Cẩm tú Cầu
Con sinh ra trong cái bọc màu trắng giống như con nằm trong cái bì ni – lông. Khi ấy chỉ mình mẹ và con, ba con đi vắng mãi đến ba tháng sau ba con mới về. Lần đầu tiên mẹ nhìn thấy con và đến bây giờ hơn bốn chục năm qua mẹ còn nhớ rõ, rất rõ. Rồi cô mụ xé cái bọc đưa con ra con cất tiếng khóc chào đời. Lúc ấy chỉ có mẹ và con, mẹ con mình thôi nhé, con nhé !
Con sống sung túc với ba mẹ được sáu
năm thì biến cố 1975 xảy ra,
khi ấy con mới có sáu tuổi sống trong một chuỗi ngày dài thiếu thốn ập đến đè nặng lên gia đình chúng ta. Lúc ấy không có ba con ở nhà nên
chỉ có mẹ con chúng ta gánh chịu. Vì cuộc sống của gia đình mình nên con đi học phải chuyển từ trường này qua trường khác
thật là vất vả, việc học hành bị gián đoạn nhiều lần; khi
thì Đà Nẵng, khi thì Qui Nhơn rồi ra Huế, vậy mà con
vẫn học được, con đậu Tú
Tài. Điều mẹ xót xa nhất là con
kể thầy của con nhìn cái áo ấm con
đang mặc mà biết con là em của anh
hai con vì cái áo mặc từ anh rồi qua tới em. Những ngày
tháng mùa đông dài của xứ Huế vừa đói, vừa lạnh, lạnh đến tê người, con
đã cùng mẹ đan len gia công, con đan
tất cả các cái
bo còn mẹ đan thân áo. Sống cực, sống khổ qua
ngày tháng để chờ ba con về, có lúc
không có vật liệu để đan mẹ chiên bánh rán con bưng đi
bán. Một nam sinh lớp mười mà bưng bánh
rán đi bán, mẹ xót xa nhìn con dầm mưa, rồi lên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo – Huế ngồi với rổ bánh
rán có lúc mẹ tưởng chừng như không còn đứng vững được nữa, mẹ muốn buông xuôi. Khi ấy anh đầu của con ở với O
Xuân, còn anh hai và hai em gái ở với ngoại, khi biết ba con ba năm nữa mới về mẹ con mình phải đi về ngoại. Đến khi ấy con lại phải đổi trường và đi
học xa; thật vất vả cho con
của mẹ.
Dù thiếu thốn cực khổ biết bao nhưng con cũng gắng học, khi học xong
phổ thông con lại bị gián đoạn ba năm không được đi học tiếp. Đến khi đi học sư phạm thì
con đã bị trễ mất ba
năm. Khoảng thời gian ba năm con ở nhà lúc
ấy nhà chúng ta đã dọn lên Pleiku, con không có việc gì làm, mẹ nhìn
con mà xót xa. Rồi con đi
học sư phạm hai năm đầu khổ quá hả con, mẹ nhói lòng khi có một bữa cả nhà đi
vắng mà hết gạo, hết tiền con phải nhịn đói một ngày. Đến tối mẹ về mua thức ăn thật nhiều nhưng con chỉ ăn qua
loa, nhưng sao lại một mình
con chịu đựng hở cao xanh, vậy mà con
vẫn vui, vẫn cố gắng chịu đựng không bao giờ than van.
