Nguyễn Bích Sơn
25-05-73 đến nay là tròn bốn mươi năm –
Bốn mươi năm
con lìa bỏ cõi đời với chưa đầy sáu
tháng tuổi. Con chưa vào đời, chưa có cái tên để gọi mà con đã vội ra đi
vĩnh viễn, để lại cho Bố Mẹ bao niềm thương yêu
nuối tiếc.
Đã bốn mươi năm
trôi qua, giờ nhắc lại Mẹ không làm sao ngăn được dòng nước mắt khi
nghĩ về con. Mẹ thấy yêu
con vô cùng và cũng nhớ con vô
cùng vì con là sự kết tụ tình
yêu của Bố Mẹ đó con biết không ?
Ngược dòng
thời gian…
Sau ngày nghỉ Lễ Lao Động Quốc Tế 1-5 ở Qui-Nhơn, Mẹ trở lại phi trường Phù Cát – nơi ở của Mẹ – để tiếp tục đi dạy. Thường thì Mẹ ăn cơm lúc 11
giờ trưa, hôm
đó Bố không có phi vụ nào, Mẹ đợi Bố đi họp về rồi ăn luôn. Khoảng 12 giờ thì Bố về, Bố Mẹ vừa mới ăn lưng chén
thì một tiếng nổ hat chúa vang lên, Mẹ chỉ kịp thét
lên : “Chết
Em rồi Anh ơi
!”, lửa bốc cháy ở cuối giường. Mẹ thoáng
nghe tiếng Bố gọi : “Em ơi… Em ơi…
!”. Bố lôi Mẹ ra khỏi phòng để nằm ngoài hành lang, rồi gọi điện thoại lên trạm xá.
Lúc đó tuy mơ màng nhưng Mẹ vẫn còn biết, trong
suy nghĩ Mẹ muốn nhắc tay phải lên để làm điều gì đó, nhưng không
được, cánh tay vẫn im lìm. Mẹ cảm thấy sau ót
mình ươn ướt nên lấy tay kia rờ vào thì
thấy toàn là máu, lạ một điều lúc đó Mẹ chẳng thấy đau đớn gì. Tiếng chân
rầm rập chạy lại khiêng
Mẹ lên xe, có ai đó đặt lên mặt Mẹ cái mũ để che nắng. Xe chạy một đoạn thì Mẹ hôn mê luôn.
Không biết bao lâu Mẹ tỉnh lại, thấy nằm trong
căn phòng, xung quanh có vài người toàn
thân phủ drap trắng, Mẹ cũng vậy. Mẹ mơ hồ nghe tiếng gọi của Bố và mở mắt nhìn Bố không rõ ràng. Bỗng dưng Bố ôm Mẹ khóc
nức nở, nước mắt Mẹ tuôn trào… Chặp lâu Bố hỏi : “Em có đau lắm không và đau chỗ
nào ?”. Mẹ chỉ lắc đầu không
nói được gì… Bác sĩ vào, nói : “Tỉnh rồi…
Tốt rồi… !”.
Không biết lúc đó Mẹ nghĩ gì, Mẹ không
còn khóc nữa, cặp mắt ráo hoảnh, đầu óc trống không,
bác sĩ hỏi gì Mẹ chỉ lắc đầu và gật đầu mà
thôi, không nói năng gì cả, ngay cả Bố hỏi Mẹ cũng vậy. Bác sĩ ra khỏi phòng,
Mẹ nhìn thấy chân phải bị băng bó thật to,
tay và chân trái dây nhợ tùm
lum, Mẹ không cục cựa được vì rất khó
khăn và Mẹ biết tay
phải mình không còn nữa. Mẹ vụt khóc tức tưởi, Bố ôm Mẹ an ủi vỗ về. Mẹ thấy cả một bầu trời đang sụp đổ, nỗi chán chường, đau
khổ đến tột cùng, không làm sao diễn tả hết nỗi thống khổ của Mẹ lúc bấy giờ. “Thế là hết
cuộc đời tôi… !”.
Mẹ sực nhớ tới con và hỏi Bố : “Con có sao không Anh ?” –
“Không sao… Em !”.
