Pauline Phương
Cảnh lá rơi trong hoàng hôn cùng tiếng tiêu réo rắt và các “Mỹ Nữ” với áo dài vàng ôm đàn tỳ bà dịu dàng thướt tha trong tiếng nhạc dập dìu của vũ khúc Tiếng Xưa :
“Hoàng hôn lá rơi bên thềm, hoàng hôn tơi bời lá thu. Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh… ” (Tiếng Xưa-Dương Thiệu Tước) đã để lại nhiều luyến nhớ trong tôi mỗi lần nhớ lại những sinh hoạt tập dượt văn nghệ vui vẻ, đầm ấm với các bạn Nhị 6.
Mở đầu là hợp ca Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói của Trịnh Công Sơn có những câu thật hay mà tôi vẫn nhớ mãi trên bước đường lưu lạc xứ người :
“Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ. Trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ. Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu. Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù… Chờ đã bao năm, chờ đã bao năm, chờ đã bao năm ???... ”.
Thời gian ấy, khoảng bốn mươi năm trước cũng có một anh lính trẻ đã thường mong chờ những lá thư của một người em gái hậu phương để giải buồn, để mong một vài lời an ủi cho đời lính xa nhà… Nhưng tôi vô tình đã để lại một nỗi buồn cho anh ấy mà bây giờ hồi tưởng những kỷ niệm thời con gái tôi vẫn thấy xót xa, ân hận… dù biết rằng đó chẳng phải là lỗi của mình ?
Chuyện xảy ra tại Pleiku, một thành phố của sương mù, một thành phố hiu hắt ở cao nguyên, thành phố nắng bụi, đất đỏ, mưa bùn…
Pleiku vào mùa Đông năm ấy, đêm xuống thật lạnh giá. Một đêm đầy kỷ niệm của trường Sư Phạm Qui Nhơn trong chuyến đi ủy lạo chiến sĩ ở Hàm Rồng - Pleiku và tôi cũng có mặt trong nhóm ấy. Sau khi làm lễ trao vòng hoa chiến thắng cho các chiến sĩ, ăn cơm chiều rồi nam nữ giáo sinh chúng tôi cùng sinh hoạt lửa trại.
“Wơ hải sứ dổn dèn choa ái nì… ” - Tôi vĩnh viễn yêu anh… (?)
Đang hát một bản nhạc Tàu để giúp vui cho đêm lửa trại, ánh mắt tôi chợt trông thấy một người lính ngồi cô đơn xa xa.
“Kìa một nàng Trung Hoa răng trắng tinh như là ngà. Nụ cười tươi như hoa ,cô em tha thướt lượt là… ”
Sau một số các bài hát của các bạn, tôi hát tiếp bài Cánh Hồng Trung Quốc nhưng mắt vẫn thấy người lính kia ngồi bó gối, đầu gục xuống trên hai vòng tay, và hình như hai vai thỉnh thoảng rung rung… Nửa tiếng, một giờ, rồi hai giờ hay hơn… Sau một hồi lâu quan sát vẫn thấy người ấy ngồi đó. Đợi không ai chú ý tôi lẵng lặng rời nơi lửa trại đến gần người lính cô đơn.
- Chào anh !
Ngưng vài giây, tôi lại nói tiếp : - Chào anh ! Sao mọi người ca hát, sinh hoạt lửa trại vui quá mà anh không tham gia ?”, nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Vốn nhát, nhưng nghĩ mình là giáo sinh (sắp làm cô giáo mà !) tôi thu hết can đảm nói thêm lần nữa :
- Chào anh ! Xin phép anh cho P ngồi đây một chút được không ? Lạnh quá !
May mắn thay lần này người
ấy ngửng đầu lên . Trong ánh lửa chập chùng, leo lét của những que củi nhỏ đang
cháy tôi thấy một khuôn mặt rắn rỏi, đen sạm, khôi ngô nhưng đầm đìa nước mắt.
“Xuân này con không về chắc mẹ buồn lắm…Mái tranh nghèo không người sửa sang…” (**).
Mẹ ơi hoa cúc , hoa mai
nở rồi đời con giờ đây đang còn lênh đênh. Đèo cao gió lộng ngày đêm bạc ngàn ,
áo trận sờn vai bạc màu… Nhìn xuân về lòng buồn mênh mang… (***)
Tiếng hát của một anh lính nào đó hay các bạn đồng môn SPQN trong lửa trại đằng kia đang hát sao mà thấm thía nỗi buồn của người lính xa nhà trong dịp Xuân về. À, thì ra tôi đã hiểu một phần nào nỗi buồn của anh.
