Wednesday, April 30, 2014

30/04 - DI TẢN VÀ VƯỢT BIÊN

KÝ ỨC VỀ NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN CỘNG SẢN

Bùi Trọng Cường & Nguyễn Phục Hưng





Sau ngày 30-4-1975, một ký giả Tây phương đã viết là ‘Dưới chính sách khắc nghiệt của Cộng sản, nếu cái cột đèn mà biết đi chắc nó cũng…vượt biên’. (Ginetta Sagan). Câu nói dí dỏm của Sagan đã diễn tả được một thực trạng rất bi hài của dân dộc Việt Nam trong khoảng thời gian hơn hai mươi năm kể từ Tháng Tư, 1975 cho đến năm 1996.

Những người chạy trốn chế độ Cộng Sản có thể chia làm hai đợt chính: Đợt đầu được mệnh danh là người Di Tản vì họ rời Việt Nam ngay trong khoảng tháng Tư 1975 và đợt thứ hai thường được mệnh danh là ngưòi Vượt Biên, dù bằng đường bộ hay đường biển.




Di Tản

Ngày 30 tháng 4, 1975 là ngày chính thức ghi nhân sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà trước làn sóng xâm lăng của cộng quân. Cuối tháng 4,1975 đã có những đợt rời Việt Nam của các nhân viên và gia đình các sứ quán, công ty ngoại quốc cũng như nhừng người Việt có phương tiện riêng hoặc  được các cơ quan Hoa Kỳ và các nước đồng minh bảo trợ.  Ngày 29 tháng tư 1975, Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford chính thức ra lịnh khỏi động chiến dịch “Frequent Wind” để di tản quân nhân,  nhân viên dân sự Mỹ và một số  người Việt đã từng cộng tác hay liên hê với chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rời khỏi Việt Nam để tránh  bị Cộng Sản trả thù.

Cùng thời điểm này, rất nhiều người Việt Nam cũng đã quyêt đinh di tản.  Họ là những người mà đã ít nhất một lần bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ mồ mả ông bà, tổ tiên để di cư vào Nam năm 1954, họ là những người đã có ít nhiều hiểu biết, kinh nghiệm về cộng sản, họ là những người đã may mắn vượt thoát được sau cuộc triệt thoái của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa khỏi miền Cao nguyên và miền Trung, họ là những người chối bỏ chế độ cộng sản.  Ðó là lý do mà làn sóng người di tản trong tháng Tư 1975 đã làm nhiều người ngạc nhiên với con số khoảng 300 ngàn người và các cơ quan cứu trợ quốc tế đã phải mất nhiều thời gian để giúp họ định cư ở các nước tự do nhất là Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan và các trai tạm cư ở Subic Bay (Philippines), Guam, Wake Island, California, Arkansas, Florida, Pensylvania ãa phải mở mãi cho đến cuối năm 1975. 

Chiến dịch ‘Frequent Wind” trên nguyên tắc chỉ kéo dài từ 3:30 chiều ngày 29 tháng tư và chấm dứt vào đúng 21 giờ ngày 30 tháng tư, 1975 khi người lính Mỹ cuối cùng được trục thăng bốc khỏi Sàigòn và trụ sở của cơ quan DAO (Defence Attachés Offfice) của Hoa Kỳ được Thủy quân lục Chiến Hoa kỳ cho phá nổ.  Tuy nhiên với làn sóng người di tản rầm rộ đ ra biển Thái Bình Dương bằng các tàu hải quân, thương thuyền và cả các tàu đánh cá nhỏ,  việc cứư vớt người vẫn được tiếp tục trong nhiều tuần sau đó.  Hạm đội số 7 của Hải quân Hoa Kỳ với các hàng không mẫu hạm Hancok , Midway và  nhiều tàu chiến hạm cũng như nhiều thương thuyền Hoa kỳ và quôc tế đã tham dự vào chiến dịch cứu vớt người trên biển rồi chuyển qua các trai ty nạn ở Subic, Guam trước khi phân tán họ đi tị nạn tai Hoa kỳ và các nước tự do khác như Canada, Uc, Pháp, Anh,  vân vân. Trên thực tế, giai đoan di tản và vượt biên không có sư gián đoạn. Có chăng chỉ là sự phân chia thời điểm chính phủ Hoa Kỳ chấm dứt chiến dịch vớt người trên biển mà thôi, còn sự ra đi của người Việt vần tiếp tục không ngừng.
Những hình ảnh sau đây ghi nhận cảnh hãi hùng của một cuộc di tản chưa từng có trong lich sử Việt Nam và thế giới.

