Cẩm Tú cầu
Con đường Huỳnh Thúc Kháng ở Huế nằm sát bờ sông Đông Ba, con đường này trước kia người ta bán tranh tre, tre được thả nổi trên sông, nên được gọi là hàng bè, chạy dọc theo bờ sông xuống đến cầu Thăng Long, cách cầu sắt khoảng hai cây số là Bao Vinh, nơi đây ngày xưa là bến cảng rất sầm uất, đó là từ thời vua chúa, còn bây giờ, chỉ là một xóm nhỏ ven sông, có chợ nhỏ, bán tôm cá rất tươi ngon, người dân ở đây quanh năm chịu không biết bao nhiêu là trận lụt, nhà cửa phần nhiều ẩm thấp, đặc biệt nhà nào cũng có gác xép, một gác sát mái, để chứa đồ đạc mỗi khi nước tràn về.
Cuộc sống người dân nơi đây, chạy chợ hằng ngày, rất vất vả. Tôi có đứa cháu gái lấy chồng ở dưới Bao Vinh, chồng tên Loan làm thợ mộc, còn Phương tên cháu gái tôi, làm bánh cho hiệu bánh Bảo Thạnh,
Một hôm vào tiết đầu tháng mười, mưa suốt mấy ngày liền, con đường đi từ đường Trần Hưng Đạo về nhà Phương thật là vất vả, lội nước suốt từ cầu Thanh Long về nhà, đến nửa đêm lo dọn nước, nước từ tứ phía ào vào nhà lênh láng, đến sáng không thể nào lên phố được đành ở nhà, ở Bao Vinh nước lên nửa nhà là chuyện bình thường, cũng may hôm ấy hai đứa con, một mười hai, một chín đang ở nhà nội, tận trong thành, Loan chồng Phương cũng đang đi làm ở trong thành kẹt nước lụt ngập đường không thể về được,
Phương ở nhà lo dọn dẹp đồ đạc, đến ba giờ chiều thì nước từ trên thượng nguồn của con sông Hương đổ xuống, chảy ra sông Đông Ba, khi ấy bà con lối xóm hoảng hốt gọi:
_Phương ơi! Chạy lụt thôi.
Phương dạ và nói:
_ Mấy O đi trước con sẽ theo sau
Nhưng không bao lâu nước lên rất nhanh, ngập giường, rồi ngập bàn, rồi nước đến ngực khi ấy, không còn chạy được nữa, không có đò, không có phương tiện cứu trợ, chòm xóm có nhà di tản từ hôm qua, nơi Phương ở cũng xa người lân cận, quá quýnh quáng, Phương đành leo lên nóc nhà, hì hục dở mái ngói, may sao nhà lợp ngói chứ lợp tôn thì không biết sẽ tính sao, khó khăn lắm Phương mới chui lên được trên mái nhà, ngồi trên nóc ngó mông lung, với hy vọng có một chiếc thuyền chạy qua, nhưng mà chờ mãi, chờ mãi mỏi mòn... Phương mặc một cái áo mưa, đã rách vì chui qua mái ngói, đầu đội cái nón, ngồi trên nóc nhà, đêm đầu tiên không dám ngủ, sợ ngủ quên rồi rớt xuống nước chết, Phương cũng nuôi hy vọng ngồi trên nóc nhà biết đâu có chiếc thuyền thấy đến cứu.
Đêm ấy Phương nhìn bầu trời đen tối mịt mùng, các ánh đèn điện cũng tắt ngấm, thành phố Huế chìm lặng trong tăm tối, âm thầm, Phương lo sợ, một nỗi sợ mênh mang, cứ xoáy vào lòng, xoáy tận tâm can. Một ngày trôi qua với bao nỗi lo lắng ngổn ngang, đôi mắt cứ nhìn mãi, nhìn mãi về hướng chung quanh với hy vọng biết đâu sẽ xuất hiện một bóng thuyền, nhưng tất cả đều vô vọng, nước mắt trào ra, Phương nhìn chung quanh, các mái nhà nhấp nhô trong nước, có vài nhà lầu nước chỉ ngập tầng dưới, nhưng mà tầng trên cửa đóng im lìm. Cách nơi Phương ngồi khoảng ba mươi mét, là con sông đào nước một màu đục ngầu, rồi bao nhiêu là củi, là những chiếc thuyền lật úp, lộn nhào trong nước từ đâu vội vã trôi về, theo con sông đào chảy xiết, chúng đua nhau trôi về biển cả mênh mông, Phương nhìn qua bên kia Tiên Nộn, những tàu dừa, những đọt tre, vật vả trong gió, trong mưa. Phương rùng mình với ý nghĩ nước sẽ dâng cao thêm nữa, thêm nữa, Phương sẽ ra sao đây, trong nỗi lo sợ mênh mông, trong niềm hoang mang vô tận, Phương không dám nghĩ tiếp, rồi đến chiều nước vẫn lên chậm, nhìn xa xa những ngọn cây lung lay trong gió, một màn mưa trắng xóa khắp bầu trời, cái lạnh từ đâu đến thấm vào người, làm Phương rùng mình, run cầm cập, Phương ngồi co ro, với tâm tư hoảng loạn miên man, nỗi lo sợ, nỗi bất an, nỗi khiếp đảm cứ canh cánh bên lòng, biết gọi ai, biết trông mong ai, tất cả đều vô vọng, một nỗi vô vọng trải dài, lòng Phương chìm lắng trong nỗi bàng hoàng khủng khiếp