Sau khi chào hỏi và giới
thiệu tên tuổi, hoàn cảnh hai bên dần dần chúng tôi nói chuyện thân tình hơn. Người lính trẻ tên Đào Thế Giang. Tuy không nói rõ
ràng nhưng qua những lời tâm sự tôi được biết anh có người yêu nhưng vì nghèo,
vì đời lính rày đây mai đó, không có tương lai, nàng đã bỏ anh đi lấy chồng.
Tết nhớ cha mẹ già nhưng không thể về thăm, bạn thân thì đã gục ngã trong chiến
trường… Vốn “mít
ướt’ nên càng nghe anh tâm sự nước mắt tôi càng lặng lẽ rơi. Không có khăn tay
tôi cứ len lén dùng tay chùi lệ. Sáng hôm sau khi rửa mặt nhìn trong gương thì…
Ôi thôi… Mặt mày tôi lem luốc đầy khói lọ, đất đỏ như cô bé lọ lem.
Đêm cao nguyên, bầu trời tối đen sâu hun hút. Càng về khuya, trời càng lạnh giá, sương xuống nhiều làm ướt cả mái tóc chúng tôi. Chiếc áo dài trắng mỏng manh của tôi không đủ ấm nên anh nhường cho tôi chiếc poncho, nhưng chẳng thấm gì so với cái buốt lạnh nơi vùng cao nguyên đất đỏ. Để giữ lửa không tắt nơi đang ngồi, anh và tôi thay nhau đi nhặt những nhánh cây khô quanh đó để tiếp tục đốt lên sưởi ấm.
Văn nghệ, lửa trại đằng kia đã tắt. Tiếng lao xao của côn trùng trong đêm khuya thanh vắng như một bản nhạc hòa tấu nơi vùng cao nguyên. Mọi người đã đi ngủ mà anh và tôi vẫn miên man tâm sự. Sau một đêm thức trắng ngồi ngoài sương và gió lạnh kinh người, kỳ đó về nhà tôi bệnh hết một tuần…
“Bình minh lên như bức tranh tuyệt vời
Rừng cao nguyên với rẫy nương sườn đồi, buôn làng…” (****)
Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng
phải chia ly. Trước ánh mắt lưu luyến của anh lúc chia tay, quá cảm động tôi đã
gỡ tấm bảng tên SPQN trên áo tặng anh làm kỷ niệm.
“Phố núi kia ơi , một đời phố lạnh
Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao”
Xe từ từ chuyển bánh, vẫy tay chào anh, chào phố núi sương mù, thác nước, đèo cao… Nhìn ánh mắt buồn dõi theo mà lòng tôi cứ bâng khuâng, buồn rười rượi. Biết bao giờ tôi trở lại nơi này ? Biết bao giờ tôi gặp lại anh ?
Xe đi ngang qua những hàng cây cao vút rợp bóng lá, những buôn làng, những nhà sàn pansa, những cánh rừng hoang đầy hoa dã quỳ vàng rực trong nắng sớm. Chim chóc ca hát líu lo như chào mừng một ngày mới. Cảnh đẹp nhưng tôi không còn lòng dạ nào thưởng thức mà cứ nghĩ đến anh. Tưởng rằng không bao giờ gặp lại anh nữa, không ngờ một ngày anh đến trường Sư Phạm tìm tôi. Từ đó chúng tôi thư từ qua lại thăm hỏi nhau. Mỗi lần bận học thi, chưa hồi âm cho anh thì nhận được những câu thơ :
“Ông phát thơ chắc ghét Giang ghê lắm !
Hơn tháng rồi chẳng thấy ổng đến thăm ?
Ổng đi đâu mà vắng bóng bặt tăm ?
Giang thương nhớ luôn ngày đêm trong ngóng !”
Để bù những lần chậm thư, tôi thường kèm theo thơ gởi đền anh những bài hát mini hay những bài thơ hay. Anh có lối viết thơ rất hay, sâu sắc và chữ viết tuyệt đẹp. Có lẽ vì vậy mà tôi thích làm bạn với anh chăng ? Hay vì buồn cô đơn sau gần 2 năm giận hờn, xa cách người yêu ? Hay vì thấy thương đời lính nghèo, cô đơn như anh nên tôi đã đóng vai người em gái hậu phương ? Có lẽ cả hai.
Cuộc nội chiến hơn 20 năm của đất nước mình đã gây nên không biết bao nhiêu tang tóc đau thương cho cả hai miền Nam, Bắc. Từ khi quen anh tôi mới biết thương cho thân phận những người lính trẻ xa nhà. Vì quê hương đất nước mà phải hi sinh tương lai mình và ngay cả mạng sống. Quí mến tư cách, cảm phục kiến thức rộng rãi của anh, tôi thường khuyến khích an ủi anh như một người em gái hậu phương và lần lần hơn thế nữa xem anh như một người anh ruột.
