Thursday, August 8, 2013

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM #2

 Bác sĩ Phan Giang Sang 

 

Còn Gái Miền Nam thì sao?





Gái MN mỹ miều, thùy mỵ, xinh đẹp li không đanh đá, quê mùa chất phác, sống với ruộng vườn, bên sông cái nước.

                                Trúc xinh trúc đứng đầu đình,
                                Bậu xinh bậu đứng một mình cũng xinh
                                                                                Ca dao

Đẹp nổi tiếng nhứt là gái Nha Mân cho nên mới có câu ca dao:

                              "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
                                Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân."

                              "Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh,
                                Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân."

                              "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
                                Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu.
                                Anh thương em chẳng ngại sang giàu,
                                Mứt hồng đôi lượng, trà Tàu đôi cân."

Thật ra theo như má tôi cho biết thì gái tỉnh Định Tường (Mỹ Tho, Gò Công) không những đẹp mà phong thủy làm sao đó lại vượng phu. Ai mà lấy được vợ ở Mỹ Tho dễ thăng quan, tiến chức lắm?

Nè nha Nguyễn Phan Long, Phan Khắc Sửu, Nguyễn Văn Lộc, Thiếu Tá Nguyễn Văn Thiệu cưới thêm con gái của thầy lang ở Mỹ Tho phát lên như diều. Gặp may lên làm Tổng Thống luôn. Bác sĩ họ Ph... "tái giá" với cô con út, phát lên Đại Tá, nhảy lên Cục trưởng Quân Y, rồi lên Tướng luôn.  

Phải chi hồi đó từ ĐĐQY 9 ở Sa đéc chuyển sang ĐĐQY 7 ở Mỹ Tho (1966-68), nhớ lời má tôi nói, không biết bây giờ nó ra sao nữa? Ngu thiệt há!

Nhìn lại lịch sử nhà Nguyễn, các vua ta thường hướng về Miền Nam tìm mệnh phụ phu nhân. Cho nên các hoàng phụ đều thuộc tỉnh Gò Công (hay Định Tường vì trước kia chỉ có Nam Kỳ Lục Tỉnh thôi). Nè nha:

" Vua Bảo Đại cưới Bà Nguyễn Thị Lan, thuộc tỉnh Gò Công, vì mếm vẻ đẹp duyên dáng phương nam của bà nên đặt cho tên là Nam Phương Hoàng Hậu và hủy bỏ luôn Tam Cung Lục Viện. Uổng quá!

" Vua Thiệu Trị cưới Bà Phạm Thị Hằng tức Bà Từ Dũ, cũng dân Gò Công.

" Vua Minh Mạng cưới Bà Hồ Thị Hoa, người Biên Hòa.

Ngoài ra còn các cung phi khác của triều Nguyễn cũng thuộc Miền Nam như:

1.   Vua Minh Mạng có ba bà thứ phi:

"     Thục Tấn Nguyễn Thị Bảo, người Gia Định
"     Hòa Tấn Nguyễn Thị Khuê, người Gia Định
"     Cung Tấn Nguyễn Thị Xuân, người Gia Định

2.   Vua Thiệu Trị còn có một bà phi nữa là

"     Lệnh Phi Nguyễn Thị Nhậm, người tỉnh An Giang

3.  Vua Tự Đức có bà phi là

"     Học Phi Nguyễn Thị Hường, người tỉnh Vĩnh Long

Gái Miền Nam không biết dối trá mánh mung, gian xảo. Họ thật thà, chất phác, bình dị và rộng rãi... Không thua con gái Huế bởi vì

                            "Cần Thơ gạo trắng nước trong'
                              Ai đi đến đó lòng không muôn về' 

Nhiều cô khôn ngoan, lấy lời dịu ngọt khuyên lơn người yêu, châm lo học hành chờ khóa thi. Họ không ngại khó nhọc, chắt chiêu lo cho chồng, miễn là chồng thành công là họ mãn nguyện.

                              'Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ'
                               Dầu hao tiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.'

Tuy món quà nhỏ, nhưng nó gói ghém mối tình quê lãng mạn,
 chung thủy của người thôn nữ, chất phác.

                              'Hai tay bưng quả bánh bò,
                               Giấu cha, giấu mẹ cho trò đi thi.'

 Đây mới là tấm lòng chung thủy, chân thật, mộc mạc, ngọt ngào dễ thương, nghe nó bùi tai quá chừng. Nghe nó nhớ nhà đứt ruột đi, quý vị ơi!

Vì lo ngại người yêu ham mê ăn chơi, không lo ăn học cho tới nơi tới chốn, bảng hổ đề danh, nên nàng khuyên:

                                Đèn Saigon ngọn xanh, ngọn đỏ
                                Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.
                                Anh về anh học chữ nhu
                                Chín trăng em đợi, mười thu em chờ!

Nàng ta nhắc nhở người yêu có lên Saigon hoa lệ, thấy gái Saigon đẹp lả lơi làm cho anh dễ bị cám dỗ, mong anh đừng có học thói đua đòi, cố gắng lo tu luyện đèn sách để thành công. Ở tỉnh Mỹ Tho mình có người con gái tuy quê mùa, chất phác nhưng sẵn sàng chờ đợi anh, dầu cho chín tháng hay mười năm, lòng em cũng không phai!