Nhưng đến khi con học năm thứ ba thì phong trào học Anh Ngữ nở rộ, con đi dạy thêm
liên tục để có thu
nhập, con có biết nỗi vui mừng của mẹ đến mức nào không ? Nó miên man bất tận đó
con. Khi con ra trường dạy cách nhà đến mười một cây số, con đi bằng chiếc xe đạp cũ kỹ mẹ lại đau
lòng. Ngày con sắm được chiếc xe gắn máy 50 tuy là xe cũ nhưng mà nỗi vui mừng cứ nhảy nhót
trong lồng ngực của mẹ. Vui mừng ghê lắm nghe con, mẹ và cứ nơm nớp lo sợ con đi
không cẩn thận, nhỡ có chuyện gì…
Một hôm
con đã tâm sự cùng mẹ, con
yêu cô ấy, yêu ba năm rồi, một tình
yêu sâu đậm chơn chất ấp ủ trong
trái tim con; hình như cô ấy cũng yêu con, nhưng con
chưa tỏ tình,
chưa nói ra, chưa một lần nắm tay
thì tình yêu đã vụt bay
xa. Rồi một hôm mẹ thấy con buồn rầu, mẹ cũng buồn theo nỗi buồn của con. Con kể tình
yêu của con chưa nói ra thì mẹ ơi, cô ấy đã có
chồng, buổi lễ đính
hôn của cô ấy lớn lắm. Mẹ sợ con suy sụp, tuy
con khổ đau nhưng không con vẫn kiên cường, vẫn vui vẻ hát hò. Mẹ thích
nhất là tiếng hát của con,
nó trầm trầm ngân
dài buồn buồn và
lênh láng trong không gian, một giọng hát hay tuyệt không
những mẹ mà ai
đã nghe qua đều không thể nào quên. Nhất là con
hát bài Gửi Gió
Cho Mây
Ngàn Bay ,
hay vô ngần, tiếng hát đã làm chao đảo lòng
người, làm cho người nghe có một cảm giác nhớ nhung vời vợi xa
xăm, một giọng hát
hiếm hoi mà không phải ai cũng có được. Mỗi lần con cất tiếng hát mẹ lại tiếc nuối, phải chi trước kia mẹ hướng con học thanh nhạc ở trường âm nhạc Huế thì giờ đây con dạy ở trường Văn
Hóa Nghệ Thuật và
được ở gần nhà rồi, mẹ cứ tiếc mãi, tiếc mãi
con ơi! Ngoài tiếng hát tuyệt vời con còn có đôi tay ngón thon dài các phao đều hồng hồng, đó là bàn tay của những kẻ tài
hoa, bàn tay đánh đàn, bàn tay viết phấn, bàn ấy giờ đây đã trở thành
vô tri mất rồi. Đôi
môi đỏ như son,
đôi môi mà người đời thường nói
là đôi môi yểu mệnh.
Những năm mới ra trường con dạy ở trường cấp hai
sát quốc lộ 19, lúc
ấy con chỉ biết uống coca. Con thường tâm sự cùng mẹ về những đứa học trò của con, những đứa học trò
nghèo buổi sáng chỉ ăn những củ khoai
nho nhỏ, còn củ lớn để bán kiếm tiền đong gạo; có đứa nhịn luôn bữa sáng, có đứa chỉ ăn ngày một bữa. Có lần con
nói với mẹ con hối hận, con
ray rứt vì năm vừa qua con không nâng điểm cho
con bé học trò của con, nó lên lớp không
được, bây giờ nó phải làm thợ may, mẹ ơi! Vậy là con
đã cắt đứt cuộc đời học sinh thơ mộng của nó. Mẹ lại khuyên
con, an ủi con biết đâu cuộc đời thợ may sẽ nhàn nhã và tự làm chủ lấy mình.
Những năm ở đó con loay hoay mãi mà không mua được miếng đất nào, vì con rất thích
đất, thích có một mái ấm gia
đình.
Sáu năm sau, con được điều động đi nơi khác
cách xa nhà thêm sáu cây số nữa. Buổi chia
tay, học trò của con đã quyến luyến ôm con mà khóc, con đi về một nơi mà học trò phần đông là nơi có nhiều người sắc tộc và rất ít người kinh, nơi này cách xa đường quốc lộ đến mười cây số. Mỗi chiều về vắng ngắt buồn lê thê, con phóng tầm mắt nhìn những rẫy café bạt ngàn ở trước nhà con, mà nghe lòng mình chìm lắng một nỗi buồn mênh mang xa vắng. Con lại vất vả phải kêu học trò đi học. Mẹ thấy con cô đơn quá mẹ khuyên con cưới vợ nhưng mà con chưa gặp duyên. Con có một căn nhà nhỏ gần bên trường, thỉnh thoảng có các học trò nhỏ đến ở cùng con, con thương yêu chúng như tình thân trong gia
dình. Những ngày tháng ấy mẹ mong con có vợ ghê gớm, nhưng mà lần lữa mãi chẳng đi đến đâu.