Không ngờ !
“Ba lô thay người tình yêu dấu. Đêm đêm riêng mình nằm gối đầu. Anh thấy nhớ em, thấy mến em. Ước mơ anh là trời cao, đón trăng vàng nhìn làn tóc em yêu…”
Hoài nghi trong lòng nên tôi đã cố giữ gìn ý tứ, nhưng thơ anh mỗi ngày một tha thiết hơn.
“Khi lính đã yêu biến ghen tình thắm. Muôn kiếp vẫn yêu nói chi ngàn năm. Khi lính đã yêu rừng tàn núi lỡ, tình còn vững bền muôn thuở. Bao la như lòng đại dương…”
Muốn tránh cũng không được, một ngày anh nói yêu tôi và, nếu tôi đã có ý trung nhân anh xin rút lui. Tôi ngỡ ngàng và im lặng một thời gian, rồi không thể lặng im mãi, tôi đã hồi âm nói lời xin lỗi mong anh hãy coi tôi như một người bạn vì tôi đã có ý trung nhân. Trong lá thư cuối tôi có ý trách anh tại sao làm vẩn đục tình bạn, bộ giữa người nam và người nữ chỉ có tình yêu th ôi sao, không có tình bạn ư ? Tôi còn lý luận :
“Giving someone all your
love is never an assurance that they ‘ll love you back !
Don’t expect love in return;
Just wait for it to grow in their heart,
But if it doesn’t , be content it grew in yours”
Don’t expect love in return;
Just wait for it to grow in their heart,
But if it doesn’t , be content it grew in yours”
(Trao ai hết tình yêu
thương của bạn không có nghĩa rằng chắc chắn họ cũng sẽ thương yêu bạn !
Đừng trông đợi tình yêu như một sự đáp trả;
Hãy chỉ đợi cho nó lớn lên trong tim họ,
Nhưng nếu không được như vậy, thì hãy vui vì nó đã lớn lên trong tim bạn.)
Không biết những lời thư của tôi lúc ấy có gì thiếu tế nhị làm anh giận không mà từ đó tôi bặt tin anh ?
Đừng trông đợi tình yêu như một sự đáp trả;
Hãy chỉ đợi cho nó lớn lên trong tim họ,
Nhưng nếu không được như vậy, thì hãy vui vì nó đã lớn lên trong tim bạn.)
Không biết những lời thư của tôi lúc ấy có gì thiếu tế nhị làm anh giận không mà từ đó tôi bặt tin anh ?
Xuân này kể như đã tròn 40
năm chúng tôi bặt tin nhau. Nếu không đọc được bài viết của bạn Phương Kiều kể
lại chuyến đi ủy lạo chiến sĩ ở Hàm Rồng, và bài Pleiku, Một Thời Nắng Bụi Mưa
Bùn có lẽ kỷ niệm này đã chôn chặt trong đáy tim tôi.
Vừa viết bài, nghe mưa rơi, vừa xem DVD bài Thị Trấn Mù Sương của Thanh Sơn do một người bạn mới gởi sao mà tôi nghe đúng với tâm trạng của tôi lúc ấy và bây giờ :
“Trời cao nguyên sương giăng phủ mịt mùng
Buồn chia tay, nỗi xót xa lạnh lùng
Nhớ núi rừng, nhớ Pleiku (và nhớ bạn xưa ) nghe lòng rưng rưng…”
Trời đất mênh mông, dễ gì gặp lại nhưng tôi vẫn mong một ngày nào đó anh đọc được những dòng này hay vợ chồng tôi được gặp lại anh, để thấy nhà tôi (ý trung nhân mà tôi kể với anh ngày xưa) nói cười cụng ly với nhau ở một góc trời nào đó của quê hương mình thì vui biết mấy ?
