Cẩm Tú Cầu
Con đường
từ Pleiku đến Qui Nhơn chỉ dài có 167 cây số, xe chạy hơn ba giờ thì về
đến Qui Nhơn, nhưng mà sao lòng tôi nôn nao vời vợi, muốn xe chạy cho thật
nhanh để về bên mẹ, vì lâu lắm rồi tôi chưa về thăm người. Trong xe tiếng hát
của một ca sĩ nào đó lại vang lên như thúc giục, như khơi gợi lòng nhớ mẹ cháy
bỏng trong tôi “Tôi muốn là hạt nắng / Để đến bên mẹ / Ươm lên sợi tóc
/ Để tóc sáng lóng lánh / Tôi muốn làm ngọn gió / Để đến bên mẹ / Hôn lên đôi
mắt / Hằn sâu dấu chân chim... ”.
Vừa bước
chân vào nhà tôi đã thấy mẹ ngồi đó, mẹ ngồi trên cái ghế trắng và đặt tay lên
cái ghế có chung bàn cũng màu trắng, tôi nhìn mẹ lòng nao nao, tôi choàng
tay ôm vai mẹ và hỏi :
- Mẹ có biết ai đây không ?
Mẹ
ngước đôi mắt mờ đục nhìn tôi, ánh mắt mà chẳng có chút cảm giác nào, gần như
chỉ thấy mờ mờ, rất mờ, rồi mẹ vươn đôi tay xương xẩu quờ quạng nắm lấy
tay tôi, đôi tay mềm nhão, giọng nói yếu ớt :
- Con gái đầu lòng của mẹ phải không ?
Khi
ấy mẹ cười, một nụ cười tội nghiệp, tôi cảm động quá, trong lòng tôi như chùng
xuống rồi vỡ òa. Tôi nhìn mẹ thắm thiết miên man, một nỗi xúc động nghẹn ngào
trong trái tim tôi, trong tôi như có tiếng dội về mẹ ơi ! Mẹ ơi ! Có phải ngày
ngày mẹ ngồi đây để đợi chờ, để trông ngóng, để mong hai đứa con gái ở xa trở
về phải không mẹ ? Tôi bỗng thấy đôi mắt mình cay cay, thương mẹ quá, mẹ đã
không còn minh mẫn nữa rồi; đôi tai mẹ đã yếu ớt, mẹ không còn nghe rõ tiếng
nói của xung quanh. Mẹ ngồi đó như nhìn về nơi xa xăm nào trong quá khứ, mẹ đã
chín mươi chín tuổi rồi, cái tuổi bách niên, da mẹ nhăn nheo, mặt có những đốm
đen đen, thịt mẹ nhão nhẹt, tóc bạc gần trắng hết mái đầu. Thỉnh thoảng mẹ buồn
mẹ đọc những câu ca dao mà ngày xa xưa mẹ thường hát ru chúng tôi, dỗ cho chúng
tôi giấc ngủ yên lành :
Chàng ơi ! Đưa gói thiếp mang
Đưa gươm thiếp vác để chàng đi không
Chàng ơi ! Phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng
Mỗi
khi nghe mẹ đọc những câu trên, tôi bỗng não lòng, xốn xang…
Trời
ơi ! Thân phận người đàn bà ngày xưa sao mà tội nghiệp, sao mà đáng thương đến
dường này, tôi nghe mà ứa nước mắt. Mẹ đọc với đôi mắt mơ màng như vọng
nhớ về những ngày xa lắc, những ngày mà bây giờ mẹ chỉ nhớ mập mờ, mập mờ trong
tâm trí, trong mớ ký ức lộn xộn xa xôi tự thuở nào.
