa. Vắng L. ở lớp, Thu cảm thấy nhớ nên hẹn gặp L. lúc 12 giờ trưa hôm sau (ngày,
tháng, năm) tại bờ hồ cá phi để tâm sự. Tuấn kẹp “tin nhắn” này vào tập vở của
Thu rồi để lại chỗ cũ. Trưa hôm sau, Tuấn nửa thật, nửa đùa rỉ tai bọn chúng
tôi lên hồ cá phi để xem “thằng L. nó đóng tuồng !”.
Cá phi là cá rô phi. Ty Thủy Nông cho đào hai
cái hồ sâu và rộng, có cổng tháo nước từ sông Hà Thanh vào để nuôi cá rô phi
giống. Một hồ nuôi cá con, một hồ nuôi cá lớn. Chung quanh hồ có bờ đê cao,
trồng dương liễu cách khoảng rất đều. Những buổi chiều tắt nắng, bọn nhóc chúng
tôi thường lên bờ hồ hóng gió, nhìn những thuyền câu qua lại trên cửa sông Hà
Thanh đoạn chảy vào đầm Thị Nại. Nhưng bây giờ đang trưa, trời nắng chói chang.
Hồ cá mới xây chừng một năm nên hàng dương liễu chưa đủ lớn để cho bóng mát.
Bọn tôi núp sau những sào lưới đang phơi của một ngư dân có nhà gần hồ. Anh
chàng L. diện bộ đồ “kẻng” nhất, đang đội nắng đi qua lại trên bờ đê, chốc chốc
lại ngóng nhìn theo con con đường đất từ đại lộ Gia Long đi ra. Ý chừng L. đang
mong thấy Thu với chiếc xe đạp quen thuộc, vì biết rằng muốn đến hồ cá phi, Thu
từ nhà phải đi qua con đường này. Suốt gần hai giờ phơi nắng, đã gần giờ học
buổi chiều, biết Thu không thể đến, L. bực tức vói tay bức một nắm lá dương
liễu ném xuống mặt hồ rồi lững thững về nhà. Sau khi nghe Tuấn kể đầu đuôi câu
chuyện, bọn chúng tôi được một trận cười vỡ bụng. Bỗng Tú nắm áo Tuấn nói:
- Nó mà biết ông bày trò này, chắc nó đâm ông
luôn !
- Sao biết được ?
- Khi đi học trở lại, nó sẽ hỏi Thu là biết liền
chứ gì. Không phải ông thì ai vào đây ?
Hôm sau, Tuấn âm thầm dời chỗ trọ xuống Khu II.
Hai năm sau, tôi cũng rời khỏi xóm chài. Nhà trọ
mới ở số 11 đường Đào Duy Từ, một con đường ngang nối liền đường Gia Long và
Bạch Đằng. Tôi trọ chung với một lô nhiều bạn cùng lớp và khác lớp. Ngoài ra
còn một số bạn láng giềng có nhà riêng trên con đường Đào Duy Từ ngắn ngủn ấy.
Nhà số 11 nằm gần sát đường Bạch Đằng. Cạnh nhà là bãi đất trống, có một cây
bàng cổ thụ cành lá sum sê. Góc đường bên dãy số chẵn là Chùa Ông của người
Hoa. Nhiều nhà dân hai bên phố không có giếng nước, hầu hết đều dùng chung một
cái giếng ở Chùa này. Nằm trên đường Bạch Đằng, từ góc đường Đào Duy Từ đi về
hướng Bến Xe, một ngôi biệt thự hai tầng, sơn trắng, là trụ sở của Ty Công An
Tỉnh.
Mỗi chiều, bọn chúng tôi thường đem banh ra đá ở
bãi đất trống, dưới bóng cây bàng cổ thụ ở góc đường. Một hôm, Tôn Thất Long
quất một cú thật mạnh, trái banh bay vèo táng vào đầu một ông đang đi xe đạp
trên đường Bạch Đằng từ hướng Ty Công An đi tới. Chiếc mũ nĩ của ông bay lên và
kính đen của ông rơi xuống. Bọn nhóc chúng tôi hoảng sợ, chạy trốn vào các ngõ
hẻm. Nơi đây có nhiều con hẻm mà chúng tôi rất quen thuộc. Người bị trái banh
vào đầu là ông Hùng, một nhân viên của Ty Công An. Hằng ngày đi làm việc, ông
thường đi qua đây nên chúng tôi quen mặt. Ông có bộ râu mép đậm giống Staline,
lúc nào cũng mũ nĩ, kính đen và đi chiếc xe đạp “cuộc”. Ông Hùng gát xe vào lề
đường, dáo dác tìm chúng tôi. Ông Hùng chụp vội trái banh ném mạnh xuống đầm
Thị Nại, rồi lên xe đi. Chúng tôi tưởng chuyện con nít lỡ dại được ông Hùng bỏ
qua như thế là xong. Không ngờ ông vẫn để tâm trả thù chúng tôi.
