Thursday, June 6, 2013

Tưởng chừng như vĩnh biệt!

Tạp ghi Huy Phương

Biến cố 30 Tháng Tư, 1975 như một cơn đại hồng thủy, đất trời sụp đổ, xóa sạch tất cả, tan nát tất cả, chia lìa tất cả, đến với tất cả ngỡ ngàng của người dân miền Nam. 

Ngày đó trên chuyến phi cơ bỏ xứ sở ra đi những người Việt nghĩ là sẽ không có lúc trở về, trên con tàu ra cửa biển có ai mong đến một ngày nhìn lại quê hương Cho nên đẫm trong những dòng nước mắt, chúng ta nghĩ là đã “Vĩnh biệt quê hương, vĩnh biệt Sài Gòn !”

Cũng tưởng là vĩnh biệt những người thân yêu ở lại bên kia nửa vòng trái đất nên nhiều người đàn ông khi bỏ nước ra đi, trong thời gian tưởng như vô vọng, trước một hoàn cảnh mới, cách xa quê nhà, nơi họ để lại những ngày tháng cũ, trên xứ người, tạo dựng thêm một mái gia đình, để ngày nay phải chịu những nghịch cảnh xót xa. 

Không ai còn nghĩ có thể gặp lại người xưa cho nên nhiều gia đình đã tan vỡ, chia cách, nhiều mối tình đã đi vào quên lãng, làm sao ai biết trước được lần tái ngộ, gặp gỡ mười, hai mươi năm sau đó. 

Rồi những đứa con ở lại, lớn lên, nhu cầu phải đi tìm lại nguồn cội, trên báo chí nhiều lời nhắn tin tìm cha thống thiết, kể lại những kỷ niệm ngày trước cùng với đầy đủ tên tuổi, chi tiết. Những người cha này, đâu có ở xa, có khi hiện diện gần gũi đây thôi, nhưng cuộc đời đã thay đổi, làm sao dòng sông lại có cơ hội chảy về nơi chốn cũ. Họ đã có một gia đình mới, những đứa con mới, không đủ can đảm nhận trách nhiệm của một người cha, một người chồng, sợ gia đình hôm nay tan vỡ, nếu còn chút lương tâm, chắc chắn phải sống dằn vặt cho đến hết cuộc đời. 

Nhiều phụ nữ, trong khi chồng đang ở trong các nhà tù cộng sản, tương lai mờ mịt, đã kiếm đường vượt thoát ra đi. Trên xứ lạ quê người, phận đàn bà, với những đứa con thơ, cô đơn, yếu đuối, hoàn cảnh đưa đẩy đành phải nhờ cậy một bàn tay cưu mang giúp đỡ khác. Ít ai ngờ trước có ngày người chồng ra tù, vượt biển đến đây, gặp gỡ lại nhau trong một hoàn cảnh éo le, bây giờ con cái đã đổi tên, đổi họ, nhìn nhau lạ lạ quen quen, tất cả chỉ còn là kỷ niệm, đành ngậm ngùi mà than thở: “Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!” (Phan Khôi) 

Sau ngày miền Nam sụp đổ, nhiều đứa con lai, vì hoàn cảnh khó khăn, chế độ khắc nghiệt kỳ thị, đã bị những người mẹ bỏ rơi giữa chợ đời, cô đơn, đói khát, lang thang kiếm sống trên đường phố, nơi bến xe hay chỗ chợ búa đông người. Ngày trưởng thành, các em được quê cha rộng lượng mang về, nhưng nỗi khao khát của những đứa con vẫn là đi tìm lại người mẹ. Các em không hề oán trách, lên án ai, chỉ vì tiếng gọi thống thiết của tình mẫu tử, như trên đời này ai cũng cần có một người mẹ. Với những chi tiết và ký ức mơ hồ, rất nhiều em đã trở lại quê hương không phải chỉ một, mà nhiều lần để tìm mẹ, nhưng hầu hết là tuyệt vọng. Qua bao nhiêu năm, không những đất nước, xóm làng đã thay đổi, mà những người thiếu phụ đã lầm lỡ một lần, đau xót một lần đã muốn xóa hẳn dĩ vãng và dấu tích của một thời, có người bây giờ đã yên ổn với một mái gia đình mới, ai muốn khơi dậy chi đống tro tàn năm cũ, cho thêm ngỡ ngàng đau xót.

Cũng tưởng là vĩnh biệt, ngày tập kết ra Bắc, những cán bộ Việt Cộng, bỏ lại vợ con ở quê nhà. Ðược một vài năm, đảng cầm chân, bố trí cho họ kết hôn với những đảng viên kiên trung có lập trường, để có thể kiểm soát được tư tưởng hành động các cán binh gốc miền Nam. Những người này không những không còn mơ tưởng, trông ngóng gì những liên hệ gia đình ở miền Nam mà còn an bài với số phận, cắt đứt con đường về để hết lòng chung thủy, tận tụy với đảng. Phải lâu lắm sau ngày gọi là “giải phóng,” những người này mới “được phép” trở về miền Nam. Phải nói là họ hết sức ngỡ ngàng, khi thấy hầu hết những người đàn bà miền Nam, vợ những cán bộ cộng sản tập kết, hơn hai mươi năm nay vẫn ở vậy nuôi con khôn lớn thành người. So với thế giới miền Bắc, những “cơ ngơi,” thành quả những ngày tảo tần của những người vợ và những đứa con trứng nước họ để lại miền Nam đã làm cho những cán binh trở về sau hai mươi năm, cảm thấy ngỡ ngàng, mặc cảm thua sút, xấu hổ trong ngày tái ngộ “bất đắc dĩ” khi nhìn lại cái thân phận “bên thắng cuộc” của mình.

Người cán binh cộng sản trở về đã trở thành xa lạ với những người ruột thịt mà họ đã bỏ ở lại hai mươi mốt năm về trước, người vợ mới và những đứa con sinh trưởng và lớn lên ở miền Bắc, hoàn toàn xa lạ và lạnh lùng dưới cái nhìn của người miền Nam. Vợ chồng đã không còn có thể “đồng sàng” mà cha con cũng không thể ngồi nói chuyện với nhau dăm phút chỉ vì quá “dị mộng!”

Tưởng chừng như vĩnh biệt chế độ cộng sản khi cả triệu người miền Bắc bỏ quê hương, mồ mả cha ông để di cư vào Nam, có ngờ đâu có ngày nón cối, dép râu, AK 47 lại đuổi theo bước chân của họ đến đường cùng, để cuối cùng đành phải rời bỏ nước lần nữa ra đi, dù phải chấp nhận cái chết trên biển cả mịt mùng.

Tưởng chừng như vĩnh biệt, mà con Tạo trớ trêu là cho con người ta trùng phùng, tái ngộ trong những hoàn cảnh đau xót không ai mong muốn. Chỉ có con người và đất nước Việt Nam khốn khổ mới phải chịu nhiều nỗi tai ương, gian truân, chia lìa, đắng cay như thế. Giá mà số phận đất nước hơn nửa thế kỷ trước đã không bị loài ma quỷ du nhập vào một sản phẩm tồi tệ là chủ nghĩa cộng sản, thì con người Việt Nam hôm nay đâu có nhận chịu nhiều nỗi khổ đau như thế!


Bạn đọc chuyển tiếp___________________________________________________
_________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment