Đặc ân của ngón xuân nồng
... Người tạo dựng, sáng lập ra nghề nail tính đến năm nay vừa tròn 83 tuổi:
Bà Tippi Hedren.
Bà Tippi Hedren.
Là một người mẫu, diễn viên điện ảnh Mỹ, bà sinh ngày 19 tháng 1 năm 1930 tại New Ulm, Minnesota. Tippi Hedren là một phụ nữ xinh đẹp, bà được sách báo mô tả như là một phụ nữ với vẻ đẹp sâu lắng, tinh tế, một người phụ nữ đẹp cả về thể xác lẫn tinh thần. Năm 1963, bà thành công và sau đó đã nổi tiếng với bộ phim đầu tay của mình là The Birds. Sau đó chỉ một năm, 1964, thành công được tiếp nối với bộ phim thứ hai nói về sắc màu và người phụ nữ mang tên Marnie.
Nhưng trên tất cả, từ năm 1970, bà được nhiều người biết đến bằng sự kính trọng và ngưỡng mộ dành cho một nữ tài tử nổi tiếng. Đó là hình ảnh bà trong vai trò của một nhà từ thiện tại Hoa Kỳ và trên thế giới, qua tổ chức Food For The Hungry (Thực Phẩm Cho Nạn Đói).
Khi biết được có nhiều người Việt Nam đang vượt biển trên đường đi tìm tự do, tổ chức Food For The Hungry và bà Tippi Hedren đã thuê ngay một tàu chiến cũ của Australia để đi làm công việc cứu trợ, tiếp tế thức ăn, nước uống, phương tiện y tế tạm thời cho những người sống lênh đênh trên mặt biển được tiếp cận với đời sống trên đất liền. Thêm vào đó, bà là người thành lập cơ sở tị nạn tại miền Bắc California, thành phố Weymar vùng Sacramento, nơi có thể giúp đỡ, chở che cho hàng ngàn người vượt biển tìm tự do. Tại đây có các lớp may vá và đánh máy do bà Tippi Hedren đảm nhiệm.
TRAO CHIẾC CHÌA KHÓA VÀNG
Mở đường, chỉ lối cho người Việt đi vào nghề Nails, bà Tippi đã làm như vậy đó. Bắt đầu bằng những sơ giao trong đời thường, các cô gái Việt Nam cảm nhận được trái tim của bà Tippi qua nụ cười hiền hòa, thân ái, cởi mở luôn nở trên môi. Còn nữa, đó là đôi bàn tay xinh đẹp của bà với những ngón tay được chăm sóc cẩn thận.
Rồi cũng từ đó bà Tippi nảy sinh ra ý định đưa các cô gái này vào nghề Nails. Trong khi đó, hình ảnh người thợ làm móng bên Việt Nam luôn ám ảnh các cô gái, chỉ là một cái giỏ trên tay, vài ba chai thuốc xanh, đỏ, một cái giẻ lau, cây kéo nhỏ, thêm vào quả chanh nhỏ xíu dùng để làm sạch. Một cái nghề mà mọi người ai cũng cho là thấp hèn, ít học, không cần vốn liếng… Nhưng bà Tippi đã sáng suốt để đưa ra nhận định:
“ĐỪNG COI THƯỜNG, TẠI VÌ NHỮNG NGƯỜI TÀI TỬ MÀ CÓ GÃY MỘT MÓNG TAY THÌ HỌ CÓ THỂ GỞI VÉ MÁY BAY CHO BẠN ĐẾN TẬN PHIM TRƯỜNG ĐỂ SỬA CHO HỌ.”