Rồi con ở nơi đây được bốn năm, lại đổi về vùng Daksơmi cách
thành phổ Pleiku bốn mươi sáu
cây số là một trường nội trú sắc tộc. Ngày con chuyển trường không những học sinh mà cả phụ huynh cũng luyến tiếc, bịn rịn theo con không nỡ rời. Con đường đi
vào ngôi trường mới, hết tám
cây số đường đất quanh co nhỏ hẹp, cây cối và hoa
dại mọc lấn tràn ra choán hết đường đi, một con đường vắng không
có bóng người, muốn đến trường phải qua một con suối cạn. Những khi mưa to nước lớn ngập bờ, nó
chia cắt, nó cô lập ngôi trường cùng
với mấy chục giáo viên. Thấy nỗi khổ sở vất vả của các thầy cô giáo nên địa phương đã cho làm một cây cầu tạm nhưng nếu mưa bão lớn nó
cũng vẫn bị cuốn trôi. Có những hôm mưa bão kéo dài mấy ngày
các thấy cô tiền đầy túi mà
vẫn ăn cơm với muối ớt.
Ngôi trường ba tầng rộng rãi khang trang nhưng mà đất đỏ bao phủ tràn đầy, nó tọa lạc trên một ngọn đồi chênh vênh trống vắng mênh mông, chung quanh không có người ở, nhìn
lên bầu trời chỉ thấy toàn mây trắng bàng bạc, nhìn
chung quanh chỉ thấy toàn núi xanh. Khi chiều về buồn héo hắt, một nỗi buồn xa xăm
hoang hoải, gợi lòng người cảm giác đơn độc thẳm sâu. Học trò con là những mái đầu tóc vàng hoe xông mùi khét nắng, những đôi mắt hoang dại mang màu sắc núi rừng, những đôi mắt chỉ biết nhìn lên cây tìm con chim tìm tổ ong, nhìn xuống suối tìm con cá con ốc, mặc dù trường nội trú phát đầy đủ cho học sinh,
nhưng các em vẫn thích đi chân trần lội dưới suối, dẫm giữa núi rừng. Nơi đây gần biên
giới không có rẫy café bạt ngàn, muốn đi đến quán phải đi mất tám cây số, những cái quán nhỏ xíu vốn không bằng một quán nhậu ở thành phố. Cuộc sống nơi đây, con người nơi đây, khung cảnh nơi đây đã làm cho tâm hồn con
trăn trở rất nhiều, con
muốn ở mãi nơi ấy để hòa đồng, để chia sẽ những thiếu thốn, những vất vả mà người dân và học trò của con hứng chịu hàng ngày. Con muốn khám
phá những cảnh đẹp, những cái mới mẻ của rừng sâu.
Có những lúc rảnh rỗi con
lang thang trong rừng, chân
dẫm lên những cỏ hoa dại có đàn bướm theo bước chân con, con đi theo những con đường mòn
chi chít dẫn vào rừng sâu những đêm
trăng con nhìn lên bầu trời thấy ánh
trăng xanh vời vợi, lòng con lại gợn lên một cảm giác yên bình lạ lùng,
Có những buổi mưa giông
vừa dứt mối từ đâu túa
ra bay lượn, chúng đợi lên
đèn là nhào đến, để rồi sáng
ra nằm chết tức tưởi đầy sân hè. Mẹ đã
khuyên con, đã ngăn cản cùng
con, con én không làm nên mùa xuân con ơi !
