Sunday, March 17, 2019

Costa Rica - Thiên Đường Nhiệt Đới


Tôi đứng giữa khu rừng thâm u. Mắt hoa, chân gối rã rời. Và tôi đã đứng thế, rất lâu. Mặc cho cảm xúc dâng trào. Chỉ để tận hưởng một khoảng lặng không thanh âm. Và cảm giác tĩnh yên sâu lắng trong tâm hồn. Để nghe hơi thở chuyển mình, phiêu diêu, u mặc trước cội lan rừng tinh khiết. Cội Hoàng lan xum xuê, bám rễ trên một thân cổ thụ xù sì.  Lòa xòa, thơi thả những nhánh kiêu sa. Vàng đến mê dại. Tôi gọi lan rừng là những “đóa hoa của cảm giác”- giữa rừng, lan mang hồn hoang dã và thoáng nét giai nhân. Gợi cảm ở vẻ đẹp thuần khiết, và mê hoặc như một vũ điệu tuyệt luân giữa thiên nhiên hoang dại.

Tác giả săn ảnh lan rừng trong khu Rừng Mây nhiệt đới
                                 
Buổi sớm trong cánh mây rừng nhiệt đới. Tâm tư tôi dịu lãng giữa một màu xanh đầy sức sống. Tôi hăng hái tiên phong, hoán chuyển cái vị trí “rờ mọt” cố hữu. Nối gót tôi là Andy Nguyễn, tay phó nhòm thời @ vẫn luôn tự “hành xác”với trọng lượng máy móc lỉnh khỉnh.
Cánh rừng già như một mê cung. Chằng chịt những cội rễ xoắn, dây leo, từng tầng lớp cây xanh, từ những rậm cây đến những cây đại thụ ngất ngưỡng. Khu rừng nhiệt đới ẩm. Quanh co những con đường dốc, rêu bám xanh như tấm thảm mượt. Nơi đây, đời bỗng xanh rêu, khi bước chân tôi chạm trên miền đá rêu phong.



                     Tuyết Nhân Lan mọc xen với cây rừng

Hai lãng tử dừng bước. Mắt dán chặt trên thân cây cao lớn. Một bụi lan rừng trụ rễ, vươn trỗ những cánh hoa mang hình thể kỳ lạ. Tôi nhìn muốn rớt hai con mắt, xăm soi từng nhánh lan. Dạng hoa màu trắng tươi với hai cánh tay, hai chân dang rộng, và một cái đầu, hệt như một người tuyết tí hon. “Người tuyết” này chiều cao chỉ 2.5 cm; có 5 cánh đài vàng nâu bao quanh. Snowman orchid, danh pháp khoa học Oerstedella exasperata, một loài lan sống trong môi sinh núi rừng nhiệt đới ở độ cao từ 850 – 2500 m. Đây là loài lan rừng đặc hữu hiếm được biết đến. Với sự ngẫu nhiên và may mắn, tôi được chiêm ngưỡng “người tuyết” giữa vùng rừng nhiệt đới. Ngẫu hứng,  tôi đặt tên cho loài lan của riêng mình - Tuyết Nhân Lan.




        Cận cảnh của “Người tuyết tí hon”-Tuyết Nhân Lan   (Snowman orchid)

Và rồi chúng tôi háo hức cá cược, ai sẽ là người “săn” tầm nhiều loại lan nhất trong ngày.
Có cảm nhận hết ý nghĩa của lan rừng, mới trân quý và mang cảm giác sở hữu cả một rừng phong lan.
Những cội lan rừng tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt. Khá thích ứng với nhiều môi sinh nên rất đa dạng.  Có hơn 25000 loài lan rừng, trong số đã có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng, hoặc đã tuyệt chủng vì mất đi môi sinh và bị dời hái lậu. Đa số, những loài lan được cung cấp cho các thị trường quốc tế, xuất xứ từ các nước nhiệt đới Châu Á hoặc Nam Mỹ.

