Friday, May 2, 2014

ĐÊM CHỜ SÁNG

Cẩm Tú Cầu


.           
Bầu trời đêm không trăng, không sao, Pleiku hơi se lạnh. Một buổi tối thời tiết thật tuyệt vời, gió mơn man làn da cho ta một cảm giác dễ chịu, êm ái. Chúng tôi ra phi trường đón vợ chồng chú Chương, cô Kim Hương từ Đà Nẳng vào chơi thăm chúng
tôi Đôi bạn nhỏ tuổi hơn chúng tôi rất nhiều nhưng mà rất hợp với nhau. Cô chú nghỉ lại nhà tôi một đêm, mai sáng đi điểm tâm, uống cafe và lên đường, chúng tôi đi Ban mê Thuột Trên đường đi có những rừng cao su bạc ngàn, đang thay lá, cây nào cũng một màu xanh non, mơn mởn, rừng này tiếp nối rừng kia, lá xanh, rồi lại lá xanh đang đong đưa trong gió sớm. Thỉnh thoảng có những rẫy cafe, chạy dài xa tít tắp, tận chân đồi. Mùa này, là mùa xuân cafe đang cho hoa, những đồi hoa trắng xoá, uốn lượn, nhấp nhô trên các dãy đồi, toả ngát hương thơm, một múi thơm hăng hắc, dễ mê hoặc lòng người. nhìn xa xa như những tấm thảm hoa trắng điểm xuyết lá xanh. đẹp đến nao lòng.

   Qua những thị trấn dầy bụi bặm vì công nhân đang làm đường. Mãi đến trưa chúng tôi mới đến Ban Mê Thuột, một thành phố trẻ nhưng rất sầm uất, những con đường đôi rộng thênh thang, phố xá tấp nập người qua lại, đông vui. Chúng tôi ghé lại một quán ăn cơm trưa, rồi hỏi thăm đường vào Bản Đôn, một điểm du lịch của cao nguyên, được biết Bản Đôn cách thành phố Ban Mê Thuột 40 cây số, đi về phía tây Bắc, là một nơi du lịch, còn hoang  sơ, còn những cánh rừng bạc ngàn u tịch.

   Một con đường ít xe, ít người    qua lại, chạy vào rừng sâu, hai bên đường rất ít  rừng cao su và rẩy cafe, nhưng lại rất nhiều ruộng lúa, lúa chín vàng dưới nắng chiều, có đám đã gặt xong còn trơ gốc rạ, nhìn cảnh, những người nông dân đang làm ruộng, những bông lúa nặng trỉu hạt, thơm mùi lúa mới, được người ta đưa nhẹ lưởi hái, gặt, rồi xếp lại thành đống, những động tác dịu dàng, thuần nhuyển của các cô thôn nữ gặt lúa, lấp loáng dưới nắng chiều, trên cao, bầu trời xanh lơ, mây trăng trôi lơ lửng, nhìn xa xa như một bức tranh quê, sống động, khi buổi chiều về, nơi thôn dã, xa hơn nữa là những hàng tre xanh e ấp dưới nắng vàng.
   Xe chạy mãi rồi cũng đến nơi.
   Đây rồi Bản Đôn.....

Trước mắt tôi vỡ oà một khung cảnh, rừng núi bao la, có khúc sông không có nước, vì bị ngăn đập thuỷ điện, Trước đây nước lên đến bờ và chảy ầm ào như một con thát lớn. Giờ đây đáy sông toàn đá lởm chởm, có chiếc cầu treo dài bắc qua con sông Sêrẻpôk, xa xa nơi ngả ba sông, có nước, đá nổi lên giữa sông như những hòn non bộ rất đẹp, như được bàn tay của con người chăm tỉa. Rừng cây bao phủ, một màu xanh xanh, chúng tôi đến nơi trong buổi chiều vàng, khoảng bốn giờ,  những tia nắng sắp cuối ngày, đang khoe sắc, mặt trời đang núp dưới những ngọn cây, nước và ráng chiều, hoà quện cùng nhau trên mặt sông im ắng, bằng phẳng, lặng lờ, màu ráng chiều, màu nước ánh lên, lấp lánh sắc vàng đỏ thắm,  rừng cây cho ta một cảm giác chìm lắng buâng khuâng, tâm hồn thanh thản, không còn vướng bận những trăn trở của cuộc đời, những xô bồ, vật chất nhỏ nhen trong cuộc sống.

