Wednesday, November 13, 2013

TUỔI THƠ TÔI #3

Cẩm tú Cầu

 

Ảnh minh họa


Khi đến Bồng Sơn ba được một người bạn cho ở nhờ trong một căn phòng nhỏ để vừa một cái giường còn con đường đi phải nghiêng lại mới đi vào được, nhà lợp bằng lá dừa phên trét đất có cái ngạch cửa cao cao, mái hiên rộng, hè cao và xung quanh giữ đất bằng những cây gỗ đóng cọc, lúc này mẹ đau, mẹ bị cái mụt nơi mắc cá chân sưng to mưng mủ đau nhứt mẹ rên rỉ suốt, rồi mẹ bị ho nữa, phải ở lại nơi đây hơn mười ngày, mẹ đau làm nủng ghê gớm, ba thì đi suốt hình như ba đi tìm việc làm, rồi khi về ba mua bánh tráng cơm và khoai
lang nấu về ăn không nấu cơm. Căn nhà ở cách cầu Bồng Sơn 100m về phía Bắc, nơi này là Trung Lương có một con đường rộng  sát bờ sông  chạy dài về hướng Tây, nhà hướng  mặt ra phía sông. ở đây nắng rất dịu êm và thời tiết rất hiền hòa. Mỗi buổi chiều tôi ngồi trên ngạch cửa nhìn ra giòng sông Lại Giang, khúc này rất rộng vì nó hợp lại với con sông Ân Thường  nước trong xanh, trên bờ không có tre mà có những hàng dừa nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước, có những cây dừa ngả ra phía nước, nơi ấy chiều chiều những cậu con trai khoảng mười, mười một tuổi  bò lên cây dừa rồi trần truồng nhảy ùm xuống sông để tắm, có những chiều mưa tôi nhìn ra giòng sông nước dập dềnh và mưa trút xuống,  mặt sông như cái tổ ong khổng lồ, lòng bâng khuâng nghĩ không biết ngày mai đây ba mẹ mình sễ đến nơi đâu.

   Một buổi sáng ba mẹ cùng sáu người nữa cùng cặp vợ chồng chú Qua, nhưng chưa có con trong đoàn có mình tôi là nhỏ nhất, họ đi về phía mặt trời lặn, con đường đi rộng rãi toàn đất pha cát sạch sẽ và ngập bóng dừa, không có bóng nắng nào xen kẻ. Nhìn chung quanh ba tôi buột miệng 'một làng quê rất thanh bình nhưng mà khung cảnh buồn quá' vì  suốt dọc đường chỉ gặp năm ba người đi ngược chiều, họ đứng lại nhìn chúng tôi, còn nhà cửa rất thưa thớt. Đi được bảy cây số đến một cái đình bên bờ sông nhưng đình không xây mặt ra phía  sông mà hướng về phía mặt trời mọc, chúng tôi ngồi tại đó, người đi kiếm củi, người xuống sông vo gạo, gạo mang theo nhóm bếp  nấu cơm ăn, tất cả mọi người đều xới cơm trên miếng lá và bẻ cây trong bụi làm đủa, chỉ riêng gia đình  tôi có  chén, có đủa mẹ đem theo, ăn cơm với muối mè và cá nục hấp rồi kho, mua ở Bồng Sơn đem theo,  tối lại mẹ đến nhà dân trong vùng xin cho tôi và mẹ ngủ nhờ nhưng người ta chỉ cho mình tôi ngủ lại, xa mẹ trong một khung cảnh lạ lẩm, nhà lạ vậy là tôi không chịu, cuối cùng mẹ con đều ra đình làng  ngủ dưới đất cùng đoàn tản cư sáng ra mẹ đi thuê nhà, một căn trên của nhà nhỏ để được hai giường, chúng tôi ở được tháng, thời gian này ba nấu rượu cho công ty Việt Thắng còn mẹ súc chai, rượu nấu bằng thơm mít và chuối, lò rượu đặc ở sau lưng đình làng, một buổi sớm mai ba mẹ dọn nhà đi nơi khác cách nơi ở cũ khoảng nửa cây số, một cái nhà rộng thênh thang vắng chủ phía trước có cây bưởi mà ăn vào bị hôi dầu lửa vô cùng, lúc này chắc mẹ gần sinh rồi, mẹ thèm kẹo đậu phụng mỗi tối có trăng mẹ sai tôi đi đến cái quán khá xa, lối đi toàn là mía cao ngất, tôi phải qua những đám mía  rồi qua hai cái vườn cây  rậm rì đen thui, một màu đen ghê rợn, đến một cái quán mà chỉ để cái thẩu đựng kẹo và cái đèn hột vịt nhỏ xíu trên một cái ghế, lúc về tôi vụt chạy giữa những đám mía quanh co, có những con đom đóm chập chờn mà tôi thường nghe kể đó là những hồn ma, tôi rùng mình rợn người nổi gai ốc, một cảm giác sợ sệt bỗng vây chặt tôi. 

