Thursday, April 10, 2014

Tại sao Bình Định mãi chưa BÌNH ĐỊNH?

BS: HỒ HẢI


Xin lỗi mọi người, hôm nay cũng gần sắp hết năm âm lịch con Hổ để chuyển sang con Mèo. Tôi xin phép có vài dòng tâm tình với những người con Bình Định, quê hương tôi. Tuy là việc riêng, nhưng là cái chung cho đất mà mình đã được cắt rốn chôn nhau. Trong bối cảnh Bình Định, tôi cũng không quên những gì nhắn gửi với đất nước Việt lắm đau thương và nhục nhằn.


Là một người con sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Tôi xa quê cũng đã gần 30 năm. Nhưng dù ở nơi đâu, tôi vẫn luôn gửi hồn mình về với quê nhà. Mẹ tôi, ngày tôi cất bước lập nghiệp, nói với tôi rằng: "Bình Định là nơi đi để mà nhớ, chứ không phải là nơi ở để mà thương". Ngày ấy, tuổi đôi mươi, tôi không hiểu hết câu này. Giờ đã "ngũ thập tri thiên mệnh" tôi bỗng chạnh lòng khi hiểu câu nói ấy của mẹ tôi. Nhìn lại đất nước Việt cũng không khác, khi những người con bỏ nước ra đi vẫn chưa muốn trở về gầy dựng quê hương thực thụ.
Chính điều này, tôi luôn khoắc khoãii trong lòng: Tại sao những đứa con của Bình Định ra đi về phương trời khác dù trong hay ngoài nước đều thành đạt và nỗi tiếng. Họ có thể giúp ở vùng đất mới những thành tựu cho con người và xã hội rất nhiều, nhưng với quê nhà luôn là mãnh đất cằn khô sỏi đá và thấm đẩm tình người thì chưa có gì. Tại sao?

Có lẽ cái nghề của tôi theo thời gian làm người ta quan tâm về văn hóa vùng miền. Nên tôi có những kết luận về mặt văn hóa muốn đưa đến các bạn người Bình Định là: Tại sao Bình Định đang và sẽ thua sút các địa phương khác? Nói ra điều này có tính cục bộ địa phương, nhưng có gì xấu khi chúng ta bàn đến sự tụt hậu của mãnh đất một thời lừng lẫy? Với tôi, văn hóa sống của một cộng đồng quyết định sự tồn vong và phát triễn của cộng đồng ấy.
Người ta thấy rằng ở đâu có tư duy cực đoan và chủ nghĩa địa phương thì ở đó sự hòa nhập về văn hóa khó xảy ra và khó có sự đồng thuận. Từ đó, sự phát triển của cư dân trên vùng địa lý ấy cũng kém theo. Như một bài viết của tôi về loạt bài sự giao lưu văn hóa và phát triễn là ở đâu dễ chấp nhận sự hòa hợp các dân tộc ở các vùng miền khác nhau, nơi đó sẽ phát triễn tốt.

Hãy nhìn Sài Gòn nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, vùng đất của những người mở cõi và tiếp cận văn minh phương Tây sớm và lâu đời nhất của Việt Nam. Sài Gòn không biết kỳ thị một ai, chấp nhận mọi sự khác biệt, nên Sài Gòn luôn đi đầu mọi lĩnh vực.
Trên bình diện thế giới cũng thế, nước Mỹ, một vùng đất tự hào với cái tên: Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nước Mỹ chấp nhận tất cả mọi chủng tộc, mọi tôn giáo, mọi sự khác biệt và tôn trọng sự khác biệt. Nên nước Mỹ tuy có bề dày lập quốc chỉ mới chưa đến 1/4 thiên niên kỹ, nhưng nước Mỹ đã là cường quốc số 1 thế giới.
Cái chung nhất của người Việt là thiếu kém về khả năng đồng thuận. Trong đó người miền Trung là kém đồng thuận nhất trong 3 miền đất nước. Tại vì người miền Trung phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt hơn để có cuộc sống bình thường như các miền khác. Nên họ khắc nghiệt với đời hơn và họ khó lòng chấp nhận cái mới, cái chưa đủ thuyết phục họ đồng tình.

