Tác Giả:Tom Huỳnh, J.D.
Tom Huỳnh, J.D. |
Tính đến nay, chỉ cần nhìn vào những mẩu rao vặt tìm thợ Nail tràn ngập trên các báo Việt ngữ khắp Hoa Kỳ, người ta sẽ thấy ngay việc bao lương cho thợ đã trở nên rất phổ biến trong nghề Nail của người Việt tại đây. Và dưới cái nhìn của rất nhiều người, bao lương là việc rất bình thường chứ có gì lạ đâu? Rồi có lẽ cũng vì vậy mà hầu hết chủ tiệm Nail người Việt khắp nơi trên nước Mỹ lâu nay vẫn cứ bao lương cho thợ một cách rất là vô tư, chứ ít có ai hiểu rằng phương thức bao lương có thể dẫn đến sự vi phạm các quy định của luật lao động liên bang và tiểu bang, và sẽ khiến chủ tiệm bị phạt rất nặng. Hơn thế nữa, hầu hết những chủ tiệm bao lương cho thợ và may mắn chưa gặp rắc rối với luật pháp, hẳn cũng không biết rằng việc bao lương chính là nguyên nhân dẫn đến những vụ thợ Nail khiếu nại và kiện cáo chủ tiệm, đã và đang xảy ra tại nhiều nơi ở Mỹ trong thời gian gần đây.
Những điều cần biết trong việc bao lương cho thợ Nail
Trong vấn đề thuế vụ và luật lệ lao động, người thợ Nail tại Hoa Kỳ tùy vào mỗi trường hợp cá biệt, có thể được chủ tiệm xếp vào dạng “employee” (là nhân viên của chủ tiệm), hoặc “independent contractor,” (là người tự doanh độc lập). Nếu thợ là “employee,” chủ tiệm sẽ phải bị ràng buộc bởi các quy định rất phức tạp của luật thuế vụ và luật lao động. Trái lại, nếu người thợ là “independent contractor” thì chủ tiệm sẽ không cần phải tuân theo các luật lệ áp dụng cho “employee.” Tuy nhiên, chủ tiệm xếp loại thợ Nail là “independent contractor” mà không chứng minh được tính độc lập của người thợ khi bị kiểm toán hay kiểm tra của các cơ quan lao động và thuế vụ, hoặc khi bị thợ Nail khiếu nại hay thưa kiện, thì sẽ bị phạt rất nặng.
Luật lao động đang áp dụng tại các tiểu bang Hoa Kỳ phát xuất từ đạo luật Tiêu Chuẩn Lao Động Công Bằng FLSA (Fair Labor Standards Act) của chánh phủ liên bang ra đời từ năm 1938, và có những quy định rất khắt khe liên quan đến vấn đề lương bổng của người “employee.” Theo luật lao động hiện hành ở Mỹ, người thợ Nail là “employee” sẽ không thuộc vào diện miễn trừ (exempt employee) để chủ có thể trả lương khoán cố định (salary basis). Vì vậy, thợ Nail là “employee” phải được hưởng mức lương tối thiểu (minimum wage), và lương giờ phụ trội (overtime pay) khi làm việc trên 40 giờ trong khung thời gian một tuần lễ, bất kể là được trả lương theo giờ hay theo lối chia huê hồng (commission). Luật lao động cũng đòi hỏi chủ tiệm Nail phải lưu giữ hồ sơ cá nhân (recordkeeping requirements) của “employee,” trong đó phải gồm có cách thức tính lương, số giờ mà người đó đã làm việc hàng ngày và hàng tuần, tổng số lương được trả cho thời gian đã làm việc, v.v… Và quan trọng hơn hết là trong mỗi kỳ trả lương, chủ tiệm phải kèm theo bản chiết tính ghi rõ các khoản khấu trừ cùng với mức lương và số giờ mà “employee” đã làm việc trong khoảng thời gian của kỳ lương đó.
Với những quy định của luật lao động như vừa tóm lược trên đây, chủ tiệm có thợ là “employee” nếu muốn bao lương cho thợ thì mỗi khi trả lương cũng vẫn phải cung cấp bảng chiết tính ghi rõ số giờ mà người thợ đã làm việc. Nhưng điều quan trọng hơn hết là số lương “bao” cho người thợ đem ra chia với tổng số giờ mà thợ đã làm việc, bắt buộc phải bằng hoặc hơn mức luơng giờ quy định bởi tiểu bang hay thành phố nơi có tiệm Nail, cộng với lương giờ phụ trội, nếu có. Nói cách đơn giản, người thợ Nail nếu là “employee” thì dầu chủ tiệm có bao lương hay không, cũng phải được hưởng lương theo đúng mức quy định của luật lao động tính theo số giờ đã làm việc. Và do quy định này của luật lao động, những chủ tiệm có thói quen trả một phần lương bằng tiền mặt theo đòi hỏi của thợ Nail, sẽ dễ dàng gặp rắc rối trong những vụ kiểm tra của cơ quan lao động, và cũng lâm vào thế kẹt khi bị thợ Nail khiếu nại hay thưa kiện.
