Thursday, January 16, 2014

Để có một giò Thủy tiên đẹp chưng Tết..

Cách cắt tỉa Thuỷ tiên


Tết gần đến rồi nhân đọc bài này thấy hay đem về chia sẻ cho mọi người xem cách cắt tiả củ Thủy tiên. Tác giả chỉ dẩn tỉ mì có hình minh hoạ dể hiểu, hửu ích cho ai thích trồng hoa dịp Tết. Chúc Các bạn một Năm mới vui vẻ tràn đầy hạnh phúc




Củ thủy tiên rất giống củ hành tây, cũng có nhiều lớp vỏ củ như vậy. Toàn củ gồm một củ chính lớn nhất và một số củ nhỏ hơn mọc xung quanh, được gọi là mầm
sườn. Vỏ thân củ hoa màu trắng sữa, đáy củ là vầng rễ già có màu vàng ngà, lớp rễ mới mọc ra sau này sẽ có màu trắng muốt, óng ánh như râu tóc của tiên ông. Giữa củ có lá non màu vàng và các tia hoa gồm nụ hoa, cuống hoa nằm thẳng hàng.




Phía dưới của củ bao giờ cũng có một chút đất để bảo vệ vầng rễ, người Hoa sống xa tổ quốc thường dùng khăn gấm gói mảnh đất này lại và để lên ban thờ tổ tiên và răn dạy con cháu hướng về tổ quốc.

Thủy tiên có sức sống rất mạnh mẽ, các vết cắt, gọt sẽ lành sau vài ngày. Gọt hoa thủy tiên mục đích là để tạo ra những hình dáng độc đáo như ý muốn. Vỏ củ, cuống hoa, lá được gọt, xén, tỉa sau đó sẽ lành nhưng dù sao, sự sinh trưởng cũng bị kiềm chế. Ngược lại, mặt bên kia của củ không bị gọt vẫn phát triển bình thường. Gọt, tỉa, cạo, cắt và thủy dướng tốt sẽ cho ta những giò thủy tiên có lá uốn lượn thấp, hoa vươn cao, nghiêng nghiêng duyên dáng.

Phương pháp cắt tỉa, tạo hình : Nguyên tắc chung là phải tĩnh tâm, tỉ mỉ, nhẹ nhàng trong mọi công đoạn gọt củ thủy tiên

1. Làm sạch củ:
Củ mua về bóc bỏ đất ở đáy củ, bóc hết các bẹ lá khô và ngâm nước 48h cho vỏ củ hút nước căng mọng ra để dễ gọt.
Ngâm nước rồi làm sạch lại một lần nữa




2. Bóc vỏ củ:
Bắt đầu động dao trên mặt củ theo vòng cung của củ, cách vầng rễ 1cm, rạch một đường vòng cung :



Nhẹ nhàng tách từng lớp vỏ củ:




Cứ bóc như vậy khi vào gần đến giữa củ thì phải hết sức thận trọng kẻo phạm vào bao hoa, cuống hoa và lá, cho đến khi để lộ hoàn toàn mâm củ. Trong khi tách, nếu gặp các mầm xiên xẹo bên ngoài thì cắt bỏ, chỉ giữ lại các mầm ở chính giữa củ nằm thẳng hàng nhau :




Đối với các mầm sườn cũng bóc vỏ như với củ chính. Thông thường, các mầm sườn cũng có một cành hoa nên chúng ta khi gọt cũng hết sức chú ý vì các lớp vỏ ở mầm sườn ít nên khi gọt rất dễ phạm vào bao hoa.

3. Bóc bào mầm:
Sử dụng dao vát lưỡng dụng và máng để khoét sâu các khe giữa các bào mầm để dễ bóc bào mầm và xén lá sau này. Sau đó, dùng mũi dao nhẹ nhàng rạch bào mầm để lộ ra lá và hoa. Thao tác này các bạn hết sức chú ý vì rất dễ phạm vào bao hoa. Nếu làm rách bao hoa thì chắc chắn hoa sẽ bị câm và thối hoa. Theo kinh nghiệm của tôi, các bạn nên rạch một đường ở bên cạnh của bào mầm, từ trên xuống dưới, thay vì rạch chính giữa bào mầm vì ở bên cạnh đã có các lá nằm bên trong che chở cho bao hoa. Sau đó, dùng dao máng bóc bào mầm (là một bao màu trắng bao bọc quanh lá và cuống hoa như trong hình) để lộ ra lá và bao hoa :







Các bạn nhìn thấy trong hình giữa những lá xanh màu lá mạ có một bao lồi ra, nho nhỏ màu vàng nhạt đó là bao hoa. Đây chính là phần quan trọng nhất của củ thủy tiên, nếu lỡ tay làm thủng hoặc gọt phạm phải là hỏng một hoa. Khi gọt mà thấy có mấy mẩu màu vàng cam sẫm rơi ra là hỏng một cành hoa rồi đấy. Thông thường, mỗi mầm có 4-5 lá, bên trong là cuống và bao hoa.

