Friday, March 7, 2014

Nhà Văn – Nhà Thơ Trần Hoài Thư và vài cảm nghĩ của tôi

Phạm Lê Huy


Tháp Bánh Ít và Tu Viện Nguyên Thiều (Bình Định)

Mt bài viết của tôi đăng trong Đặc San Cường Để – Nữ Trung Học Quy Nhơn năm 2010 có đoạn :

“… Trong đó có bài Đánh Trong Thành Phố của Trần Hoài Thư viết về trận đánh giải vây thị xã Quy Nhơn vào Tết Mậu Thân 1968 tại Cây Xăng Ông Tề mà trung đội anh (thuộc Đại Đội 405 Thám Kích) là nổ lực chính. Năm 74, tôi biết nhưng không quen anh khi tôi nằm dưỡng thương ở bệnh viện Sư Đoàn 22 trên Tháp Bánh Ít – Cầu Bà Gi. Anh vóc người dong dỏng cao, gương mặt xương xương, mang kính cận nặng, dáng dấp ra vẻ nhà giáo hơn là nhà binh; lúc nào anh cũng kẹp trong nách xấp bản thảo hoặc một cuốn sách nào đó”.
Vào năm đó tôi đang học ở Sài Gòn về Quy Nhơn ăn Tết với gia đình. Thế rồi có tiếng súng nổ lẫn trong tiếng pháo giòn giã đón mừng năm mới ngay trong đêm giao thừa. Đó là lần đầu tôi nghe tiếng súng và cũng là lần đầu chiến tranh về thành phố – không những về riêng Quy Nhơn tôi mà còn về cả các thành thị khác của Miền Nam nữa. Sáng hôm sau, khi chưa có lệnh giới nghiêm chặt chẽ, tôi đã cùng vài thằng bạn hiếu kỳ dại dột rủ nhau đi coi “đánh nhau” ở Công Viên và Đài Phát Thanh Truyền Hình của Thị Xã. Đến khi thấy người ta chạy lui thì bọn tui cũng chạy lui theo trong tiếng súng giao tranh rợn người. Tôi cũng nghe nói có đánh nhau giành giựt quyết liệt từng tấc đất ngay trên đường phố ở khu Cây Xăng Ông Tề. Sau, tôi nghe nói có một ông Thiếu Úy bị thương ở đó.



… … …
Bởi đã từng khâm phục tinh thần chiến đấu và mến phục văn tài của anh; và cũng bởi anh là Người Lính Viết Văn gốc Đà Lạt / Huế đã hai lần nhuộm thắm máu mình trên đất Bình Định quê tôi, nên trong phạm vi nhỏ bé của mình, tôi cố gắng tìm hiểu về anh qua các tài liệu mà tôi đọc được và xin trang trải dưới đây như là một lời tri ân của mình gởi đến anh.

