Cẩm Tú Cầu
Cứ mỗi sáng O gánh gạo ra chợ bán, trưa về cơm nước xong lại quảy gánh đi mua lúa trong xóm, có khi xa hàng chục cây số chiều về O làm thành gạo sáng mai lại ra chợ bán cứ thế nhịp sống đều đặn nối tiếp nhau. Ở Huế những năm 1940 đến 1950 chưa có máy xay gạo nên những người không có ruộng đất thường làm nghề mua lúa rồi về làm ra gạo đem bán được gọi là nghề 'hàng xáo' lấy công làm lời kiếm cám nuôi heo
O buôn bán đều đặn, có những hôm gặp dịp chị Hai về O được nhiều người làm giúp. Chị Hai là dâu đầu trong nhà,chị theo chồng ở xa thỉnh thoảng mới về thăm mẹ vài tháng rồi ra đi. Chị rất thông thái hiểu biết sâu rộng trong xóm có người đau ốm chị chỉ thuốc cho mua uống đều lành xóm làng rất nể trọng chị. Chị rất thông minh các sách báo truyện chị đọc một lần là nhớ mãi mãi ( hồi đó chưa có phương tiện truyền thanh, truyền hình). Những buổi đêm về chị Hai thường kể chuyện Địch Thanh chinh Đông, Địch Thanh chinh Tây, Tam Quốc diễn nghĩa, Phàn lê Huê..v...v...
Với giọng văn mượt mà lời kể truyền cảm chị đã tạo cho cả xóm nghe đến say sưa, những hôm ấy O được mọi người làm giúp có khi vui vui mấy O cùng hò giả gạo rất là nhộn nhịp nhất là những đêm trăng. Rồi thời gian qua mau, một chiều mùa thu bầu trời êm ả nắng cũng sắp tắt O đã quen một người trên đường mua lúa về O đã thấy lòng mình rung động mênh mang, Đó là chú Tân nhà cũng nghèo có bốn anh em. Qua mai mối gia đình chú Tân đã đồng ý cho chú ở rễ và gia đình bên O miển giảm cho làm rể hai năm, thay vì sáu năm theo tục lệ ở Huế hồi đó gia đình O chỉ có một mẹ một con. hai anh trai đi làm xa tận trong Buôn mây Thuôt.
Hai năm sau một đám cưới đơn sơ đầm ấm diễn ra nhưng đôi vợ chồng thật hạnh phúc. Bốn tháng sau hương lửa đang đậm nồng chú phải tình nguyện đi Vệ quốc Quân, rồi kháng chiến bùng nổ chú lên hẳn chiên khu để công tác O ở nhà cùng mẹ già.
Thời gian thấm thoát năm sau O nhớ chồng quá O hỏi thăm lên chiến khu tìm chồng, nhưng khi O lên thì chú Tân có dịp công tác về nội thành O ở lại một ngày chờ đợi, quá sốt ruột O quay về, vừa đến nhà mới biết chú Tân vừa đi O đau đớn, một nỗi buồn hụt hẩng nặng trỉu như mất mát điều gì? O nhớ đến ánh mắt yêu thương triều mến dịu dàng ngày nào đã gieo vào lòng O một tâm tình thuần khiết ngọt ngào êm dịu như gió mùa thu O đợi chờ,đợi chờ mãi đến một hôm, hôm ấy O đi bán gạo ở chợ Truồi, cách làng O ở bảy cây số, đang buôn bán thì có tin nhắn chú Tân về và đang đợi ở nhà.