Các cô gái quê thật thà chất phác, chỉ khuyên người yêu dầu có thế
nào đi nữa, dầu có phải chờ đợi tới bao lâu đi nữa, họ cũng nhẫn nại cam tâm chịu đựng, không hề oán trách ai cả:

                               " Quyết lòng chờ đợi trò thi
                                  Dầu ba mươi tuổi lỡ thì cũng ưng"

Đây là một tấm lòng chung thủy, cao cả, keo sơn không phai nhạt dầu cho mười năm hay ba mươi năm, nàng cũng ưng bụng đợi chờ không sờn lòng. Đã yêu thì hết lòng yêu, không gì sờn lòng đổi dạ.
Đã thương thì thương cho trót, nghèo giàu, cực khổ ăn mắm muối dưa gì cũng cũng được, cùng nhau chia xẻ nổi khổ cực:

                                  "Đi đâu cho thiếp đi cùng,
                                    Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam"
               
Nhưng người phụ nữ miền Nam thẳng thắng, không hẳn rập khuôn cúi đầu chấp nhận cuộc nhân duyên đầy khổ ải, khi cơm không lành, canh không ngọt thì thôi cho rồi.
Khi tình nghĩa không còn nữa, thì để thiếp ra đi về nhà má thiếp, thiếp không cần lấy cái chi hết:

                                "Dí dầu tình có dở dang,
                                 Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về"
Hay là:
                                 'Dí dầu tình bậu muốn thôi,
                                  Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra...
(Mà bỏ chồng ra đi để làm gì đây, đi theo tiếng gọi con tim, đi 
theo người yêu... Không, là không, mà thiếp sẽ...)

                                Bậu ra bậu lấy bông câu,
                                Bậu câu cá bóng chặt đầu kho tiêu.
                                Kho tiêu kho mỡ kho hành,
                                Kho ba lượng thịt để dành má ăn'

Nghĩa là bỏ chồng nhưng không đi tái giá, mà về nhà phụng dưỡng mẹ già trong cảnh cơ cực, còn hơn là chịu đắng cay, sống trong nội tâm khổ nảo, mà phải chìu lo cho chồng. Còn nữa:

                                'Một mai thiếp có xa chàng
                                Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin'

Tiếc gì đôi vàng mà xin? Ở đây, lúc thôi chồng, cô nàng trả
đôi bông lại là có ý muốn chàng dùng nó để cưới vợ khác. Riêng nàng, nàng cố giữ đôi vàng là có ý nói, mình luôn luôn đeo nó như gái có chồng, và sẽ không tái giá.

Ấy vậy mà lúc ở Cao Lãnh (1966), có ông thầy thuốc Bắc cho tôi câu nầy mới lạ chưa:

                               "Ai về Đồng Tháp mà coi,
                                Con gái Đồng Tháp cầm roi, dạy chồng"

Mèn đét ơi! Nghe sao mà ghê quá, thật là ớn tóc gáy chứ phải chơi. Hay là ông già trên 70 tuổi nầy muốn dằn mặt, sợ minh dê, rồi cuổn đứa cháu nội của ổng? Thật ra:
Phụ nữ Miền Nam nổi tiếng hiền lành, mà sao câu nầy nó giống y như câu ngoài Bắc, na ná câu Miền Trung vậy? Vậy nghĩa sao đây?

Thật ra nó có ý muốn nói người phụ nữ hiền hòa bưng biền tỉnh Đồng Tháp, khuyên lơn chồng nên đứng lên chống thực dân Pháp xâm lăng, bọn cường hào ác bá trục lợi, hãm hại, bóc lột, sống trên mồ hôi nước mắt, xương máu dân lành, a dua theo Tây hại dân, hại nước.

                                "Bao giờ hết cỏ Tháp Mười,
                                  Nước Nam mới hết những người đánh Tây"

Ngoài ra họ còn khuyến dụ chồng, chống lại một loại thuế nhục nhã mà người dân phải chịu, đó là thuế thân, coi dân ta như trâu bò phải đóng thuế cho chúng vơ vét về mẫu quốc.

Chỉ riêng thuế ruộng đất, thuế lợi tức đã trả không nổi rồi, nói chi là
thuế người. Lại còn bị chánh quyền các cấp trấn lột trắng trợn thì tình cảnh người dân đen sống trên đe dưới búa, thật là thảm thương biết là bao! Chính vì vậy mới có ca dao như sau:

                                Năm nay trời bão mất mùa,
                                Khi trời hạn hán, khi mưa dầm dầm.
                                Khi thời bão gió ầm ầm,
                                Ruộng nương thóc lúa, mười phần được ba.
                                Lấy gì nạp thuế nữa mà,
                                Lấy gì đóng góp cho nha, cho làng.

