Wednesday, December 18, 2013

Đứng ưỡn ngực lên!

Anvi Hoàng

 Tôi thích những giây phút mình bắt gặp chính mình. Để rồi tự sửa đổi những điều cần thiết và yêu đời hơn. Đâu chứ ở xứ người thì chuyện này cần thiết lắm. Chuyện xảy ra như sau.

Những tấm gương soi – thêm một chút màu

Hàng ngày ai cũng nhìn thấy mình trong gương. Nhìn tới nhìn lui cũng một khuôn mặt quen thuộc. Ngày nào vui thì sao thấy mình đẹp thế. Ngày nào chán thì thôi khỏi nói rồi: ước gì da mình mịn hơn, lông mi mình cong hơn dài hơn, vân vân và vân vân. “Mình mà nhìn mình như thế thì người da trắng nhìn mình như thế nào nhỉ?” Tôi tự hỏi. Làm sao mà biết được người ta nhìn thấy mình thế nào. Mắt mỗi người mỗi khác. Suy nghĩ định kiến của mỗi người cũng khác. Ai hơi đâu đi kiểm soát cái chuyện không thể kiểm soát được đấy. Nhưng ít nhất,
tôi nghĩ, nếu mình có thể có một cái nhìn tương đối khách quan về chính mình bằng một cách nào đó thì coi như cũng ăn ngon ngủ yên được.

       Một lần tôi đi vòng vòng trong khu mua sắm, ngang qua các tấm gương công cộng, nhìn thấy một khuôn mặt nhợt nhạt trong đó. Giật mình đánh phắt. Trời, đó chính là khuôn mặt của mình. Sao mà nó nhợt nhạt như người chết thế kia! Tôi hầu như không son phấn gì. Sau khi lấy chồng thì son hồng phấn hồng một chút gọi là. Tôi nghĩ rằng thế là đủ. Tôi không thể tượng tượng được rằng khuôn mặt mình có thể trắng phệt như khuôn mặt người chết như thế. Lúc đau ốm không nói gì, đằng này mình đang khỏe mạnh vui vẻ mà mặt mình trông thế kia thì không thể chấp nhận được. Tôi gọi giây phút không ngờ này là “giây phút mình bắt gặp chính mình.” Thì ra Việt Nam xứ nóng, ăn mặt trang điểm khác. Ở Mỹ xứ lạnh, môi trường cảnh vật khác hẳn, ăn mặt trang điểm phải khác đi mới thích hợp được. Vậy thì xử lý sao đây? Bây giờ nếu tôi có bắt đầu bơ sữa vào đi nữa cũng không kịp để nhìn hồng hào khỏe mạnh như những người da trắng quanh tôi.

       Sau giây phút bắt gặp chính mình như thế, tôi sợ quá. Vội vàng đi mua son đỏ, phấn hồng đậm. Thêm một chút màu vào mặt, tự tin hơn, coi như là mình tôn trọng chính bản thân mình hơn một chút, chăm sóc và yêu thương nó hơn một chút. Bây giờ lớn rồi, mình không lo lấy thân mình thì ai lo cho! Mình không tôn trọng mình thì ai tôn trọng mình đây!
       Ban đầu, không quen son đỏ, thấy mình sao giống đi hát bội quá! Riết rồi quen, quen rồi thích. Ít nhất, bây giờ mình da vàng mũi tẹt, thấp nhỏ, nhưng mình không phải là cái xác chết!

Nói đến chuyện thấp nhỏ, bạn phải nghe chuyện này mới được.


Đứng thẳng lưng = Đứng ưỡn ngực

Hồi ở Việt Nam thì không nói làm gì, ai nhìn cũng như ai. Qua Mỹ, người ta to cao hơn mình, ghét sao mình lùn thế. Tệ hơn nữa là tôi phát hiện ra: lần đầu tiên nhìn vào tấm hình tôi chụp chung với các bạn Mỹ trong lớp, thì đương nhiên bọn nó cao to hơn mình, nhưng mà mình, sao nhìn mình không những thấp hơn mà còn đứng khom lưng nữa kìa. Đây lại là một “giây phút mình bắt gặp chính mình” khác của tôi. Ngẫm nghĩ tới lui, ôi trời tức quá. Thế là cả đời đứng cong lưng đến bây giờ mới biết. Đã lùn còn khom lưng, sao mình ngu thế! Tại sao lại có chuyện kỳ quái như vậy? Tôi lục lại mấy tấm hình xưa: quả là hầu hết người Việt Nam đứng khom lưng, ai cũng như ai. Đây là một thứ bệnh của dân tộc đấy.