Đoàn người Di tản từ miền Trung
Dân Di Tản Chạy ra Trực Thăng tại Trụ sở DAO, Saigon



Dân Di Tản đến Midway bằng trực thăng Hoa Kỳ




Một máy bay VNCH chở người di tản đáp xuống Midway



Một Thuyền Đánh Cá chở người Di Tản được Midway tiếp cứu


Cuộc Di Tản tháng tư năm 1975 đã có nhiều cảnh đẫm máu và nước mắt nhưng tình nhân loai cũng đã được biểu lộ rõ rệt từ những quân nhân và các cơ quan từ thiện. Sau khi đã đến đựợc Mỹ hay các nước mở vòng tay đón nhân, dân Di Tản còn phải trải qua nhiều khó khăn như sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, vân vân để tạo lại cuộc sống.


Vượt Biên

Họ ra đi mà không biết mình đi đâu, sẽ đến đâu; đa số không biết gì về đại dương cùng những nguy hiểm của những chuyến hải hành cũng như không biết gì về những khó khăn khác đang chờ đợi họ. Ðó là lý do mà có lúc người ta đã nói “ nếu có ba người vượt biên thì chỉ có một người đến bến an toàn, một người chết trên biển vì bảo tố, đói khát và hải tặc và một người sẽ bị bắt lại và đi tù”.
The State of the World’s Refugees 2000:
50 Years of Humanitarian Action



Những Người Vượt Biên là ai và tai sao họ phải liều mình đi tìm Tự Do?
Họ chính là những người chậm chân trong giai đoạn Di Tản. Có thể lúc đó họ còn chút hy vọng là những người Cộng sản cũng còn chút lương tâm và sáng suốt không nỡ đối xử với những người dân miền Nam như kẻ thù không đội trời chung và họ sẵn sàng cộng tác với những người Cộng sản để cùng xây dựng một Đât nước Thông Nhất trong Hòa Bình.  Họ đã lầm sau bao nhiêu ngày lầm than tôi mọi cho những người Cộng Sản vô lương.  Họ đã mất hết tài sản, tự do và cả phẩm giá con người dưới chánh sách trả thù tàn bạo của Cọng sản.  Họ có thể chịu nghèo khổ để hy vọng vào một tương lai xán lạn.  Nhưng tương lai chỉ có tù đầy, thù hận và dối trá. Thế hệ của họ coi như bỏ vì họ đã lỡ tin Cộng Sản. Nhưng còn thế hệ con cái họ? Họ không thể chịu cực khổ nhìn con cái họ trở thành những con vật trong xã hội Cộng sản Xã hội Việt Nam đã lùi lại hơn 30 năm sau cái ngày gọi là ‘giải phóng’.  Tương lai họ còn gì đâu ngoài một lối đi duy nhất: Vượt Biên.  Nếu may ra thoát được qua bờ Tự Do thì con cái họ còn có hy vọng sống được một cuộc đời đáng sống. Còn không, đời sống ở Việtnam có khác gì đã chết.  Bới vậy Họ đã quyết chí liều mình  Vượt Biên qua Cam-pu-chia, đến Thái Lan hay  Vượt Biển qua Mã Lai, Nam Dưong, Phi Luật Tân nơi nào cũng được, miễn là ra khỏi điạ ngục Việt Nam bất chấp sự bắt bớ lùng xét của công an, hiểm nguy của hải tặc, bão tố hãi hùng ngoài biển Đông.