Tay Bố đặt lên bụng Mẹ như muốn nói
lên sự bình an của con trong Mẹ… Đêm đó
Mẹ không ngủ được, thức trắng đêm,
suy nghĩ mông lung, không đầu không
đuôi và không biết mình
đã nghĩ gì ? Thỉnh thoảng Mẹ nghe tiếng khóc than, tiếng ông
Cha nào đó cầu kinh tiễn người ra đi…
Hôm sau Mẹ được chuyển sang
phòng khác – chỉ có một mình Mẹ, một mình mà thôi – hình như là
phòng đặc biệt của bệnh viện Quân
Y; trường hợp đàn bà
bị thương điều trị ở đây ít có. Bố là Phi Đội Trưởng Phi Đội Tải Thương, hay
chở thương binh
về đây điều trị; có phải nhờ làm việc và quen biết với bệnh viện này nên được ưu đãi chăng ? Những ngày
nằm trong bệnh viện Bố túc trực bên Mẹ suốt ngày
đêm, Bố muốn tự săn sóc Mẹ, không
muốn ai lo cho Mẹ ngoài Bố. Cũng may cấp trên
thông cảm hoàn cảnh của Bố, thương Mẹ bị VC pháo
kích và là người duy nhất bị thương ngày hôm đó, nên làm lơ, trừ trường hợp có thanh tra hay họp hành cần có mặt Bố thì Phi Đội cho
tàu bay xuống chở Bố về tham dự mà thôi…
Con à, số Mẹ chưa tận. Khi đưa Mẹ đến bệnh viện, ai
cũng nghĩ là Mẹ sẽ chết vì máu
ra quá nhiều. Bác sĩ nói cũng may là
di chuyển bằng máy bay, nếu là đường bộ thì Mẹ không còn… Chân phải Mẹ bị gãy xương đùi và xương ống quyển, đầu gối thì dập nát, tay phải thì đứt lìa chỉ còn dính chút da mà thôi. Sau này nghe nói lại, cái chân bị thương của Mẹ, nếu là đàn
ông là họ cưa bỏ đi rồi, vì Mẹ là đàn
bà còn quá trẻ lại mất đi một cánh tay nên họ cố giữ lại…
Và cứ thế… ngày
qua ngày… con vẫn bình
yên trong bụng Mẹ được hăm –
hai ngày. Vào một buổi sáng ngày 24-05, Bác sĩ đến nói chuyện với Bố, Mẹ không nghe được gì, rồi bác sĩ đi ra. Bố đến bên Mẹ nước mắt lưng tròng, Mẹ hỏi : “Bác sĩ nói gì vậy Anh ?”.
Bố không trả lời ngay
mà một tay nắm lấy tay Mẹ, một tay vuốt tóc
trên trán Mẹ và đặt lên đó một nụ hôn rồi âu yếm hỏi Mẹ : “Em thấy trong người
thế nào, có mệt không và có đau nhức
chỗ nào không Em ?”. Bố hỏi lung tung, không đi thẳng vào
câu hỏi của Mẹ. Linh cảm cho Mẹ biết có điều gì đó bất an… Chặp lâu Bố mới nói : “Vết thương
nơi chân Em không được tốt,
thai yếu,
bác sĩ nói phải
bỏ cái thai thôi, Em à !”. Mẹ lịm người, không
còn nghe gì nữa, nước mắt lại tuôn rơi. Mẹ nói : “Tại sao vậy
Anh ? Em đâu thấy
có gì khác lạ
trong Em ?”. Bố nói : “Tuy cái thai chưa hư
nhưng không phát triển được
và yếu dần so với
tháng tuổi,
và vì hằng
ngày phải
dùng nhiều
trụ sinh để điều
trị các vết thương
nên cái thai chịu
không nổi.
Nếu dưỡng được
tới ngày sinh thì khi con ra đời có thể bị khiếm
khuyết phần nào trên cơ
thể hoặc èo ọt
khó nuôi, điều quan trọng
nữa là cần phải
giữ cái chân của Em. Bác sĩ nói chúng ta còn trẻ,
còn có cơ hội sinh nữa…
Còn chân thì… Chúng mình phải
tự quyết định
lấy và sáng mai bác sĩ sẽ lấy
thai ra”. Đầu óc Mẹ rối bời chỉ biết khóc
và khóc mà thôi. Thương cho số kiếp Mẹ con
mình. Bố Mẹ im lặng,
không ai nói ra quyết định của mình.
Sau đó bác sĩ quay lại và hỏi : “Anh Chị đã quyết
định chưa ? Theo tôi thì nên bỏ
cái thai đi, vì có kéo dài thêm vài ngày tháng nữa,
tôi nghĩ cái thai cũng không sống
được mà nguy cho cái chân của chị.
Mặc dù chúng tôi đã thay đổi nhiều
loại thuốc, nhưng
vết thương ở đầu gối
không khô mà bị lầy ra, lâu ngày sợ bị nhiễm
trùng, chân có thể bị cưa
đi. Anh chị
còn trẻ
lo gì không sinh”.
Bác sĩ vừa dứt lời thì Bố nói to lên : “Bác sĩ ơi… Bác sĩ hãy cứu
vợ tôi… !”, rồi Bố khóc. Bố không hỏi lại ý Mẹ. Mẹ sững sờ giây
lát rồi khóc theo. Nhìn cảnh tượng này
bác sĩ cũng mủi lòng, vỗ vai an ủi Bố đôi lời rồi bỏ đi… Sự im lặng bao
trùm đến nghẹt thở không
biết bao lâu, cho đến khi y tá vào đưa giấy tờ cho Bố ký, rồi Bố lại an ủi vỗ về Mẹ, đặt tay lên bụng Mẹ như đang
tìm sự sống trong
đó và cũng là sự chết đang chết dần… chết dần… Hay Bố đang
nói lời xin lỗi, xin tha thứ sự quyết định mà Bố không
còn đường lựa chọn ?
Con ơi ! Bố Mẹ phải làm gì
cho Con đây ? Sự lựa chọn đó
đúng hay sai ? Mẹ có ích kỷ không ?