O mừng quá hối hả bán gạo sỉ cho các quán, mua vội ít đồ ăn rồi lật đật quay về. Trên đường về O cứ miên man suy nghĩ trông mau về đến nhà Bất chợt O mơ đến chuyện cổ tích anh chàng được Thổ Địa thâu đường đất chị Hai kể cho O nghe
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Vừa đi O vừa nhớ lại giọng kể đều đều hấp dẫn đến mê người của chị Hai ' Ngày xưa một nhà phú hộ có cô con gái xinh đẹp, đến tuổi cập kê có ba chàng trai đến cầu hôn, ba chàng đều có tài ông giao cho người bắn giỏi phải bắn trụi lá một cây, chàng làm thơ phải làm một trăm bài thơ và chàng đi nhanh phải đi ba trăm dặm để lấy trống về cho ông, tất cả đều phải xong trong ngày, ai hoàng thành trước sẽ được ông gã con giái cho, chàng làm thơ được chín chín bài thì giờ còn nhiều thấy chắc ăn quá mới mời cô gái ra pha trà đối ẩm Nhưng anh chàng đi lấy trống được Thổ Địa thâu đường đất,đem trống về đánh ba tiếng bùm...bùm...bùm anh chàng làm thơ quýnh quá còn một bài nghĩ mãi không ra đành mất vợ'
Cũng nhờ miên man suy nghĩ và O ước mình cũng được ông Thổ Địa thâu đường đất như anh chàng trong truyện thì hạnh phúc biết bao. O đến nhà lúc nào không hay O mừng quá chạy vụt vào nhà. Nhưng hởi ơi! Chú Tân đã đi rồi vừa mới đi O sửng sờ bầu trời chao đảo O hấp tấp chạy theo ra bến sông vì thường qua đò là đường lên chiến khu. O nhìn bên kia bờ, đò vừa cập bến bóng dáng chú Tân đang đi giữa những người đồng đội
O khóc ngất rồi ngồi bệt xuống đất, hơi thở đứt quảng cả không gian vở òa, sôi réo, trong tiếng rên, tiếng gào, tiếng khóc tuyệt vọng. Từ trong sâu thẳm nỗi nhớ nhung dần dần hiện về tất cả im lặng như chìm vào vô thức. Trái tim O nhói lên bao nỗi niềm day dứt Trước mắt là cuộc sống những ngày tháng dài dằng dặc đầy lo âu bất trắc và đơi chờ.........
Đợi chờ mãi rồi cũng có một ngày, hôm ấy trời vừa chập choạng tối chú Tân về, chú về bằng ngỏ sau vội vàng hấp tấp rồi trời chưa sáng chú đã ra đi cũng bằng ngỏ sau như một người ngoại tình vụng trộm Suốt ngày hôm ấy O lo âu thấp thỏm hồi hộp trông cho mau chóng hết ngày.
Rồi hai năm sau chiến tranh chấm dứt chú Tân về bây giờ chú đã là chàng trai hoạt bác già dặn phong sương và O cũng có một cửa hàng xén đầu chợ buôn bán rất phát đạt chú ở nhà rảnh rang được ba tháng thì có giấygọi chú ra Bắc đi hai năm rồi về nếu O muốn đi theo cũng được vì ngoài đó cần lao động, nhưng O vướng bận mẹ già. Hai anh trai của O hẹn sẽ đưa vợ con về ở hẳn quê nhà nhưng cũng chưa tới, O mong ngóng nôn nao từng ngày, từng ngày, cuối cùng chú Tân phải ra đi một mình, đi chuyến tàu cuối cùng Chú vừa đi được ba ngày thì vợ chồng con cái người anh thứ nhì về O đau đớn nghĩ giờ này chắc tàu chú Tân đang lên đênh ngoài biển cả, giữa đại dương mênh mông sóng vỗ ngàn trùng O tự an ủi mình thôi thì số phận vả lại hai năm có là bao nhắm mắt, mở mắt là đến liền .
Nhưng rồi O mong mỏi đợi chờ năm nầy qua năm khác, đã mấy mùa thu lá vàng rơi rụng mà bóng dáng chú Tân vẫn biền biệt xa xăm O buồn tủi cho duyên phận mình, cũng có nhiều nơi dạm hỏi O nhưng lòng O vẫn hướng về chú Tân Mười năm sau mẹ mất chợ dời đi nơi khác O dẹp hàng xén gom tiền mua ruộng O miên man suy nghĩ nếu mua ruộng từ trước biết đâu chú Tân về có ruộng đất cầm chân chú có việc làm chú sẽ không đi O mua ruộng cho làm rẽ rồi O lên Huế ở với người anh thứ hai. Quá rãnh rỗi O di bán chè xách thôi thì ai ăn chè của O cũng ngậm mà nghe, cái bánh tai vạc nhỏ xíu trong veo ẩn hiện nhân đậu xanh vàng mơ đưa vào lưỡi thấm đẫm vị ngọt thanh của chè cùng mùi lá dứa thơm phưng phức, rồi đến chè bột lọc bọc thịt quay cũng cái bánh nho nhỏ ẩn chứa miếng thịt quay hai màu có vị ngọt của đường, vị béo của thịt và dòn dòn của da heo hấp dẫn vô cùng. O chỉ bán quanh trong phủ (phủ là nơi ở của các ông hoàng bà chúa ngày xưa) bán cho các sòng mạc chược, tứ sắc là hết ngay, ai cũng đợi chè của O đến để ăn, O rất khéo tay. Thỉnh thoảng O nấu bánh canh cá tràu ( cá lóc) đãi các cháu tài nấu báng canh của O cũng rất tuyệt vời.