4. Xén lá:
Các lá thủy tiên, nếu không được xén tỉa thì sẽ luôn mọc thẳng lên tua tủa, nhiều khi che lấp mất hoa nên không được đẹp lắm. Do vậy, muốn lá mọc thấp và uốn lượn phía dưới hoa thì ta phải xén lá. Xén lá theo cạnh nào thì nó sẽ uốn lượn theo cạnh đó . Dùng dao lưỡi vát rạch một chút trên ngọn lá rồi dùng dao máng xén dọc theo chiều dài của lá cho tới tận cuống lá.





- Tạo lá cong hình móc câu : gọt, cạo một chút đằng sau lá từ ngọn lá cho tới giữa lá hoặc tới gốc lá, tùy theo bạn muốn cong ít hoặc cong nhiều.
- Tạo lá lượn vòng tròn : Từ đỉnh lá xén đi 1/3 tới ½ độ rộng của lá từ ngọn lá cho tới gốc lá.
- Linh tinh : kết hợp cả hai loại trên

5. Cạo cuống hoa:
Cũng như lá, nếu không tác động, trụ hoa thủy tiên sẽ cùng nhau mọc thẳng và trên đỉnh sẽ là một chùm những bông hoa nhỏ. Nếu muốn cuống hoa cong nghiêng nghiêng thì ta dùng dao cạo nhẹ lớp vỏ mỏng của cuống hoa ngay dưới đế bao hoa. Cạo chiều nào, hoa sẽ cong theo chiều đó. Có thể cạo một chút, có thể cạo từ đế bao hoa cho tới gốc cuống hoa, tùy theo yêu cầu tạo hình cong ít hay cong nhiều. Cần chú ý kẻo đứt cuống hoa.

6. Tạo hình :
Tôi mới gọt thủy tiên được vài lần, chủ yếu là mày mò gọt theo cách dễ nhất, phổ thông nhất. Để tạo hình con cua, gà trống, thiên nga, thuyền buồm… đòi hỏi sự tập luyện nhiều năm, khéo léo, có óc tưởng tượng phong phú và thường xuyên rút kinh nghiệm. Tiếc rằng, không phải dễ dàng mà tập gọt và tạo hình thường xuyên được vì mỗi năm chỉ có một lần và chỉ gọt trong một thời điểm nhất định, trong phạm vi vài ngày, sớm cũng hỏng, muộn cũng chẳng ra gì. Hy vọng vài năm nữa sẽ học hỏi và tạo hình được theo các chủ đề. 

Thủy dưỡng
Thủy dưỡng là quá trình nuôi trồng trong nước. Đây là một khâu rất quan trọng trong quá trình gọt thủy tiên, nó quyết định phẩm chất của một giò thủy tiên. Trong quá trình thủy dưỡng phải thường xuyên xem xét, điều chỉnh lá và hoa cho đẹp vì lá và hoa trong giai đoạn này rất dễ điều chỉnh, uốn nắn.

1. Làm sạch trước khi thủy dưỡng :
Dùng panh, kéo, chổi lông làm sạch các mảnh vụn giắt trong các khe bẹ củ, sửa lại các vết cắt cho thật ngọt. Xem kỹ mặt trước, mặt sau của củ xem có chỗ nào bị giập hay không, nếu có phải gọt sửa lại vì củ giấp rất dễ ủng, thối.

2. Loại nước sử dụng :
Thủy tiên ưa nước sạch, trong, tốt nhất là dùng nước mưa, nước giếng khơi, nước suối. Nước máy cũng dùng được nhưng nên để vài ngày cho bay hết hơi clo mới dùng được.
Thay nước hàng ngày đối với chậu nông và 2 ngày đối với chậu sâu. Nếu nhiệt độ ngoài trời cao phải thay nước hàng ngày vì trời nóng rễ và bẹ củ rất dễ thối, ủng.
Nếu nước có hiện tượng vẩn đục, phải lập tức xem xét củ xem có phần nào bị thối không, nếu có thì dùng dao gọt rộng hết phần bị thối, ủng và rửa thật sạch dưới vòi nước chảy, có thể rửa bằng nước muối loãng rồi tiếp tục thủy dưỡng.