Tôi cũng đã viết một bài về đề tài: Để nước Việt phú cường. Người Bình Định nói riêng, không thóat khỏi đặc tính chung này. Thường thì biết chuyện hàng xóm để dè biểu hơn là biết mình phải làm gì để tiến lên. Vì cá tính người Bình Định là: "Chuyện trong nhà chưa tỏ thì chuyện ngòai ngõ đã tường". Văn hóa truyền khẩu vẫn choáng hết tâm tư người Bình Định và người Việt hơn là văn hóa có chứng cứ. Sau 1975, Quãng Ngãi và Bình Định kết thành Nghĩa Bình, nhưng rồi cũng phải tan rã. Sự tan rã này không chỉ đơn phương do Bình Định mà đó là đặc tính cực đoan trong văn hóa sống của khúc ruột miền Trung.  

Cực đoan, trên một chuẩn qui chiếu của chiến tranh thì là điều rất tốt. Nó nâng chủ nghĩa anh hùng dân tộc lên đến cực điểm để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc. Nên ở Việt Nam, hễ đến thời lọan thì chỉ có lãnh tụ ở miền Trung mới bình và định được thiên hạ và đưa dân tộc đến yên bình. Nhưng, trong thời bình, người miền Trung của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng luôn là kẻ về sau.

 Bình Định theo nghĩa đen của nó là: dẹp yên giặc giã và những cuộc nổi dậy. Thế nhưng Bình Định không chỉ có thế. Hai chữ Bình Định hay lắm. Thời Nam tiến, ông bà ta đến một vùng đất có dãy Trường Sơn chòi mình ra biển Đông chắn ngang, nên họ dừng lại và nghĩ rằng đã đến lúc sống thanh bình và ổn định. Không đi nữa. Cái tên Bình Định ra đời. Nhưng mãi đến nay đất địa linh nhân kiệt này, quê hương tôi vẫn chưa Định và chưa Bình. Buồn lắm các bạn ạ.

Tiền bạc cũng rất cần. Nó cần nhất là cho thế hệ trẻ, mới lập nghiệp chỉ có công danh, nhưng chưa có sự nghiệp. Nhưng tiền bạc nó lại không có giá trị với người đã thành đạt, sự nghiệp đã có rồi. Họ muốn về lập doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho dân và thúc đẩy tỉnh nhà phát triễn.
Song, cái đáng ngại nhất cho những người thành đạt là họ lo lắng sự quan tâm quá mức của người dân và chính quyền Bình Định. Sợ nhất là nếu thành công thì cũng lắm kẻ tỵ hìm. Và thất bại thì càng khổ sở hơn với cái tính cách văn hóa Bình Định là: "Chuyện trong nhà như cái mõ, nhưng ra đến ngòai ngõ bằng cái nia". Thật khủng khiếp khi nghĩ đến về Bình Định để tạo dựng một cái gì đó.

Cho nên, hầu hết những ai ra đi lập nghiệp đều không muốn về khi chưa có sự nghiệp. Càng không muốn về khi sự nghiệp đã vững vàng vì chỉ sợ lời ong tiếng ve.


 Cái văn hóa sống mà người Bình Định cần nên bỏ và học hỏi người miệt đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và người Sài Gòn nói riêng là chuyện ai, người ấy biết. Không nên quá quan tâm và suy diễn rồi đồn thổi nó lên. Dù tốt, dù xấu đều đáng ngại cho người "được" quan tâm. Làm được điều này, đất Bình Định sẽ thắng hơn 50% khi kêu gọi hiền tài về với quê mẹ.
Văn hóa sống vẫn là yếu tố then chốt để một vùng đất mạnh hay không mạnh.

Đa phần người Việt mình còn làm việc công đường theo cảm tính yêu thích, ghét bỏ hơn là làm việc một cách khoa học và khách quan duy lý. Khi nào người Bình Định nói riêng và người Việt nói chung bỏ tính cách duy tình ở chốn công đường thì đất nước mới tiến lên.

