Nguyễn Bích Sơn
Thuở đó bởi Em lỗi hẹn (không đi Đà Lạt), nên
cuộc tình tan vỡ. Người ta đã bỏ Em - đành bỏ Em... Em chới với, hụt hẫng xót
xa và đau khổ. Em thương tiếc cho một cuộc tình, tưởng sẽ đi đến hồi kết thúc tốt
đẹp, nào ngờ… - lại chữ ngờ !
Có vết thương cả đời còn rướm máu
Có nỗi buồn mãi mãi vẫn không phai
(DTDB)
Từ đó Em rất sợ "Yêu"... Nhưng rồi thời gian là liều thuốc chữa đi mọi
vết thương lòng…
Bất hạnh đến với gia đình Em, người Anh trai
duy nhất của Em chết đi, để lại cho Ba Má và Em nổi đau khôn cùng... Anh trai
chết, nghe lời Ba má Em rời bỏ Sài Gòn về Qui Nhơn học trường Sư Phạm. Ra
trường Em chọn nhiệm sở Kontum - một thành phố núi, tuy nhỏ nhưng người và cảnh
dễ thương, hiền hoà - Ở đó có dòng sông Dakbla chảy ngược và rừng núi nên
thơ... Là cô giáo tỉnh lẻ Em cũng có niềm vui nỗi buồn ....
Được sự sắp xếp của Cha Mẹ hai bên, chúng mình
đã đến với nhau, tìm hiểu rồi yêu nhau...
Nhớ lại...
Em nhận được thư Ba báo tin Má bệnh, Em xin
nghỉ phép một tuần, bước vào nhà thấy Má đang đóng hàng gởi đi - "Ủa, Má…
Ba nói Má bệnh, sao Má làm ? Thằng Hùng đâu ? - "Đau gì đâu, Ba mày mà… ".
Vừa lúc đó Ba ở trong nhà đi ra - "Ba gọi con về hỏi ý con, bạn Ba
muốn xin cưới con cho con trai ông ấy" – “Trời ! Ba… Làm gì có chuyện đó,
Con đâu biết con trai ông ta là ai mà biểu Con ưng ? Thôi… Không được đâu Ba,
thời buổi bây giờ sao lại có chuyện sắp đặt của Cha Mẹ”. – “Thì Con cứ gặp nó
thử, được thì Ba gả chứ Ba Má đâu có ép". Ba Má nói hoài Em đồng ý gặp Anh.
Chiều hôm sau Anh xuống nhà gặp Em, hai đứa ngồi ở phòng khách nói chuyện trên
trời dưới đất. Em hỏi Anh về Sóc Trăng, nơi Anh ở; và Anh hỏi Em về phố núi
Kontum vậy thôi. Khi Anh về Ba Má xúm lại hỏi "Sao được không Con ?” – “Được
gì mà được ?” – “Ba Má thấy nó cũng được đó, liệu mà ưng đi. Con gái lớn rồi,
hơn nữa hai gia đình đã quen biết nhau. Con ưng ai Ba cũng gả hết miễn ở Qui
Nhơn là được”. – “Ba à, bây giờ thanh niên ai cũng đi lính, có ưng nhau theo
chồng Con cũng xa nhà vậy” – “Ba biết, nhưng gia đình nó ở đây, có đi đâu rồi
thì nó cũng về, hay Con còn nhớ thằng T. ?” – “Làm gì có chuyện đó, xưa như
trái đất. Con ngán ngẩm lắm rồi… Mà Ba Má làm gì gấp dữ vậy, để từ từ, mới gặp
lần đầu, coi thử có hạp nhau không đã. Bộ Ba sợ Con “ống chề” hả, còn lâu...
Thế rồi ngày nào chúng mình cũng gặp nhau, khi
ở nhà, khi ở biển. Có hôm Anh đưa Em vào Phấn Thông Vàng ở đường Võ Tánh, giờ
là đường Lê Hồng Phong gặp nhỏ Quỳnh, nó nói vào tai "Được đó, tới đi !".
