Sunday, September 1, 2013

Còn Đây Tiếng Ve Ngày Cũ

 Phạm Lê Huy 


Sáng ngày 29/7/2013 chúng tôi ghé thăm Tô Bá Tùng tại shop bán áo quần khá bề thế và bề bộn của anh ấy trên đường Lê Lợi - Qui Nhơn. Còn Nguyễn Thị Vân – bà xã Tùng – đã vô Sài Gòn mấy hôm trước để chăm sóc ái nữ vừa hạ sanh cháu ngoại cho mình. Hôm nay có chúng tôi ở xa về đến thăm chơi nên Tùng vui lắm. Bạn ấy vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, sôi nổi như xưa.



Các bạn tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui lắm, rộn ràng lắm. Riêng tôi thì xoay mặt đi, giả làm khách mua hàng. Tôi hỏi Tùng :

- Ông chủ ơi ! Cái quần jean này đẹp lắm, tôi thích lắm… Nhưng size 31 - 30 vừa tôi, có không ?

Có lẽ muốn dành trọn lúc này cho bạn bè nên Tùng trả lời nhát gừng, tạm lơ là chuyện bán buôn với khách :

- Thưa không… Có chừng đó thôi !

Khi chợt nhận ra tôi thì Tùng reo lên : “Ủa… Ủa… !”, rồi lao đến bắt tay tôi thật chặt, thật thân tình :

- Trời… Anh có khác đi chút ít, nhưng cái cười vẫn vậy. Sao, khỏe không ?

- Cám ơn anh… Khỏe chớ… Khỏe mới… bò về đây được để thăm bạn bè chớ !

Rồi chuyện hồi đi học chọc phá, chuyện ra đời ba chìm bảy nổi của chúng tôi được dịp tuôn ra thật sôi nổi và hào hứng trong tiếng cười giòn tan hồn nhiên như thuở nào.



Như thường “tâm sự” với các bạn trong nhóm, tôi nói với Tùng là chuyến về thăm quê nhà lần này thế nào tôi cũng tìm cho được, nghe cho được tiếng ve râm ran vào mùa hè này. Đó là mong ước của tôi mà từ rất lâu, từ gần hai mươi năm nay tôi chẳng nghe được chút nào ở xứ người.

Tôi lại “dài dòng văn tự” : “Không như ve sầu ở quê mình, ve sầu ở Mỹ thì cứ mười bảy năm mới sinh sôi nảy nở một lần. Vào tháng Năm năm nay lại rơi đúng vào chu kỳ ấy, chúng tràn ngập các khu rừng ở Mỹ, nhất là ở vài tiểu bang miền đông bắc nước này. Chu kỳ sống và s xuất hiện của chúng thật khác thường. Trong vòng mười sáu năm đầu đời, chúng sống dưới lòng đất, lấy dinh dưỡng từ rễ cây và lột xác vài lần. Đến lần lột xác cuối cùng, chúng sẽ ngoi lên mặt đất và bắt đầu tạo nên một “dàn đại hòa tấu” với thứ âm thanh chói tai nhức óc và kéo dài mà chúng phát ra, mong tìm kiếm "bạn tình" để giao phối. Và cũng đột ngột như khi đến, chúng sẽ biến mất vào lòng đất để rồi ời bảy năm sau lại xuất hiện”.

Chính loại ve sầu “17 năm ẩn mình chờ… hát” này đã làm cho nước Mỹ hầu như không có những Khúc Ca Mùa Hè hằng năm râm ran nhớ đời như ở quê nhà của chúng ta.

Với tôi thì, những Khúc Ca Mùa Hè đó giờ đây chỉ là những Tiếng Ve Ngày Cũ. Tiếng ve đó đã không ít lần tôi nghe văng vẳng đâu đây vào những ngày hè cuối tuần dạo quanh xóm dưới hàng cây rợp bóng. Nhưng đó chỉ là tiếng ve văng vẳng trong đầu mình thôi, chứ trên tàng cây kẽ lá đó có chú ve nào đâu.