Ở Hoa Kỳ, lan được bảo vệ nghiêm ngặt bởi pháp luật (Endangered Species Act), cấm trao đổi thương mại của tất cả loài lan bị nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, buôn bán lan nhân tạo thì hoàn toàn hợp pháp. Có 2 nguyên do để nghề buôn lậu lan vẫn không thuyên giảm:
1- Chi phí rất tốn kém để trồng lan trong vườn nhân tạo. Trong khi hái lan hoang dã trong thiên nhiên thường thuận lợi, nhanh chóng và rẻ hơn.
2- Những tay sưu tầm lan luôn muốn được sỡ hữu lan rừng, bởi vẻ đẹp kỳ lạ và huyền bí. Nguyên nhân này đã thúc đẩy và gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều giống lan đang bị hái lậu. Nhiều loài lan rừng được bán trên thị trường giá $25/cây, nhưng với những loài hiếm quý giá lên đến $2,000/cây. Lần đầu tiên ở Mỹ, một tay buôn lậu người Nam Dương đã bị bắt và lãnh án 5 năm tù vì mang lậu 1500 cây Nương Hài Lan vào nước Mỹ năm 1993.
Nhiều quốc gia đã ra luật cấm xuất cảng lan rừng như Borneo, New Guinea, và Costa Rica.
Lan là một trong “Tứ bất tử” mà những người yêu cây cảnh yêu thích, tôn sùng. Nhưng nhược điểm lớn là không hương thơm. Và lan rừng thì hương sắc vẹn toàn nhưng lại chóng tàn.

Tại VN, những nhóm nghiên cứu trẻ thuộc phòng thí nghiệm đã cất công sưu tập nhiều giống lan rừng VN, để lai tạo với các giống lan Thái Lan bằng kỹ thuật hiện đại. Sự bảo tồn và lai tạo những giống lan rừng để giữ được vẻ đẹp tự nhiên. Và cho ra những loài lan đẹp trổ hoa quanh năm. Lan rừng tuy đẹp thanh tao nhưng chỉ trổ hoa một lần trong năm. Loài lan rừng VN còn rất ít vì đã bị khai thác gần như cạn kiệt. Vì thế, giá mua các loài lan rừng ngày càng đắt đỏ và hiếm, dù nuôi trồng và nhân giống bằng phương pháp truyền thống vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khu rừng xao xác âm thanh của bầy quạ và tiếng khọt khẹt của đàn khỉ. Không khí dần oi bức. Hai lãng tử nếm đủ sắc thái của mùi vị nhọc nhằn. Tôi cảm giác như đang trong một phòng tắm hơi. Mắt cay xè bởi vị mặn của những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Chúng tôi lại cợt đùa rằng săn ảnh lan rừng là một cuộc “hành xác” đúng nghĩa.  Thế mà, đã không một ngữ ảnh nào có thể diễn đạt trọn vẹn, khi tôi  chiêm ngưỡng vẻ đẹp thoát tục của những nhánh lan rừng. Những gian nan đều như rất công xứng.

Vài giờ đồng hồ lặn lội tầm lan. Hai tay săn ảnh chúng tôi may mắn sưu tầm được bộ hình ảnh của loài lan rừng Dracula Erythochaete. Cái tên thoặt  nghe “kinh dị”, vì hình thể hoa giống gương mặt của loài qủy…Dracula. Đây là loài lan đặc hữu của Costa Rica và Panama và đã gần tuyệt chủng, môi sinh ở  độ cao 1,000 – 2,100 m ở khu rừng Mây nhiệt đới.

Chúng tôi lần theo con đường rừng. Gần hơn nửa ngày đồng hành với nhọc nhằn, hai lãng tử dừng chân. Và, mấy cặp mắt bất chợt trố nhìn trên vách cây đại thụ. Ngây dại. Sửng sốt.
Một suối hoa vàng rực. Bung sắc. Thuông chảy. Những nàng lan Vũ nữ, khá quen thuộc với cái tên “Dancing Lady” (Oncidium sphacelatum); nhưng lại mang một sắc thái huyền hoặc đến lạ kỳ giữa hoang dã. Thể như, lan hiện hữu giữa cuộc tồn sinh, và vẫn cứ qua đi dù chỉ một lần rực rỡ. Thật vương giả, kiêu sa giữa khu rừng trầm mặc.
Và khi tôi đứng trước một vẻ đẹp. Mọi miêu tả cảm tính đều giới hạn, ngay cả bằng ngôn từ và hình ảnh.
Những nàng lan Vũ nữ- vẫn như lan trong rừng vắng.  Dẫu bao mùa đã đi qua, những cánh lan vẫn ngát hương, âm thầm, đầy dâng hiến cho thiên nhiên núi rừng.  Giai thoại về lan chợt vương vấn trong tâm tưởng tôi.  Khổng Tử, sau khi chu du khắp thiên hạ trên đường từ nước Vệ về nước Lỗ. Tìm thấy bụi lan tươi tốt mọc chen với cây cỏ rừng sâu, bèn than rằng: “Ôi, hoa lan có mùi thơm vương giả, nay tươi tốt một mình ở chốn sơn lâm; mọc xen lẫn với loài cỏ hoang dại, chẳng khác nào bậc hiền giả không gặp thời, sống chung với bọn bỉ phu…”




 Nhánh lan Vũ nữ “Dancing Lady” (Oncidium sphacelatum) trên thân cây rừng.

Rafael Mendez là một nhà sinh vật học, thổ địa của vùng rừng núi này. Ông đã chia sẻ với chúng tôi những thông tin thú vị về một loài lan rừng nhỏ nhất thế giới, có tên gọi Platystele jungermannioides. Ông mô tả về loài lan lạ thường này: “Tiểu lan đẹp thuần khiết, rất mong manh và không khó nhận dạng. Nếu bạn trông thấy những bụi lan tí hon, hoa chỉ nhỏ bằng đầu que diêm (2mm), cánh trong suốt đó là loài lan nhỏ nhất thế giới đấy!”
Siêu Tiểu Lan” được phát hiện bởi nhà sinh vật học người Mỹ, ông Lou Jost, cũng là chuyên gia “săn” lan hàng đầu thế giới. Trong thập kỷ trước, ông đã phát hiện 60 loài lan mới và chia sẻ niềm đam mê của mình: “Đó thật là một cảm giác thú vị khi phát hiện ra một loài lan mới. Mọi người đều nghĩ rằng, tất cả mọi thứ đều được khám phá, nhưng vẫn còn rất nhiều hơn thế nữa”.


                                “Siêu Tiểu Lan” -loài lan nhỏ nhất thế giới.

Và sau những nhọc nhằn của hàng giờ xuyên rừng, hai tay săn ảnh chúng tôi đã may mắn tận mắt quan sát loài hoa tí hoa dị thường này. Gần cuối ngày, cuộc cá cược khó phân thắng bại. Tôi khá “ấn tượng” với tài tầm lan của tay phó nhòm Andy.
Những ngày trên xứ sở Tí Cồ, chúng tôi tìm hiểu thêm về các loại lan rừng trên từng miền địa thế khác biệt. Dẫu con số liệt kê 1,400 loài lan rừng ở Costa Rica, với tôi đã là một điều ao ước.  Xứ sở nhỏ bé này là thiên đường của nhiều loài lan đặc hữu. Vài loài địa lan khá dễ tìm thấy ở những triền núi như Nương Hài Lan “Lady’s slipper” (Phragmipedium Longifolium). Và loài địa lan  Crucifix orchid (Epidenrum ibaguense) mọc lấn bụi bờ. Epidenrum Radicanscũng cùng gia đình với loài lan Crucifix orchid.  Ở mọi nơi, tôi đều tìm gặp giống địa lan này, và luôn liên tưởng đến chậu lan cùng giống đang trỗ hoa đa sắc sau hiên nhà nàng.