* * *
Thật là khó cho tôi khi viết về anh – Nhà Văn - Nhà Thơ Trần Hoài Thư – bởi anh là người được biết đến nhiều trên Văn – Thi Đàn, cho nên phần lớn nội dung bài này chỉ là sự góp nhặt của tôi từ chính bài viết của anh và từ một đoạn vấn – đáp trên Tạp Chí Sóng / Canada mà thôi.
Trần Hoài Thư tên thật là Trần Quí Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt Việt Nam. Từng theo học Quốc Học Huế, đại học Sài Gòn. Là giáo sư toán trường trung học Trần Cao Vân tỉnh Quảng Tín (nay đã sát nhập lại vào Quảng Nam) từ 1964-1966. Nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ tại Đại Đội 405 Thám Kích vùng II trong 7 năm. Hai năm cuối cùng, trước ngày mất nước, làm phóng viên chiến trường vùng IV. Hai lần bị thương: lần thứ nhất tham chiến trận giải cứu thành phố Quy Nhơn / Tết Mậu Thân; lần thứ hai: tấn công lên đồi Kỳ Sơn / Bình Định, 1971. Bị tù Cộng Sản hơn 3 năm. Năm 1980 sang tỵ nạn tại Mỹ.
* * *
Và, tôi “được nghe” anh tâm sự trên blog của mình thế này :
Đồi đưa ta lên tận mặt trời.
Ta lưng chảy dài những giọt mồ hôi…
Mồ hôi tôi quyện vào nơi khói lửa.
Tôi ở đây, ba ngọn tháp Hời…
Phải, tôi đã có mặt tại một nơi mà ba ngọn tháp Chàm vươn lên trên ngọn đồi như ngậm ngùi cùng một trời tang lục. Để khởi đầu cho những chuyến đi khác, mà lời ca như thốn đậm tim gan :
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông.
Cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng…
Mái nhà mới của tôi là Đại Đội 405 Thám Kích – Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Sư Đoàn có huy hiệu là ba hòn núi đen và hai giòng sông trắng.
Cơ duyên hay là nghiệp nợ đã đẩy đưa một đứa con xứ Huế là tôi chọn nơi này làm chỗ nương thân trong dòng binh lửa. Tôi hoàn toàn xa lạ với Bình Định, không có cả một bạn bè hay thân nhân dù xa lắc. Không có cả một Mặt Trời để tôi có thể nương nhờ qua những truông những phá tai ương. Bình Định, nơi khét tiếng của Liên Khu Năm. Nơi cứ địa của Sư Đoàn Sao Vàng. Nơi mà trận đánh An Lão vẫn còn chấn động trên trang báo ngày, với thây người ngập như rạ suốt một chiều dài hơn một cây số dọc triền sơn và thung lũng miền thượng sơn.
Như vậy mà tại sao tôi về. Lạ lẫm làm sao. Tôi đang có mặt ở Bình Định, trên ngọn đồi Bà Gi, để nhìn xuống thấp. Không phải là vị vua để nhìn giang sơn của mình. Không phải là tướng lãnh để quan sát địa trận. Mà là một đứa học trò mới rời trường ngỡ ngàng nhìn thật tế với những câu hỏi, thắc mắc.
Tôi đã về Bình Định. Vì duyên hay là nợ ?
(trích từ Đánh Giặc ở Bình Định của Trần Hoài Thư)
* * *
Tình cờ trên trang web Tạp Chí Sóng / Canada tôi đọc được đoạn Nhà Văn Trần Hoài Thư được Nhà Văn Châu Hải Châu (Luân Hoán) và Nhà Thơ Nguyễn Mạnh Trinh phỏng vấn và anh đã trả lời như sau :
1. Trả lời Nhà Văn Châu Hải Châu (Luân Hoán) trên tạp chí Sóng tại Canada (số 73 tháng 6 năm 1988)
Tôi không có tham vọng trở thành một nhà văn. Tôi chỉ thật sự viết văn khi 20 tuổi.
Và viết tùy hứng. Ngày tôi ở Thám Kích, tôi kê giấy trên gò mả, viết dưới ánh trăng, hay trùm poncho viết trong ánh đèn pin quân đội. Đọc lại những bài viết của mình trước đây đôi khi tôi phải lạnh mình. Thú thật, tôi không thể ngờ tôi là kẻ sống sót để viết những dòng trả lời này.
