Monday, June 16, 2014

Giọt nước có biết mình là sông…

by Đặng Mỹ Hạnh 

 



Một người bạn về căn trạm cuối đời – tôi lỡ làng một lời chào tạm biệt. Cảm giác trở thành nỗi ám ảnh… Nên với Anh, dù là một cú phone giữa khuya, tôi vẫn tìm đến thăm. Đã có lúc, với tôi, sự cô độc trong căn phòng bệnh viện kéo tôi lùi về với thở than; và  khi những cơn mê vồ chập, tôi hốt hoảng thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết…


Tôi ngồi mé giường bịnh, hỏi đùa, “Anh sợ không?”
“Ủa, sợ chi?!” cái bộ tịch ra vẻ ngớ ngẩn của Anh làm tôi bật cười.
“Biết trước chết, tui còn dám ra trước tòa đại sứ Trung Quốc tự thiêu.” Anh tiếp câu bằng tràng cười hắc hắc.
“Tụi này sẽ ủng hộ tiền xăng.” Sau cái nháy mắt với Anh, tôi chợt nghe u uẩn. Mỗi ngày sống tới, tôi cảm nhận cuộc đời chẳng tiềm ẩn điều gì mới lạ. Đời người – giữa tồn tại và hư vô, mấy mươi năm sống, hoá ra chỉ là cái chớp mắt nối ta với trời!
Mấy anh em lại chụm nhau chụp hình trên cái giường bịnh. “Đầu tóc tui nhìn có okie không?” Anh vô tư đưa tay vuốt lại mấy cọng tóc xơ xác.
“Man! bịnh mà vẫn muốn bảo tồn sắc đẹp!” Tôi đáp trả nhưng ráng nhịn cười, làm mặt nghiêm nhìn vô cái cell đang chớp chớp từ tay phó nháy Andy.
Xong mấy pose hình. Anh tự phấn chấn bằng câu phát biểu đến thừa … tự tin, “Tôi cần phải bị ‘shock’ để bớt đi lạc quan. Phải tập nghiêm và buồn.”
Luôn là vậy, tôi quen với cái thói cà rỡn từ Anh, mà cũng chẳng làm ai phật lòng. Cuộc Đời là một khái niệm trừu tượng, khó định nghĩa cụ thể. Và nếu hiểu theo chiết tự thì “cuộc” là “sự việc có nhiều thành phần, diễn theo một quá trình nhất định”. Và “đời” là “một khoảng thời gian sống của một sinh vật.” Tôi hiếm khi thấy Anh nặng nề với cuộc đời. Cái gì cũng “Kệ”, cả với sự tắt thở! Nói như triết gia Hy Lạp Epicure là nhìn cái chết theo một chiều hướng rất… lạnh lùng: “khi chúng ta sống, cái chết vắng mặt, và khi chết là ta không còn sống nữa”, vậy thì chẳng có gì phải lo lắng và suy nghĩ, thật đơn giản. Còn triết gia Socrates thì vừa bình thản uống chén thuốc độc trong lúc tranh luận về tính bất tử của linh hồn. Tôi thì đồng cảm với Albert Camus vì, “sự sống là giá trị của mọi giá trị”, nên có bằng mọi giá con người vẫn níu kéo sự sống.