Kỷ niệm thời thanh xuân khá nhiều như đã kể trong Tình Xa (1), tôi cũng nhớ nhiều đến một bạn đồng môn khác rất thân, một “Cố vấn tình yêu” của tôi. Giờ người ấy đã đi về cõi vĩnh hằng (qua Kim Loan một người bạn Nhị 5 đã cho biết mới đây) nhưng mỗi lần nghe bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa là tôi lại nghe văng vẳng giọng ngâm truyền cảm của Kh. Sĩ :
“Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau nước mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong những chiều mưa…”
Lần cuối tôi gặp anh cũng vào một chiều mưa. Chiều hôm ấy anh rủ tôi đi hóng gió biển Qui Nhơn và nói có một chuyện quan trọng cần nói với tôi. Anh còn hứa sẽ bao tôi ăn chè hay uống nước dừa. Ngại đi một mình nên tôi dẫn theo bốn đứa em gái là Dung, Thảo, Linh, Chi. Thay vì bao chỉ một mình tôi anh phải bao cả 5 chị em (chắc hôm ấy anh bị sạch túi ?). Lúc về trời đổ mưa chúng tôi trốn mưa dưới những rặng thùy dương, hay men theo những gốc dừa ở bãi biển lần lần về nhà. Nhưng rồi sau đó mưa lớn quá chúng tôi phải chạy vội vô những vòm ống cống thật lớn mà những người làm đường đã để gần trường Nữ Trung Học để trốn mưa. Ướt mem vì lạnh, ngồi đối diện nhau trong ống cống chật ánh mắt của anh nhìn tôi sao mà long lanh, tha thiết…
Gặp nhau cả buổi chiều rồi tối. Nào ngồi hóng gió biển, ngắm mặt trời lặn, nhìn hải âu bay lượn, nhìn thuyền nhấp nhô trên sóng và nghe anh đọc thơ. Có lúc ngâm chân trên nước biển hay đi dọc bãi biển cùng các em tìm vỏ ốc, vỏ sò hay đuổi theo chụp bắt những chú dã tràng chun vô hang hoặc cùng các em xây nhà trên cát. Xây nhà chán, chúng tôi viết tên mình hay thơ lên cát rồi để thủy triều cuốn đi. Có lần tôi thoáng thấy chữ SP quyện vào nhau hay 3 chữ… - mà các cặp tình nhân hay nói với nhau; nhưng vì mãi nói chuyện với một cô em gái nên khi ngoảnh mặt lại thì chỉ thấy nửa trái tim và nửa chữ Phương dài ngoằn (phần trên) đang bị thủy triều xóa… Thế là anh cũng không có dịp nói “chuyện quan trọng” với tôi (vì lúc nào tụi em cũng quanh quẩn bên hai chúng tôi ).
Chẳng biết anh có nhát như H.T , như LXT… như một số bạn nam lớp Nhị 6 của tôi trong Love Story mà Irene đã gởi hay trong trang SPQN mà tôi đã đọc không ? Hay tại anh mặc cảm, hoặc anh nghĩ sẽ không được đáp lại nên ngại ngần ? Là cố vấn tình yêu cho “thời con gái xôn xao” của tôi anh biết chuyện về mối tình trắc trở, lận đận nhiều năm của tôi với ý trung nhân. Ba má tôi sợ mất gốc Tàu, sợ con gái khổ nên không chịu gả tôi cho người Việt, nhất là người nghèo. Anh cũng biết chuyện của Đ.T. Giang và những “cây si” khác của tôi nên sợ tôi từ chối chăng ?
Phần tôi đã đoán anh muốn nói chuyện gì nên cố tình lẩn tránh hay đánh trống lãng mỗi lần anh định nói. Tôi sợ phải trả lời, sợ phải mất một người bạn tốt như anh, như đã mất Giang . Thật ra anh là người bạn nam đồng môn tốt tôi mến nhất thời Sư Phạm, bạn nữ là Lê Sen. Tôi xem anh như một bạn thân, bạn tri kỷ không có tình ý gì. Anh không có nét phong trần, nam tính như Giang nhưng có một khuôn mặt thư sinh khả ái, trắng trẻo với nốt ruồi duyên trên mặt và tính tình rất dễ thương. Anh được lòng bầy em đông đảo của tôi, tất cả chúng nó rất quí mến anh. Sau này nhiều năm không gặp các em tôi vẫn hay hỏi : “Chị có thường gặp cái anh gì “beau” trai có nốt ruồi duyên trên mặt ? Cho em gởi lời thăm”.
Anh thường đến nhà thăm tôi cuối tuần hay những hôm không có lớp. Hai năm chung học, chúng tôi thường đi chung trong những sinh hoạt của trường, những lần đi nghiên cứu địa phương… Mỗi sáng anh thường rủ tôi đi bộ đến trường hay về nhà mỗi bữa tan học nên nhiều bạn cứ tưởng chúng tôi là một cặp tình nhân… (đáng lẽ tôi đi học bằng xe đạp nhưng chìu anh và cũng vui được nói chuyện, nghe anh đọc thơ trên đường đến trường nên không ngại đường xa ). Ngờ đâu đêm mưa đó là lần cuối chúng tôi gặp nhau sau khi ra trường và mùa Xuân 75.
