Saturday, October 5, 2013

Đinh Tấn Khương : CHUẨN BỊ CHO TUỔI GIÀ #3

Bạn đã đọc chưa ? :
***  Chuẩn bị cho tuổi già #2 .
 



Một vài bệnh nhân mắc chứng viêm gan siêu vi khá nặng. Những người này lại là những người nghiện rượu kinh niên. Bác sĩ có khuyên họ là nên bỏ bớt rượu bia, nhưng họ không thể thực hiện được như ý muốn. Một vài người trong họ than phiền rằng :
  -  Nếu bỏ rượu thì sẽ không còn bạn bè để chia sẻ vui buồn trong những ngày cuối tuần, đời sống nó tẻ nhạt làm sao ấy!
Thường thì khi có chuyện gì xảy ra, người ta hay đổ tội cho những điều mà họ nghĩ là có liên hệ đến. Một người bệnh gan nặng ở giai đoạn cuối đời cũng vậy. Nếu gặp phải ông chồng ngày trước mắc chứng nghiện rượu thì các bà vợ hay đay nghiến rằng :

  -  Cũng tại vì bia rượu mà bây giờ ông mới thân tàn ma dại như thế nầy, báo vợ báo con. Bạn bè ông ở đâu mà không thấy đến để chia sẻ cái bệnh của ông?. Ông thấy đó, bây giờ chỉ có con vợ già nầy phải chịu đựng với cái bệnh trầm kha của ông chứ có ai khác vào đây mà giúp!.

Chúng tôi rất thông cảm cho hai người trong trường hợp như vậy. Chúng tôi thấy rõ những khó khăn và những lo âu của người vợ về căn bệnh của chồng mình. Căn bệnh đã làm đảo lộn những sinh hoạt trong cuộc sống của gia đình này. Người vợ phải vất vả với những toan lo cho con cái, lại còn khá bận rộn cho người chồng bị bệnh của mình nữa!

Vả lại sức khoẻ của người vợ lúc này cũng đã có nhiều giảm sút. Cộng thêm với những lo âu triền miên về cuộc sống gia đình.. khiến họ dễ bị chứng mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt. Và nhất là bị khủng hoảng tinh thần dễ dẫn đến chứng bệnh trầm cảm, suy nhược thần kinh.
Họ luôn mong cho được rảnh rang sớm!

Về phần người bệnh ở trong giai cuối đời này, ngoài cái đau của thân bệnh, họ cũng còn trải qua những khủng hoảng về măt tinh thần. Họ chờ đợi cái ngày cuối cùng ấy đến với họ trong sự hằn học của người phối ngẫu. Có khi từ các con cháu của họ nữa.

Họ cảm nhận một sự bạc bẽo của cuộc đời. Vì nghĩ rằng họ đã hy sinh khá nhiều sức lực cho gia đình thế mà bây giờ họ bất hạnh mắc phải chứng bệnh ngặc nghèo ở tuổi về già, thì bị hất hủi không thương tiếc! Rồi tự hỏi chính mình:
  -  Phải chăng cũng chỉ vì bây giờ mình đã là một người vô dụng đối với vợ con!?
Nghĩ như vậy, người bệnh cảm thấy cô đơn, buồn bực và cầu mong cuộc đời của mình được kết thúc sớm. Oái oăm thay, cái ước mơ khá đơn giản ấy dường như không đến với họ một cách dễ dàng, mặc dù họ có dành nhiều thì giờ để cầu nguyện!

Như vậy, quý vị đã thấy được phần nào cái khổ ở tuổi cuối đời dành sẵn cho người bị bệnh và người nuôi bệnh.
Chỉ cần một người trong cả hai bị bệnh nặng, thì người bệnh sẽ cột giữ người nuôi bệnh lại với họ. Nếu người nuôi bệnh không nhờ ai chăm sóc được, ngay cả trong một khoảng thời gian ngắn, thì hầu như họ đành phải gát bỏ những đi lại, như du lịch hay là về thăm thân nhân ở VN. Mãi cho đến khi họ trút bỏ được gánh nặng này.
Một vài hoàn cảnh khó khăn xảy ra, khiến họ oán hờn lẫn nhau cho đến ngày từ giã. Cái ngày mà tình cảm của hai người không còn giống như cái ngày mà họ mới gặp nhau!