Qua Mỹ tôi vừa làm vừa học vừa viết, cũng tùy hứng. Tuy nhiên ngòi bút trở nên thận trọng hơn.
Tôi vốn là một người lính, tôi không thể không viết cho một tờ báo nặng chủ trương về ca ngợi người lính bị bỏ quên hay bị bôi nhọ. đồng đội tôi đã gục xuống, đã đang bị đày ải trong tù ngục. Một tờ báo chỉ có giới hạn về địa phương và số đọc giả. Tôi ước muốn tất cả những người bỏ nước ra đi này, đọc và hiểu lớp thế hệ sa cơ của tôi. Bội bạc họ là một tội ác.
2. Trả lời Nhà Thơ Nguyễn Mạnh Trinh
Tôi bắt đầu viết lúc tôi học năm thứ nhất tại Ðại Học Khoa Học Huế. Hình như năm ấy là năm 1961 thì phải. Lúc ấy tôi ngồi trong thư viện Xavie. Thấy hình em bé gái sống sót trong trận Bình Giả, trần truồng chạy loạn, tôi không cầm được nước mắt, và tự dưng viết một mạch chừng 15 trang giấy học trò. Trong đó tôi dựng lại cốt truyện một em bé sống trong cô nhi viện, nơi tôi đã có mặt trong hai năm trời. Tôi gởi về tòa soạn Bách Khoa. Không ngờ bài được chọn đăng, dù bài bị kiểm duyệt gần trọn.
Viết đối với tôi lúc ấy (trước 75 – LBH ghi chú) là một nhu cầu bức thiết. Bởi vì tâm não của tôi cần phải giải tỏa. Thứ hai là do mình muốn nổi danh. Ðọc bài mình đăng trên Văn, trên Bách Khoa mà nghĩ mình cũng là nhà văn như ai. Lại thêm có thư của nữ độc giả nữa.
Còn bây giờ, thú thật, tôi viết cẩn trọng hơn. Sau những kinh nghiệm tang thương bằng máu và nước mắt, tôi viết những gì mà tôi nghĩ là đúng và có thể may ra an ủi một phần nào những người bất hạnh.
Tôi là tên viết tùy hứng. Muốn làm thơ thì làm. Muốn viết văn thì viết. Nhiều khi hai ba tháng không viết được một bài văn nào. Nhiều khi một tuần viết được hai truyện. Thơ và văn tôi hòa nhập chung làm một. Hình như khi viết là tim tôi đập. Gặp dịp là thơ lại trào dâng. Như truyện Vườn Thánh đi trên Văn cách đây gần 30 năm, tôi bắt đầu bằng thơ: Một đôi mắt. Một nụ cười. Một giấc mơ. Cho tôi gục đầu vào đám mây dịu dàng ấy. Hay mới đây, trong truyện Nha Trang : Chỉ có tiếng thốt lên, òa vỡ cả niềm nhớ thương chất ngất…
Ðối với tôi, thơ như cần sa ma túy. Hình như khi mình càng lớn tuổi thì hồn thơ lại càng âm ấp. Của cô đơn. Của thân phận. Của tình yêu đôi lứa. Của tình bằng hữu. Của vũ trụ. Của từng hạt sương. Của cọng rơm hạnh phúc… Ngay cả văn của tôi cũng vậy. Có lẽ lệ tôi mềm thấm gỗ. Gỗ già nua, lạnh cả chân đời. Thơ đến khi tôi oà cảm động. Thơ tình, thơ chiến đấu hoà chung.
* * *
“Hình như khi viết là tim tôi đập” – Đó… Trần Hoài Thư khi viết là vậy đó. Cho nên mỗi khi đọc truyện hoặc thơ của Trần Hoài Thư là tôi như nghe anh đang tâm sự, đang kể chuyện bên tai mình. Khi thì thiết tha đằm thắm… khi thì sôi nổi cuồng nộ…

Và sung sướng thay, tôi cũng có đôi lần… “chỉ bằng một phần trăm của anh”


Phạm Lê Huy
(Los Angeles, Mar. 2014)


______________________________________________________________

2 comments:



  1. " Và sung sướng thay, tôi cũng có đôi lần… “chỉ bằng một phần trăm của anh”

    Anh Huy ơi! . Câu này thì thật là khiêm nhường đây . QN quí Anh vì điểm này !
    Cám ơn Anh - một bài viết hay .

    Mến./QN

    ReplyDelete
    Replies
    1. QN ơi... Thật lòng là như vậy đó !
      Hôm nào về đây ghé Quán Chả Cá 84 Quy Nhơn đi nha !

      Delete