Châu Thị Thanh Cảm
Sài Gòn đêm.
Những con đường vắng và
không gian tĩnh lặng. Trong cái yên bình dịu dàng của đêm, như một thói quen,
tôi vặn nhỏ volume, nghe vài bản tình ca và bồn chồn chờ đợi. Tôi chờ đợi gì
nhỉ ? Tiếng lao xao của gió ? Tiếng thì thào của cây… ? Ồ không, tôi đang đợi
chờ âm thanh của những tiếng rao đêm chơi vơi, khắc khoải… nhịp cùng tiếng gõ
lóc cóc buồn buồn mỗi đêm vang xa trong ngõ vắng…
- Bánh chưng…bánh giò đê…ê! Ai…chưng…gai…bánh giò… !
- Tẩm qu…ất…ơ… !
- Bánh …mì… Sài Gòn… !
- Cụp cắc…cụp cắc…cụp cụp cắc…Cụp cắc… !
Đêm nào cũng vậy, cứ tầm giờ này là những thanh âm ấy lại vang lên đều
đều, lẻ loi, cô độc… Cái âm thanh mộc mạc ấy cứ đều đặn hằng đêm vang lên từ
trong những ngõ tối, từ con phố xa, từ góc đường khuya, từ con hẻm vắng mờ
khuất ánh đèn… Tiếng rao lúc trầm lúc bổng, nhịp gõ lúc chậm lúc nhanh nghe như
những nốt nhạc buồn xói tận vào lòng, gõ nhịp vào tim những kẻ xa quê, những
người con ly hương xa xứ. Những âm thanh mà nếu đêm nào không được nghe, tôi có
cảm giác như thiêu thiếu một điều gì đó thân quen để rồi phập phồng lo lắng, để
rồi hồi hộp đợi chờ và nghe nhơ nhớ biết bao. Và rồi, cái cảm giác bồi hồi như
thể gặp lại người thân khi nghe những thanh âm ấy trở về. Mỗi tiếng rao, mỗi âm
thanh mang một màu sắc khác nhau, rất riêng không lẫn vào đâu được, nó như
tiếng lòng của những người con xa quê, nó như tiếng thở dài của phận đời hẩm
hiu vất vả ! Tiếng rao đêm, tiếng lắc xắc đồng xu của thằng bé tẩm quất và nhất
là tiếng gõ lốc cốc chậm rãi, nhịp nhàng vang xa giữa những con hẻm hút sâu
vắng vẻ của thằng bé bán hủ tiếu, nhịp gõ nghe lạ rồi bỗng chợt thân quen, âm
vang xa rồi bỗng thấy thật gần, cứ nghe… cứ nghe riết rồi lại thấy quen tai rồi
lại mong, lại chờ, lại nhớ… !
Như mọi lần, cứ mỗi khi nghe tiếng gõ quen quen từ đằng xa vọng lại là
tôi đến bên cửa sổ và nhìn xuống; bóng thằng bé gõ hủ tiếu nhỏ xíu đổ dài dưới
ánh đèn đêm vàng vàng. Tiếng gõ cứ nhẫn nại len lỏi qua từng con ngõ, qua từng
ngóc ngách phố sâu, níu kéo từng ô cửa sổ sáng đèn cùng ánh mắt thằng bé chợt
long lanh, rạng rỡ. Tiếng gõ có lúc rộn rã như một khúc nhạc vui, lại có khi
quẩn quanh quấn quít theo từng bước chân như trăn trở, như tiếng thở dài của
phận người mưu sinh xa xứ ! Nhìn dáng thằng bé lầm lũi đi, tôi chợt nhớ đến mấy
câu hát đã làm day dứt lòng…
Đêm đêm một bàn chân bước
Bé xíu lang thang trên đường
Ánh mắt buồn mệt nhoài của em
Em rất buồn vì em không biết đi, đi về
đâu? (*)
Có tiếng gọi, thằng bé thoáng chốc đã biến mất rồi nhanh chóng trở lại
với tiếng hít hà xuýt xoa bên tô hủ tiếu còn hôi hổi nóng tỏa hương thơm lừng.
Rồi, có tiếng thì thầm, có tiếng cười giòn tan trong đêm vắng cùng tiếng lách
cách của tô muổng chạm vào nhau… Và, tiếng gõ lốc cốc lại vang lên, gọi mời da
diết…
Đêm nay, trời bỗng nổi gió. Lá khô rào rạt rơi và những hạt mưa lất
phất. Rồi, cơn mưa đêm tháng sáu đột ngột ào ạt đổ về. Mưa như sương giăng trên
những con đường vắng, hàng cây cao ven đường chao đảo ngã nghiêng. Mưa lộp bộp
rơi trên khung cửa đổ nhịp đều đều. Vài chiếc xe vút nhanh trong mưa để lại con
đường ướp đậm hương đêm cùng những cánh muồng hoàng yến lả tả rơi vàng trong
màn mưa tháng sáu.