3. Ngâm cầu :
Sau khi gọt và làm sạch xong thì ngâm mặt cắt, gọt, tỉa vào nước trong 24 h để rửa sạch nhựa chảy ra từ vết cắt, nhựa sẽ đùn ra và đông lại dẻo quánh trên các vết cắt gọt. Nếu không rửa sạch nhựa thì các vết cắt sẽ bị oxy hóa làm cho thâm lại.
Dùng chổi lông, bông cọ rửa mặt cắt và thay nước mỗi 8h 

4. Chậu thủy dưỡng :
Sau khi ngâm cầu, ta đưa củ lên chậu thủy dưỡng, đặt củ nằm ngang và hướng mặt cắt gọt lên trên. Dùng bông hoặc vải mềm phủ lên các vết cắt và rễ sao cho mảnh vải, bông luôn ướt, mục đích để rễ và các vết cắt không bị khô dẫn đến thâm. Không đổ ngập nước thay vì dùng bông phủ vì nếu ngập nước thì các vết cắt gọt lại bị ủng, thối.Có thể dùng loại bông tẩy trang, tách ra làm đôi rồi phủ lên mặt cắt của củ :




Sau khi đặt vào chậu thủy dưỡng thì ta nên để trong nhà 3-4 ngày do các vết cắt liền sẹo, lá bắt đầu mọc dài ra và hơi xanh mới đưa ra ngoài trời. Không để cây dưới ánh nắng trực tiếp, mưa gió. Ban đêm phải chuyển vào trong nhà để tránh sương đêm làm chột lá, hoa
Hàng ngày khi thay nước cần rửa sạch củ hoa và kiểm tra, điều chỉnh lá và ngồng hoa theo ý muốn. Chú ý ngồng hoa vì lá mọc thấp, lượn vòng dễ chèn lấp ngồng hoa làm ngồng hoa cong vẹo không đẹp mắt.

5. Thời điểm gọt :
Cái khó của người gọt hoa thủy tiên là phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trời nóng ẩm thì nhanh nở hoa, trời lạnh thì chậm. Củ thô được bán ở chợ Bưởi, chợ Mơ và một số nơi khác ở HN từ tháng 11 âm lịch. Thông thường, ở Hà Nội bắt đầu gọt trước ngày mồng 1 Tết từ 20 – 25 ngày. Tức là chúng ta sẽ tiến hành gọt vào những ngày từ mùng 5 đến mùng 9 tháng 12 âm lịch. Dự đoán năm nào ấm thì gọt trước tết 21-22 ngày, năm nào lạnh nhiều thì gọt trước tết khoảng 24-25 ngày. Tất nhiên, trong giai đoạn thủy dưỡng thì ta cũng có thể điều chỉnh được phần nào, nhưng dự đoán trước được thì nhàn hơn và cũng ấn tượng hơn..
Để chắc ăn, trong vòng 4 ngày thì mỗi ngày gọt 1 củ, thế nào cũng có 1-2 củ nở trúng 30 tết.
Trước đây, các cụ có lệ thi gọt, tạo hình thủy tiên làm sao nở đúng giao thừa thì đoạt giải thưởng lớn. Người ta cho rằng, năm nào gọt hoa thủy tiên mà nở đúng giao thừa thì năm đó sẽ rất may mắn. Tất nhiên, những giò thủy tiên nở sớm hay nở muộn thì đều cũng tốt vì người phương Đông quan niệm thủy tiên đem lại sự may mắn và trường thọ.

6. Điều chỉnh thời điểm nở hoa:
Từ khi hoa xé bao nang đến khi hé nở khoảng 5-6 ngày. Ta có thể điều chỉnh ngay trong thời điểm này. Cách thường dùng là can thiệp bằng nhiệt độ, ánh sáng. Điều chỉnh cho củ ra hoa sớm dễ hơn là ra hoa muộn.
Muốn củ ra hoa sớm thay nước ấm để thủy dưỡng, phơi ra ngoài nắng trực tiếp. Đêm đưa vào trong nhà che giấy, nilon rồi dùng bóng điện chiếu sáng.
Muốn củ ra hoa muộn thì phải nhiều lần thay nước lạnh, có thể dùng đá trong tủ lạnh ngâm nước xuống khoảng 15 độ C rồi dùng nước này để thay. Không phơi nắng mà phải để trong nhà tối hoặc chỗ râm mát, ban đêm đưa ra ngoài trời.

Trên đây là những kỹ thuật cơ bản mà tôi mạnh dạn đưa lên để các bạn tự tay gọt được thủy tiên chơi tết. Để có một giò thủy tiên theo cách thức giản dị nhất thì cũng không phải là quá khó hay đòi hỏi kỹ thuật cao siêu gì cho lắm, chỉ cần một chút khéo léo, một chút tỉ mỉ là chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra được một giò thủy tiên cũng không đến nỗi nào, chắc chắn sẽ đẹp hơn “hàng chợ”. Tự mình làm được cũng là một điều rất thú vị.

Hy vọng xuân này, các bạn sẽ có được những giò thủy tiên “cây nhà lá vườn” để chơi và tặng cho bạn bè, người thân.

GauMisa (chuyển tiếp)

_________________________________________________

No comments:

Post a Comment