Con đã kể cho mẹ nghe
gia đình một cô giáo viên tiểu học, người mẹ vì quá
thiếu thốn đau
không có thuốc, nhà ở xa xôi
không đến kịp bệnh viện rồi chết. Người cha đi
trộm chó bị chó cắn rồi bị dại mà chết, bây
giờ hai chị em cô ấy sống heo hút trong căn nhà nhỏ cách xa mọi người, cảnh mồ côi rất tội. Khi cha mẹ cô ấy ra đi vĩnh viễn, hai
chị em còn nhỏ vẫn cố gắng vượt bao
khó khăn thiếu thốn, nghèo khổ tận cùng mà cố gắng vượt qua để đến ngày
hôm nay được làm cô giáo viên tiểu học, rồi tằn tiện nuôi em. Điều con
đau đớn nhất là đứa học trò lớp bảy do con
làm chủ nhiệm, chiều thứ sáu về nhà thứ bảy đi
bẫy chim, bắt cá ở suối khi về rớt xuống hố sâu khoảng hai
mét không lên được, cha mẹ nó quên. Rồi qua thứ hai, thứ ba vẫn tưởng nó đi
học, đến thư tư con tìm
đến nhà kêu đi học thì mới biết, nhà trường cùng
gia đình tất tả đi tìm mới thấy nó chết dưới hố trên tay còn cầm xâu cá
suối nhỏ li ti,
một cái chết im lìm lạnh lẻo đến não
lòng. Con đã khóc rất nhiều và một nỗi đau vô bờ bến vây quanh con, ám ảnh con
mãi mãi khó xua tan.
Thấy con buồn mẹ vội giới thiệu con một con bé
thua con mười tuổi, con đồng ý nhưng mà
con sống cùng cô ấy không có hạnh phúc,
còn mẹ thì ray rức mãi trong lòng. Con ở mãi
trong ngôi trường xa
tít tắp, buổi sáng lạnh và đầy sương, buổi chiều lạnh đầy hoang
tím, con nhìn lên bầu trời có cảm giác với tay lên là sờ được mây. Nhất là những ngày
đông buốt giá buổi sáng, buổi chiều sương mù
che lấp cảnh vật chung quanh chỉ thấy mờ mờ, sương bay
vào nhà đem cái lạnh thấm thía trải vào thịt da. Còn những ngày
mưa khung cảnh nơi đây như bị nhấn chìm trong một màn mưa mịt mùng
trắng xóa, mưa
buồn và ẩm ước; nhìn
mưa gợi nhớ những dĩ
vãng u hoài và một niềm luyến tiếc xa xưa. Con kể có những thung
lũng hoa vàng trải dài
mút mắt, một màu
vàng rực rỡ kiêu
sa, hoa cúc dại đó mẹ ơi ! Rồi hoa ngũ sắc, hoa
tím bâng khuâng, v… v… tất cả đều tạo nên một vẻ hoang dại mơ màng. Ngoài giờ lên lớp ra con chỉ nghe được tiếng chim
kêu ríu rít trên những bụi cây khiến lòng
con cũng cảm thấy vui vui. Rồi con có
con, một thằng cu
kháu khỉnh, nói sao cho hết nỗi vui mừng của con, một thiên thần bé nhỏ, một báu vật
vô giá, con yêu thương nó vô
cùng.
Rồi con tàu thời gian đưa con ra khỏi nơi xa xôi sương mù
sâu thẳm ấy. Ngày
con đi, con quay nhìn lại con đường quạnh quẽ buồn thảm nhỏ dần nhỏ dần, rồi lòng
con bâng khuâng một cảm giác buồn man
mác. Con xúc động nhất là
ánh mắt buồn buồn của những đứa học trò nhỏ đứng nhìn theo con, nước mắt nó chảy dài
trên đôi má ngây thơ làm cho
lòng con rung động mênh
mang, chân con nặng trĩu
chẳng muốn bước. Con
trở về dạy trên tuyến đường Quốc lộ 19 mà con có thể đi xe
buýt về nhà, con có biết mẹ vui mừng xiết bao không ? Con ở trường này được năm
năm, con đã gieo bao mối thiện cảm khắng khít giữa con
cùng phụ huynh và học trò của con.
