Friday, May 30, 2014

Dấm và Hoa

Vũ Hằng

Dấm và hoa, đó là đề tài bạn đọc đã gợi ý qua lá thư sau đây: “Tôi mới mua được một bình bông ở Good Will, giá rất rẻ mà lại lạ mắt, cái bình có cổ thon còn ôm một bó bông trắng. Nói thực lòng, vì là đồ cũ nên cái bình thủy tinh có chỗ ố mờ, còn bó bông tuy vẫn là màu trắng, nhưng không còn mượt mà nữa. Cô Hằng có biết làm cách nào để phục hồi lại cả bình lẫn bông hay không? Cám ơn cô.

”Bạn không nói rõ, nhưng chắc đó là những bông hoa lụa, và Hằng tin rằng bạn là một người biết thưởng thức sắc đẹp. Những người thực sự biết thưởng thức sắc đẹp không thể nào bỏ qua hoa lụa, nói chung là hoa giả. Hoa lụa đẹp với muôn nghìn muôn vẻ, không khác gì hoa thật. Nhưng trong khi hoa thật héo tàn theo ngày tháng, thì hoa lụa vẫn cứ đẹp rực rỡ, lúc nào cũng như giữa mùa xuân sắc. Không đòi hỏi chăm nom, tưới tắm như hoa thật, không tốn tiền chiều chuộng như “hoa biết nói,” mà hoa lụa chỉ biết cống hiến sắc đẹp của mình để làm vui người và đẹp đời. Từ ngày biết yêu hoa, Hằng cứ nghĩ rằng hoa lụa mới đích thực là sứ giả của sắc đẹp, nên phần dưới đây, em xin gọi tắt là hoa, chứ không phân biệt hoa thật hoa giả gì nữa.

Thời gian, kẻ thù tàn hại nhất của muôn loài, cũng chẳng có cà-ram gì với hoa. Chỉ một thứ có thể làm nhạt phai sắc đẹp của hoa, đó là bụi đất lâu ngày tích tụ vào nhánh, vào cành, vào lá, vào hoa… làm lu mờ màu tươi sắc thắm. Nhưng hoa lại có nhiều vũ khí sắc bén để chống lại hầu duy trì sắc đẹp vượt thời gian của mình.

Phục hồi hương sắc


Khi thấy bình hoa trong nhà đã kém tươi vì bám nhiều bụi đất, bạn có thể lấy những nhánh hoa ra, đặt nằm trên một tấm khăn giấy, rồi làm như sau:

Dùng 1 bình khí nén (compressed air, bình xịt thổi bụi máy điện toán) để đuổi bụi khỏi những cánh hoa.
Sau đó lấy dấm, pha với nước theo tỷ lệ 50/50, đổ vào trong một bình xịt khác, rồi phun nhè nhẹ đều khắp trên cánh hoa và thân hoa.

Và để hoa tự khô trong không khí.

Sau khi hoa khô rồi, chúng ta sẽ thấy sự trẻ trung tươi mới trở về, và bó hoa sẽ hấp dẫn không khác gì thuở ban đầu.

Sáng trong như mới
Còn về cái bình thủy tinh bị mờ ám, bạn có thể làm cho nó sáng trong như mới một cách rất dễ dàng, bằng những thứ sau đây:

- Dấm
- Bột Baking Soda: Đó là cái tên bình dân, còn tên chính thức   
trong giấy “khai sinh” là Bicarbonate of Soda, mình cũng nên biết luôn như vậy để khỏi bị thiên hạ chê là cù lần.
- Một ít xà bông rửa chén.
Và một ít phụ tùng như găng tay, khăn giấy, cùng với cái sink rửa chén đã sẵn trong nhà bếp. Rồi bắt đầu:

- Bơm đầy một sink nước nóng. Xịt nhiều xà bông giặt, rải thêm một ít Baking Soda vào. Quậy đều cho sủi bọt lên. Ngâm bình hoa cũ mới mua - và tất cả những ly tách thủy tinh muốn rửa nhân dịp này – vào đây chừng 10 phút.

- Chà bình thật kỹ trong ngoài bằng nước xà bông ấy. Mạnh tay hơn một chút nơi miệng và eo (chỗ nắm tay) của bình, là 2 nơi có nhiều vệt dơ hơn cả.

- Tháo nước trong sink. Xả bằng nước trong cho trôi hết xà bông trên bình.

- Rồi lại đổ nước vào sink, lần này pha thêm dấm, nhận chìm bình vào đây và ngâm chừng 5 phút.

- Lấy bình ra, để cho tự khô trong không khí, và kiểm tra lại xem còn vệt nước nào không. Nếu có thì dùng khăn khô, sạch để lau.

Bây giờ bảo đảm bạn sẽ có một cái bình thủy tinh sáng bóng, không một chút tì vết, y như lúc mới mua về vậy.

Đường dài, ngõ hẹp

Ở đây, bạn lại đối diện một lối vào đã dài mà còn hẹp. Bình thường, nó sẽ gây thêm đôi chút khó khăn, nhưng nhiều người lại thích vì sự kiểu cách và hấp dẫn. Chẳng hạn như ông xã Hằng, nói đến đường dài ngõ hẹp là ông cứ một hai “bảo đảm với bà là chúng tôi ai cũng thích, chứ … cứ rộng thông thống từ trên xuống dưới thì có mà chán chết!”

Có lẽ nhiều người khác cũng nghĩ như vậy thật, bằng chứng là đa số các bình hoa đều được thiết kế với một cái cổ nhỏ mà rất dài, không thể đưa tay vào bên trong mà ngoáy. Đồ của bạn thế nào? Có như vậy không? Dù thế nào chăng nữa, có là “đường dài ngõ hẹp” thì chúng ta vẫn có cách:

- Thuốc rửa răng giả: Nếu trong nhà có người xài răng giả, chắc họ sẽ có 1 trong 2 thứ này: Efferdent hoặc Polident. Bạn xin vài viên, bỏ vào trong bình rồi chế nước cho đầy. Thuốc sủi lên, sẽ làm sạch chất dơ trên thành bình một cách rất nhanh chóng.

Ông anh của Hằng đọc đến chỗ này chắc sẽ hãnh diện vì mấy viên thuốc lắm đây. Em đề cập mẹo này để tỏ lòng tôn kính sư huynh, bù lại những lúc mình cứ lẽo đẽo theo chọc quê ngài về chuyện … hăng rết!

Thực ra, thuốc Efferdent hoặc Polident, tuy không khó kiếm nhưng không phải ai cũng có sẵn nếu trong nhà không có người xài răng giả. Nhưng còn 2 thứ dưới đây thì sao?

- Dấm và baking soda: Hai thứ thuốc tiên này chắc ai cũng có sẵn. Trước tiên, đổ vài thìa baking soda (hoặc nhiều hơn, nếu bình lớn) vào bình. Tiếp theo là dấm trắng. Baking Soda trong bình gặp dấm, sẽ sôi lên sùng sục. Sau cùng, đổ thêm nước nóng, chờ nguội một chút rồi cầm bình lên súc mạnh, để “lóc” hết những tầng xà bần cáu ghét bám ở thành bình.

Đến đây chắc chắn bạn sẽ có hoa tươi và bình mới, chẳng ai biết là đồ cũ, mua làm phúc cho Good Will nữa đâu. Và đường dài ngõ hẹp cũng chẳng thành vấn đề, miễn đẹp là được, phải không bạn? 


(VienDongDaily.Com - 10/04/2014) 
Vuhang231@yahoo.com

__________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment