Nguyên Nhung
Lời tác giả:
“… Đôi chim sáo” là hình ảnh một đôi vợ chồng già, khi
những con sáo non đã đủ lông đủ cánh để bay đi xa lìa cha mẹ, chỉ còn lại đôi
sáo già buồn bã, ủ ê trong cái tổ ẩm ướt với những ngày Đông dài lê thê… ”.
Khi
người hàng xóm sửa chữa lại chỗ mái hiên bị giột, là từ lúc ấy đôi vợ chồng
chim bị mất tổ. Không biết đấy có phải là nỗi éo le của cuộc đời, hạnh phúc của
kẻ này lại là nỗi bất hạnh của người kia, vẫn hay kề cận bên nhau, khi đời sống
luôn luôn là những thay đổi. Như một thành phố được tân trang cho mới mẻ, lại
cũng mất đi nét cổ kính của một vẻ đẹp yên tĩnh, rất nên thơ.
Mỗi
buổi sáng, khi mặt trời vừa thức dậy, vợ chồng đôi chim sáo đã lo tần tảo kiếm
ăn. Tôi không biết đó là loại chim gì, nhưng tiếng hót khá hay, với màu lông
xám có một mảng phơn phớt bạc ở trên đầu. Mình to gấp hai lần chim sẻ, tôi cho
chúng là một loại sáo, vì chúng hay hót, có khi hót cả ngày vì một điều gì vui
trong thế giới của loài chim.
Đấy
là một đôi vợ chồng chăm chỉ, còn trẻ tuổi, chưa con cái. Hôm nào mưa, anh
chồng bay lên sợi dây điện, ngó quanh, hót lên mấy tiếng, có ý than thở cảnh
đất trời u ám, khiến một kẻ chăm làm tham công tiếc việc phải bất đắc dĩ nghỉ
ngơi. Còn lại chị vợ trong hốc tối ở mái hiên, chị cũng hay hót, như đàn bà
thường lắm điều hơn đàn ông, thỉnh thoảng chị bay sà xuống cây thông đất trước
cửa nhà tôi để rỉa lông, rỉa cánh.
Khoảng
đầu xuân, khi vợ chồng chim đến làm tổ trên cái hốc tối con con nơi mái hiên
nhà hàng xóm, tôi thấy họ bận rộn lắm. Qua khung cửa kính, tôi quan sát đôi
chim như một đôi vợ chồng mới cưới, có thể cô vợ đang mang thai, và họ cần một
tổ ấm cho gia đình. Vợ chồng sáo ríu rít vào ra cái hốc nhỏ, được hình thành
khi mảnh ván bị mục vì nước mưa, lâu ngày đã vô tình khoét một chỗ trống, vừa
vặn cho gia đình một đôi chim sáo.
Hai
người trẻ tuổi yêu nhau, bước vào đời rộn ràng như thế nào thì đôi chim sáo
cũng y như vậy. Từ mờ sáng, ánh đèn đường còn lung linh dưới tàn cây tối thẫm,
tôi đã nghe đôi chim ríu rít, trò truyện. Họ dậy sớm lắm, sớm hơn cả lũ trẻ
phải dậy đi học, nhất là những ngày vào Xuân, năm ấy đâu là mùa Xuân đầu tiên
của vợ chồng sáo. Không biết họ ở đâu đến đây, nhưng ngay những ngày đầu, tiếng
hót của họ đã làm những người trong khu chung cư thức dậy, và biết là mùa xuân
đã tới. Những giọt mưa xuân đêm qua còn lóng lánh trên những lá cỏ non, khi
bình minh đến, chiếu những tia nắng dịu dàng lên cỏ hoa, để những giọt nước li
ti ấy biến thành những viên kim cương diễm lệ.
Đúng
là những người yêu đời nhất thế gian, đôi vợ chồng chim bắt tay vào việc xây
dựng tổ ấm rất hăng hái, bay ra bay vào suốt ngày, mỗi lần trở về lại cắp theo
một nhánh cây khô, một cọng cỏ héo, và cả những chiếc lá xanh. Họ có cái rộn
ràng, tất bật khi phải cố hoàn thành cho nhanh, một cái nôi cho lũ con thơ sắp
chào đời nay mai. Được một dạo, khi anh chồng đi kiếm ăn, chị vợ có vẻ mệt mỏi
đậu xuống cành thông đất trước hiên nhà, chị hững hờ mổ mổ chiếc lá non, như
người phụ nữ đang mang thai thèm ăn dở.
Sáng
nào, tôi cũng ngồi hằng giờ ngắm nghía hạnh phúc của vợ chồng chim sáo, ngay cả
khi chị sáo khẽ khàng đậu trên nhánh thông, tôi cũng không dám mở cửa, sợ kinh
động cái thảnh thơi của chị. Chị sáo có cái thảnh thơi của một tâm hồn trong
sáng, hình như không có gì để suy nghĩ ngoài những hạnh phúc chị đang có. Chị
nhảy từ cành này sang cành kia, thỉnh thoảng lơ đãng ngó mông lên rặng cây bên
đường, có thể chị đang nghĩ đến anh chồng đang luẩn quẩn đâu đó. Khi anh sáo
về, chị cũng cuống quýt bay lên, đôi vợ chồng chim lại lục đục trên cái hốc
tối. Ấm áp lắm, nồng nàn lắm, tôi ưa nhìn cái hạnh phúc của muôn loài, và cảm
nhận được cái vui từ chút hạnh phúc nhỏ nhoi, đơn giản ấy.
Đấy
là những ngày đầu tiên của vợ chồng chim sáo, hạnh phúc khi có thì ở đâu cũng
hạnh phúc, chưa chắc gì trong những căn phòng đẹp đẽ, tiện nghi của loài người,
hạnh phúc đã thèm hiện diện.
Đôi
vợ chồng chim sống thật êm đềm, đơn giản đến không còn gì đơn giản hơn. Sáng.
Dậy sớm. Hỏi han nhau ba điều bốn chuyện, qua những tiếng hót làm vui tai mọi
loài. Rồi khi nắng lên, bay đi kiếm ăn. Tuy nhiên, họ lại là những kẻ rất chu
đáo trong vấn đề chăm sóc gia đình, rất bận rộn cho miếng ăn hằng ngày, nhưng
vẫn không bỏ bê nhà cửa. Tôi thấy vợ chồng sáo về nhà luôn luôn, tha thêm những
nhánh cỏ khô, chiếc lá héo.Tôi tưởng tượng trên đống cỏ khô được khoanh tròn
lại bằng những chiếc mỏ khéo léo của vợ chồng sáo, dăm chiếc trứng xinh xinh,
tròn trĩnh đã được chị vợ sắp xếp gọn gàng, vừa đủ cho chị mỗi ngày ủ ấp lũ con
thơ, đang hình thành trong lớp vỏ trứng.
Cái
ấp yêu của vợ sáo, là cái ấp yêu của những người mẹ yêu con ngay từ lúc còn là
bào thai, vừa mới tượng hình trong lòng mẹ. Tình mẫu tử đã được ràng buộc giữa
mẹ và con, chị sáo cũng như bao người mẹ khác, đã nâng niu những đứa con yêu
của chị trong những quả trứng mỏng manh kia. Chị sáo chắc hẳn cũng đã từng nghe
ngóng, chờ đợi. Một hôm nào nghe lũ con cựa mình trong vỏ trứng, rất khẽ khàng
chị dùng chiếc mỏ cứng, giúp con đẩy chiếc cửa đầu tiên vào đời. Mấy chú sáo
non run rẩy, trần trụi lớp lông tơ, nếu không có tổ ấm của cha, sự săn sóc của
mẹ, làm sao để sống?
Từ
đấy, tôi có cái ngạc nhiên khi nhìn cuộc đời ở một khía cạnh khác, khi biết
rằng trong thế giới loài người, có những người con thành đạt, lớn lên trong nỗi
nhọc nhằn của cha mẹ, đã hắt hủi cái tổ ấm của mình, và nhìn nó bằng những đôi
mắt ghẻ lạnh.
Khi
lũ con ra đời thì vợ chồng sáo có vẻ bận rộn hơn. Ở góc cạnh này, tôi rất khâm
phục anh sáo, nếu là người, anh rất xứng đáng là một người cha gương mẫu. Anh
ta vốn là một người chăm chỉ, bây giờ lại càng chăm chỉ hơn, khi trên chiếc tổ
chim ấy, đã vang lên tiếng liếp chiếp đòi ăn của bầy con dại. Chị sáo dạo này
thỉnh thoảng mới bay ra cây thông, có lẽ vì bận con mọn. Trông chị có vẻ tất
bật, không còn cái vẻ thảnh thơi của độ còn son rỗi, vì lo ngại lũ con thơ có
thể lăn ra khỏi tổ lúc chị vắng nhà, rồi cứ thế lăn lông lốc xuống thềm xi măng
dưới kia, thì dẫu có Trời giúp, chị vẫn không đủ sức để đem con về tổ. Quan sát
kỹ để thấy, chị luôn luôn lấp ló nơi cửa , đầu ló ra ngoài, hai con mắt trong
veo như hai hạt đậu. Người mẹ ấy chăm sóc con cẩn thận lắm, lũ sáo non dường
như đã được đẩy tít vào phía trong, cho dù một cơn gió lang thang, cũng không
thể thổi hắt vào cái tổ nhỏ bé ấy.
* * *
Qua
hết mùa hè, mải miết kiếm ăn nuôi lũ con thơ, anh sáo trông có vẻ phờ phạc hơn.
Tôi rất khâm phục sự hy sinh của anh. Khoảng cách từ nhà anh ra rặng cây xanh
không xa, vì anh bay khá nhanh, nhưng phải nói sự vật lộn để mưu sinh giữa chợ
đời đâu phải là dễ dàng, khi trên ấy có đủ loại khác nhau như sóc, quạ, hoàng
oanh, chim sẻ. . . . Anh sáo chắc có lúc cũng nhận ra cái thực tế phũ phàng và
cay đắng trong việc tìm miếng cơm, manh áo, sự tranh giành giữa muôn loài với
nhau, đâu có gì là dễ chịu, cho dù anh có đạt được chân lý “ăn để sống”.
Cuối
hè ấy, khi lũ chim non đã đủ lông đủ cánh, tôi thấy mấy cái đầu xinh xinh ngó
ngó, nghênh nghênh ngoài cửa tổ, chiêm chiếp kêu. Chị sáo cũng phục hồi sau
thời gian ở cữ, tròn trịa hơn, mũm mĩm và xinh đẹp hơn, như người đàn bà sau kỳ
sinh nở, những đường nét trên cơ thể nẩy nở ra như một đóa hoa thời kỳ mãn
khai. Lũ con lớn hơn thì người cha càng vất vả, có vẻ như kiệt sức, bộ lông sáo
không mượt mà như xưa, cái nóng của mùa hè khiến anh thêm hốc hác. Trong nhà,
người ta mở máy lạnh suốt ngày đêm, lúc cần ra đường, người ta vội vã chui ngay
vào xe, rồi hối hả đi vào những căn phòng có máy lạnh khác. Chắc anh sáo cũng
mệt mỏi lắm. Anh phải đi kiếm ăn, suốt ngày bay tới bay lui từ hàng hiên ra
rặng cây xồi ven đường, lúc ấy râm ran những tiếng ve gọi hè, chỉ còn mẹ con
nhà sáo chui rúc trong cái tổ nóng bức chật chội. Ba đứa con chưa biết bay,
nhưng ăn tợn, thỉnh thoảng tôi thấy chị sáo cùng chồng bay xuống sân cỏ, nhặt
nhạnh những hạt cơm, vụn bánh, hột cỏ rồi lại bay ù về tổ. Bây giờ chị cũng
phải cùng chồng đi tìm mồi về nuôi lũ con háu đói kia, chiêm chiếp suốt ngày
đến sốt ruột.
Sang
đầu thu, mẹ sáo dạy con tập bay. Mới đầu là những khoảng ngắn từ tổ xuống hàng
hiên, những cánh chim non sợ hãi, rụt rè bay xuống hiên, rồi lại bay về tổ.
Những bước chân chập chững vào đời, trong nỗi buồn vui của cha mẹ. Như còn đấy,
như mất đấy, một ngày nào tổ ấm sẽ yên lặng, không còn tiếng chim vui như tiếng
trẻ khóc, trẻ học. Khi những đứa con lớn lên, sắp ra khỏi tầm tay cha mẹ, là
lúc ấy đời dường như ngắn lại, rồi ở đâu kia đã hình dung ra màu tàn phai của
những chiếc lá héo, thấy mình trong gương bỗng xa lạ với mình ngày trẻ tuổi.
Ngày
hôm ấy là một sáng đẹp trời, tôi đã nhìn thấy, nghe thấy lũ sáo con ríu rít bay
ra khỏi tổ. Không hiểu vợ chồng sáo buồn hay vui, khi thấy con mình đã đủ sức
bay đi, rồi mấy đứa đã quay về cái nôi êm ái đó?
Lũ
sáo con thật hồn nhiên khi mở to đôi mắt nhìn bầu trời khoảng khoát, rồi như kẻ
đã nhìn thấy tự do, chúng bật lên những tiếng hót thánh thót, du dương như một
bản nhạc vui. Cái gì cũng mới lạ, khoảng trời xanh bao la cho những cánh chim
rộn ràng xoải cánh đến những vùng trời thênh thang, trên vòm cây xanh, những âm
thanh mời gọi của bạn bè khiến lòng nao nức lạ. Phải nhập cuộc thôi, một khung
trời mới mẻ có hoa thơm và mồi ngon, để túy lúy với men say cuộc đời. Trong
những con người trẻ, tâm hồn trẻ, đâu đã biết ngậm ngùi trước cảnh chia ly với
mái ấm gia đình.
Tôi
đã nhìn thấy những con sáo con bay ra khỏi tổ vào đầu thu hôm ấy. Nó có trở về
không nhỉ? Làm sao tôi có một câu trả lời, nhưng tôi cứ chờ đợi, như đợi những
đứa con của mình đi đâu đó, sẽ trở về, sẽ mãi mãi không bao giờ quên tổ ấm.
* * *
Sang
thu, có một chút heo may chợt đến vào buổi chiều, gia đình sáo có vẻ yên lặng
hơn, vì những đứa con chưa trở về. Anh chị sáo buổi sáng vẫn dậy sớm từ mờ đất.
Hôm ấy có thể mặt trời không lên, đám mây xám giăng ngang bầu trời, cho cơn mưa
thu chợt đến và kéo dài suốt những ngày tháng tám.
Mưa
kéo dài suốt một mùa thu, vài cơn bão rớt từ đâu ghé lại khiến lòng người cũng
chùng xuống bao nhung nhớ. Cây cỏ ướt sũng dưới mưa, vợ chồng chim thưa thớt
tiếng chim vui, những giọt mưa luồn vào tấm gỗ mục trên mái hiên, làm tổ ấm của
đôi chim chừng ẩm ướt hẳn đi.
Vào
mùa thu, vài tia nắng dịu dàng ươm trên hàng cây đã có nhiều lá úa, để một cơn
gió tới, đã cuốn theo những chiếc lá vàng từ trên cây rớt xuống như mưa, rồiø
cứ thế lăn tròn xuống cuối dốc. Mùa thu bao giờ cũng ngắn ngủi và rưng rưng
buồn, giàn mướp hương còn lại những chiếc lá cuối cùng vẫn xào xạc nghe như dư
âm của một cung đàn đềm êm trong quá khứ. . .
Hết
mùa thu lại tới một mùa đông, không gian như càng ảm đạm và lạnh lẽo. Gã mặt
trời lười biếng không thức dậy, ánh đèn vẫn tỏa sáng trong vòm cây tối. Vợ
chồng sáo không hót lên câu chào hỏi mỗi ban mai, những giọt mưa mùa đông vẫn
rớt trên mặt đường, loang loáng ánh đèn từ những chiếc xe qua lại vội vã.
Vợ
chồng sáo như đôi vợ chồng già, lủi thủi trong chiếc tổ ẩm ướt, nùi cỏ khô như
tả tơi thêm khi anh sáo già không có cái hăng hái ngày trẻ tuổi, đi tha những
cọng cỏ khô về làm tổ cho lũ con. Thỉnh thoảng, vào một ngày khô ráo. vài tia
nắng yếu ớt lách ra khỏi màn mây màu xám đục, tỏa xuống nhân gian một chút ấm áp.
Anh chị sáo bay ra khỏi tổ, đậu trên sợi giây điện, hai cái bóng chim như hai
nốt nhạc sậm màu cho một bản nhạc buồn.
Sao
tôi ngậm ngùi thế. Buổi sáng, chỉ còn một mình trong căn phòng vắng, tôi nghe
đôi chim sáo buông ra những tiếng kêu rời rạc, khắc khoải như tiếng ca cẩm cái
chân đau, chiếc lưng mỏi cho một tuổi già lụm khụm.
Hết
mùa Đông, lũ sáo con vẫn không trở về, nhưng một biến cố đã xảy ra cho đôi vợ
chồng sáo. Người ta chuẩn bị sửa nhà đón mùa xuân mới, người hàng xóm đã gọi
thợ đến sửa lại mái hiên bị giột, thay vào đó một tấm ván mới, bít lại cái tổ
chim. Khi đám thợ mang cưa, búa, gỗ đến, tôi thấy đôi chim hoảng hốt bay ra,
mắt nhớn nhác nhìn loài người như một loài quỷ dữ, nhất là khi âm thanh của
tiếng cưa kèn kẹt nghiến vào tấm ván, như nhát dao cuối cùng trên cổ người tử
tội, thì mới hình dung được cái hãi hùng của người sắp chết.
Chiều
hôm ấy, khi mái hiên nhà hàng xóm đã được sửa chữa xong, còn nồng mùi sơn mới.
Mới mẻ, cứng cáp, không còn một cái hốc nào làm chỗ trú cho loài chim. Tôi thấy
đôi chim sáo bay về, ngơ ngẩn đậu trên sợi giây điện như hai nốt nhạc buồn, ngơ
ngẩn nhìn về tổ ấm dưới mái hiên, rồi chúng vụt bay đi. Không biết ở mắt chúng
có ứa ra giọt lệ nào không? Riêng tôi, sao buồn quá, và tôi đã khóc.
Nguyên Nhung ___________________________________
_____________________________________________________
_____________________________________________________
No comments:
Post a Comment