Nó nháy mắt với Em rồi bỏ đi. Anh hỏi ai đó? - Con của chủ quán...
Những lần gặp Anh, thú thật Em chưa có ấn
tượng gì ngoài nụ cười (hồi đó Anh có cái răng khểnh trông cũng hay hay) và đôi
mắt nhìn Em như diểu cợt... Nói chung cũng không có gì đáng ghét. Nhưng sao Em
cảm thấy bâng khuâng lo sợ, vì cuộc tình dang dở trước kia chăng ? Và nghĩ rằng
Anh là dân Không Quân bay bướm làm sao chấp nhận sự sắp đặt của gia đình một
cách dễ dàng như vậy ? Nhiều câu hỏi đến với Em làm Em suy nghĩ lung tung. Sự
chán nản ùa về nên Em quyết định trở về trường. Thay vì về phép một tuần, mới bốn
ngày Em bỏ đi. Anh hỏi "Nghe nói BSơn nghỉ phép một tuần, sao mới bốn ngày
mà đi” – “Đâu có BSơn xin có bốn ngày thôi (Em xạo). B Sơn phải về trường vì
bọn nhóc sắp thi học kỳ". Anh không nói gì. Ba cũng hỏi lý do tại sao đi
sớm, chê nó hả, chê ở điểm nào ? Em không biết nói sao nên trả lời đại "Sao
thấy Ảnh đen quá Ba à (Anh đâu có đen). “Nó vậy mà chê đen, cho dù có đen cũng
đen mặt đen mày chứ lòng nó không đen” – “Sao Ba biết lòng Ảnh không đen ?” – “Tao
nhắm tướng tao biết”. Lại nhắm tướng, hồi trước Ba cũng nói Anh T. hiền, phúc
hậu... Ừ... thì... nghĩ lại mắc cười thiệt, cũng vui vui...
Sáng sớm hôm sau Em về lại Kontum. Ba vừa mở
cửa ra trông thấy Anh đứng chờ từ lúc nào rồi. Bổng dưng Em thấy lòng xao xuyến
- Dĩ nhiên Ba tự động rút lui để Anh đưa Em đi. Anh đưa Em đi ăn sáng, rồi đưa
lên bến xe. Trong khi chờ xe chạy Anh hỏi "Chuyện hai gia đình sắp xếp
BSơn tính sao ?” – “Chuyện một đời người , Anh cho BSơn một thời gian suy nghĩ”
– “Dĩ nhiên Anh muốn BSơn suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Riêng Anh thì,
những ngày tiếp xúc với Em (gọi Em nhanh vậy Ông bạn ) vừa qua thì Anh nghĩ Anh
có thể sống chung với BSơn được" (Trời ! Em cười thầm, dân KQ
tiến nhanh và xạo quá không hổ danh là KQ bay bướm).
Anh xin địa chỉ để viết thơ. Rồi những lá thư
qua lại, những lần gặp nhau... Những thắc mắc về Anh về Em được giải toả. Chúng
mình đã nhen nhúm một chút tình... Em đón nhận tình yêu của Anh. Và một lần nữa,
tình yêu đã đến với Em, đằm thắm hơn, chín chắn hơn. Em nhớ Anh viết cho Em
"... Khi người con gái đã lập gia đình mà còn vướng bận vào một tình yêu
nào trước đó, hạnh phúc gia đình sẽ do đó mà đổ vỡ nhanh chóng. Anh thì Anh
không bao giờ muốn phải đọc bài thơ hai sắc hoa ti-gôn một tí nào cả. Hơn nữa
nếu có thành đi nữa thì cuộc hôn nhân không phải do tình yêu đưa đến vì vậy Anh
càng mong BSơn suy nghĩ kỹ và đừng vì một sự ép buộc nào". Có câu nói này
của Anh nên Em tin tưởng đón nhận tình yêu mới, còn tình yêu thời học trò đã là
quá khứ. Cũng như Anh, "... Một khi Anh chọn con đường Anh đi, Anh sẽ đi
hết con đường đó, không có gì làm cho Anh quay lưng lại, điều đó có nghĩa Anh
yêu Em và sẽ yêu Em trong suốt cuộc đời Anh, trừ khi Anh không cò nữa... "Anh
đã giữ đúng lời hứa của Anh với Em. Xin cám ơn Anh”.