           Bên nhà tôi ở có ba mẹ con người đàn bà góa, người mẹ làm lụng vất vả suốt ngày mà  chẳng đủ nuôi con, đứa con đầu là con trai tám tuổi rồi vẫn ở truồng, ba anh em đều không có quần áo, mẹ thấy tội quá mẹ mới lấy các ống quần cũ của mẹ, mẹ may cho mỗi đứa một cái quần đùi, nơi đây là thôn Long Mỹ, nước rất độc phần nhiều là bịnh sốt rét, đàn ông đàn bà đều bị  vàng da bủng beo. Vùng này chỉ cách thị trấn Bồng Sơn có bảy cây số nhưng mà như xa xôi lắm, người dân quê mùa thiếu học, chợ thì năm ngày mới đông một phiên, có nhà đám giỗ không đúng phiên chợ, phải mua một miếng thịt ba chỉ nhỏ xíu về luộc để dành, nước nấu cháo cúng còn thịt chia ra xào nấu, còn bửa ăn của họ phần nhiều là muối kho với dừa, dọc con đường từ Trung Lương lên Long Mỹ rất nhiều lò ép dầu dừa. Khi dừa khô  có người tới mua và tự trèo hái xuống, người ta trèo dừa bằng một cái vòng mang vào hai chân  rồi thoăn thoắt trèo lên cây dừa, khi xuống họ lóc vỏ dừa bằng cây nhọn, rồi đập dừa ra bỏ nước, đem về lò ép dầu, đăc biệt ở đây  chục dừa đến mười lăm trái.

     Chẳng bao lâu mẹ nghỉ làm rồi mẹ sinh em bé, một bé trai đẹp tuyệt vời và bụ bẩm,  lúc ấy sữa mẹ rất nhiều nên mẹ cho con ông thơ ký Tú, thơ ký xã người giàu nhất xã bú nhờ vì vợ ông sinh xong bị bại liệt, chắc là để đền ơn, ông đã cho ba mẹ cất nhà trên một khu vườn xung quanh toàn là dừa còn chính giữa trồng sắn, khi ấy xưởng rượu đóng cửa, ba làm một cái lò rèn nhưng mà chẳng ai rèn gì hết, cuối cùng mẹ phải đi dạo quanh xóm mua gà vịt về nấu cháo bán vì lúc này công ty Việt Thắng lại mở xưởng giấy sát bờ sông, tôi ngày ngày bế em mà cứ ngồi sẳn rồi mẹ mới để em vào lòng. Tôi giữ em nhưng em nặng quá tôi không bồng nổi, em tôi rất ngoan  chẳng khóc bao giờ

        Rồi một buổi chiều khoảng ba giờ, ba đi vắng mẹ đi vắng em tôi sốt cao tay chân giật liên hồi, đến khi mẹ về mời thầy cúng tôi thấy ông thầy thắp mấy cây hương hươ hươ làm phép, rồi đốt giấy vàng bạc lấy tro cho em uống, chặp lâu mẹ tôi khóc , em tôi đã ra đi vĩnh viễn  rồi, tôi rưng rưng, mọi vật đều rưng rưng trước mắt tôi, đến tối ba tôi đem thuốc hạ sốt về thì em không còn nữa, không còn nữa rồi, ba mẹ tôi rất đau lòng, nhất là mẹ, mẹ kể em chưa một lần được mặc áo mới, áo của em mẹ toàn may bằng ống quần cũ lúc ấy em được chín tháng tuổi rất đẹp trai, thời gian ba chóng nguôi ngoai nhưng mẹ thì như nỗi đau cứ thấm dần, thấm dần vào trái tim mẹ, mẹ thường nhắc đến em với bao tiếc nuối xót thương, rồi mẹ khóc mãi, khóc mãi về sau và về sau nữa ai nhắc tới em  mẹ vẫn khóc nghẹn ngào, mẹ cứ dằn vặt tự trách mình sao lại ngu dốt đi mời thầy cúng, mẹ nói đúng ra có con dại phải chuấn bị thuốc hạ sốt trong nhà, mẹ đau đớn lắm, một nỗi đau đớn chết lịm cỏi lòng