Sau đây là vài trích đoạn từ các tác phẩm viết về  tỵ nạn:

“Người Việt Nam chỉ ra đi trong thế cùng, không còn cách nào có thể sinh sống tại quê hương của mình. Ðây là một cuộc bỏ phiếu vĩ đại chống lại chế độ cộng sản Hà Nội bằng chính mạng sống của mình. Trong số nầy, rất nhiều người mang hoài bảo sẽ có một ngày trở về quang phục quê hương.  Số người tử nạn trên bước đường vượt biên không thể thống kê chính xác được. Người ta phỏng chừng từ 400.000 đến 500.000 thuyền nhân bỏ mình trên biển cả hay bị hải tặc bắt giết.

Vượt biên năm 1975 là cuộc xuất ngoại vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam kể từ ngày lập quốc. Ðây là một sự kiện hoàn toàn bất ngờ đối với Nam Việt, Bắc Việt, Hoa Kỳ và cả thế giới. Trước đó, không một ai có thể tiên đoán được phong trào vượt biên sẽ xảy ra đến mức lớn lao như thế. Phong trào vượt biên kéo dài từ 1975 đến 1996 ngang bằng với thời gian chiến tranh từ 1954 đến 1975. Tổng số người rời bỏ đất nước bằng tất cả các cách, cộng với những người tử nạn trên đường vượt biên, lên đến khoảng gần bằng tổng số dân chúng và quân nhân Việt Nam cả Nam lẫn Bắc tử trận trong cuộc chiến từ 1954 đến 1975 (khoảng 3,000,000).



Những Thuyền Nhân nằm la liệt trong khoang tàu


"Những đợt vượt biên ào ạt, bất chấp mạng sống đã làm rúng động lương tâm nhân loại, và đã phơi trần bản chất độc ác của chế độ Cộng Sản Việt Nam (CSVN) trước công luận thế giới. Sự kiện nầy là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nhân loại về “Thiên Đường Cộng Sản” và trở thành động cơ thúc đẩy các nước Ðông Âu ly khai chủ nghĩa cộng sản, và dẫn đến sự sụp đổ của khối cộng sản năm 1990-1991?
Phỏng theoTrần Gia Phụng

‘‘Bước vào đầu thế kỷ 21, Việt Nam vẫn là một trong các nước chậm tiến trên thế giới, mặc dầu có sẵn tiềm năng, nhưng vì sai lầm nghiêm trọng của đường lối Xã Hội Chủ Nghĩa. Những thảm trạng xẩy ra trong hơn nửa thế kỷ vừa qua cần phải được ghi nhớ, trong đó có hai sự kiện gần nhất là việc nhà cầm quyền cộng sản giam cầm công dân vô tội trong tù cải tạo và việc người dân trốn ra ngoại quốc trong những điều kiện bất trắc đầy nguy hiểm. Giam giữ người vô tội trong các trại tập trung cải tạo, chế độ cộng sản đã một mặt vi phạm tội ác, một mặt phung phí năng lực quốc gia để phục vụ mục tiêu đảng phái. Đảng Cộng Sản không chịu thú nhận rằng chính tàn bạo của họ là nguyên nhân khiến người dân phải bỏ nước ra đi, mà họ còn lợi dụng cơ hội ra đi đó để cướp đoạt tài sản, thu vàng bán bãi, mặc cho tài năng quốc gia thất thoát ra ngoài và biết bao người dân lương thiện đã bị chết kinh hoàng trên biển cả.

Phạm Hữu Trác – Vàng Máu và Nước Mắt

Trong 2 năm qua, nhất là từ tháng 9 năm 1978, làn sóng người tị nạn từ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang tràn ngập các trại tị nạn ở Ðông Nam Á. Ngoài ra, hàng trăm ngàn người Việt Nam đã bị chính quyền Hà Nội bắt buộc ra đi trên những con tàu không thể đi biển được, và đã biến mất trên Biển Ðông đầy bất trắc. Ở một số bờ biển Thái Lan, các ngư dân đã phải quay tàu về đất liền khi chứng kiến cảnh hãi hùng như một phần thi thể của người vượt biển vướng vào lưới, vân vân.