Tôi chẳng hề nhầm lẫn giữa khổ đau và hạnh phúc, hiếm ai trưởng thành bằng một trái tim lành lặn. Yêu mến đời sống, với tôi chẳng là điều dễ dàng, nhưng cũng để sống và thả trôi đi những tị hiềm. Và nếu nhìn vào những bất tất  của đời sống thì chẳng có gì đáng sống, nhưng nếu chết để mà chết thì chẳng bao giờ là sự giải thoát.
Anh xoa cái bụng, phàn nàn rằng nó tự ái cứ ứ phình suốt vài tuần. Một người bạn ngồi gần, liền diễn thuyết liên tu về công dụng của thuốc Fucoidan có thể, “diệt tế bào ung thư, và phụ trợ sinh lực…”, vân và vân… Tôi chỉ cho anh một phương thuốc nam:
“Anh về chỉ cần bắt con gà trống tơ, cho đứng trên cái chảo nóng đang trên bếp lò. Bị nóng, máu sẽ dồn xuống cặp chân gà, tất cả tinh túy máu huyết của con gà lúc đó đều dồn xuống cặp giò, rồi chỉ chặt lấy cẳng gà đem hầm ăn là hết bịnh. Rất hiệu nghiệm.”
“Rồi cái mình con gà thì làm gì?” Anh ngớ mắt.
“Thì… đưa cho tui!” Tôi đáp tỉnh queo.
Tôi rảo mắt quanh phòng, lỉnh khỉnh mấy cái giỏ quà, biết Anh chẳng đơn độc tình cảm gia đình. Một người đầy thiện chí với cuộc sống như Anh, luôn được đáp trả bằng sự yêu thương ưu ái. Cặp mắt tôi vô tình rớt xuống cặp vớ vàng đến choé con ngươi. Anh luôn làm tôi nực cười dù chỉ là những lý do rất ngớ ngẩn. Tôi nhắc khéo, “một chiếc vớ đang thất lạc khổ chủ kìa”.  Anh phản ứng bằng một cái giựt phắt, rồi quăng đại trên giường, “Kệ, cởi luôn cha cho rồi, khỏi mất công kiếm chiếc kia chi cho mệt.” Tôi bật cười, chợt thèm được cái bản tính lè phè như Anh.
Tôi đến thăm một người bạn đang gối tay nằm bịnh. Tôi không đếm những gì đã mất, chỉ đang quý trọng những gì đang có. Dù chỉ là những trấn an và ao ước lạc quan cho sự thách đố của một định mệnh; nhưng tôi tin Anh là một chiến hữu dũng cảm với sinh mệnh. Trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm, biopsy…, trên điện thoại anh vẫn lạc quan. “Tôi thà trúng số hơn bị ung thư”, “Khi nào thiên hạ ung thư hết mới tới tôi”. Cả khi đã biết là bướu ác tính, giọng anh vẫn chẳng ỉu xìu. “Chiều Thứ Bảy tụi này kéo lên anh đó, anh có đủ sức tiếp khách không?” “Thì cứ lên có sao đâu”. Tôi cà rỡn: “Anh nấu gì đãi, phở hay bò kho?” Anh cười vang trong điện thoại.

Chiều xám cả khoảng hồ mênh mang. Chiều bên hồ sau hiên nhà Anh, bọn tôi ngồi cùng Anh trên chiếc  bàn nhìn ra hồ. Ưu tư đã bắt đầu làm mắt anh có lúc không còn rựng cười. Anh đã ý thức một cuộc chiến sanh tử. Rượu và thức ăn mang tới chỉ để bọn tôi tự dùng với nhau. Anh đã nhất định cữ thịt, bỏ thuốc lá. Anh thực sự đã bước vào cuộc chiến với cả bản thân mình. Cuộc đời là cuộc chiến đấu dai dẳng để sinh tồn, để mưu cầu hạnh phúc… Trong anh, còn cả những cống hiến cho đất nước… như đã từng và còn đầy nhiệt huyết.
Tôi vẫn sợ những ra đi, những tiễn biệt… Tháng Ba, mưa vẫn giăng đầy mặt hồ, gió thốc lạnh. Rượu đỏ làm tím môi, tím lòng. Dời bàn vào trong nhà, không gian hẹp, hơi ấm dễ truyền cho nhau. Những quần quây ấm áp tình bằng hữu chẳng chỉ những lúc vui, phải không Anh? “Giọt nước có biết mình là sông?” Anh hát trong làn hơi không đủ mạnh để chia vơi với bạn bè những lo âu dần nhiều trong anh. Không! giọt nước sẽ chẳng biết mình là sông chỉ khi rơi lẻ loi giữa thinh không và tan tác giữa vô cùng hiu quạnh.
Tôi vẫn đứng nhìn ra mặt hồ xám. Mưa như thốc vào mặt những giọt thấu buốt. Tôi muốn mình được 


Cùng Anh Nxp, chiều bên hồ  sau hiên nhà

ĐMH  (www.hanhphoto.com)


_________________________________________________

No comments:

Post a Comment