Sao Mẹ không làm gì để bảo vệ Con ? Sao Mẹ không
nói lên lời từ chối ? Sao
Mẹ lại im lặng ? Sao Mẹ đành giết đi sự sống mà đã bao nhiêu ngày tháng Bố Mẹ nâng
niu chăm sóc ? Mẹ hỏi Bố : “Không còn cách nào sao Anh ? –
“Sáng mai bác sĩ khám lại và cho quyết định
cuối cùng”. Lời Bố cho Mẹ nuôi
thêm hy vọng. Suốt đêm Mẹ ngủ chập chờn, suy nghĩ miên man cùng với lời cầu nguyện xin Chư Phật phù hộ cho Mẹ con
mình…
Sáng hôm sau y tá vào
thay băng rửa vết thương và lấy máu, khoảng hai
giờ sau Bác Sĩ Thành vào khám, không nghe tim thai,
bảo y tá chuẩn bị chuyển phòng và chuyền máu
cho Mẹ. Mẹ lại khóc, bác sĩ an ủi và trấn an : “Chị an tâm, không đau đâu, tôi sẽ
châm cứu
gây tê vùng cần
thiết (không gây mê), lấy ra nhẹ
nhàng, cho Anh vào coi, Anh vào cho chị
an tâm” – (Bác Sĩ Thành là vị bác sĩ
châm cứu gây tê duy nhất của bệnh viện Quân Y
thời đó, bất cứ phẩu thuật nào
ông cũng chỉ châm cứu gây tê, trong lúc ông gây tê thì bệnh nhân vẫn nói
chuyện được, không
đau). Mẹ khóc… Mẹ khóc đây… Không phải Mẹ sợ đau vì vết thương mà Mẹ đau lòng vì phải mất Con, và khóc vì lo sợ một ngày nào đó Mẹ sẽ mất luôn Bố. Con ơi ! Mẹ phải sống làm sao đây với những ngày tháng tới ? Có
giữ được hạnh phúc trong vòng tay ?… Thôi, hãy phó mặc cho định mệnh an bài, thân thể này mình còn không giữ được huống hồ gì…
Bác sĩ bồng Con ra, đặt trên
bàn tay Bố, rồi chỉ cho Bố : “Cháu là con trai”. Bố đưa Con cho Mẹ nhìn, một hình hài nhỏ xíu,
không rõ ràng. Bố đem Con
ra ngoài đặt vào cái hòm nhỏ – còn gọi là
quách mà Ông Ngoại đã chuẩn
bị sẳn – rồi chôn Con ở nghĩa địa Phật Giáo.
Ngày đó, Mẹ không tiễn Con đến nơi an nghỉ cuối cùng được… Thông
cảm cho Mẹ nghen Con !
Thôi thế là hết ! Con đã từ giã cõi
đời này. Con đến mà chưa một lần nhìn
thấy mặt Mẹ Cha. Con ra đi để lại bao niềm thương
nỗi nhớ. Con
làm sao hiểu được nỗi đau
trong lòng Mẹ, không ai hiểu nổi sự day dứt chán chường của Mẹ lúc bấy giờ. Mẹ nghĩ,
giá Mẹ chết cùng
Con có lẽ sẽ diễm phúc hơn là sống trong
một thân thể tật nguyền với tuổi đời còn
quá trẻ với hạnh phúc lứa đôi chỉ vỏn vẹn hai
năm một tháng mười lăm ngày. Và nghĩ đến tương lai u ám, hạnh phúc
mong manh làm cho Mẹ rùng
mình lo sợ…
Đã bốn mươi năm trôi qua, Mẹ không
thể nào quên được cái ngày kinh hoàng đó. Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của Con và một phần thân thể của Mẹ.
Con của Mẹ, những lời yêu thương dành
cho Con trong Mẹ thật nhiều thật đầy, Mẹ không làm sao diễn tả hết được. Thật là đau
lòng… ! Thôi Con hãy yên
giấc ! Biết đâu đó là niềm hạnh phúc còn hơn là hiện hữu ở cõi vô thường này ?
Và, đến giờ chắc hai Bố Con đã
gặp nhau ? Chỉ còn mình Mẹ với nỗi buồn gặm nhấm và nỗi nhớ thương da diết về Bố và Con.
Hãy ngủ đi… ngủ đi Con… Con yêu của Mẹ !
Vĩnh biệt Con thơ.
Houston Buồn, 25-05-2013
Nguyễn Bích Sơn ______________________________
Cùng một tác giả: Mời các bạn click vào để đọc :
Thì thầm #1
____________________________________________
Houston Buồn, 25-05-2013
Nguyễn Bích Sơn ______________________________
Cùng một tác giả: Mời các bạn click vào để đọc :
Thì thầm #1
____________________________________________
Cám ơn Chị về một bài Bài viết thật cảm động, Phải có duyên nhiều kiếp mới gặp nhau ở một kiếp. Duyên phận dài ngắn cũng bởi trời..
ReplyDeleteQN rất ngưỡng mộ mối tình sâu nặng của Anh chị .
Mong Chị sống vui với những kỷ niệm, hạnh phúc đã từng có.
Thương quí./QN