Mưa tháng sáu thường đến rồi đi rất nhanh nhưng cũng đủ để xua đi cái
oi bức ngày hè, cái ồn ào phố xá, cũng đủ cho những con phố đêm ướt mềm dịu ngọt.
Người ta nói, mưa thường làm lòng người dịu lại và mưa mang đến cho ta nhiều
cảm xúc, nhất là những cơn mưa đêm… Qua lăng kính mưa, thành phố huyền ảo như
một bức tranh nhiều mảng màu đan xen sáng tối. Trong nhập nhòe sáng tối đó là
những cuộc chơi thâu đêm với những con người điên cuồng lắc lư trong tiếng nhạc
xập xình; là góc khuất của những phận đời mưu sinh vất vả luôn canh cánh bao
nỗi lo toan ! Tôi đưa mắt nhìn qua màn mưa trắng xóa, thằng bé đơn chiếc dưới
một mái hiên nhà, trên tay vẫn lóc cóc nhịp đều tiếng gõ, tiếng gõ bây giờ lạc
vào tiếng mưa nghe lạc lỏng, rời rạc, buồn thiu…
Cụp cắc…cụp cắc…cụp cụp cắc…!
Từng thanh âm rơi, sao khắc khoải lòng
người ?
Có phải chăng
em, trong cơn mơ ngắn ngủi
Cô Ttiên nhỏ
hiện về bên chiếc đũa thần tiên ?
Xin cô cho mưa thôi đừng rơi nữa
Để tiếng gõ chạy dài, trên ô cửa phố
khuya…
Tôi vẫn thường nghĩ, Sài Gòn đêm sẽ thật là trống vắng nếu không có
những tiếng rao xa, không có tiếng gõ lóc cóc miệt mài suốt hai mùa mưa nắng,
không có tiếng bánh xe hủ tiếu lăn lọc cọc ngang qua con hẻm nhỏ lúc trở về… Những
thanh âm vừa xa mà lại vừa gần, giản dị bình thường thôi mà sao quá đỗi thân
quen ! Tất cả có thể đã là hơi thở, là một nét văn hóa ẩm thực rất riêng, là
một phần hồn không thể thiếu của cuộc sống về đêm của đất Sài Thành !
Cơn mưa đang ào ạt đổ bỗng đột ngột ngơi hạt rồi tạnh hẳn. Không gian
thơm hương đêm, bầu trời dịu mát, những con đường loáng nước sóng sánh
dưới ánh đèn… Bóng thằng bé lại liêu xiêu trên ngõ vắng, có lẽ trong tâm trí nhỏ
nhoi và giản đơn của nó, cô Tiên xinh với vầng hào quang sáng chói và chiếc đũa
diệu kỳ đã thật sự hiện về, hiền lành và nhân hậu !
Tôi xuống thang máy, ra cổng và chờ tiếng gõ của thằng bé ngang qua. Nó
nở trên môi nụ cười hồn nhiên và một lúc sau trở lại với tô hủ tiếu ngào ngạt
khói ! Tôi kéo thêm một chiếc ghế ở cổng bảo vệ rồi mời thằng bé nghỉ chân,
dưới ánh đèn tôi nhìn rõ khuôn mặt còn rất trẻ thơ nhưng toát lên vẻ thông minh
đáng yêu của nó. Thằng bé độ tầm mười hay mười một tuổi gì đó thôi. Qua đôi câu
trò chuyện tôi biết quê nó ở Mộ Đức - Quảng Ngãi, một trong những miền quê khó
nghèo ở miền Trung quê tôi. Gia đình nó nghèo nhưng ba mẹ nó vẫn tần tảo làm
lụng nuôi nó ăn học… Rồi một ngày cuối năm, trên đường mưu sinh trở về, ba mẹ
nó ra đi sau một tai nạn giao thông, bỏ anh em nó mồ côi giữa đời. Ông bà nó ở
quê cũng nghèo lắm, nó gửi đứa em nhỏ cho ông bà nội và theo một người chú vào
Sài Gòn gõ hủ tiếu để có thể tiếp tục việc học hành. Chú nuôi nó ăn học, buổi
tối nó cố gắng đi gõ hủ tiếu đỡ đần cho chú. Theo như nó kể, đêm nào gõ được
nhiều khách nó sẽ được chú thưởng thêm nên nó cố gắng, cho dù sương khuya có
thấm lạnh đôi vai và cho dù bước chân có mỏi. Nó nói, ban đầu tiếng gõ của nó
còn ngập ngừng và ngượng nghịu lắm, nhưng bây giờ thì đã quen rồi, thậm chí khi
vui khi buồn tiếng gõ của nó cũng biết buồn biết vui theo nữa, nó nói thế ! Tôi
hỏi nó về việc học hành, nó im lặng giây lát rồi chậm rãi trả lời…
- Dạ, con học
buổi sáng mà tối nào cũng về khuya lắc khuya lơ, mỏi chân với lại buồn ngủ lắm
cô ơi… !