“Chuyện quan trọng” anh muốn nói với tôi anh không có dịp nói và anh đã mang nó xuống tuyền đài…
* * *
Đài khí tượng nói hôm nay Toronto có mưa bão lớn.
Trước khi đi làm tôi thấy khóm hoa “Remember “ đỏ (****), khóm mẫu đơn trắng,
tím nở thật to và đẹp, tôi tính lấy máy hình chụp vài tấm để khoe với Ren, ngờ
đâu khi về thì hoa đã tan tác trong cơn mưa.
Chiều mưa hoa rụng tiêu điều…
Nhớ thương bạn cũ lòng hiu hắt buồn.
Đang tính kết thúc đoạn cuối của bài này thì trời vần vũ, gió lớn và mưa đổ ập xuống như chiều mưa năm xưa. Hình như người đã khuất biết tôi đang nhớ và nhắc đến anh ??? Tôi bỗng nghĩ ra thêm bốn câu nữa và ngâm để tặng vĩnh biệt người bạn thời thơ ấu :
Mưa giăng phủ kín bầu trời
Tưởng chiều mưa cũ ngậm ngùi nhớ ai
Thời gian dù có phôi phai
“Tình Xa” Sư Phạm nhớ hoài
không quên !
(Diệu Phương: hàng đầu, thứ ba từ trái
sang)
Pauline Phương
_____________________________________________________________________________
(*) Thị Trấn Mù Sương – Thanh Sơn
(**) Xuân Này Con Không Về - Trịnh Lâm Ngân
(***) Mùa Xuân Của Mẹ - Trịnh Lâm Ngân
(****) Hoa Poppy – một loại hoa mà ngày lễ
Rememberance day 11/11 hàng năm người dân Canada hay cài trên áo để tưởng nhớ,
ghi ân những chiến sĩ, anh hùng của đất nước.
_________________________________________________________________
_________________________________________________________________
Cám ơn Anh Lê Huy đã mời và BBT đã giúp Phương tâm sự một kỷ niệm thời thơ ấu... Mong các bạn cũ từ Nữ Trung Học Qui Nhơn và đọc giả đón nhận...
ReplyDeleteChúc quý Anh, chị trong BBT thật nhiều sức khỏe, hưởng trọn một mùa hè vui vẻ , trang QUI NHƠN 11 mỗi ngày một lớn mạnh. Hàn Diệu Phương
Chào Chị Diệu Phương. Rất vui khi đọc bài viết của chị. Các chị ( Bích Sơn , Irene, Diệu Phương..) làm QN cũng thấy hãnh diện vì mình được cùng là dân Qui nhơn với các chị. Không ngờ thành phố QN bé như bàn tay mà nhiều nhân tài quá.
DeleteTrước đây QN có liên lạc với Chị qua email, nhưng không biết sao.. không được?. Nhân đây QN gởi đến chị lời cảm ơn về những bài thơ, văn đã post trên trang nhà. Chỉ là những cây viết tài tử vậy mà các chị đã gợi lại được biết bao thương nhớ, quay ngược được chiều kim đồng hồ để đưa độc giả về một miền quá khứ bình yên, về với những rung động, những thiết tha của những ngày tuổi nhỏ... Chẳng phải những điều này là món quà tinh thần quí giá cho những người ngồi đếm nhịp thời gian, ngắm chiều tà, buổi bóng xế.. như chúng ta hay sao??
Cám ơn nhiều và Chúc chị một chuyến đi chơi vui vẻ.
Thân mến ./QN
DeleteBức hình có phải chụp ở Chùa Long Khánh Qui nhơn.?? Mới đó mà mấy mươi năm. Nhớ lại lúc trước buổi trưa hay cùng lũ bạn vào chùa Long Khánh hái trộm sa-bu-chê, có ông thầy không biết tên mà dữ lắm, vác chổi rượt cả đám chạy té khói luôn. Gần đây về nhìn lại thấy chùa giờ thụt sâu vào trong, mặt tiền bị lấn chiếm hết. Tiếc cho ngôi chùa đẹp và trang nghiêm. Một di sản văn hoá của Qui nhơn mà như vậy ...trách cho những bộ óc ... những trái tim vô cảm.!
Hình nhỏ quá, nhìn hoài mà không thấy rõ mặt Diệu Phương. Mình cũng học sư phạm Qui nhơn niên khóa 77-78.
Mến ./
Mỹ Ái-
Một chút nắng, gió và mây để thêm hương vị cho cuộc đời