Rồi có một cháu gái về làm giáo viên ở làng O lại về làng làm nhà trên mảnh vườn sẳn có hai O cháu ở cùng nhau rất là hạnh phúc Bây giờ vốn O cũng khá O mua thêm ruộng, mua lúa non cuộc sống thanh nhàn dư dã nhưng O vẫn cô đơn.
Thấm thoát thời gian trôi mau hai mươi mốt năm sau một buổi sáng nắng đẹp, bầu trời quang đãng những đám mây trắng bềnh bồng trôi giữa trời xanh, nắng lung linh vờn qua kẻ lá O đang làm vườn sau nhà bổng nghe tiếng con vện sủa O chạy ra, trước mắt O như có vùng sáng chói lòa một người đội mũ cối mặc đồ bộ đội chân mang dép cao su đang đi vào O mừng quýnh quáng trong tìm thức réo gọi chú Tân đã về, chú Tân đã về đôi mắt O bừng sáng nụ cười rạng rỡ reo vui . Nhưng đôi mắt ấy nụ cười ấy vụt tắt ngấm và trở nên u ám dại khờ, khi O nhìn ra đầu ngỏ thấy một người đàn bà còn trẻ bà mặc cái quần lanh đen ngăn ngắn, áo sơ mi hỏng trước, một bít tóc dài đến tận mông mang đôi dép nhựa đen và hai đứa nhỏ một đứa khoảng mười lăm tuổi, một đứa khoảng mười một tuổi.
Chú Tân gọi tất cả vào nhà và giới thiệu
- Đây là Hoa người mà cách đây mười sáu năm đã tận tình chăm sóc anh khi anh ốm nặng lúc ấy anh rất cô đơn.
O ngỡ ngàng lòng nhói dậy một nỗi đau vô bờ bến.
Cuộc sống trong một gia đình có hai người đàn bà cùng yêu một người đàn ông thật không dễ dàng chút nào. Có những điều mà mắt không thể nhìn thấy, không nói nên lời nhưng trong sâu thẳm tận đáy lòng vẫn âm ỉ một nỗi ấm ức, tàn khốc khó xua tan.
Bao năm qua nỗi nhớ nhung như đã ngủ yên theo thời gian mãi mãi,tâm hồn O đã lành lặn sau ngần ấy năm, nay lại ập về nhứt nhối. Một nỗi buồn sâu kín tự trong tim cứ len lỏi qua bờ mi làm O cố gắng lắm mới khỏi bậc khóc.
Ở chung được ba tháng O nhận thấy rằng không thể kèo dài hoàn cảnh này lâu hơn được nữa O cho đứt chú Tân mẫu ruộng mà O dành dụm tằn tiện suốt cả cuộc đời, vợ chồng con cái chú Tân ra ở riêng.
Sẳn dịp cháu gái O đi lấy chồng O bán nhà bán vườn lên Huế ở cùng đứa cháu đích tôn thỉnh thoảng về làng thu lợi nhuận.
Bây giờ O tự thấy mình già rồi không muốn bon chen tranh giành nhất là về tình cảm nhưng vết cắt sâu thẳm trong tim O thì không thể nào lành O cố xua tan bao ý nghĩ mơ hồ đau đớn, nhưng vẫn có một khoảng lặng đọng lại đến quặn lòng.
O sống vui cùng các cháu đến năm O tám hai tuổi. Một buổi sáng như thường lệ O ăn bún uống cafe sữa rồi đi nằm O ngủ luôn, ngủ mãi mãi giấc ngủ ngàn thu không bao giờ O thức dậy nữa.
Cẩm tú Cầu ________________________________
______________________________________
Môt câu chuyện của thời nội chiến. Những người đàn ông đi tập kết ra Bắc năm xưa, sau 21 năm trở về mấy ai không đùm túm bầu đoàn thê tử? Có rất nhiều trường hợp Đãng còn tác hợp tìm vợ cho để những người đàn ông đang phục vụ Đãng này được toàn tâm toàn sức.
ReplyDeleteChỉ có những người vợ ở lại vẫn một lòng ở vậy tảo tần xuôi ngược nuôi con, và mỏi mắt ngóng trông người chồng, người cha đang biền biệt vì lý tưỡng( Lý tưởng gì ở đây, sic !!??).
Thời nào phụ nữ cũng là những người thiệt thòi và cao thượng. Nhất l àphụ nữ VN.
Một câu chuyện hay xin cám ơn tác giả.
Thảo Nguyễn.