- Vậy con xem
lại bài vở khi nào ?
- Dạ, con học và làm bài buổi trưa vì chiều con còn
phải giúp chú dọn hàng. Nhưng cô ơi…Con sẽ cố gắng học để sau này lớn lên, đi
làm có tiền còn phụ nội nuôi em con nữa... ! - Nó buồn buồn trả lời.
Cái từ “Cô ơi… !” của nó kéo
dài ra nghe sao thê thiết quá ! Cái giọng kể của nó mộc mạc thật thà như bản
chất bao đời của người dân miền Trung quê tôi nghe mà thấy nghẹn lòng ! Câu
chuyện nó kể hồn nhiên và bình thường như thể cuộc đời nó là phải vậy, nó chấp
nhận cuộc sống của nó một cách mặc nhiên và an phận không chút bận lòng làm lòng
tôi mặn đắng. Mặc cho bên kia là phố xá hằng đêm sáng rực ánh đèn, mặc cho ở đó
là thế giới của phồn hoa tráng lệ, và mặc cho giữa đời còn những ai vô cảm thờ
ơ… thì tôi vẫn mong nó hãy quên đi, vì ở đây, giữa những con đường nhỏ, những
con phố hẹp, giữa những ngõ vắng hút sâu, có tiếng rao níu gọi tình người hằng
đêm vang vọng, có nhịp gõ chạm đến trái tim vẫn chậm rãi đều đặn giữa đêm khuya
và vẫn có những ông Bụt cô Tiên với chiếc đũa thần kỳ trên tay xuất hiện giữa
đời thường. Đó là những quán cơm miễn phí, là những lớp học tình thương, là
những mái ấm nhà mở, là những nhóm người thiện nguyện, là những đồng cảm sẻ
chia ấm áp tình người… đâu đó giữa lòng thành phố Sài Thành hoa lệ !
Nó nói đêm nay nó gõ được nhiều người gọi nên vui lắm, nó đi mà như
chạy, cứ đi hoài đi hoài mà không thấy mỏi chân, nhịp gõ của nó vì thế nghe
tươi vui như nhịp đời rộn rã. Tôi ủng hộ nó bằng cách gọi thêm vài tô hủ tiếu
cho mấy chú bảo vệ ca đêm và biếu nó số tiền còn lại. Thằng bé cảm ơn tôi rồi vội
quay lưng đi vào con hẻm vắng, dáng nó lại liêu xiêu, bóng nó lại đổ dài đơn chiếc
giữa con phố nhỏ im lìm… Và, tiếng gõ nó lại vang lên lốc cốc giữa đêm khuya rồi
rơi vào khoảng không lặng lẽ… Tôi nhìn theo, tội nhiệp Nó !
“Bước chân nhỏ bé âm thầm về đâu trong
đêm vắng tênh…?
Những bước
chân sao nhỏ nhoi,
đơn lạnh thầm
bước trong đêm…” (**)
Đêm nay, có lẽ thằng bé sẽ
ngủ ngon hơn vì gõ được nhiều khách như nó đã kể. Mong niềm vui nhỏ bé ấy sẽ
mang đến cho nó nụ cười thiên thần trong giấc ngủ hồn nhiên và cô Tiên sẽ hiện
về cùng với những ước mơ đơn sơ, trong trẻo…
“Ước mơ được sống bên mẹ, được trong
vòng tay ấm êm
Với tiếng cười nói mẹ hiền, hạnh phúc đơn sơ
Và em mơ, mơ giấc mơ một gia đình yêu thương
Và em mơ, mơ cánh tay mẹ…” (**)
Khuya, bên trong những cánh cửa đã khép có ai còn thao thức ? Có ai
biết Sài Gòn đêm còn ẩn chứa biết bao điều ?
Bên kia sông, vài ô cửa sổ nhà ai vẫn còn sáng đèn. Con đường thật vắng
và tiếng gõ trôi
dần vào đêm… Tôi thấy Nó như đang nhoẻn miệng cười…
Sài Gòn,
tháng sáu…
Châu Thị
Thanh Cảm
_____________________
(*) Đứa
bé – Minh Khang
(**) Giấc mơ của tôi – Anh Quân
No comments:
Post a Comment