Tất cả cũng vì văn hóa nền làng xã mà ra. Chính cái này mà chủ nghĩa địa phương, bè phái và tha hóa ở mọi nơi làm cho chuyện nước non luôn mãi điêu linh. 

Tầm vóc một dân tộc không phải thể hiện ở kinh tế hay chính trị. Mà tầm vóc một dân tộc thể hiện ở văn hóa nền của dân tộc.
Hãy nhìn Hy Lạp và Ai Cập, nếu bạn đã từng thăm Hy Lạp và Ai Cập? Bạn sẽ thấy dù hiện nay Hy Lạp đang có thể sụp đổ nền kinh tế. Nhưng khi bạn quan sát mọi vấn đề về Hy Lạp và Ai Cập bạn sẽ thấy nó toát lên vẻ kiêu hãnh một thời là cái nôi tư tưởng của nhân loại. Người dân rất tự trọng. Thành phố rất ngăn nắp. Mội trường rất trong lành dù là ở những vùng sa mạc. Có bao nhiêu điều nói lên họ vẫn là noble(thượng lưu) không thể lẫn vào giới hạ lưu của một số nước Châu Âu khác dù hiện là cường quốc như Nga chẳng hạn.

Một dân tộc bị tuyệt chủng là dân tộc bị mất văn hóa nền chứ không phải dân tộc đó bị sụp đổ nền kinh tế hay chính trị. Dân tộc Chăm bị tuyệt chủng vì văn hóa nền của họ không còn cộng đồng áp dụng và phổ quát, mà chỉ còn gom gọn trong cộng đồng Chăm rãi rác.


Tôi luôn xót xa mỗi lần tết đến hội tụ với quê nhà, bù khú với đám bạn thuở thiếu thời đầy bom đạn, ôn lại kỷ niệm xưa. Qua đó tìm hiểu quê hương mình đang cần gì để tiến lên? Cần gì để là nơi đáng để tự hào như ông cha một thời mở cõi và đặt cái tên rất vững chãi và tự tin: Bình Định. Cái tên mà khi nói lên đã tự thân nó nói lên mãnh đất và con người ở đó luôn "Định" và "Bình" trong năng động ở mọi tình huống nơi đất khách quê người. nhưng sao quê hương mãi nghèo và thiếu năng động?


Xét về mặt địa chính trị Bình Định không thua kém bất kỳ mãnh đất nào trong cả nước khi có mặt tiền nhìn ra biển gần 200km. Xét về con người, người Bình Định rất thành đạt trong mọi thời đại và trong hiện tại. Xét về mặt thiên thời, Bình Định đang chờ những người con đi xa trỡ về gầy dựng. Còn gì bằng khi cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi và nhân hòa đã và đang có điều kiện để hội tụ về để chung tay gầy dựng quê hương? Nếu mọi đứa con đất võ chịu chung tay, tôi rất hy vọng đất võ ngày nào sẽ không chỉ có võ mà văn không thua kém và kinh tế sẽ hùng cường xứng với ông cha.

 Vài dòng chia sẻ về văn hóa, địa chính trị, kinh tế, con người, mong nó mang đến những điều tốt đẹp đến với các bạn Bình Định và với quê hương. Tôi sẽ lạm bàn với các bạn để mong đem đến quê hương những điều tốt đẹp nhất. Chúc hạnh phúc với những trăn trở này của tôi, để đặt những vấn đề lớn cho quê hương. Mong các bạn ở quê nhà và những bạn khác ở khắp nơi cùng nhau đặt những vấn đề mà Bình Định cần và mỗi người hãy chung tay, nếu có thể để đưa Bình Định tiến lên vững chãi về mọi mặt: Giáo dục, Văn hóa, con người, kinh tế, ...
Chúc mọi người hạnh phúc với bài viết này.

Asia Clinic, 14h32', ngày thứ Năm, 20/01/2011 
BS HỒ HẢI ( http://bshohai.blogspot.com/2011/01/tai-sao-binh-inh-mai-chua-binh-inh.html)

___________________________________________________________

No comments:

Post a Comment