Yến Tuyết
Cô bạn gái của tôi,
Tháng Tư năm nay đánh dấu 38 năm kể từ khi
chiến tranh Việt Nam
chấm dứt. Trong thời gian của gần bốn thập niên đó, thế giới, con người và cộng
đồng Việt Nam
ở hải ngoại đã có không biết bao nhiêu thay đổi và biến chuyển.
Đã có những đứa bé sinh ra ở Việt Nam nhưng
lớn lên và trưởng thành ở Mỹ; đã có những người từng là thanh niên hay trung
niên khi chân ướt, chân ráo mới định cư, nay đang là các lão niên; đã có người
gởi lại thân xác ở nơi mà họ nhận làm quê hương thứ hai như Mỹ, Úc, Pháp, Gia
Nã Đại...
Chúng ta nhìn lại năm tháng của quá khứ để nhớ
về những mất mát không bao giờ có thể tìm lại được.
Nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nay đã trở thành
một trong những địa danh mà chúng ta là du khách.
Nhớ và thương tiếc cho những người đã nhắm mắt
khi đất nước còn chiến tranh và ngay cả sau khi được gọi là thanh bình.
Nhớ về những người đã bỏ mình nơi biển đông
trên đường vượt biển, hay ở một góc núi, ven rừng nào đó của trại trừng giới,
mệnh danh cải tạo.
Nhớ những ngày tháng cơ cực khi còn ở Việt Nam hay ở những
trại tị nạn Đông Nam Á.
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên ngơ ngác trên
xứ lạ quê người...
Nhớ lại tất cả những điều kể trên nhưng không
phải để ôm nỗi đau buồn mãi mãi, mà là để hãnh diện vì chúng ta đã vươn lên,
hướng đến ngày mai và tiếp tục phấn đấu để sống còn trong hy vọng.
Tháng Tư đến, tôi muốn được nhắc đến mốt số
câu chuyện cũ, nhưng tiêu biểu về niềm hy vọng khi đọc lại tin tức liên quan
đến chiến dịch đem 2,000 trẻ em mồ côi ra khỏi Việt Nam vào đầu tháng 4/1975
(được biết dướI tên Operation Babylift) trên internet và xúc động mãnh liệt về
tình người.
Những người Mỹ tham gia vào việc đem các trẻ
em mồ côi ấy ra khỏi Việt Nam vào thời gian đó gồm có nhiều thành phần, đó là
các phi công, các chiêu đãi viên hàng không trên chuyến máy bay của Pan-Am,
những cán sự xã hội, bác sĩ, y tá và các thiện nguyện viên mà người trẻ nhất là
một cô gái mới có 18 tuổi.
Cô ở trên chuyến bay bị tai nạn rớt xuống ngày
4/4/1975 nhưng sống sót và chỉ bị thương nhẹ. Trong khi đó, mẹ của cô cũng là
thiện nguyên viên cho cơ quan DAO thì thiệt mạng.
Cho đến nay, người phụ nữ này vẫn tiếp tục làm
việc trong một cơ quan xã hội, lo việc nhận trẻ em mồ côi tại Việt Nam .
Website liên quan đến chiến dịch đem trẻ mồ côi
ra khỏi Việt Nam
còn có sự đóng góp rất nhiều câu chuyện cảm động của những gia đình Mỹ tốt
bụng, đã nhận các trẻ mồ côi đó làm con nuôi.
Và câu chuyện của ngay những đứa trẻ mồ côi,
phần lớn hiện nay là những người trưởng thành đang sống hạnh phúc, thành công
về học vấn và nghề nghiệp trong xã hội.
Kết quả đó xảy ra được là nhờ vào lòng nhân ái
của con người đối với nhau, bạn nhỉ.
Có thể nói trong số những gia đình Việt Nam
hiện đang có mặt ở Hoa Kỳ nói riêng và trên thế giới nói chung, rất ít gia đình
may mắn, không có người thân bỏ mình trong các trại giam của Cộng Sản hay trên
đường vượt biển và đường bộ khi đi tìm tự do. Thế nên, làm sao tránh khỏi việc
nhiều người trong chúng ta mang trong lòng nỗi đau thương và bi hận, oán trách
nhà cầm quyền Cộng Sản đã đối xử với người dân miền Nam một cách tàn nhẫn khi thắng
trân.
Thế nhưng, cho dù giống như một cuốn phim được
chiếu rất nhanh, thời gian, của gần 4 thập niên tính từ tháng 4/1975 đến nay,
hình như là liều thuốc chữa lành được phần nào những vết thương lòng đó.
Bên cạnh đó, nếu không có lòng quảng đại và
tình nhân loại của người Hoa Kỳ hay của những người ở tại các quốc gia khác
trên thế giới, thế hệ Việt Nam đầu tiên bước chân đến xứ lạ quê người khó lòng
hồi sinh từ những thảm cảnh mà chúng ta đã ít nhiều trải qua và chịu đựng.
Và sự hồi sinh đó được chứng minh bằng hình
ảnh của đời sống tươi sáng, hạnh phúc và tự do mà thế hệ thứ hai, thứ ba... ở
hải ngoại được hưởng, do những cố gắng mà thế hệ thứ nhất đã hy sinh và gầy
dựng trong vòng 38 năm qua.
Khi nhớ đến những kỷ niệm quan trọng trong đời
sống, bao gồm cả niềm vui lẫn nỗi buồn, tôi thấy chúng đều ngẫu nhiên, xẩy ra
trong Tháng Tư.
Tháng Tư có ngày sinh nhật của tôi. Có ngày
tôi và người yêu cũ đoàn tụ sau 17 năm xa cách. Có ngày đầu tiên tôi bước chân
đến Mỹ.
Và chiến tranh Việt Nam chấm dứt, cũng xảy ra trong
tháng Tư.
Tháng Tư ghi lại nhiều dấu ấn khác nhau trong
đời sống riêng tư của mình như thế nên tôi đón chào một tháng Tư với mơ ước
giản dị: nó sẽ là một tháng mà sau này con cháu tôi biết vì sao tôi đến đây. Vì
sao tôi sống và sẽ chết ở nơi nầy.
Nắng của một ngày tháng Tư đã bắt đầu hôn lên
trên mấy nụ hoa tím lơi lả nơi góc vườn nhà tôi rồi bạn ạ. Đã đến giờ tôi phải
giã từ và hẹn bạn thư sau nhé.
Yến
Tuyết
(May 01, 2013 – Sống
Magazine)
_________________________________________________________
No comments:
Post a Comment