Thuyền Nhân trên đường vượt biển


Vì sao quá nhiều người liều mạng bỏ trốn khỏi Việt Nam?

Ta có thể tìm thấy câu trả lời khá dễ dàng trong các chính sách hậu chiến đã được công khai thực hiện: “tiêu diệt các thế lực thù nghịch: trừng trị những kẻ bù nhìn, đánh bại giới tư bản, đánh đuổi người Trung Hoa.”
Hiện tượng thuyền nhân đã phản ảnh được cái đau khổ của người phải rời bỏ quê hương. Họ không phải chỉ kín đáo đi từ bên này sang bên kia biên giới, chờ đợi cơ hội quay về khi mọi chuyện đã trở lại bình thường hay theo ý họ mong muốn. Họ ra đi, không hề biết trước mình sẽ đến đâu, không có viễn ảnh hồi hương, và cam chịu mọi hiểm nguy. Họ phải đang tâm cắt bỏ những ràng buộc với quê hương và dân tộc.




Vietnamese refugees http://www.library.ubc.ca/asian/FinalAsian/Vietnam/V-08.html 

Thuyền nhân là những người không chịu đựng được chính sách hà khắc của chính quyền cộng sản Họ là những người mà trước năm 1975, không bao giờ muốn rời bỏ quê hương. Trớ trêu thay, lịch sử đã đảo lộn, đã thay đổi cuộc đời ho vượt xa sức họ tưởng tượng, đến mức họ phải quyết định bỏ lại sau lưng tất cả những người và những gì yêu quý, liều mạng sống của mình cũng như chấp nhận mọi nỗi kinh hoàng của một tương lai bất định, để rời khỏi Việt Nam.
Lesleyanne Hawthorne - Refugee - The Vietnamese Experience


Những ‘thuyền nhân’, danh từ thế giới gán cho họ, thường phải chịu nhiều rủi ro lớn lao, từ rất lâu trước khi đặt được chân xuống tàu. Trong khi cố gắng tìm cách để thoát được công an và lính biên phòng, họ đã chấp nhận rủi ro bị bắn, hoặc nhẹ nhất là, bị bắt lại và bỏ tù. Những ai may mắn xuống được tàu phải ra đi trên các thuyền đánh cá mỏng manh đầy ắp người không thích hợp để đi vượt đại dương. Thường thường, họ nhắm hướng đi đến Thái Lan hoặc Mã Lai, nhưng lại cập bến ở đâu đó giữa Hồng Kông và Úc Ðại Lợi. Biển cả cũng cướp đi một số người mà không ai biết được là bao nhiêu.



Thuyền chở 162 người vượt biển bị đắm lúc sắp đáp được vào
 http://www.cic.gc.ca/english/department/legacy/chap-6a.html

Tuy vậy, cuối cùng thì câu chuyện về những người tị nạn Ðông Dương là câu chuyện về những người bị từ chối. Trước tiên và đau đớn nhất, họ bị chính quyền của chính nước họ khước từ. Họ cũng nhiều lần bị cự tuyệt bởi các quốc gia lân bang nơi họ đến xin tạm trú, và bị từ chối ít nhất là vào lúc đầu bởi các nước Tây Phương và Nhật Bản, những quốc gia duy nhất có khả năng và tấm lòng cứu vớt thuyền nhân.

Barry Wain - The refused: The Agony of The Indochina Refugees

“Chúng tôi cần gạo và thực phẩm. Trong những ngày này, chúng tôi không có tiền để mua thêm thức ăn. Chúng tôi không được phép có công việc làm. Nếu thực phẩm được phát trễ, chúng tôi chỉ việc nhịn đói. Chúng tôi có rất ít nước uống, vì đang là mùa khô. Tôi nghĩ nếu mọi chuyện không thay đổi, chúng tôi sẽ chết hết.”
Refugee: Thailand, 1978


“Trong bệnh viện, một người đàn ông và đứa con trai đang khóc trên lán. Tàu họ đã đến đêm hôm trước, nhưng bị lật úp. Người vợ, người mẹ đã chết đuối.”
Delegates of ‘Society of Friends’: Malaysia, 1979