      Lúc sau này khoảng nửa buổi sáng mẹ lại nấu khoai lang mẹ xâu lại và cuốn bánh tráng với trứng vịt luộc tôi đội vào xưởng giấy bán, ai mua chịu thì ghi vào giấy tôi đem về cho mẹ ghi vào sổ, lúc này mẹ đã dạy tôi học ba kiếm đâu dưới Bồng Sơn một quyển  quốc văn giáo khoa thư cũ về cho tôi học, tôi còn  nhớ có bài ' Xuân đi học coi người hớn hở, gặp cậu Thu đi ở  giữa đàng.......'. Có một chiều ba mẹ ăn cơm sớm, ba cỏng tôi và dẫn mẹ đi qua sông rồi đi bộ thêm bốn cây số nửa để coi kịch, tận bên Ân Thường, mà có màn kịch ( hai người bạn gặp nhau một người định mua một đám ruộng và một người định mua một bầy vịt để thả đồng vậy là hai người đáng lộn nhau tại sao thả vịt ăn lúa ruộng của tui ), ba mẹ ra về cứ tiếc mãi công mình đi xa mà coi múa cóc , múa nhái.

    Ít lâu sau xưởng giấy dời qua sông, ba mẹ lại dở nhà đi theo. Bên kia sông là vùng đất cù lao của con sông Ân Thường và con sông Lại Giang bồi thành, vùng này rất trù phú, ít dừa mà ruộng lúa nhiều, người dân nơi đây văn minh và da dẻ hồng hào nhất là con gái rất xinh đẹp, một vùng đất rất sáng sủa, đầy nắng vàng, cây cối tốt tươi rồi người ta mở thêm xưởng giấy rất nhiều, xưởng Gia Bình, xưởng Hồng Nam.....v....v... tất cả đều nằm trên bờ  con sông Lại Giang, xưởng giấy núp dưới  rặng tre, núp dưới bóng dừa, các xưởng đã thu hút một lượng nhân công khá lớn, những mái nhà lớn núp dưới hai hàng dừa xanh tươi, ngày ngày có tiếng cười nói của các nam nữ thanh niên đông vui rộn rịp. Nơi đây thỉnh thoảng có bộ đội về dưỡng quân, những ngày tháng ấy làng quê nhộn nhịp hẳn lên. Con đường nhà tôi là một đường nối dài từ bến đò Trung Lương lên núi Phú Văn, lên thẳng  đến chợ Đồng Dài. Ba mẹ thuê đất làm nhà trên con đường này, đường được gọi là 'phố nậu tản cư' vì có quán ăn, quán hàng xén của mẹ, có lò bún, lò đậu khuôn, lò kẹo, có hai xưởng dệt có hàng may, đầu đường là mương nước dẫn ra ruộng, khúc này được dân nơi đây đào cho sâu thêm và nới cho rộng ra để rửa chén bát, thỉnh thoảng còn giặt đồ vì nước rất trong, như cái cầu ao. Xế chiều ở dưới Bồng Sơn dân buôn bán gánh cá, cua lên bán ở chợ Đồng Dài, rồi sáng hôm sau khoảng mười giờ lại gánh thơm mít trái cây vườn gánh về, thường thường họ nghỉ chân trước nhà tôi vì trước nhà có cây vông to tỏa bóng mát. Dạo này mẹ bán hàng xén phần đông bán cho các công nhân xưởng giấy rất đắc còn ba làm máy giấy, ba sáng chế ra máy cán nứa để làm bột giấy một ngày lợi được tám công nhân (khỏi đập nứa bằng tay) các xưởng giấy đua nhau đặt hàng của ba, ba phải đi Qui Nhơn mua vật dụng, cuộc sống khá giả, mẹ cho tôi đi học trường cô Hạp vợ của nhà thơ Xuân Tâm, rồi mẹ lại có em bé lần nầy mẹ nghĩ dưởng thai một tháng trước khi sinh nhưng rồi mẹ sinh khó, ba phải thuê người cùng ba khiêng mẹ trên cái võng với đoạn đường bốn cây số, qua nhà thương Ân Thường để sinh nhưng mà bảy ngày sau em mất, lần nầy cũng em trai mẹ cũng đau khổ nhiều lắm nhưng mà không tức tưởi như em trước, còn tôi chưa thấy mặt em lần nào vì em mất ở bệnh viện, một nỗi  thương tiếc ngậm ngùi vây quanh tôi 