Được sự hậu thuẩn của Cha Mẹ hai bên, nên đám
hỏi nhanh chóng cử hành sau đó, rồi ba tháng sau làm đám cưới, nhanh quá Anh há
! Mà Anh cũng có nói "Tuy tình yêu chúng mình nảy nở nhanh chóng, nhưng
không vì thế mà chóng tàn... ”.
Thế rồi sau ngày cưới chúng mình lại xa nhau. Em Kontum Anh Sóc
Trăng. Những cánh thư đầy ắp nhớ thương đều đặn gởi về Em, Em thật ấm lòng và
tràn đầy hạnh phúc, không còn thấy cô đơn, hiu quạnh nơi vùng núi cao nguyên
buồn chán nữa. Rồi sau mùa hè đó Em thuyên chuyển theo Anh đi khắp bốn vùng
chiến thuật, từ Kontum về Sóc Trăng, Sóc Trăng về Đà Nẳng, Đà Nẳng về Phù
Cát... Lấy chồng lính cũng vui, được đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ...
Chúng mình đã ngụp lặn hạnh phúc bên nhau cho
đến khi tai họa ụp xuống... Em những tưởng hạnh phúc sẽ cao bay... Nhưng không,
tình yêu đó vẫn còn... còn mãi... Anh còn hẹn đến kiếp sau, Anh còn nói hoán đổi
mà Em phải ga-lăng giống Anh, Em không chịu vì Em vẫn muốn làm vợ Anh để được
Anh nuông chìu. Anh nói Em khôn quá trời. Nghĩ lại Em thấy yêu anh quá Nghề ơi
!
Bị thương ở phi trường Phù Cát tháng 5 năm
73... Đến năm 75 giờ chót, được lệnh di tản về Tân Sơn Nhất rồi tan hàng
ở đó. Vì sự thương tật của Em và hai con còn quá nhỏ, nên Anh không để Mẹ con
Em ở trong cư xá TSN sợ bị pháo kích lúc Anh không có ở nhà, đành phải thuê căn
nhà ở đường Trương Tấn Bửu và cô người làm do Mẹ của Anh trong Phi Đội giới
thiệu. Và cũng vì ở ngoài, mà gia đình mình bị kẹt lại, không vào trong Phi
trường để đi di tản được. Và cũng vì Em mà Anh phải chịu khổ nhục gần chín năm
trong chốn lao tù. Ra tù lại bị đuổi đi vùng kinh tế mới, mình phải vào tận
vùng kinh tế mới ở Long Thành tỉnh Đồng Nai, nhưng làm sao sống được vì người
vợ tật nguyền và hai con thơ dại, Anh phải lo chạy tờ hộ khẩu (2 chỉ vàng), rồi
đùm túm nhau về Sài Gòn sinh sống tìm đường vượt biên...
Nghĩ lại chặng đường Em thấy thương Anh vô
cùng... Nhờ Anh Trang (hiện sống bên Pháp) quen biết ở đồn công an, mình thuê
căn gác chật hẹp ở Quận1 ẩn mình ở đó. Sáng Anh xách xe đạp đi ra đường Ba
tháng Hai đứng dưới gốc cây bên đường cùng với Anh Hoàng mua bán linh tinh, tối
mịt mới về, không dám giao thiệp với ai ngoài bạn bè quen, không ồn ào nhậu
nhẹt nên được chòm xóm thương yêu. Ở đó bao nhiêu năm mà chòm xóm ngay cả công
an khu vực cũng không biết Anh là lính VNCH, mãi đến khi công an quận xuống lập
hồ sơ đi HO, công an khu vực mới té ngửa ra. Sau này CAKV có nói với Anh "Ông
có đi vượt biên thì đi cho lọt, nếu không là khổ tôi". Vì được sự gởi gấm
của Anh Trang nên tụi mình không bị làm khó dể gì.