Nhớ
ngày xưa đôi mắt mẹ đẹp lắm, sáng long lanh rạng ngời, mẹ có chiếc mũi thẳng và
đôi môi hình trái tim. Cuộc đời mẹ vất vả từ nhỏ, tuổi ấu thơ của mẹ không được
nâng niu cưng chìu. Vì bà ngoại sinh dày quá nên phải nuôi vú em, người cho mẹ
bú chỉ lo cho tròn bổn phận, mẹ được no bụng rồi đi làm việc khác, làm gì có
được những giờ khắc âu yếm vỗ về. Vì mẹ có đến mười lăm anh chị em. Tuy nhà khá
giả nhưng mà anh chị em đông, rất đông lại trồng dâu nuôi tằm, nghề mà “canh tư
chưa nằm, canh năm đã dậy”. Rồi tết đến cả nhà làm bánh bán, bận rộn đến chiều
ba mươi, vì bà ngoại nghĩ con đông làm bánh trước bán, sau kiếm lời các con ăn
đỡ phải mua.
Lớn
lên mẹ đi học, có lẽ thời gian nầy là thời gian mẹ được thảnh thơi, thời gian
hoa mộng nhất trong cuộc đời của mẹ, mẹ học rất giỏi và thông minh. Ông ngoại
thường tiếc mẹ là con gái, nếu con trai ông cho ra Hà Nội học trường Bưởi như
cậu Ba. Mẹ xuống tận Qui Nhơn thi đậu bằng Primaire (tiểu học bây giờ)
rồi ông ngoại viện lẽ con gái không nên học nhiều, mẹ thi Sage-femme (nữ hộ
sinh) cũng đậu, nhưng mà phải ra tận Huế học nên ông ngoại không cho vì con gái
đi học xa vậy là mẹ phải ở nhà hái dâu chăn tằm, một cuộc sống cực khổ đè sẽ nặng
thêm lên đôi vai mẹ.
Thời
tuổi trẻ ngọt ngào vô tư của mẹ bị gói trọn trong những chữ nề nếp gia phong.
Rồi ba cưới mẹ, một mối tình mà chẳng có hoa bướm, chẳng có trăng sao,
chẳng có mộng mơ của một tình yêu say đắm của thuở ban đầu, của đôi trai gái ở
tuổi hoa niên; ba thấy mẹ rồi ưa, rồi nhờ mai mối nói hộ, rồi ông ngoại đồng ý.
Vậy là nên vợ, nên chồng nhưng với sự khéo léo của mình mẹ đã đem lại hạnh phúc
cho gia đình, mặc dù mẹ sinh toàn con gái, nhưng ba vẫn một lòng, một dạ thủy
chung với mẹ hơn năm mươi năm.
Những
năm đầu mẹ phải về nhà chồng ở tận Huế làm dâu hai năm, nhà chồng không giàu
nhưng mà quan liêu, vì ông nội chồng là một Tiến Sĩ làm quan thời vua Tự Đức,
đến chức Bố Chánh, bác của chồng là Quan Huyện tỉnh Thanh Hóa, chú của chồng là
Đốc Học làm hiệu trưởng trường Lysée Khải Định (Quốc Học bây giờ). Vì nếp
sống lễ phép rườm rà mẹ phải răm rắp noi theo, cứ mỗi tháng ba gửi tiền về cho
mẹ, mẹ lên tận Huế lãnh về (vì nhà ở cách Huế hai mươi cây số), rồi để tiền vào
trên dĩa trong một cái khay bưng lên dâng mẹ chồng cất; khi mẹ cần tiêu thì
phải thưa để xin, từ xu bồ kết gội đầu đến xu xà phòng tắm giặt, v... v… Mẹ
nhẫn nhục sống trong khuôn phép một gia đình phong kiến của xứ Huế mộng mơ,
nhất nhất đều phải thưa trình. Ngoài ra mẹ có tài kể chuyện và thuộc truyện Tàu
rất nhiều. Hồi đó chưa có phương tiện truyền thanh, truyền hình nên hằng đêm,
hàng xóm thường đến ngồi quanh sân để nghe mẹ kể Địch Thanh Chinh Đông, Chinh
Tây, Phàn Lê Huê. Tam Quốc Chí, v... v... với giọng đều đều và âm thanh mượt mà
lôi cuốn, mẹ đã để lại nhiều tình cảm sâu sắc trong lòng hàng xóm láng giềng.