      Dạo này tôi không còn học cô Hạp nữa mà tôi học trường Cơ Bản vì cô dời nhà vào sát chân núi đi rất xa, ở trường Cơ bản học sinh rất đông, trường nằm giữa khoảng đồng trống và cũng là chỗ hội họp của thôn, xung quanh là cánh đồng bát ngát lúa xanh, rồi máy bay bắn phá liên tục trường lại dời vào các nhà dân, rồi dời đến nhà đập lúa mà phía trước có hai cái ao lớn, những giờ ra chơi tôi say sưa nhìn các cô thôn nữ tác nước, với đôi tay nhịp nhàng đều đặn, lên xuống với đôi gàu sòng, đưa nước từ dưới ao lên ruộng. Ít lâu sau trường lại dời về gần núi Phú Văn, học trò lo đào hầm trú ẩn, một hầm tròn sâu khoảng một mét có cái ngóc để chui vào, mỗi sáng đi học bốn giờ, trời còn mờ mờ trong sương đêm, chúng tôi đã gọi nhau đi học, mỗi lần qua núi Phú văn chúng tôi đua nhau chạy thục mạng, có khi rớt sách vở không dám quay lại lượm

       Bây giờ tôi đã chín tuổi rồi ba mẹ chỉ có mình tôi, tôi rất được cưng chìu nhất là mẹ. Tôi đã học lớp ba rồi nhiều lúc mẹ vẫn bồng trên tay, nhờ có mẹ kèm, tôi học rất giỏi đứng nhất toàn trường nhưng mà gia đình tôi bị xếp loại tiểu tư sản nên không có phần thưởng, lúc ấy ba buồn lắm. Rồi tôi lên lớp lớn, không còn học ở núi Phú Văn nữa mà chúng tôi đi học ở Ân Thạnh, cách nhà khoảng hơn ba cây số  cũng đi sáng sớm và khoảng chín giờ thì về, trên đường về tôi thường ghé lại  lò bánh men, tôi thấy người ta làm bằng nước dừa trộn với bột mình tinh, bánh bỏ vào miệng liền tan  ra, một vị vừa ngọt , vừa thơm thấm vào vị giác tê mê, tôi rất thích bánh này. Tôi lại lang thang qua tiệm thuốc Bắc mà trước sân có một đám tiểu cúc rất lớn, tôi say sưa ngắm những hoa cúc vàng nhỏ xíu đang khoe sắc dưới nắng ấm của buổi sáng ban mai. Rồi chúng tôi phải qua một cánh đồng  bát ngát lúa xanh, những đợt sóng xanh cứ trôi, trôi mãi đến tận chân trời, tôi dẫm trên cỏ non còn ước đẫm sương đêm, những vạc cỏ mềm, có hoa nhỏ li ti màu vàng, màu tim tím bâng khuâng, rồi tôi lại qua những  luống cỏ may chạy dài theo con mương dẫn nước vào ruộng, có đường mòn để đi nhưng tôi thích lội trong cỏ may để nghe cảm giác có những đốm chích nhẹ vào da, nó ngai ngái lăn tăn, còn những mùa lúa chín vàng, một màu vàng quyến rũ,các bác nông dân cắt lúa đông vui, tiếng nói cười rộn rã, mùi lúa thơm, mùi rạ mới quyện vào  mủi, vào tâm tư tôi những cảm giác đê mê, tôi nhìn theo những gánh lúa kĩu  kịt trên vai các bác nông dân, có những tia nắng vàng lunh linh theo chân, theo lúa lấp lóa sáng ngời, còn mùa gặt xong ruộng bừa rồi cấy, các công cấy có đeo một cái giỏ bên hông, gặp cua hoặc cá liền chụp bỏ vào giỏ, những con cua từ trong hang bò ra giơ cái càng hươ lên rồi vội vã thụt vào hang hoặc chạy mất hút, tôi thả hồn theo dõi từng động tác của các con cá mương, cá nòng nọc đang từng đàn, từng đàn bơi lội dưới nước trong. Trên trời xanh những đám mây trắng lửng thửng trôi, trôi về nơi  vô định, xa xa, xa tít tắp là dãy núi xanh viền tận chân trời, lòng tôi đắm chìm theo bức tranh đồng quê mộc mạc nên thơ, tôi ước gì mình vẽ được lên giấy, lên một nơi nào đó để lưu lại mãi mãi đến ngàn sau.

Cẫm tú Cầu

Mời bạn đọc thêm cùng một tác giả: Cẩm tú Cầu

TUỔI THƠ TÔI ( 1 ) 

TUỔI THƠ TÔI ( 2 )

_________________________________________

No comments:

Post a Comment