Vào một chiều tan học, hôm ấy là chiều thứ sáu, con vừa từ trường ra,
con mới đi có sáu cây số liền bị tai nạn. Mẹ không
thể nào quên được cái buổi chiều khủng khiếp ấy, đất dưới chân mẹ như sụp xuống, bầu trời chao đảo. Khi con đang được cấp cứu thì
ngoài phòng đợi mẹ bị xỉu. Đến khi đưa con về nhà mẹ cứ hy vọng con sẽ tỉnh dậy nhưng mà vẫn mãi
mãi cách xa, mãi mãi mẹ con mình không bao giờ còn thấy nhau được nữa. Chưa bao giờ trái tim mẹ như bị xé toạc ra nghìn mảnh, quằn quại đớn đau như bây giờ. Tang lễ con, mẹ vật vờ như người mất hồn, mẹ muốn chết theo
con nhưng khi mẹ nhìn hai anh con và hai em gái con, mẹ như thêm sức sống. Sau
này mẹ nghe nói phụ huynh của con đến chật nhà, học trò của con đến khóc, giờ của con chúng nó không chịu học. Bởi vì từ khi con về nhà là
mẹ thẩn thờ chết điếng không còn biết gì nữa, học trò của con bây giờ là giáo
viên đến viếng đã kể, khi con bị nạn nó chạy trờ đến, nó thấy người ta đến coi rất đông,
lúc ấy học trò
con đã khẩn thiết van nài những người chung quanh “Ai ôm giùm thầy tôi để
tôi đưa thầy đi bệnh
viện cấp cứu
?”, thế mà mọi người đều đứng dửng dưng vô tình, nó phải gọi anh nó ở cách nơi xảy ra tai
nạn mười tám
cây số chạy lên,
còn dân ở quanh đó đứng nhìn máu trong người con lần lược tuôn
ra đến hết. Con ơi ! Sao mà bi thảm thế này hở con ! Mẹ đứt từng khúc ruột con ơi ! Ngày đưa con về nơi an nghỉ cuối cùng hàng ngàn học sinh, đồng nghiệp, bạn bè tiển con, buổi sáng
hôm ấy nơi nghĩa
trang có những ngôi mộ nhấp nhô đầy nắng quái
cũng héo hắt buồn.
Con ơi ! Sao sống thì
khổ sở lao
lung mà chết lại đơn giản thế này hở con ? Đời sống con người qua
mau thế này sao con ? Một người mà ai
cũng yêu mến, trông chờ lại như thế này sao
? Mẹ đau đớn muốn chết theo con. Ở dưới suối vàng
con có biết không ? Mẹ nhớ cách
đây không lâu nhân một buổi hát karaoke tại nhà
con đã hát dỡ câu “Người đi đi mãi không về…
”, rồi con im luôn. Đó có phải là điềm gỡ không
con ? Đó có phải là báo
hiệu sự ra đi
vĩnh viễn của con không ? Mẹ không
còn khóc được nữa vì nước mắt mẹ đã chảy về tim rồi, mẹ cứ thấy nhức nhối ở lồng ngực, trái tim mẹ giãy giụa đớn đau.
Con ơi ! Con mãi vĩnh viễn sống trong lòng mẹ, con biết không ?
Có một hôm
nhà trường con cho người đem tiền lên,
đó là tiền con dạy thêm, mẹ bảo vợ con cất tiền và mẹ cứ nghĩ từ nay mãi mãi không còn cầm được đồng tiền mồ hôi của con nữa mà mẹ quặn lòng
nhức tim. Con ơi ! Cu Bean còn nhỏ dại quá nó chưa biết rằng nó đã
vĩnh viễn mất người cha
thân yêu, mất một tình thương bao
la như biển cả muôn trùng; nó cứ nghĩ rằng nếu nó cố gắng học giỏi thì ba
sẽ về với nó, những ý
nghĩ thơ dại của trẻ con làm mẹ mủi lòng ứa nước mắt. Con
biết không chiều hôm
qua mẹ cho mấy đứa trong
xóm bắt tổ chim
trên cây nhãn nhà mình, đến một giờ sau con
chim mẹ trở về không thấy con của nó, nó lồng lộn kêu gào thật thảm thương. Mẹ nhìn nó sững sờ, mẹ đồng cảm nỗi đau đớn mất con với con
chim mẹ, mẹ thấy nhói lòng, mẹ thấy hối hận tại sao
mình lại cho tụi nhỏ bắt mấy con
chim con, một nỗi đau cứ xoáy
vào lòng mẹ, nghẹn ngào tê tái.
Con ơi ! Bây
giờ ở đâu đó
trong cõi vô hình, chắc chắn con đang nhớ đến con của con,
nhớ những đứa học trò nhỏ của con nơi rừng sâu núi thẳm đầy ắp sương mù.
Cẩm Tú Cầu _________________________
No comments:
Post a Comment