“Các lính tuần tra phát hiện có những bao ni-lông xoáy tròn trên mặt nước. Họ chuẩn bị tăng tốc độ vọt đi tiếp, thì khám phá ra rằng, các bao nhựa này đã được thổi phồng, căng lên, để chở hai em bé sơ sinh, dĩ nhiên là chưa biết bơi. Người mẹ đang ra sức đẩy chúng. Người cha đã không may chết đuối trước đó.”
Report: Mekong River Crossing, 1978


Người mẹ của một em trai 14 tuổi kể lại, tàu của cô bị hải tặc từ một tàu cào của Thái Lan nhảy sang. “Tôi biết bọn chúng sẽ làm gì”, cô vừa kể vừa khóc nức nở. “Tôi van xin chúng đừng làm gì trước mặt con trai tôi. Vì thế, chúng đưa tôi vào cabin tàu, rồi 7 tên cưỡng hiếp tôi trong đó.”
Refugee: Malaysia, 1979



Anh Huỳnh Văn Trân, 34 tuổi, ngồi trên 1 băng ghế gỗ ở trại tị nạn Songkhla ở 1 bờ biển cực nam của Thái Lan, thuật lại câu chuyện của mình lần thứ ba.
- Anh ra đi trên một chiếc tàu gồm 62 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Họ may mắn gặp thời tiết và gió thuận lợi, và không bị rắc rối gì về máy tàu. Vào ngày thứ 5 trên biển, một chiếc tàu mã lực lớn dài 15 mét đến cặp sát mạn tàu anh. Có 12 người đàn ông trên thuyền, tất cả đều trang bị vũ khí đầy đủ. Trước hết, chúng ra lệnh cho hai người trong số phụ nữ sang tàu chúng. Một trong hai người này là vợ anh Huỳnh Văn Trân. Cô này bị ghì chặt xuống, súng trường kê sát thái dương, và bị ra lệnh không được kêu la. Cô bị chúng cưỡng hiếp. Bọn hải tặc sau đó nhảy qua tàu tị nạn, cướp đi mọi thứ có giá trị, bắn một người đàn ông còn do dự khi chúng cướp. Sau đó chúng tăng tốc độ phóng đi với các món của cải chiếm được, nhưng thình lình quay ngoắt lại. Vẫn giữ nguyên tốc độ tối đa, chúng nhắm thẳng vào tàu tị nạn và đâm mạnh. Chiếc tàu hải tặc đã lập đi lập lại hành động này trong khi nhóm người tị nạn đang hốt hoảng ngoi ngóp giữa biển khơi. Bọn cướp biển cố ý lái tàu cán qua vô số chiếc đầu đang nhấp nhô, có lẽ vì không muốn để sót lại nhân chứng nào. Khi vợ anh Trân còn đang chới với trên mặt nước, với đứa con trai mới lên 3 đang níu chặt cổ mẹ, cả hai đã bị tàu cán qua và chết đuối. 10 người trong số họ sống sót, sau đó được vớt lên và đưa tới Songkhla.


Toàn thể thính giả đều nín lặng. Ðó là một câu chuyện thương tâm hơn những chuyện khác, nhưng hẳn nhiên không phải là ngoại lệ, hiếm có. Có rất nhiều tàu tị nạn đã bị hải tặc tấn công nhiều hơn một lần.”
UNHCR: 1979


Bao nhiêu thuyền nhân đã chết ngoài biển khơi? Không ai biết chắc cả. Nhiều người nói với chúng tôi rằng có lẽ 5% các tàu rời Việt Nam đã bị mất tích, nhưng nhiều người lại cho là có đến 70% tàu không hề đến được bờ.
Delegates of ‘Society of Friends’: Pulau Bidong, 1979
Georgina Ashworth The boat people and the road people