                  Nương Hài Lan Lady’s slipper” (Phragmipedium Longifolium)


Tôi chợt nhớ cái ngày ấy. Tôi đã hàng giờ, say mê ngồi nhìn cha tôi chăm bẳm từng gốc rễ, nhánh lan. Cội lan Vũ nữ của cha tôi, mùa hoa nở, đẹp đến ngơ ngẩn. Đó là một “thành quả” của hơn 15 năm tận tụy với thú tao nhã, cầu kỳ. Mỗi lúc ngắm hoa, ông luôn bảo tôi rằng, cần có sự tinh tế mới cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của lan. Ôi tôi, dẫu chẳng là những đóa lan rừng nguyên thủy, mà đã say đắm cả tâm hồn.
Vẻ đẹp của lan rừng gợi trong tôi niềm nhập cảm sâu xa về những “hồn hoa thinh lặng”. Lan rừng, với tôi, là một vẻ đẹp mê hoặc, gợi cảm ở dáng thanh, sắc nhã đầy hương dịu.


 Hình tác giả: Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh- Niềm vui khi tìm được Nương Hài Lan trong khu rừng

Tôi đến với lan, không chỉ bằng hình ảnh. Và ở cảm thức của sự rung động vô hình, trong thinh lặng.

ĐMH 
Nguồn : ( http://hanhphoto.wordpress.com/category/costa-rica-thien-duong-nhiet-doi/  )


________________________________

5 comments:

  1. Cám ơn Đặng Mỹ Hạnh đã viết và QN đã đăng bài này. Tôi cũng là người rất mê hoa lan, nên sưu tầm rất nhiều loài hoa lan và đã tôn kém rất nhiều của cải và công sức. Vì sống ở xứ lạnh nên việc chăm sóc lan rất công phu và nhất là phải rất kiên nhẫn, nhưng cuối cùng vẫn thất bại, lan cứ bị chết dần. Tôi thường hay mua lan nhân tạo ở Trade Joe's giá cả cũng tương đối như loại Oncidium cũng rất nhiều, cây lớn thì cỡ $15.00 cây nhỏ khoảng $9.00 Lan Lady’s slipper thỉnh thoảng cũng có, mấy loại lan thường như Hồ Điệp và Hoàng lan thi rất rẻ, cỡ khoãng từ $5.00 đến $8.00. Mỗi lần mua một cây hoa lan mới về tôi đều chụp hình đễ làm kỷ niệm, giờ thì tôi có một bộ sưu tập hình hoa lan thĩnh thoãng đem ra xem đễ cho đầu óc thư giãn.
    Thấy bạn Mỹ Hạnh vì mê lan mà lội rừng như vậy thật đáng nễ phục. Cám on bạn đã chia xẽ những tấm hình lan tự nhiên tuyệt đẹp. Lan thiên nhiên lúc nào cũng đẹp và nam dại hơn lan nhân tạo.

    ReplyDelete
  2. Hanna ơi, Chị ĐMH là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Mình rất thích những tấm hình chụp của chị ấy, một phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp,với thiên nhiên,có một sự đam mê sâu sắc với ngệ thuật nên những tác phẫm của ĐMH rất có hồn. bạn vào trang web của chị ấy để thưởng thức thêm nhiều ảnh đẹp và nhiều bài bút ký khác nhé. Tuyệt lắm đó Hanna à.
    mến.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hi quinhon11,cám ơn cô đã cho già này ghé thăm trang mạng và chấp thuận cho lão góp ý vê bài du lịch TQ và hai dòng sông gặp nhau,qua bài này của cô nhiếp ảnh gia Đặng mỹ Hạnh,mình phải phục cô này quá đi rồi,vì có đọc những bài viết của Đặng Mỹ Hạnh trên các báo viết khá lâu,nay nhờ Quinhon11 ,mình có được trang mạng của cô Hạnh,cám ơn cả hai cô,chúc mọi người luôn được an vui.

      Delete
  3. Hello QN! Minh co vao xem qua link phia cuoi bai roi. Uh rat tuyet. Cam on nhieu/ Men

    ReplyDelete
  4. Tuyệt vời thật, một trải nghiệm đầy thú vị. Cảm ơn tác giả nhiều! Tour du lịch Alaska

    ReplyDelete