Đến đêm thứ hai, Phương không còn nghĩ được gì, cái chết như cận kề, Phương vẫn ngồi trên nóc nhà, chờ đợi ngóng trông,với niềm hy vọng mong manh, miệng luôn luôn niệm Phật, cứu khổ, cứu nạn Quan thế âm Bồ Tát, Phương chắp hai tay, khấn nguyện cùng cao xanh, phù hộ cho nước mau rút, người ướt đẫm, những hạt mưa vô tình cứ quất vào mặt Phương rát bỏng, Phương thấy ngày đã dài rồi mà đêm còn dài vô tận, những dòng nước bạc màu, như nhập nhòa trước mắt Phương, Phương mơ hồ có cảm giác như nó muốn kéo Phương đi theo, nhận chìm Phương xuống đáy sâu, rồi đưa Phương về với biển cả mịt mùng, làm mồi cho cá nuốt, những ý nghĩ ấy, làm cho Phương, khiếp đảm, kinh hoàng, run rẩy, một nỗi lo sợ hoảng loạn cứ quấn chặt tâm tư Phương
Qua sáng hôm sau, Phương thấy nước không lên quá mức chiều hôm qua, đang xắp xắp mái ngói, một tia hy vọng nhỏ nhoi lại được nhen nhúm, Phương ngồi hát, hát bài Tiếng sông Hương của Phạm đình Chương, đến câu " Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thì thiếu ăn, trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương ngập tràn Thuận An......" bỗng Phương khóc òa, nàng nghĩ đến xứ Huế của nàng sao mà lắm lụt lội, lắm mưa dầm gió bấc. Nàng nghĩ nếu nước không rút nàng ngồi thế này qua ngày thứ ba, thứ tư có chịu nổi không? Bao nhiêu phân vân trong lòng, nàng đã dầm mưa hai đêm, hai ngày rồi, nếu kéo dài nữa nàng có chịu nổi không? Nàng chưa thấy đói bụng nhưng mà rồi sẽ đói, sẽ khát, biết làm sao đây, bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu ý nghĩ mơ hồ cứ xoắn lấy tâm tư nàng, miệng khô đắng, đầu váng vất như người bị sốt
Nghĩ đến chồng, đến con, nàng biết trong thành cũng hứng chịu lụt nhưng không nặng nề, nước không ngập mái nhà như ở Bao Vinh , nàng nghĩ đến mẹ, người mẹ đã rời bỏ nàng từ lúc nàng mới năm tuổi, chưa biết gì, chưa biết đớn đau vì sự mất mát quá lớn, mất mẹ, chưa biết nhỏ giọt lệ tiễn đưa kẻ sinh ra mình, khi người ta đưa mẹ vào quan tài, nàng đứng nhìn lạ lẫm, rồi trong đầu óc non nớt của nàng, cứ suy nghĩ mông lung. Nàng thường nghe, bà nội kể mẹ nàng một mình buôn bán nuôi mười đứa con, năm trai, năm gái, nàng là con áp út, còn ba nàng hết phát minh ra máy này đến máy khác, làm cho mẹ hết vốn.
Qua ngày thư ba, nước bắt đầu có dấu hiệu rút, nàng nhìn bầu trời, thấy có những đám mây trắng đang trôi bồng bềnh, nàng thấy le lói vài tia hy vọng nhỏ nhoi trong đầu.
Bổng nàng nghĩ nếu nước rút chắc Loan sẽ đi tim nàng, chợt nàng nhớ lại ngày hai đứa quen nhau, mới đây thôi, nó tình tứ và thắm thiết biết bao. Ngày ấy nàng đi bán bánh ở cửa hàng chị về,( chị nàng là hiệu bánh Bảo Thạnh ở đường Trần Hưng Đạo, khi ấy nàng tròn mười chín tuổi ) đến cầu Thanh Long, bỗng có người con trai chạy xe theo nàng làm quen, lúc ấy trời vừa chập choạng, trong cái buổi chiều tranh tối, tranh sáng của mùa thu mát dịu ấy, nàng cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng, một cảm giác nhẹ nhàng êm ái len nhẹ vào trái tim, một tình cảm vừa chớm dậy chưa đặt tên ăm ắp trong lòng, nàng bồi hồi rung động, xuyến xao
Rồi từ đó nàng được Loan đưa đón, chăm sóc ân cần, qua năm sau đám cưới Phương Loan được diễn ra, giữa sự chứng kiến của hai bên họ hàng thân thích, thế rồi đôi vợ chồng trẻ lo làm ăn chăm chỉ, chẳng bao lâu mua được căn nhà nhỏ, nhà mà hiện giờ nàng đang ngồi trên nóc, hai vợ chồng ở riêng, cuộc sống từ đó thật hạnh phúc, với hai đứa con ngoan, một trai, một gái,mặc dù hai vợ chồng Phương đều làm lao động chân tay, công việc không mấy ổn định. Loan còn mẹ nhưng rất hiền từ, mẹ Loan rất trẻ vẫn còn buôn bán được, Phương không có mẹ nên coi mẹ chồng cũng như mẹ mình, gia đình Loan chỉ có hai anh em trai, hai nàng dâu và mẹ chồng rất ý hợp tâm đầu.