Nhà trọ của chúng tôi thuộc diện “hai không”.
Không có giếng nước và không có nhà vệ sinh ! Nhiều nhà ở dãy phố này, vào
những năm đó, đều như thế. Chủ nhà trọ thuê người gánh nước giếng từ Chùa Ông
về nên cho dùng rất hạn chế. Vấn đề vệ sinh thì mạnh ai tự lo lấy. Nhà vệ sinh
công cộng của chúng tôi rất xa. Khi thủy triều lên, chúng tôi phải đi xuống tận
Cầu Đá ở Khu I. Lúc thủy triều xuống, chúng tôi núp dọc bờ đầm Thị Nại. Bờ đầm
cao nên từ trên mặt đường, không ai nhìn thấy người ngồi ở mé nước. Một sáng
tinh mơ, chúng tôi gồm sáu thằng toàn là dân Cường Đễ vừa từ mé nước trèo lên
thì bị ngay ông Hùng chắn lối, bắt chúng tôi dẫn về ty Công An. Ông Hùng hỏi
giấy tờ (Thẻ Học Sinh), không thằng nào có. Ai mà mang Thẻ Học Sinh để đi làm
công việc này. Thế là ông nhốt chúng tôi vào một phòng rộng, không có bàn ghế
gì cả. Một lúc sau, nhìn ra cửa sổ, chúng tôi thấy thầy Võ Ái Ngự lững thững đi
vào. Thầy đến bên cửa sổ, hỏi chúng tôi tự sự. Sau khi nghe chúng tôi trình
bày, Thầy cười :
- “Moi”(tiếng Pháp) đang tập thể dục trong sân
Chùa, thấy ông Hùng bắt các em về đồn, tưởng các em rải truyền đơn hay phạm
chuyện gì quan trong. Ai ngờ chỉ là chuyện “bá láp”. Thế là Thầy đi tìm ông
Hùng để xin thả chúng tôi ra.
Thầy Võ Ái Ngự và thầy Giám Thị Lê Quang Chiếm
cùng thuê phòng trọ trong Chùa Ông. Thầy Ngự rất vui tính. Thầy hăng say sinh
hoạt Hướng Đạo mỗi cuối tuần. Thầy sống hòa đồng và đối xử với học trò gần
giống như bạn bè. Từ ngày có Thầy ở cùng xóm, tôi thường lân la qua bên Chùa để
nhờ thầy chỉ giúp môn Pháp Văn. Dân “củ mì” ở vùng Việt Minh như tôi làm sao có
vốn ngọai ngữ bằng các bạn từ các tỉnh, thành khác; họ đã học Pháp Văn từ năm
lớp Nhì. (Cho đến niên khóa 59-60, Bộ Giáo Dục mới ra Nghị Định bỏ dạy Pháp Văn
ở bậc Tiểu Học). Thầy Ngự lúc nào chỉ bài cho tôi cũng vui vẻ và tận tình. Được
trớn, tôi còn đánh bạo nhờ thầy gà cho những câu tiếng Pháp bóng bẩy để tôi
viết thơ cho bạn gái. Hồi đó, bọn nhóc chúng tôi đang có phong trào gọi là
“Correspondance” rất được Thầy Chương dạy Pháp Văn khuyến khích. Mỗi người tự
tìm một bạn người Pháp (ở Pháp) cùng trang lứa để viết thư cho nhau. Thầy
Chương bảo đó là cách học tiếng Pháp mau tiến bộ nhất. Tôi được Lê Xuân Tâm
“chia cho” một cô bạn tên Danielle ở Portier, một tỉnh thuộc Miền Nam nước Pháp.
Thế là vài tháng một lần, tôi phải nhịn tiêu vặt để có tiền mua tem gởi thư cho
nàng. Chúng tôi thấy Thầy Ngự là một trí thức dễ mến và dễ gần gũi. Vậy mà
trong tình trường, thầy luôn gặp lận đận. Lũ chúng tôi đều biết Thầy đang si
tình cô “Sen Trắng”, một nữ sinh lớp Đệ Lục. Sen Trắng nổi danh khi đóng vai
Trưng Trắc trong buổi lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng vào năm đó. Hình Sen Trắng trong
vai Bà Trưng được phóng lớn, chưng ở trước tiệm ảnh Bác Ái. Nhưng cuộc tình của
Thầy bị trắc trở, không thành công như Thầy Oai, Thầy Phương, Thầy Tế… Đến năm
1961, Thầy thành hôn vói cô Trinh, một nữ sinh trường Trung Học Bồ Đề.