Trong vài năm đầu những thuyền tỵ nạn còn được tiếp đón tử tế bởi dân chúng và chính phủ các nước láng giềng nhưng vì làn sóng tỵ nạn ngày càng nhiều nên những niềm nở ban đầu đã bị giảm xuống hoặc tệ hơn đã bị thay bằng thái độ xua đuổi như đã từng xẩy ra ở Thái Lan, Mã Lai.  Tầu của người tỵ nạn, khi bị tầu hải quân Mã kéo trở ra hải phận quốc tế có một số đã bị chìm và làm chết oan một số người.  Do đó nếu như may mắn không bị bắt lại, thoát được gió bão, không hư máy dọc đường và không gặp hải tặc các thuyền nhân vẫn chưa chắc sẽ đến được các trại tạm cư.  Ðó là chưa kể đến những khó khăn về đủ mọi phương tiện từ vệ sinh, y tế, nước uống, thực phẩm…nơi các trại tỵ nạn.  Thật ra dùng chữ trại tỵ nạn cho lịch sự vậy thôi chứ vào thời điểm ấy không một quốc gia nào có thể lường được là con số người chạy cộng sản, bỏ nước ra đi sẽ đông đến như vậy.  Do đó chẳng có quốc gia nào đã có những sửa soạn để có thể đón tiếp một số lượng người đến quá ào ạt và nhiều đến thế.  Trại tỵ nạn đã là những kho xưởng, những trại lính, những chiếc phà cũ, những chiếc phao nổi, những hòn đảo san hô hoặc đảo hoang, nhỏ nằm chơ vơ giữa đại dương.  Ðặt được chân trên đất là phải đi tìm cỏ, đốn cây để dựng lều để tạm trú tránh cái nóng ban ngày và cái lạnh ban đêm….Còn nhiều nhiều nữa, kể sao cho hết những cái khổ của kiếp lưu vong.  Ðến năm 1988 vì quá mệt mỏi với số người tỵ nạn phải cưu mang trên hơn mười năm, Cao Ủy tỵ nạn và các quốc gia có trại tạm cư đã quyết định áp dụng hệ thống thanh lọc để xác định tư cách tỵ nạn chính trị của các thuyền nhân nếu họ đến sau ngày 16-6-1988.  Quyết định này cũng đã gây ra khá nhiều thảm cảnh rất đáng thương như được kể lại dưới đây..

Sau đây là vài trích đoạn về những thảm cảnh đầy nước mắt đó

“0 giờ ngày 16-6-1988 mở đầu một định mệnh khác cho những người Việt Nam vượt biển đến Hồng Kông. Kể từ ngày này họ sẽ bị đối xử như những người nhập cảnh bất hợp pháp và phải chờ chính phủ thanh lọc để xác định tư cách tỵ nạn chính trị, trước khi được cứu xét cho đi định cư ở nước thứ ba. Thời điểm phủ nhận ý nghĩa ban đầu sự ra đi của người vượt biển. Thời điểm đánh đổ mọi luận cứ sắp sẵn về quyền tỵ nạn, về quyền đi tìm chỗ trú, và đồng thời che dấu luôn sự bất lực của con người trước thảm cảnh của đồng loại, sự hấp hối của lương tri trước nỗi khổ của những cuộc khởi hành muộn. Như một tấm màng nhện giăng ra chận bắt những cuộc đời lưu lạc, thời điểm 16-6 dựng nên những trại giam khổng lồ trên khắp thuộc địa Hồng Kông, ghi thêm một thảm cảnh thời đại.”
Lê Ðại Lãng - NƯỚC MẮT TRONG TIM

“Ngày 20/5/1994, Lê Xuân Thọ, 28 tuổi, tự rạch bụng mình và tự thiêu. Sau đó anh đã chết vì phỏng nặng.” Phạm Văn Châu, một cựu quân nhân Việt Nam, tự thiêu ở trại tị nạn Galang, Nam Dương ngày 26/4/1994. Hai ngày thì anh qua đời.