Bao lương cho thợ không hẳn chỉ là việc rất phức tạp cho các chủ tiệm Nail có thợ là “employee.” Đối với chủ tiệm xếp loại người thợ làm trong tiệm là “independent contractor,” mặc dầu không bị chi phối bởi các luật lệ lao động và thuế vụ, nhưng nếu bao lương thì rõ ràng là đã kiểm soát tài chánh và giờ giấc làm việc của người thợ, vì vậy người thợ sẽ là “employee” của chủ chứ không thể nào là người tự doanh độc lập. Chủ tiệm trong trường hợp đó nếu bị kiểm tra hoặc kiểm toán bởi các cơ quan lao động hay thuế vụ thì sẽ bị phạt vì đã phân loại thợ Nail trái phép, cũng như có thể bị thợ khiếu nại hoặc thưa kiện vì phạm luật lao động.
Tại California vào đầu mùa Hè 2013 vừa qua, hệ thống Natalie Salon do người Việt làm chủ điều hành 5 tiệm Nail tại các thành phố quanh vùng Vịnh San Francisco, đã phải chấp nhận trả $750,000 để dàn xếp một vụ kiện tập thể của khoảng hơn 120 thợ Nail, mà hầu hết cũng là người Việt. Một trong những lý do chính yếu khiến Natalie Salon bị kiện là vì đã bao lương mỗi ngày cho thợ Nail mà không có bảng chiết tính số giờ và mức lương, dẫn đến việc vi phạm các quy định về vấn đề lương bổng của luật lao động.
Vào Tháng Tư năm 2012, sau khi bị kiểm tra và truy tố bởi Bộ Lao Động liên bang, chủ nhân tiệm Nail Cindy’s Total Care tại tiểu bang New York đã bị tòa án buộc phải bồi thường $235,920 cho 32 thợ Nail vì phạm các quy định về lương bổng của luật lao động FLSA. Theo đơn kiện của Bộ Lao Động, các thợ Nail này đã làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần và được Cindy’s Total Care bao lương hàng ngày, không lưu giữ hồ sơ ghi lại số giờ làm việc và mức lương của thợ Nail. Điều đáng lưu ý rằng số thợ Nail được bồi thường trong vụ này là những người không có phép đi làm ở Mỹ, vì luật FLSA bảo vệ cho tất cả mọi người làm việc tại đây, bất luận tình trạng di trú.
Tóm lại, giới chủ tiệm Nail người Việt tại Hoa Kỳ quả thật đang cùng lúc phải đối đầu với nhiều vấn đề pháp lý mà trước đây chưa từng thấy xảy ra. Ngoài việc bị phạt vạ qua những đợt kiểm tra của các cơ quan lao động và thuế vụ đang diễn ra khắp nơi trên nước Mỹ, nhiều chủ tiệm còn bị thợ Nail khi có chuyện bất hòa đã khiếu nại với cơ quan lao động hay kiện chủ ra tòa để đòi bồi thường, mà nguyên cớ của những vụ khiếu nại và kiện cáo này hầu hết cũng là do việc bao lương cho thợ Nail không đúng luật lao động.
Thật ra thì luật lao động Hoa Kỳ đã có từ rất lâu rồi, nhưng hầu hết các chủ tiệm Nail người Việt trong suốt mấy chục năm qua vì may mắn làm ăn suôn sẻ nên rất chủ quan và chỉ biết lo kiếm tiền, chẳng mấy ai quan tâm tìm hiểu luật lệ. Trong tình hình hiện nay, đã đến lúc mà giới chủ tiệm Nail nếu muốn tồn tại thì cần phải hiểu rõ các quy định của luật lao động trong vấn đề lương bổng của thợ Nail, để từ đó có sự chuẩn bị đầy đủ hầu tránh bị phạt vạ trong những vụ kiểm tra hoặc kiểm toán của các cơ quan lao động và thuế vụ. Và hơn thế nữa, sự hiểu biết rõ ràng về luật lệ cũng sẽ giúp chủ tiệm biết cách ngăn ngừa và đối phó những vụ khiếu nại hoặc thưa kiện của thợ Nail mà chắc chắn sẽ còn tiếp tục xảy ra rất nhiều trong thời gian sắp đến.
Nguồn:baotreonline
No comments:
Post a Comment