Nhà Ba Má bị đánh tư sản nên dọn vô Sài Gòn,
Ba Má có kêu dọn về ở chung, Anh không chịu vì tính đi vượt biên nên sợ liên
luỵ đến Ba Má, nhưng sau đó mình về ở chung một thời gian để đi diện HO.
Qua đó Em thấy tình yêu của Anh dành cho Mẹ
con Em thật vô bờ, nếu không thương yêu Em thật lòng thì nhân cơ hội nhiễu
nhương này Anh có thể bỏ Mẹ con Em mà ra đi một mình, sau này những lần vượt
biên cũng vậy Anh không chịu đi một mình, Anh nói "Sướng khổ có nhau, Anh
không thể bỏ lại Em và con". Ôi ! Tình yêu của Anh, Em trân quý và kính
trọng Anh vô cùng.
Rồi tháng 10 năm 93, chúng mình đi theo diện
HO định cư ở Portland - Oregon (Anh Triển-Hương-Ngải bảo lãnh). Mình
đến đúng vào thời tiết lạnh - lạnh vô cùng - Anh sợ vết thương của Em
không chịu nổi với cái giá lạnh ở đây và nhân tiện Anh cũng liên lạc được với
người bạn tù Nguyễn Công Hoàng rủ về bang Texas có nắng ấm. Một thời gian sau mình
chuyển về tiểu bang Texas .
Về đây, nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng Anh Hoàng và vợ chồng Hải Ngọc, Anh ra sức “cày”
nuôi các con ăn học nên người. Em làm sao nói hết tình yêu thương của Anh dành
cho Em, cả cuộc đời Anh đã sống nhiều cho Em, cho con và cho các cháu…
Nghề ơi, bây giờ Anh đã đi vào giấc ngủ miên
viễn… Tuy Anh không được nằm trong lòng đất Mẹ VN nhưng Anh đã được các chiến hữu KQ phủ lên
Anh lá cờ của Quê Hương Tổ Quốc VN oai hùng. Ở dưới lòng đại dương chắc Anh
cũng thấy ấm lòng, vì đồng đội Anh đã không quên Anh phải không Anh yêu dấu ?
Em vẫn sống trong nỗi buồn tẻ để nhớ về Anh ở
chốn xa xôi nào đó. Nếu đời sống chỉ toàn những ngày như thế này chắc là nản
lắm Anh nhỉ ! Sống mà xa cách mà nhớ nhau nghĩ về nhau trong biển mù như những
cơn mưa ngắn ở Houston này, những cơn mưa chỉ khiến cho Em nghĩ đến sự gần gụi
của chúng mình làm Em chạnh lòng muốn khóc, nhưng Em không dám khóc vì nhớ lời
Anh dặn "Đừng khóc khi không có Anh, không có Anh Em khóc lấy ai dỗ
dành... " . Anh biết không, mỗi lần đi chơi với các bạn về, bước vào
trong phòng, Em thấy mình thật cô đơn, trống vắng, thật đắng lòng, nhớ thương
Anh quay quắt, Em thầm gọi Anh trong tuyệt vọng, chán chường. Ở nơi nào đó, Anh
có nghe tiếng gọi của Em ?...
Thôi nhé Anh, hãy yên tâm mà an giấc vì bây
giờ, ngoài tình thương yêu con cháu ra, Em còn có các chiến hữu KQ của Anh vẫn
nhớ tới Anh và Em, như kỳ hội ngộ vừa qua Phi Đoàn Mãnh Sư 243 và Phi Đội Nhân
Ái 259 A ở Phù Cát tổ chức tại Houston. Anh Chị Thu-Quốc ở Georgia-Savannah rủ
Em đi tham dự, Em từ chối vì Em sợ đến đó bị lạc lõng buồn lại nhớ về Anh.