Mãi theo dòng suy nghĩ, bỗng nàng nhìn xuống nước đã rút được năm tấc, lòng mừng khớp khởi, nỗi vui mừng làm cho nàng quên đi những mệt mỏi, những ê ẩm của ba ngày qua, ba ngày không ăn, không ngủ, ngồi giữa trời với bao nỗi khiếp sợ lo toan, nỗi hoang mang đầy ắp, nàng nhìn lên bầu trời, những đám mây trắng bắt đầu trôi lững thững về nơi phương trời vô định, bấu trời trong sáng, xa xa nàng nghe có tiếng đò máy vọng lại. Rồi nước rút nhanh, thật nhanh, dân vạn đò đã bắt đầu đi vớt củi, ngồi trên nóc nhà nàng nghe vẳng đâu đây những tiếng gọi quen thuộc
- Phương ơi! Em ở đâu, em ở đâu Phương ơi!
Rồi tiếng gọi đến gần, đến gần, thật gần...
Loan vội vã đi tim cái thang, bắc lên để cho Phương leo xuống, Phương không hiểu sao khi gấp gáp Phương lên đến tận nóc nhà mà giờ đây, thì giờ rỗi rãi, Phương lại không leo xuống được
Vợ chồng gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi, Phương đọc được trên nét mặt vui mừng của Loan còn in hằn dấu vết mất ngủ lo âu, Phương cảm động lắm, Loan vụt nói
_Phương ơi! Em có biết anh lo lắng cho em đến chừng nào không? Rồi Loan nói trong nghẹn ngào:
_Anh và các con không thể nào thiếu em, thiếu những tình cảm nồng nàn thắm thiết mà em dành cho anh và các con, thiếu bàn tay chăm sóc dịu dàng của em
Phương gật gật đầu và nói với giọng khàn đặc
_ Em biết, em biết....
Thì ra hứng chịu mưa gió ba ngày hai đêm nàng đã khàn tiếng, Rồi một chiếc xích lô đỗ xịch đến, hai con nàng phóc xuống ôm lấy mẹ và mẹ chồng nàng, tiếp theo bốn bà chị và ba người anh, một đứa em trai, còn anh thứ bảy của nàng đã chết lúc hai hai tuổi. rồi chị dâu, anh rể đông đủ cả đại gia đình,an ủi phần nào những nỗi tủi thân. Bất chợt nàng lã đi trên bờ vai Loan, mọi người cùng xúm lại đưa nàng về nhà ngoại ở gần đồn Măng Cá để nàng nghỉ ngơi
Nhìn mọi người ân cần lo lắng cho mình Phương không khỏi xúc động, tự trong sâu thẳm đáy lòng nàng bao nhiêu nỗi tủi cực, nỗi đau đớn đều tan biến, nhường chỗ cho một niềm vui lâng lâng len lỏi qua trái tim. Lúc này Loan mới bắt đầu kể:
_Em biết không, anh thấp tha, thấp thỏm theo dõi con nước, anh không ngờ nước năm nay lại lên nhanh và cao hơn mức bình thường của mọi năm, trong lòng như lửa đốt, anh tim phương tiện nhưng không ai dám đi, đến khi nước có dấu hiệu rút anh vội vã đi tìm em mặc sự ngăn cản của mọi người vì còn nguy hiểm, rồi anh lội ra hiệu bánh tìm, nhưng không có em, khi ấy anh như điên loạn, trên đường đi xuống Bao Vinh, anh cứ lo sợ những điều không may xảy ra cho em, anh chết điếng cả cõi lòng...
Loan chăm sóc cho Phương thật chu đáo, anh để nàng nghỉ ngơi tuyệt đối, nàng ăn qua loa miếng cháo loảng, rồi ngủ một giấc từ năm giờ chiều đến trưa hôm sau, qua ba ngày sau nàng đã bình phục, đã qua cơn khủng khiếp và trở lại như xưa, nhưng nỗi kinh hoàng của mấy ngày qua, vẫn còn đọng mãi, đọng mãi trong tâm tư nàng suốt những năm tháng dài...
Cẩm tú Cầu
______________________________________________________________
No comments:
Post a Comment