Cũng vì làm việc đầu tắt mặt tối mà không có miếng cơm manh áo che thân thì chỉ còn có chết đói rét mà thôi. Vậy mà còn phải đống thuế, đút lót làng xã nữa! Nỗi khổ nầy được diễn tả bằng câu ca dao sau.

                                  Chèo ghe bán cá lòng tong,
                                  Cặc dái lòng thòng chẳng thấy ai mua.

Nghèo sạch sành sanh, đến đi buôn bán gì mà để lộ liễu tòa thiên nhiên còn tệ hơn Trần Minh khố chuối, giống như người tiền sử thì làm sao các bà các cô dám tới mà mua. Ế là cái chắc!

Phải chăng việc nầy xẩy ra dưới thời Minh Mng? Tại vì vào thời ấy phụ nữ khổ sở không biết mặc quần hay váy?
Đàn bà Đàng trong thời vua Lê chúa Trịnh phải mặc như Tàu: "Thà làm tôi thằng hủi hơn chụi tủi anh em" nên mặc quần.
Vua Minh Mạnh lại ra lịnh sửa đổi:

                           "Tháng tám có chiếu vua ra
                             Cấm quần không đáy, người ta hãy hùng
                             Không đi thì sợ chợ không đông
                             Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?

Việc nầy không biết xẩy ra thời nào (1828?), nhưng chắc chắn các vị bô lão "thất thập cổ lai hy" đều thấy năm 1945 có nhiều người phải mặc quần bố. Bố ở đây là bao bố. Vì không tiền mà cũng vì không có bông đánh chỉ để may đồ mặc.
Tình trạng nầy do bọn quân phiệt Nhựt vơ vét hết, còn lấy lúa thế than đốt chạy máy xe lửa ngày đêm vận chuyển quân nhu gây nạn đói thảm thương. Họ đành lấy bao bố hay bao chỉ xanh may đồ mặc. Cái khổ là rận ơi là rận!

Cũng vì vậy họ mới đêm đêm thỏ thẻ khuyên lơn chồng, đứng lên tranh đấu để khử trừ bọn người hôi tanh, tán tận lương tâm, ỷ quyền cậy thế, đàn áp bóc lột dân chúng trắng trợn để vơ vét cho đầy túi tham.

Vì ý nghĩa nầy, mà miền Nam, ngoài chữ Nam Kỳ Lục Tỉnh còn được gọi là Nam Bộ kháng chiến. Chính Hồ chí Minh phải nói:

 "Miền Nam đi trước về sau".

Tại sao? Tại vì người phụ nữ Miền Nam biết làm cách mạng chớ không biết làm chánh chị chánh em gì hết. Chỉ biết đứng lên cứu dân cứu nước, xong rồi mặc cho ai muốn tranh quyền cứu lợi thì tranh!

Triều đình Huế không dám chống cường hào ác bá và Pháp, người
dân giàu lòng yêu nước Miền Nam dám đứng lên chống lại sự bạo tàn của bọn xâm lăng thuộc địa và a dua. Để tưởng thưởng tấm lòng hào hùng nên triều đình ngầm tặng danh hiệu Thiên Hộ Vương?

Người phụ nữ Việt Nam không những xinh đẹp, dịu hiền với chiếc áo dài, áo bà ba, nón lá mà còn cương trực, mạnh mẽ, tinh thần cao cả của bà mẹ hy sinh cho gia đình, cho quốc gia dân tộc. Từ nghìn xưa, còn có biết bao nhiêu anh hùng liệt nữ đã kề vai gánh vác giang san cứu nước, đem lại tự do độc lập?
Xin hoan nghinh tinh thần bất khuất của người phụ nữ xưa. Hy vọng hồn thiêng các liệt nữ phù trợ cho phụ nữ ngày nay luôn luôn tiếp nối tinh thần cao cả đó để đem lại tự do, độc lập, dân chủ đất nước phú cường, để không hổ thẹn với các anh linh liệt nữ đã hy sinh, để gìn giữ  non sông gấm vóc cho ta ngày nay. 
Có như vậy mới đáng mặt gái nước Nam.
Xin kết thúc bài nầy bằng câu ca dao sau:

                               "Phấn son tô điễm sơn hà
                                 Làm cho nở mặt đàn bà nước Nam"   

                                                    ***
_____________________________________________________

Ghi chú



(1) Theo nhc sĩ Xuân Tiên, tác giả của bài ca "Khúc hát ân tình", thì tình Bắc duyên Nam, hoàn toàn không phải tình yêu nam nữ. Nó nói về tình người Bắc di cư vào Nam thời 1954, "sinh trên đt Bắc mà sống dưới trời Nam".

(2)Theo Thi Long: Nhà Nguyễn, chín chúa mười ba vua, tr 199.

(3) Nguyễn Xuân Nhân, Văn Học Nhân Gian Tây Sơn, NXBT, 1999, tr 151



Xin cám ơn tất cả quý vị đã cho tôi ý kiến, những câu ca dao và nhứt là bà Tôn nữ Ly và Tôn nữ Lang.


Bác sĩ Phan Giang Sang.          ________________________________
__________________________________________________________

No comments:

Post a Comment