Rồi như một bà mẹ hiền tảo tần nuôi đàn con, cái tảo tần được đánh giá và xếp hạng không thua gì tấm lòng của những bà mẹ Việt Nam, cũng bởi vì sự ngu ngơ, dại khờ, rụt rè của từng bước chân những cô gái Việt Nam khi bỏ xứ ra đi. Quẳng trên vai là gia đình, là tay bồng, tay bế, là đói khổ, là quê mùa…
Mở lòng để giúp đỡ qua hoạn nạn đã là vĩ đại, riêng bà Tippi mở đường, chỉ lối cho 20 cô gái đầu tiên bước vào nghề Nails. Bắt đầu bằng những thí nghiệm trên đôi bàn tay của bà, rồi đến bè bạn, phương tiện đưa đón, ăn ở… Chưa hết, còn phải nhồi nhét vài chữ tiếng Anh để đến trường nữa chứ, tất cả bà đều đứng ra sắp xếp chu đáo, đó là những ngày tháng khởi nghiệp nghề Nails của người Việt Nam trên xứ người, tháng 5 năm 1975.
CITRUS HEIGHT BEAUTY COLLEGE
Là ngôi trường chuyên đào tạo chuyên viên thẩm mỹ thuộc địa bàn miền Bắc California, Sacramento. Và cũng là nơi đầu tiên đón nhận 20 học sinh Việt Nam đến để học nghành Nails.
Vượt qua những qui luật giờ giấc, thời hạn theo qui định của trường, khó khăn này chồng lên khó khăn khác, trên tất cả là tình yêu thương và nghị lực của bà Tippi dành cho 20 cô gái Việt Nam này. Bà Tippi đã giải thích được mục đích học nghề và nhu cầu đời sống của 20 cô gái để các cô được vào trường học mà không ai phải trả một cent nào. Sau khóa học, bà lại là người đưa các cô đến State Board để thi lấy bằng. Hạnh phúc mỉm cười với bà, với 20 cô gái là tất cả đều vượt qua kỳ thi.
CON ĐƯỜNG VÀO NGHỀ
Tháng 10 năm 1975, 20 cô gái Việt Nam cầm trong tay tấm bằng Nail Technician, thực thụ trở thành những manicurist thợ làm móng tay chuyên nghiệp. Cũng trong thời gian này, một lần nữa các cô gái mỗi người cầm trên tay một lá thư do bà Tippi viết để giới thiệu việc làm. Santa Monica, nơi có đời sống cao là mảnh đất khởi nghiệp của đa số các cô gái này.
Một bộ móng tay đắp bột có giá khoảng $60 Mỹ kim, trong khi đó nhu cầu đời sống vật chất thì lại còn rất rẻ. Phần vì tính cần mẫn, dành dụm của phụ nữ Việt Nam đã nhanh chóng đưa họ đến thành công.
Họ là ai, là những phụ nữ chăm lo xây dựng gia đình, họ nuôi dạy con, cháu bằng những đồng tiền miệt mài từ sức lao động của họ. Họ giúp đỡ cho đời sống cơ cực của những người còn lại trên quê nhà, họ đèo bồng người này rồi đến người khác để góp công không nhỏ vào việc xây dựng cộng đồng người Việt lớn thứ 4 trong khối người Châu Á di dân đến Hoa kỳ. Thế hệ tiếp nối của họ có thể là những kỹ sư trẻ, những luật sư hùng biện, những bác sĩ tài năng…
Bắt đầu từ 20 cô gái trẻ mà hiện nay có thể đã lên đến hàng trăm ngàn người Việt trên đất Mỹ hành nghề Nails. Bên cạnh đó, kỹ nghệ dành cho ngành Nails cũng thành công vượt bậc, đạt được số doanh thu kỷ lục, lên tới vài tỷ Mỹ kim mỗi năm.
Lao đao kinh tế ngày nay không dành riêng cho một đất nước nào, mà cũng chẳng phải dành riêng cho một ai. Nhưng chí ít, họ, những người làm Nails vẫn giữ được một sinh hoạt khá nhịp nhàng. Bởi lẽ có bao giờ mà phụ nữ chịu ngưng làm đẹp?
ht, nguyễn________ ____________________
____________________________________
No comments:
Post a Comment