Vietnamese refugees were allowed to come on shore at the Government Dockyard at Canton Road.  A number of water taps were installed for them to take a cold shower.
http://www.library.ubc.ca/asian/FinalAsian/Vietnam/V-20.html



Ngày 12/4/1992, Nguyễn Văn Quang, một hạ sĩ thuộc Tiểu đoàn 1 Không vận của Nam Việt Nam, đã treo cổ tự tử ở trại Galang, Nam Dương, sau khi bị khước từ tư cách tị nạn chính trị, và đơn kháng cáo của anh cũng bị bác. Anh mất đi để lại 1 góa phụ và 3 đứa bé mồ côi cha còn nhỏ dại.

Ngày 30/8/1991, tại trại Galang, Nam Dương: cô Trịnh Kim Hương, 28 tuổi, tự thiêu sau khi bị phủ nhận tư cách tị nạn chính trị.

Hoàng Thị Thu Cúc, 26 tuổi, một trong số vài người sống sót khi vượt biên khỏi Việt Nam. Cha cô là lãnh tụ của một chính đảng chống cộng và đã chết trong ‘trại cải tạo’ của cộng sản. Gia đình cô bị trục xuất khỏi nhà, tới một trại lao động cưỡng bức. Bản thân Cúc cũng bị đuổi khỏi trường vì ‘lý lịch gia đình xấu’. Bất kể những sự kiện trên, cô vẫn bị khước từ quy chế tị nạn. Tháng 12/1992, khi đơn kháng cáo của cô cũng bị bác bỏ, cô đã treo cổ tự tử, để lại bốn anh em trai ở trại Sikiew, Thái Lan.

Vụ tự sát của Lâm Văn Hoàng, 22 tuổi, đã gây nên một cuộc biểu tình phản đối ở trại tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai. Anh đã lao mình từ vách đá xuống biển, sau khi bị từ chối tư cách tị nạn chính trị vào tháng giêng năm 1991.

Trần Văn Minh, cựu Trung úy, treo cổ tự tử ngày 10/10/1992. Ông được cấp quy chế tị nạn chính trị, nhưng người con trai Trần Minh Khôi, 18 tuổi, đã bị rớt ‘thanh lọc’. Vì Khôi không có 3.000 đôla Mỹ mà các viên chức duyệt xét đòi hỏi, đơn kháng cáo của anh sau đó cũng bị bác.

Ngày 8/12/1993, Trần Anh Dung từ trần khi lên cơn suyễn, sau khi Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc (LHQ) đóng cửa trạm y tế duy nhất trong trại tị nạn.

Tháng 2/1993, Lưu Thị Hồng Hạnh, một em gái 16 tuổi không người thân thích, đã tự thiêu sau khi Cao ủy tị nạn LHQ rút lại quy chế tị nạn của em.



Vietnamese refugees arriving at Hong Kong by junks.
http://www.library.ubc.ca/asian/FinalAsian/Vietnam/V-27.html



Crowd of refugees
http://www.library.ubc.ca/asian/FinalAsian/Vietnam/V-18.html


“Chị thương, hôm nay em đã bị từ chối tư cách tị nạn chính trị. Rạng sáng mai, em sẽ treo cổ tự tử để thoát mọi đau khổ. Nhưng lúc nào em cũng sẽ ở bên cạnh chị để che chở cho chị và các cháu”
(Thư tuyệt mệnh của anh Nguyễn Văn Hai, 27 tuổi, viết cho chị, vào buổi tối trước khi tự tử trong Trại cấm Whitehead, Hồng Kông, ngày 16/2/1990.)



“Bản tường trình của luật sư đã khiến tôi phải sống trong lo sợ. Nó đã dần dần đẩy tôi vào chỗ chết.”

(Trịnh Anh Huy, 20 tuổi, tự thiêu ngay trước văn phòng của Cao ủy tị nạn LHQ ở Galang, Nam Dương, ngày 27/8/1992.)
“Tôi chết đi không phải vì tuyệt vọng, mà vì tôi muốn đem lại niềm hy vọng và sự sống cho nhiều người khác.”

(Vài hàng tuyệt mệnh của Nguyễn Ngọc Dung, 25 tuổi. Ngày 3/5/1993, anh đã tự đâm vào tim và chết tức khắc trước văn phòng Cao ủy tị nạn LHQ tại trại Sungei Besi, Mã Lai.)