Nhưng Thu nói sẽ đến rước Em, nể lòng Anh Chị từ xa về, hơn nữa hôm Em đến chơi
ở Georgia-Savannah Anh chị đã đưa Em đến nơi Anh học bay khi xưa nên Em không
từ chối được .Đến nơi Em gặp lại các Anh Chị, tay bắt mặt mừng, những vòng tay
thân thiết ôm lấy Em, vỗ về Em không làm sao ngăn được dòng nước mắt buồn
tủi... Đến phần nghi thức buổi họp mặt, sau phần tặng hoa cho chị Thân - vợ của
Trung tá Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn Mãnh Sư 243 tử nạn. Thật bất ngờ, Em nghe tiếng Đại Tá Không Đoàn
Trưởng Nguyễn Hồng Tuyền nhắc đến tên Anh và Em, Anh Trung tá Bông Phi Đoàn
Trưởng Phi Đoàn Mãnh Sư 243 xuống bàn khoác tay Em dìu lên nhận bó hoa từ tay
đại tá Tuyền trao tặng, Em thật xúc động, mọi ánh mắt hướng về Em, chân Em gần
như muốn quỵ xuống, Em nghẹn ngào, không thốt lên nổi lời cám ơn, không ngờ các
Anh vẫn còn nhớ đến Anh - một cánh chim đã gãy cánh, lìa đàn... Có một Chị, Em
không quen hay không nhớ đến vỗ vai Em "Tại Bà mà tui xúc động khóc, làm
rớt lông nheo giả rồi". Em và các Chị đứng quanh Em cười ra nước mắt. Ôi !
Tình chiến hữu của các Anh, Em chợt nhớ đến lời Anh : “Ở Không Quân là vậy, bình thường
mạnh ai nấy sống, quan cũng như quân, nhưng đến khi ai có chuyện gì thì hết
lòng với nhau... ”.
Em nhớ đến bốn câu thơ mà các Anh ghi tặng
trong DVD khi các Anh tập trung về thăm và thâu hình khi Anh đau nặng (29/03/2007)
:
Anh là Mãnh Sư là Nhân Ái
Đem chí trai hùng xây mộng đường mây
Không gian rộng tình yêu Anh trải rộng
Cho khắp Sơn Hà rợp bóng cờ bay…
(Mãnh Sư 243 và Nhân
Ái 259 A )
Em xin đa tạ Anh Năm (tên gọi thân thương của
Đ/T Nguyễn Hồng Tuyền) và tất cả các Anh Phi Đoàn Mãnh Sư 243 và Nhân Ái 259A ở
căn cứ Không Quân Phù Cát.
Xin cám ơn đến các bạn đồng môn thời Trung học
Cường Để QN và các bạn hữu Nữ Trung học QN đã không bỏ sót tên Bích Sơn trong
muời sáu năm hội ngộ; cám ơn bạn Kim Thoa hằng năm cứ đến tháng sáu là bạn từ
Pháp về đây thăm mình và dự Ngày Hội Ngộ CĐ, mình không làm sao quên được tháng
sáu năm 2010,các bạn Kim Thoa từ Pháp, Nguyệt Hoa từ San Francisco, Đội
Ngọc - Houston và mình, bốn đứa ngủ trên một giường (Queen size) với nhau,
suốt đêm cười nói râm ran, sáng dậy Anh Nghề nói "Mấy Bà thấy tường nhà
tôi nứt chưa?”. Rồi các bạn xúm nhau làm bánh nậm để dành cho Anh ăn từ từ,
bánh Anh ăn chưa hết mà Anh đành ra đi (4/8-2010)... Tháng sáu năm nay
K-Thoa không về được vì bạn ngã bệnh, một tuần bạn phải lọc máu ba lần. Cuộc
đời vô thường, là con nhà Phật chắc Thoa hiểu, mong Thoa thân tâm an lạc, hy
vọng chúng mình sẽ gặp lại nhau ở Mỹ hoặc Pháp nghe Thoa, còn cuộc hẹn với các
bạn ở San Francisco vào tháng bảy này thiếu Thoa rồi, buồn quá, mất vui...