Thân
phận đàn bà, phải làm bổn phận thiêng liêng nhưng mà khi mang thai trong lòng
lại lo nơm nớp, nôn nao mong sao mau chóng đến ngày nở nhụy khai hoa, nỗi lo
cứ kéo dài trong tâm tưởng, trong những tháng ngày bụng chửa dạ mang, bao nhiêu
là nỗi lo đầy ắp, trông mong con mình được lành lặn, được mạnh khỏe hồng hào.
Cái ngày quan trọng ấy (vì hồi đó chưa có siêu âm) nó quyết định hạnh phúc của
gia đình, nhiều khi là cả một đời người. Thân phận người đàn bà buổi ấy, nó rẻ
lắm vì có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” - Một nam coi như có, mười
nữ coi như không - cái quan niệm cổ xưa ấy, nhất là trong những dịp cúng giỗ,
người nói ra, kẻ nói vào đôi lúc đã làm cho mẹ không tránh khỏi những khoảnh
khắc hụt hẫng đắng cay, đã nhấn chìm tâm tư mẹ, làm cho mẹ đau đớn ngấm ngầm
trong lòng. Còn ba tuy không nói ra nhưng trong sâu thẳm trái tim ông cũng buồn
lắm, cũng nhiều lần trong cuộc đời ông mơ, mơ một mụn con trai.
Rồi
chiến tranh, mẹ cực khổ trăm bề. Tôi nhớ có thời kỳ ba mẹ chỉ ăn một bữa cơm và
một bữa khoai sắn, nhưng khi nào cũng để dành chén cơm chiều cho tôi. Thời
kháng chiến, bị máy bay bắn phá mẹ phải buôn bán chợ đêm. Có những hôm khuya mẹ
mới về, mới nấu cơm vì tôi còn nhỏ nấu cơm bị sống. Cả một chuỗi ngày dài cơ
cực đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ. Khi chị em chúng tôi lớn lên, mẹ vẫn phải
buôn bán để nuôi chị em chúng tôi ăn học. Có những chiều chạng vạng tối mẹ mua
cá, mua thịt vì người ta bán ế, mua cho rẻ. Cả ngày đã nhọc nhằn mua bán rồi,
tối về lại mày mò làm chả cá rựa, mẹ bào ra lọc xương rồi viên lại chiên lên
hấp dẫn vô cùng. Chả thịt bò, mẹ cũng bằm nhỏ vò viên lại rồi chiên lên, nhìn
miếng chả vàng ươm, thấy muốn ăn liền. Mẹ ráng làm để cho chúng tôi có
thức ăn, để cho bữa ăn được đầy đủ chất, cho con cái mau lớn, có điều oái oăm
là mẹ đau bao tử đã lâu không ăn được những chất có dầu mỡ, chỉ ăn rau và cá mà
thôi.
Những
năm chợ chưa có người giữ, mẹ phải từ nhà gánh đi gánh về với bao hàng hóa nặng
trĩu trên vai… Biết bao nhiêu vất vả nhọc nhằn vậy mà mẹ chưa bao giờ than thở;
vừa đau ốm, vừa phải làm lụng nuôi con, mẹ chịu đựng chẳng chia sẻ cùng ai vì
ba đi làm xa chỉ đủ một mình ba chi dùng, thỉnh thoảnh mới gởi về cho chúng tôi
chút ít quà. Điều mà mẹ mong ước duy nhất các con của mẹ học hành đến nơi đến
chốn, được làm cô giáo, đem kiến thức học được của mình truyền đạt cho các con
em trong xã hội, cho thế hệ ngày mai.