Cũng có vài trường hợp khác hơn. Chẳng hạn có một người khác cũng mắc phải chứng viêm gan siêu vi C ở giai đoạn cuối. Ông này lúc còn trẻ cũng khá đào hoa, nhưng đã biết lo lắng cho vợ con đầy đủ. Ông mắc bệnh nặng này ở vào độ tuổi 70.
May mắn cho ông là bà vợ rất tận tụy, vui vẻ và chịu khó rất nhiều, suốt trong thời gian mà ông lâm bệnh.
Bà thuyết phục ông về thăm lại Việt Nam và Trung Quốc, mặc dù các chuyến đi đòi hỏi nhiều khó nhọc nơi bà. Bà cũng tránh không nhắc lại những buồn phiền mà ông đã gây ra cho bà trong thời quá khứ. Bà tỏ ra thực sự tha thứ cho ông.
Chúng tôi thấy hai người nầy lúc nào cũng ở bên nhau. Ông ta luôn chịu đựng với những cơn đau vật vã. Bà ta thường giúp đỡ, an ủi ông trước những đau đớn ấy.
Chúng tôi có đến thăm ông một ngày trước khi ông qua đời. Vẫn thấy ông luôn vui vẻ, chấp nhận thực tế.
Chỉ có một điều mà ông quan tâm đó là:
  -  Bác sợ sau khi bác đi rồi, bác gái sẽ chịu cảnh cô đơn. Bác cũng cảm thấy tội nghiệp cho bác gái vì sẽ không được chăm sóc chu đáo ở tuổi cuối đời như bác đã có bấy giờ.
Ông ra đi trong niềm thông cảm, vị tha của người vợ. Ông cũng đã căn dặn các con của ông rằng:
  -  Nếu thương ba thì hãy chuyển tình thương ấy về cho mẹ, một người vợ và là một người mẹ vĩ đại.

Ông ra đi như trút bỏ gánh nặng cho bà trong nhiều năm qua. Có lẽ sự ra đi của ông đã được chuẩn bị trong lòng bà từ lâu cho nên bà không buồn mấy. Bà tự hào để nói với chúng tôi, nguyên văn như sau:
   - Bác đã hết lòng với ổng suốt trong những năm qua. Mặc dù hồi xưa ổng cũng làm bác buồn lắm, nhưng bác nghĩ là nên tha thứ và chia sẻ cho nhau ở tuổi cuối đời. Bác phải cố gắng lắm mới vượt qua những khó khăn về mặt tinh thần!
Hiện tại, may mắn cho bà, là bà còn khoẻ mạnh nên thường xuyên đi ra nước ngoài thăm con cháu và thân nhân.
Chúng tôi thấy bà rất vui.

Không ai phủ nhận rằng, tha thứ là một hành động khôn ngoan và mang đến hậu quả tốt.
Thử nhớ lại một câu chuyện được kể:
Ngày xưa, trong một buổi họp quan quân trong triều, bổng dưng vì một lý do nào đó, đèn đóm thình lình tắt hết. Một chập sau, người thứ phi đã kề tai nói với vua rằng:
  -  "Thưa Hoàng Thượng, khi đèn vừa tắt có một vị quan nào đó đã làm điều sai trái với thiếp. May là thiếp đã giật được cái chóp mão của người này. Thiếp xin tâu với Hoàng Thượng để chờ khi đèn sáng Ngài sẽ nhận diện người đó là ai."
Nghe đến đây, nhà vua liền truyền lệnh không được đốt đèn trở lại và yêu cầu các quan hãy tự rứt bỏ chóp mão của mình rồi vứt xuống đất. Xong xuôi, vua mới ra lệnh cho đèn được thắp sáng trở lại.
Ngoài nhà vua, thứ phi và một vị quan nào đó. Không một ai khác biết chuyện gì đã xảy ra. Và dĩ nhiên, không người nào dám hỏi.
Như thế, nhà vua và người thứ phi cũng không biết được vị quan nào đã làm điều ấy. Rõ ràng nhà vua không muốn biết đến.
Về sau, người ta nhận thấy có một vị quan lúc nào cũng hết mình hy sinh cho nhà vua, ngay cả trước những hiểm nguy.
Phải chăng đó là vị quan mà người thứ phi đã muốn nhận diện ngày nào?