Với Seattle ghi nhiều kỷ niệm của chúng mình… Em còn nhớ chuyến đi
Canada, Seattle của mình với vợ chồng chị Vân Nga, v/c Anh Hoàng, v/c Anh Nộ, Anh
Hà Thúc Hùng và bạn Đội Ngọc ở nhà v/c Anh Hoài... Ở Seattle
mình còn có v/c Anh Cừ (chị vừa mới mất), Anh Nam , v/c Anh Thọ, v/c Anh Khuê,
v.v... Sau chuyến đi này về, Anh bị bệnh... Không ngờ đó là chuyến đi chơi xa
cuối cùng của Anh. Ôi, làm sao Em quên được . Thuận-Huấn, Lâm-Dũng ở Savannah tình như chị em !
Thật vui khi ghé Florida ,
tuyệt vời trên cả tuyệt vời (từ riêng của Anh Phi Long).
Xin cám ơn các bạn đồng môn Sư Phạm Qui Nhơn Hải
Ngoại đã dành cho BSơn nhiều tình cảm khó quên, nhất là KX một thời ở VN một thời ở Mỹ,
nay còn đâu ??? Với chị Hiếu, chị Trung, Hiên và Nghĩa, các chị các bạn mới
quen, BS thấy thật ấm lòng. Riêng các bạn hữu, đồng môn Houston thì đã dành cho BS tình cảm vô cùng
thân thiết. Không cuộc vui nào các bạn để thiếu mình, cám ơn Từ-Đông-Phúc đã
đưa đón mình đến các cuộc vui, shopping... Nhớ nhất những đêm ba đứa (Từ-Đông-Sơn) cùng nhau ngủ chung giường cùng hoà tấu chung một bản nhạc (ngáy)
thật vui tai... Ôi ! Những kỷ niệm khó quên !
Nghề ơi, trước khi cám ơn Anh, Em xin tạ lỗi
với Anh vì Em bị cú shock quá mạnh nên có nhiều lúc Em đã làm buồn
lòng Anh, không tin tưởng Anh, dằn vặt Anh... Thương Em Anh đã thông cảm bỏ qua
mọi lỗi lầm. Tha lỗi cho Em nghen Anh - dù lời xin lỗi có muộn màng...
Xin cám ơn Anh đã giúp Em vượt khỏi mặc cảm
tật nguyền, cho em cuộc sống thăng hoa.
Xin cám ơn Anh đã dìu dắt Em trên bước đường
đời đầy niềm tin yêu - hạnh phúc mà Em những tưởng không bao giờ có được.
Xin cám ơn Anh đã dành cho Em một tình yêu vô
bờ và một vòng tay ấp yêu Em trọn đời.
Xin cám ơn - cám ơn Anh - người chồng tuyệt
vời của Em
Bây giờ ngoài tình thương dành cho các con các cháu, Em sẽ sống vui với những kỹ niệm đẹp,
những hạnh phúc mà Em đã có với các chiến hữu của Anh, các đồng môn, bạn
hữu của Anh và Em ở mọi nơi mọi miền sẽ là hành trang cho Em đi nốt quãng đường
đời ngắn ngủi này.
Tất cả - đó là TÌNH YÊU CỦA EM
CHỈ VÌ ANH
1
Mỗi sáng mai thức dậy
Môi em nở nụ cười
Tuyệt diệu thay cuộc đời
Vì đời em có Anh !
2
Chuyện buồn có đáng chi
Quên đi hết mọi điều
Chỉ nghĩ đến Anh yêu
Là đời vui trở lại
3
Biết chăng nhịp thở này
Cho Anh vì Anh hết
Linh hồn em đã quyết :
Mãi mãi thuộc về Anh
4
Em ước là Bà Tiên
Ban cho Anh điều lành
Anh ơi ! CHỈ VÌ ANH
Đời muôn vàn ý nghĩa
Vi Tiểu Bảo (phỏng dịch)
Đêm buồn Houston ,
10-7–2013
Nguyễn Bích Sơn
No comments:
Post a Comment