   Tôi đi quanh một vòng, bên phải,  một dày nhà dài lợp tranh, vách làm bằng tre nứa, phần dưới nhỏ hơn phần trên, đối diện dãy nhà dài là hai nhà ăn hình tròn, cũng lợp bằng tranh, bàn ghế ngổn ngang, để phục vụ du khách, những món ẩm thực, đặc sản vùng rừng núi cao nguyên. Có những nhà sàn đơn lẻ rải rác, được người ta thiết kế dưới nhỏ, phần trên lớn, đó là những khách sạn của Bản Đôn, để đón những du khách dừng chân qua đêm, khi cần thiết. Quanh bờ sông còn có những cái chòi tranh nhỏ, sạch sẽ để du khách nghỉ chân hoặc các gia đình đi picnic. gần nhà ăn có một quầy hàng, bán đồ lưu niệm

    Bây giờ thì rừng chiều đã ngả bóng nhạt nhoà, chim đang bay về tổ, trong buổi hoàng hôn, từng đàn, từng đàn gọi nhau ríu rít trên các cành cây, ngọn gió nào mang mùi lan rừng thoảng nhanh vào mủi tôi, bất chợt tôi nhìn lên, trên cao xa tít những cụm lan đang khoe sắc tím, một màu tím biêng biếc, buồn buồn, những chuổi hoa đang đong đưa trong gió chiều, toả hương thơm dịu nhẹ, Chúng tôi ngồi trên những xích đu bằng gỗ, ngắm hoàng hôn về trên vùng núi hoang sơ, đã cho tôi nhiều cám giác lắng sâu vời vợi.
   Vợ chồng chú Chương, ngồi bên nhau im lặng, ngắm rừng chiều, tâm hồn như đang gửi về nơi nào xa lắc.......mù khơi.
  Tối hôm ấy chúng tôi đã thưởng thức món gà nướng là bưởi,( loại gà nhỏ của người M Nông nuôi ) chấm với muối ớt rừng và cơm lam muối sả ( loại cơm được nấu bằng ống tre, rồi đem nướng vào lửa, một loại gạo của người dân tộc rất dẻo mềm ). Chúng tôi ăn rất ngon miệng.

    Bóng tối xuống rất nhanh.  Buổi đêm về, đám côn trùng bắt đầu tấu bản nhạc  ngàn năm, tôi nhìn ra ngoài chỉ thấy một màu đen thẩm, đêm lạnh và không trăng sao. Chú Chương và cô Kim Hương  ngồi lại rất khuya, như để thưởng thức cái cảm giác, mơ mộng ngọt ngào giữa rừng đêm, Còn tôi, tôi nhắm mắt lại, nghe đâu đây rạt rào bài hát mơ hồ, của lá cây và chim chóc đang  thủ thỉ cùng nhau bên tổ ấm. Tôi vụt nghĩ, hôm nay là hai mươi tháng giêng, sẽ có trăng muộn, tôi đi ngủ sớm, với hy vọng sẽ dậy lúc nửa đêm để ngắm trăng lên, trên vùng núi đồi hoang vu giữa đêm lạnh, Tôi bước đi trên lối nhỏ, có những miếng xi măng đúc hình thân cây, tôi bước e dè sợ dẩm lên những chiếc lá khô, làm nó vỡ vụn.



    Tôi ngủ một giấc đến mười hai giờ rưởi, tôi thức giấc, nằm nghe tiếng dế kêu rả rích, rồi tiếng ếch nhái , tiếng Thạch Sùng chắc lưởi rõ mùng một, rồi tiếng gió ngân  nga, rừng cây xào xạc trong đêm vắng, tôi muốn ra khỏi chòi để ngắm trăng, để thưởng thức vẻ đẹp của nơi hoang dã về đêm, không có ánh  điện, nhưng có một cái gì vô hình như níu chân tôi, một nỗi sợ vu vơ, tôi không dám mở cửa  bước ra, tôi nhìn qua kẻ hở, tôi biết ánh trăng bị mây che khuất, đang trãi xuống trần gian một thứ ánh sáng mờ ảo, mông lung, một thứ ánh sáng huyền dịu vô cùng. Tôi thao thức với bao ý nghĩ, với bao suy tưởng, đêm như thì thầm cùng tôi, tôi như nghe được tiếng lá rơi nhẹ, rất nhẹ và tiếng gió cuốn lá khô. Tôi nghĩ đến những năm tháng xa xưa, người dân tộc họ không có chăn ấm, đêm về họ chỉ đốt một đống lửa, rồi nằm sáp lớp xung quanh, chân hướng về đống lửa, những đêm buồn sơn cước, với ánh lửa bập bùng. Tôi thao thức, chờ đợi ánh bình minh lên với bao nỗi thiết tha của đêm dài, đợi chờ, đợi chờ trong nỗi khoắc khoải lo âu, giữa đêm hoang vắng, thỉnh thoảng có tiếng cho sủa xa xa vọng lại, giờ này tất cả mọi người đều ngủ yên, một mình tôi thức với đêm sâu, với bao ý nghĩ mình đang lạc vào nơi nào của xa xưa đầy mộng ảo. Rồi tôi nghe xa xa có tiếng gà gáy đầu, tôi biết đêm đã sang canh, lâu thật lâu, tôi nghe tiếp tiếng gáy thứ hai, của con gà trống nào trong xóm vắng.  Rồi tôi thiếp đi với giấc ngủ đầy mộng mị, trong buổi sáng tinh mơ