- Mấy ngày về đây, chú tâm lắm mà tôi cũng chẳng nghe được tiếng ve râm ran thân thương ấy. Phải chăng cái môi trường “thành phố công nghiệp” bây giờ đã xua đuổi các chú ve bé nhỏ - bạn lâu đời của tôi - ra khỏi nơi này rồi.

Nghe tôi “tỉ tê tâm sự” vậy, Tùng chồm tới, giọng vồn vã :

- Tiếng ve hả… Thiếu gì ! Anh cứ vô hướng Eo Nín Thở, đến gần các khách sạn, nhất là ở khu trường Sư Phạm ngày xưa, tha hồ mà nghe !

- Vậy hả… Cám ơn anh !

Chuyện trò với nhau về chuyện cũ chuyện mới thấy cũng khá đủ, chúng tôi chào chia tay và chúc sức khỏe Tùng.

Chương trình sắp tới của chúng tôi là vào Tuy Hòa, Nha Trang… Trên đường đi chúng tôi rất háo hức muốn ghé thăm trường Sư Phạm Qui Nhơn - trường cũ của các bạn và bà xã tôi mà tôi là chú rể. 


Dừng trước cổng trường, chúng tôi ào xuống xe. Trước mắt chúng tôi phượng ơi là phượng; phượng đỏ cả một góc trời, đỏ từ cổng vô tuốt tới sân trường phía trong. Và, hình như chúng tôi bị… hoa mắt, chẳng biết nắng chói nắng chang là gì, cứ giương máy hình lên say sưa bấm nháy liên hồi.

Chợt Diệu Phương reo lên :

- Tiếng ve kìa… Anh Huy !

Đến lúc này tôi mới nghe tiếng ve râm ran, râm ran khắp nơi mà từ khi xuống xe vì mãi lo chụp hình nên tôi có nghe gì đâu. Ren lại nói :

- Hồi nãy Ren có nhắc… Tiếng ve kìa, mà anh có nghe đâu !

- Vậy hả… Cám ơn các bạn… Chắc tôi “say” phượng vỹ mất rồi… !



Rồi tôi như lịm người đi trong tiếng ve râm ran giòn giã, râm ran không dứt từ tàng phượng phủ mát cổng trường, từ tiếng ve như rủ nhau gọi hè vang dậy khắp khu trường. Và, thật kỳ lạ tôi cảm thấy như mình cũng râm ran theo tiếng ve thân thương mà tôi bị vắng chúng từ lâu, đến giờ mới được nghe lại. Tôi vui lắm, sung sướng lắm và cảm thấy các bạn cũng cùng vui với tôi.


Trong phút chốc những âm thanh râm ran mùa hè ấy đã dắt tôi về miền thơ ấu của mình, nơi đó đến tuổi lên chín lên mười tôi mới biết say sưa lắng nghe tiếng ve râm ran vang lên rộn rã từ những tàng me tây, những tàng keo um tùm sum suê hoa trái khắp thị xã nhỏ bé của tôi.

Còn nhớ, những năm năm mươi / sáu mươi Qui Nhơn chưa có nhiều hoa phượng. Sân trường Tiểu Học Nguyễn Huệ - nơi tôi theo học trong những năm đầu đời - chỉ lưa thưa vài cây điệp và khuynh diệp nên tiếng ve không “náo nhiệt” gì mấy. Phía sân sau của trường, bên kia con đường nhỏ là khoảng sân khá rộng của trường Cường Để cũ với nhiều cây me tây cổ thụ phủ bóng mát khắp sân, nơi đó mới thật sự có “dàn đại hòa tấu” thật giòn giã. Cũng tại nơi này, cứ thứ bảy chủ nhật hằng tuần là các Ấu Đoàn, Thiếu Đoàn Hướng Đạo chúng tôi lại họp bạn hoặc cắm trại, sinh hoạt vui tươi lành mạnh trong tiếng ve râm ran gọi hè làm náo nức tuổi mới lớn của chúng tôi.