Ôi
! Nói sao cho hết những nỗi nhọc nhằn gian khổ của mẹ từ khi mái tóc mẹ còn
xanh đến lúc tóc mẹ phai màu. Lúc chúng tôi còn nhỏ, mỗi lần bị muỗi cắn có nốt
đỏ hiện lên trên làn da, mẹ xuýt xoa lo lắng, nhất là những khi chúng tôi ốm
đau mẹ ôm chúng tôi vào lòng thức suốt đêm với tâm trạng lo sợ bất an; thỉnh
thoảng mẹ để tay lên mũi xem có còn thở không, thở có đều không. Những năm mẹ
có con gái đi học xa, nỗi lo lắng của mẹ ngày ngày hằn lên trên nét mặt, trên
đôi mắt đợi chờ mong mỏi xa xăm. Mỗi chiều về mẹ hướng đôi mắt mệt mỏi đến
phương trời, nơi có đứa con yêu thương của mình đang học hành và tự hỏi không
biết con mình có khỏe không ? Có được bình an không ? Nỗi lo âu cứ mãi ám ảnh
mẹ, ám ảnh bao tháng năm dài. Mẹ ơi ! Biết bao giờ chúng con mới đền đáp được
một phần nhỏ những gì mẹ đã dành cho chúng con với cả tấm lòng trời biển của
mẹ. Nhớ đến mẹ, từ trong tim con cứ mãi dâng lên một niềm cảm mến ngọt ngào,
đôi mắt con lại rưng rưng một nỗi xúc động vô bờ bến, mẹ ơi ! Mẹ ơi !
Khi
các con của mẹ đã có gia đình rồi mẹ vẫn còn lo lắng, lo gia đình con mình có
được hạnh phúc không ? Cháu có ngoan không ? Kinh tế gia đình có đủ sống không ?
Có đứa con nào thiếu hụt mẹ lại lo tằn tiện bù đắp.
“Trên cuộc đời này có ai gần gủi với ta nhất ? - Mẹ. Ai
thương yêu ta nhất ? - Mẹ. Ai là người bạn trung thành với ta nhất ? - Mẹ. Mẹ
là tất cả những gì quí giá thiêng liêng nhất trên cõi đời này”.
Mãi
đến năm mẹ tám mươi tuổi mẹ mới nghỉ buôn bán, lúc ấy mẹ mới vui cùng sách báo.
Mẹ có biệt tài, cả một cuốn truyện dày mẹ đọc một lần là nhớ hết từ cốt truyện
đến các nhân vật. Truyện mẹ đọc từ lúc còn trẻ năm sáu chục năm sau mẹ vẫn nhớ
rành rẽ. Tuy nói là nghỉ ngơi nhưng mà mỗi sáng mẹ vẫn đi chợ lựa những thức ăn
mà các con mẹ thích; mẹ mua về rồi lụm cụm nấu nướng thành một bữa cơm nóng sốt
để các con đi làm về trưa nắng vẫn có một bữa cơm ăn ngon lành. Không có bữa ăn
nào ngon bằng cơm mẹ nấu, không có lời nào ngọt ngào, ấm áp bằng lời mẹ nói với
con... Nhất là những buổi trưa đi làm về nắng nóng, giở lồng bàn ra. Ôi… Một
mâm cơm nóng sốt hấp dẫn, nhìn mà thấy ngon mắt, ngon mũi, ngon mồm... !
Thỉnh
thoảng mùa hè mẹ lên Pleiku chơi cho mát, nơi ấy có con gái mẹ nhưng mà ngày ấy
xa rồi, xa thật rồi.
Giờ
đây mẹ đã lẫn, lẫn thật rồi. Mẹ ngồi đó, ai hỏi mẹ có mấy đứa con, mẹ lẩm
nhẩm rồi nói : “Quên… !”.
Mà
mẹ quên thật, tâm trí mẹ đã bị thời gian làm cho lão hóa, tất cả những gì về
quá khứ và hiện tại mẹ chỉ nhớ mơ hồ, rất mơ hồ...
Thương
mẹ quá mẹ ơi!
Cẩm Tú Cầu ________________________________
____________________________________________
____________________________________________
No comments:
Post a Comment