      
Sáng ra tôi đi vòng phía sau của dãy nhà sàn, cây cỏ còn đẩm sương đêm. Trước mắt tôi, một nhánh sông, của con sông Serepok, im ắng lạ thường,  tôi ngẩn ngơ trong buổi sáng mùa xuân khi mặt trời chưa lên   Bên kia sông là rừng nguyên thuỷ, ngả bóng xuống mặt sông, im lìm, đẹp vô cùng, thơ mộng vô cùng, lòng tôi bổng xao động, thổn thức đắm say. Rồi mặt trời lên, rồi những cánh chim trắng thảnh thơi bay lượn trên mặt nước, để tim cá, rồi thẳng cánh bay nhanh về phía bên kia sông, nơi có những rừng cây rậm rạp, chắc chúng đi tìm bạn tình cho ngày mới. Tôi ước ao được qua sông, như cánh chim, phía bên ấy, rừng cây được bao phủ một lớp sương mỏng manh, mờ mờ ảo ảo, trên bầu trời có mây trắng lửng thửng trôi, đẹp nao lòng. nhìn qua bên kia sông, tôi thấy rừng cây đầy bí ẩn, tâm tư tôi dậy lên niềm xao xuyến ngất ngây.....
     Cảnh vật nơi đây quá ư quyến rũ, quá ư mê đắm  lòng người, ngồi nơi đây tâm hồn sẽ chìm lắng mênh mông và quên mất thời gian, quên mất đường về, quên đi những thế thái nhân tình của kiếp người. Tôi mơ màng tưởng đến những buổi chiều vàng, nơi bến sông này có các sơn nữ, mang gùi ra tắm, giặt và vui đùa  với làn nước trong xanh, một bức tranh ấm áp của núi rừng 
    Chúng tôi ăn sáng bằng những món ăn mang theo, uông cafe, rồi qua dãy nhà dài để nghe cô thuyết trình viên, thuyết trình về truyền thuyết Bản Đôn 

    Bản Đôn là một hòn đảo giữa làng, ngày xa xưa, những người dân tộc đến đây, họ vượt sông bằng thuyền độc mộc, nên các nhà sàn đều phần dưới nhỏ, phần trên lớn, tượng trưng cho chiếc thuyền.  Nhà dài là một ngôi nhà ở của các gia đình từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, trong nhà có người con lập gia đình thì nhà được nối dài, nối dài mãi, để con cháu ở. Trong nhà dài còn trưng bày các hiện vật của dân tộc M Nông, Ê Đê, người Lào...v..v.. như ché đựng gạo, thuyền độc mộc, những tám phản dài,  chân dính liền với thân phảng,dành cho đàn bà ngồi tấm lớn, đàn ông ngồi tấm nhỏ, có hai bộ áo bằng vỏ cây, tư xa xưa để lại, một sợi dây được quấn nhiều vòng bằng da trâu, có cái trống được bịt mỗi đầu da trâu đực và một đầu bằng da trâu cái..v...v... Phần đông người dân tộc theo chế độ mẫu hệ, trong nhà người đàn bà quan trọng nhất, có quyền nhất, ngay trước cửa nhà có hai cầu thang, một cái ln được gọi là cầu thang cái, cái nhỏ hơn được gọi là cầu thang đực, mỗi cái có ba nấc thang, tượng trưng cho số lẻ là đàn bà. Những người khách đàn bà mới được đi cầu thang cái và lên trước đàn ông. 

   Chúng tôi còn được các nghệ nhân cho xem, các điệu múa của mỗi dân tộc, bên đống lửa, được đốt sẳn, cuối cùng chúng tôi cùng các nghệ nhân nắm tay nhau múa xoang, một điệu múa, cộng đồng, dân dã của dân tộc Ba Na
   Rời khỏi dãy nhà dài, chúng tôi thấy một con voi lớn, đang đứng thơ thẩn bên cầu treo, trên lưng có dỏ để du khách ai muốn ngồi voi thì ngồi, voi bị xích chân, bằng sợi xích sắt rất lớn, tự nhiên tôi thấy thương con vật to lớn không có tuổi này.
    Trước khi chia tay với Bản Đôn, tôi nhìn lại cây si gần ngàn năm tuổi, gốc rễ um tùm, tôi nhìn những dãy nhà tranh, những cây cổ thụ, dòng sông mênh mang dưới nắng vàng của buổi sáng mùa xuân, lòng tôi đầy lưu luyến chẳng muốn chia xa. chẳng muốn rời nơi tôi đã qua một đêm đầy thao thức chờ sáng, nhất là các cháu bé làm việc ở đây rất vui vẻ dễ thương. Biết bao giờ trở lại, ngày ấy chắc rất xa vời, vì xa xôi quá, chúng tôi, người ở nước ngoài, người ở Pleiku, đã vượt bao cây số,  vời vợi xa xăm, chắc không thể nào hứa hẹn ngày trở lại tái ngộ với  Bản Đôn thơ mộng

Cẩm Tú Cầu.

________________________________________________________________________

2 comments:

  1. Tây nguyên thật gần , cảm ơn Chị với tên một loài Hoa .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn Bạn vào thăm trang nhà, Những bài viết của tác giả Cẩm Tú Cầu được nhiều độc giả iêu thích, trong đó có QN.
      Xin cám ơn tác giả đã góp một tay giúp bài vở trang nhà QN11 thêm phong phú.

      Quí mến ./QN

      Delete