Còn nữa, cứ mỗi trưa trên đường từ trường về là chúng tôi thường hay nấn ná trên khoảng đất rộng (bây giờ là Hội Trường Qui Nhơn) có nhiều cây keo to để hái những trái keo chín hườm chia nhau ăn cho vui trong tiếng ve râm ran thật thú vị.

Ở sân sau nhà tôi, sát với cửa sổ có vài cây keo với những chùm trái chín mọng ngon mắt vào mùa hè, các chú ve con đã họp nhau tạo nên một “dàn hòa tấu xóm nhỏ” nghe thật đã tai. Mỗi lần các chú ấy cất tiếng gáy râm ran tôi lại đánh mandolin bài Hè Về của nhạc sĩ Hùng Lân, rung lên những nốt nhạc réo rắc hòa theo

Trời hồng hồng sáng trong trong 
ngàn phư
ng rung nắng ngoài song 
Cành mềm mềm gió ru êm 
lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên 
Đàn nhịp nhàng hát vang vang 
nhạc hoà thơ đón hè sang ! 

Nhưng thật lạ, khi tiếng đờn tôi cất lên thì tiếng ve lại im bặt, có lẽ chúng… chê tiếng đờn dở ẹc của tôi rồi.

Đôi lần tôi cố tình rình bắt một chú ve xem sao, nhưng không tài nào bắt được trong khi tôi là một tay bắt dế đá chơi cũng “có hạng” lắm.

Tiếng ve vẫn tiếp tục theo tôi và bạn bè tôi qua những năm trung học thật trẻ trung, hồn nhiên và cũng có khi xao xuyến theo “nỗi niềm riêng” của mình. Những cánh phượng vỹ và tiếng ve râm ran đến với từng gốc cây ghế đá trong sân trường, nơi công viên là hai tín hiệu báo cho mọi người biết là hè đang về đây; đó cũng là “nhân chứng” cho những mối tình học trò ngây thơ hợp tan, tan hợp; là “nhân chứng” cho những cuộc chia tay của bạn bè thời chinh chiến mà nhạc sĩ Song Ngọc đã nói giùm chúng ta qua ca khúc Mùa Hoa Tạm Biệt

Anh hỡi anh ơi mùa phượng đến rồi 
Dù rằng không nói mà tôi biết chia phôi 
Anh lên đường xa xôi dốc núi chân trời 
Xa cách đây rồi… còn thương còn nhớ 

Đó là khi một số không ít bạn bè trong lứa tuổi chúng tôi dấn thân vào binh lửa và quên dần tiếng ve thời học trò ấy. Nhưng có lần thật là quí báu khi chúng tôi dừng quân ở Kontum năm 1971, ghé vào quán Cà Phê Phượng bên dòng Dakbla; quán được cất trên khoảng nhà sàn nhoi ra dòng suối chảy ngược với tàng phượng vỹ phủ kín mái quán thật thơ mộng. Chúng tôi gõ nhịp lanh canh trên tách cà phê thơm lừng theo tiếng nhạc trong tiếng ve râm ran giòn giã mà bất chợt chúng tôi được thưởng thức lại sau một thời gian dài quên bẵng chúng đi.

…   …   …

“Có phải là quá lời lắm không khi nói rằng, chuyến về thăm quê lần này tôi thật sự hạnh phúc vì đã được lịm người ngây ngất trong tiếng ve thân thương. Và, tôi biết rằng Tiếng Ve Ngày Cũ vẫn còn râm ran gọi hè như thuở nào trên quê tôi”.

Phạm Lê Huy


(Los Angeles, Sept. 1 – 2013) ____________________________________
______________________________________________________________

No comments:

Post a Comment