Living in the Refugee Camp
http://vietnamese-american.org/tuantran/journey.html

VIETNAMESE BOAT PEOPLE – A CRY TO HUMANITY
         
Inside the Refugee Camp
http://vietnamese-american.org/tuantran/journey.html



Boat people were waiting for medical checks before transferring to refugee camps
http://www.library.ubc.ca/asian/FinalAsian/Vietnam/V-32.html

Lời Kết

Cuộc Di Tản và Vượt Biên sau ngày 30 tháng tư năm 1975 là một bản án muôn đời đối với chính sách vô nhân đạo của Cộng Sản Việt Nam. Những cảnh tượng đau thương, kinh hoàng mà người Di Tản và Vượt Biên phải gánh chịu thật không bút nào ta hết. Tuy nhiên trong biến cố đầy bất hạnh đó, cũng không thiếu những tấm lòng bao dung, thể hiện rõ tình người, của binh sĩ và dân chúng Hoa Kỳ cũng như các quốc gia trong thế giới tự do, nhất là các nước vùng Đông Nam Á đã bao dung chúng ta tại các trai tị nạn.

Chúng ta mang ơn dân chúng và chính phủ các quốc gia đã cưu mang người Việt tỵ nạn, giúp chỗ tạm cư, cho phép định cư hoặc đã cứu vớt tầu tỵ nạn khi lạc lối, hết lương thực hay máy tầu bị hỏng. Chắc chắn là sự thành công của thế hệ thứ hai trong Cộng Ðồng Người Việt Hải Ngoại, sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có sự cưu mang của các quốc gia trong Thế Giới Tự Do vào thời điểm đen tối đó.

Ngày hôm nay, sau hơn 30 năm tỵ nạn, viết lại một phần nhỏ trong những nỗi khổ đau của dân tộc để chúng ta ôn lại và ghi nhớ một sự kiện lịch sử không phải là của riêng Việt Nam, mà là của thế giới, trong đó chính chúng ta vừa là tác nhân, vừa là nhân chứng.


      

   



Các em tới Trại Tỵ  Nạn  . . .  và  thành công trên quê hương thứ hai    


    

Hơn 30 năm sống lưu vong, lúc nào đa số chúng ta cũng vẫn mong có ngày trở về để góp phần xây dựng lại quê hương lạc hậu, giúp cho dân tộc ta sớm được sống trong không khí Tự Do, Dân Chủ đích thực mà dân ta chưa bao giờ được hưởng

Ðiều này chỉ có thể xảy ra khi người Việt trong và ngoài nước thật tâm đặt quyền lợi của Tổ Quốc lên trên mọi quyền lợi riêng tư và thoát được sự chi phối của các thế lực chính trị quốc tế.


* * *
___________________________________________________________________


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tran Gia Phung – Speech Delivered at Montreal, Canada on April 30, 2002
Nguyễn Văn Canh - Cộng Sản Trên Ðất Việt - Kiến Quốc 2003
Ashworth Georgina – The Boat People and The Road People – Quartemaine House 1979
Phạm Hữu Trác – Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do – VÀNG MÁU và NƯỚC MẮT: Khảo Sát Về Tù Cải Tạo và Vượt Biên Trong Giới Y Sĩ – 2000
Paul Anthony – Why They Flee Their Homeland – Reader’s Digest December 1979
Grant Bruce – The Boat People: An ‘AGE’ Investigation – Penguin Books 1979
Hawthorne Lesleyanne – Refugee The Vietnamese Experience – Oxford University Press 1982,
Wain Barry – The Refused: The Agony Of The Indochina Refugees – Simon & Schuster 1981
Lê Ðại Lãng – Bút Ký Hồng Kông: NƯỚC MẮT TRONG TIM – 1990, p. I
Support Committee for Refugees from Vietnam – Vietnamese Boat People: A CRY TO HUMANITY – 1994

_____________________________________________________________

No comments:

Post a Comment