     Là thế này: Người Mỹ chủ trương tự lập và có tinh thần độc lập cá nhân rất cao. Ngay từ mấy tháng tuổi (tôi đọc trong sách dạy con nít) người ta đã bắt đầu đối xử với đứa bé như một cá thể độc lập có cá tính riêng cần được tôn trọng và phải được khuyến khích để phát triển tự do. Trong một xã hội mà tôi gọi là “cái gì ra cái đó" của Mỹ, nhìn chung mọi thứ đều có ranh giới và có chỗ riêng của nó. Tinh thần phát triển bản tính cá nhân được tôi luyện trong môi trường đó đã quen với các khung khái niệm theo kiểu “Đi ra đi, đứng ra đứng, ngồi ra ngồi, chơi ra chơi, ăn ra ăn.” Vậy người ta phải đứng thế nào cho đúng?


   Theo văn hóa phương Tây: đứng thẳng lưng/đứng thẳng người để thể hiện sự tự trọng, tự tin, và tự hào. Do đó ngay từ lúc mới chập chững biết đi, người ta đã dạy con trẻ đi đứng cho thẳng thớm. Có nhớ hồi Obama mới lên làm tổng thống, đi qua Nhật chào khom lưng theo phong tục châu Á bị báo chí phe bảo thủ ở Mỹ chửi rủa ầm ầm là hạ mình sỉ nhục quốc gia!


      Trong khi đó: Văn hóa Việt Nam coi trọng sự hòa hợp (ôi, lịch sử của một nước nhỏ!). Bản tính cá nhân ư? Đây là yếu tố đầu tiên cha mẹ dập tắt hoặc dẹp bỏ nơi con trẻ. Sống chung trong một gia đình lớn thì phải nhường nhịn nhau, gọt giũa các cạnh sắc bén trong cá tính đi không thì thành người ích kỷ bây giờ, người nhỏ thì phải nhún nhường trước người lớn, chào hỏi lễ phép là phải khoanh tay cúi đầu. Trời, con cái học đại học mà còn chào hỏi khoanh tay cúi đầu. Tôi nhìn thấy mà buồn. Rồi bao nhiêu năm phải cúi đầu trước người đô hộ và người xâm lược. Thành một thói quen mất rồi. Các bạn đã thấy cái thói đứng khom lưng từ đâu ra chưa?


Bạn đứng có khom khom hay không? Thử xem.
Hãy đứng tư thế bình thường bạn hay đứng, sau đó nghiêng người nhìn vào gương, xem mình có khom lưng không. Tôi dám cá với bạn là 99.99% người Việt Nam đứng khom lưng trong tư thế đứng bình thường. Cho dù là nhìn nghiêng hay nhìn thẳng trước mặt.
      Bây giờ hãy thẳng lưng lên một chút đi. Tôi dám cá với bạn là vẫn chưa thẳng đủ đâu. Nhìn thẳng mặt mà xem, vẫn thấy hơi khom một chút đấy.
     Bây giờ ưỡn ngực lên. Phải thật sự ưỡn ngực cơ, đừng ngại ngùng mắc cỡ. Nhìn vào gương thẳng trước mặt xem. Có phải mình cao ráo, tự tin hơn trong tư thế này không!  


***

Vì lý do thêm màu vào mặt hoặc đứng ưỡn ngực, trong nhà tôi chỗ nào cũng có gương soi. Và tôi thấy nhà người Việt Nam nào cũng nên có nhiều tấm gương soi.
Hơn mười năm ở Mỹ, ngày nào tôi cũng không quên nhắc nhở mình: Đứng ưỡn ngực lên!


Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Tôi đang mong chờ đến lúc cả dân tộc đều đứng ưỡn ngực lên và đi.


Anvi Hoàng (nguồn: VienDongDaily.Com)
 ___________________________________________________________

No comments:

Post a Comment