“Anh hùng cứu mỹ nhân” (tên của một truyện phim Ấn Độ đang chiếu ở rạp Tân Châu dạo đó) là biệt danh mà tôi đặt cho Cảnh. Theo lời kể của Cảnh thì câu chuyện anh chàng ra tay nghĩa hiệp cứu mỹ nhân như sau: Một chiều tan lớp, Cảnh ra về thì thấy chiếc xe đạp của mình bị “tên phá hoại” nào đó đã xì hơi, cả hai bánh đều xẹp lép. Cảnh vội chạy đến nhà bác Cai Liệu mượn chiếc bơm. Bơm xong Cảnh mang ống bơm đi trả, chợt thấy có một nữ sinh mặc áo dài trắng đứng dựa sát vào tường, tít tận trên dãy lợp ngói. Khu trường Cường Đễ cũ hồi đó gồm ba dãy nhà. Dãy lợp tranh có ba phòng, dãy lợp tôle có năm phòng và dãy lợp ngói xa tít về phía sau có bốn phòng. Sân trường vắng hoe, không biết người hay ma đứng đó. Cảnh nổi tính tò mò, quay xe đến gần. Té ra là P. lớp Ngũ 2. Cô nàng lấy tập vở che mặt. Cảnh hỏi:
- Sao không về mà đứng đây ? - Cô nàng lắc đầu.
- Bị bịnh hã ? Hay bị mất đồ rồi không dám về
nhà ? - Cô cũng lắc đầu.
- À, biết rồi ! Chờ kép phải không ? - Bỗng cô
nàng lấy quyển vở che mặt ra, hỏi Cảnh:
- Ông chở tôi về nhà được không?
- Được chứ ! Nhà ở đâu ?
- Tiệm “Thuốc Rê” đường Gia Long.
P. tính lấy quyển vở của Cảnh trên “pọt-ba-ga”
để vén áo ngồi lên, nhưng Cảnh đè tay lên vở bảo:
- Cứ để thế ngồi cho êm, lấy làm gì !
Trên đường đi, Cảnh hỏi lý do tan trường lâu rồi
sao cứ đứng trầm tư, dựa tường không chịu về. P nói nhỏ :
- Tui nói nhưng ông đừng thuật lại với ai nghe.
Thường thì cả tuần nữa mới đến ngày, ai biết hôm nay nó đến sớm vậy ! Tôi đâu
có chuẩn bị. “Đồ phụ tùng” thì trong cặp lúc nào cũng sẵn, nhưng chiều nay vì
chỉ có hai giờ chót Pháp Văn của Thầy Mẫn nên tui không mang cặp theo. Xui thế
mới bị ông bắt gặp nè !
- Vậy P tính đứng đó tới bao giờ ?
- Tui mặc toàn đồ trắng mỏng, nổi quá, nên tính
chờ trời tối thêm chút, không ai thấy, sẽ đi về. Nhưng sân trường rộng, vắng,
sợ ma quá, nên nhờ ông tý, đừng kể với ai nha !
Về nhà, Cảnh kéo sợi thun nơi “pọt-ba-ga” để lấy
tập vở, bỗng Cảnh giựt mình, nói lẩm bẩm:
- Thôi rồi ! Nó “đóng dấu” lên vở rồi ! Kiểu này
phải bỏ công chép sang quyển mới chứ còn học hành gì được. Xui lắm !
Trong đám bạn, đã nghe có tiếng đồn anh kia với
chị nọ, thằng nớ với con ni… nhưng hầu hết là những tin thất thiệt. Qui Nhơn
vào thời kỳ này trơ trọi đến xác xơ. Thành phố không có công viên, không một
ghế đá, dẫu có “tóc vàng sợi nhỏ” (thơ Cung Trầm Tưởng) cũng không có chỗ để
hong tóc với thi nhân. Phần nhiều chỉ là những mối tình câm, tình đơn phương,
tình một chiều, thảng hoặc, cũng có vài vụ xảy ra đình đám, nhiều người biết.
Nhưng hiếm.
Hồi đó, chúng tôi chỉ biết học và vui chơi những
trò lành mạnh. Không gian mà bọn nhóc chúng tôi có thể len lén và bóng gió gởi
chút tâm tình là trên những trang “lưu bút”mỗi độ hè về.
Lê Phước An - (20 - 5 - 2014)
____________________________________________
Trường trung học cấp III? Thập niên 50 của thế kỷ trước có tên như vậy sao?
ReplyDeleteKính thưa Anonymous,
ReplyDeleteChúng tôi đã hỏi tác giả Lê Phước An và được giải thích như sau :
Thời Việt Minh, hệ thống giáo dục theo hệ 10 năm được chia ra thế này :
- Tiểu Học Cấp I (gồm các lớp 1 - 2 - 3 - 4)
- Trung Học Cấp II (gồm các lớp 5 - 6 - 7)
- Trung Học Cấp III (gồm các lớp 8 - 9 - 10)
* Vào thời đó, Trung Học Cấp III An Nhơn chỉ có lớp 8 mà thôi; tiếp đó thì ra Khu IV (Thanh - Nghệ - Tĩnh) theo học lớp 9 - 10.
Cám ơn Anonymous đã đặt câu hỏi.