Không một ai trong chúng ta không mắc phải những sai lầm trong cuộc sống. Trong một gia đình, cũng luôn có những bất đồng ý kiến, giữa hai người phối ngẫu hay với con cháu. Nếu không có sự hiểu biết và tha thứ ngay từ bây giờ, e rằng quý vị sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống ở tuổi về già của mình.
Kính trọng, thông cảm, chia sẻ và tha thứ cho nhau.. có thể giúp mọi người sống gần gũi một cách thoải mái hơn.

Có những bất đồng ý kiến mà người ta không tìm ra được nguyên nhân tại sao!?

Một người cha nọ, có hai người con, một trai và một gái. Các người con nầy cũng như các người phối ngẫu của họ đều tốt nghiệp đại học, có địa vị trong xã hội theo quan niệm của người Á Đông.
Người cha rất hài lòng với chàng rể và thường nói với vợ của ông ta rằng:
  -  Gia đình mình quả thật có phước, con gái của mình lấy được thằng chồng có địa vị mà còn biết lo lắng cho gia đình, giúp đỡ vợ con trong các việc bếp núc, rửa chén, lau nhà.., chắc là phúc đức của tôi để lại cho con gái đấy!

Thế nhưng đến khi con trai của ông cưới vợ về, cậu con nầy cũng biết chia sẻ với vợ mình không khác gì ông anh rể đã làm. Vậy mà ông bố lại than phiền với bà vợ:
  -  Nó làm bác sĩ mà còn đi rửa chén, nấu ăn cho vợ nó. Sao tôi thấy chướng mắt quá!.

Bà mẹ hỏi lại ông:
  -  Tại sao ông cho là chướng mắt khi con trai của ông cũng làm những việc không mấy khác với con rể, mà ông lại cho đó là ông đang có phước?.
Có lẽ ông nhận ra cái khác biệt vô lý của mình. Dần dà ông thay đổi thái độ với người con. Và họ đang có cuộc sống thật sự thoải mái hơn trước kia nhiều.

Mời đọc tiếp : Chuẩn bị cho tuổi già # 4



Đinh Tấn Khương  
________________________________________________

4 comments:

  1. Chào anh Khương. Lâu rồi mới thấy được bài của anh post lên QN11, những bài anh viết về bệnh tật về tuổi già thật là thâm thúy và là những mẫu chuyện nhỏ cho các bạn đọc suy gẫm, nhất là những ai đang kề cận vào tuổi xế chiều và vẫn còn ghiền hút thuốc và bia rượu hơn ghiền vợ và con. Thật ra rất đáng tôn sùng cho bà vợ một lòng một dạ với chồng, nhưng cũng không nên trách móc những bà vợ đã đay nghiến chồng như anh đã viết trong bài này vì mỗi người chúng ta đều có lối xử sự khác nhau, và trong sự chịu đưng có người chịu được và có người không chịu được. Xin chia xẻ với anh rằng xã xệ của em đã bỏ hút thuốc 10 năm và mới bỏ rượu bia gần 1 năm nay, Cuộc sống rất ngắn ngủi rất nhiều thứ hưỡng thụ lành mạnh bổ ích sao lại nói rằng không có rươu bia là tẻ nhạt? Em đã từng tai nghe có người còn dám tuyên bố rằng bỏ vợ được nhưng bỏ thuốc và rượu bia không được. Cám ơn anh Khương thật nhiều

    ReplyDelete
  2. Hanna ơi . Bài này Anh Khương post trên trang nhà lâu rồi, từ hai năm trước lúc diễn đàn mới bắt đầu trình diện với độc giả. Nhân thấy có lẽ lúc đó trang nhà còn mới quá, e rằng có nhiều người chưa đọc qua, sợ các bạn "miss" một bài viết hay nên QN đôn lên lại. Còn nhiều bài hay nữa, QN sẽ lần lượt đưa lên tiếp, đón đọc nhé.
    Thân mến.

    ReplyDelete
  3. Oh vậy sao? mình mới vào QN11 sau này nen chưa đọc bài này. Cám ơn QN nhé.

    ReplyDelete
  4. Cám ơn Hanna và QN rất nhiều
    Chúc mãi vui và luôn nhiều sức khỏe

    Thân tình

    ReplyDelete