Wednesday, May 1, 2013

CHUYỆN HƠI NGẮN

  Đinh Tấn Khương  




1.   MẬP, TRẮNG, ĐẸP:

Vào Sài Gòn, tôi xin ở trọ tại nhà của người Cậu họ. Căn nhà được ông bố của Cậu mua, để cho Cậu có chỗ ở mà theo đuổi việc học . Những thành viên trú ngụ trong căn nhà nầy không ai phải trả tiền thuê.

Căn nhà nầy không lớn nhưng cũng có sức chứa từ 10 đến 20  
 người . Đa số là sinh viên, từ quê lên thành theo học . Thỉnh thoảng thì có những sĩ quan từ miền Trung vào SG công tác hay là những sinh viên sĩ quan từ các quân trường Đà Lạt ,Thủ Đức về thành nghỉ phép.. ở tạm , do vui.
Trong số nầy , đặc biệt nhất là ông cò Kh , cái tên mà chúng tôi thường dùng để gọi . Anh là biên tập viên cảnh sát đang làm việc tại Tổng Nha , người cùng quê xứ nẫu .
Cuộc sống của anh cũng rất giản dị , không khác gì những thằng học trò nghèo như chúng tôi . Anh chỉ có một cái túi vải chứa đựng
mền , gối và chỗ ngủ là một góc của căn phòng phía trước , chỗ để xe . 

Mở cửa bước vào, ai cũng nhận ra ngay cái tấm biển có ghi ba chữ “MÂP-TRẮNG- ĐẸP”, được viết thật lớn theo kiểu chữ in . Chủ nhân  tấm biển nầy là của ông cò Kh , nó được treo cao trên giữa bức tường, nơi phòng ông thường ngủ .
Mập, Trắng , Đẹp , chính là 3 tiêu chuẩn mà ông đặt ra để chọn vợ cho mình . Ông là thường trú nhân lớn tuổi nhất trong căn nhà nầy , có công việc làm ổn định .. nhưng lại chưa chịu lấy vợ . Không ai biết lý do gì mà ông chưa chịu “đưa chân vào tù” như những người trong độ tuổi của ông !?
Nhiều chị cũng có cảm tình nhưng ông mãi phớt lờ . Vài người mai mối người thân trong gia đình , nhưng cũng chẳng đi đến đâu . Có người ác miệng nói rằng , ông không thích phụ nữ . Có người cãi lại , vì thường gặp ông tại ngả ba chú Ía .
Nhiều người đồ đoán , có lẽ 3 cái tiêu chuẩn mà ông đưa ra quá khắc khe , cho nên đành phải ế vợ ! Chẳng biết có đúng hay không nữa !.
Sau 75 , đi học tập rồi được trả về . Ông lấy vợ ngay , nhưng nghe nói vợ ông chỉ hội đủ duy nhất có 1 cái tiêu chuẩn trong số 3 cái , mà ông đã đưa ra trước kia . 
Cái tiêu chuẩn duy nhất đó là : MẬP.


2.   DỰA HƠI :

Câu chuyện sau đây cũng đã xảy ra tại cái căn nhà nêu trên ,  Cái đám học trò từ quê vào thành theo học , có chừng vài mạng đang ở đó . Theo luật , thì tất cả phải ra phường khai báo tạm trú . Nhưng ỷ lại , nhà có ông cò Kh nên đứa nào cũng “dựa hơi”, không chịu chấp hành luật pháp . 

Thật ra , cái chuyện khai báo tạm trú không có gì cần phải tránh né , nếu không có cái chuyện bắt buộc tham gia vào tổ chức nhân dân tự vệ tại địa phương , chừng vài đêm trong mỗi tháng .
Chắc không phải chỉ có cái đám của chúng tôi trốn tránh chuyện khai báo tạm trú . Bởi vì , thỉnh thoảng thường có cái màn “kiểm tra nhân sự” của cảnh sát , vào giữa đêm .
Hồi đó, cả đám trai trẻ trong nhà nầy , có luôn ông cò Kh , mỗi tối  đã dùng một thứ nước thuốc để bôi mặt , giúp cho làn da trông mịn tươi trong ngày hôm sau . Tôi quên mất cái tên của chai thuốc nhưng còn nhớ rất rõ , một khi bôi lên mặt thì giống tựa như được quét vôi trắng vậy .
Đêm hôm ấy , có tiếng đập cửa dồn dập cùng nhiều tiếng động bên ngoài .
-   Mở cửa, có cảnh sát soát nhà .
Nghe thế , chúng tôi phải “án binh bất động” và rình xem . Chờ cho ông cò Kh mở cửa , vì ông ngủ ở căn phòng phía trước .
Bước vào nhà là một cảnh sát viên chừng như còn trẻ , anh nói lớn :
-     Cảnh sát đang thi hành công vụ , yêu cầu xuất trình bản khai gia đình và giấy tờ tùy thân .
Trong lúc ông cò Kh đang loay hoay kiếm giấy tờ tùy thân thì anh cảnh sát viên quát lớn :
-     Đưa bản khai gia đình và căn cước của ông cho tôi , vào trong rửa mặt rồi ra gấp cho tôi nhận diện .
Ông cò bình tĩnh đưa cái thẻ công vụ của Tổng Nha Cảnh Sát với cấp bậc thiếu tá .
 Anh cảnh sát viên cầm lấy cái thẻ công vụ , lật qua lật lại . Hết nhìn cái chỗ ông cò đang ngủ rồi lại nhìn cái mặt trắng như quét vôi của ông . Có lẽ anh ta đang hoài nghi điều gì mà không biết phải làm 
sao !?
Anh bỏ ra ngoài với cái thẻ công vụ của ông cò Kh trong tay . Chừng một phút sau , anh quay trở lại cùng với một sĩ quan cảnh 

sát , có cấp bậc thiếu úy .
Ông thiếu úy cảnh sát nhận ra ông cò Kh nên rối rít xin lỗi :
-     Xin thiếu tá thông cảm , chúng em đã không biết trước !
Anh cảnh sát viên trẻ , không dám nhìn thẳng mặt , lí nhí :
-     Chào thiếu tá .
Thế là từ đó, không bao giờ có cái chuyện soát nhà của chúng tôi một lần nào nữa !


3.   NGŨ QUỈ : 


Trên khúc đường lớn gần cái hẻm rẽ vào nhà tôi , thấy có một cái tiệm may . Người ta quen gọi đó là tiệm may , chứ thực sự nó chỉ là một cái phòng vuông vức , bề ngang và bề rộng vỏn vẹn chừng khoảng 4-5 thước .
Thật ra , đấy chỉ là cái phòng để xe của căn nhà lớn gồm có ba phòng ngủ , nhà bếp và phòng vệ sinh ở đằng sau .
Phía ngoài cửa , có treo một tấm biền bằng giấy cứng , ghi dòng chữ nguệch ngoạc : “nhận may quần áo giá bình dân” . 
Căn phòng mà ông thuê thì ban ngày được dọn trống để làm phòng may . Ban đêm thì máy may , bàn cắt .. được thu dọn vào một góc . Chỗ trống còn lại thì dành cho cả nhà nằm ngủ . Vệ sinh , tắm rửa , nhà bếp thì được cho dùng chung với căn nhà chính ở đằng sau . Cái chái bên hông nhà thì được gia đình ông “tranh thủ” làm sàn ăn chớp nhoáng , cho dù trời đang nắng hay mưa , mùa nóng hay mùa lạnh ..
Ông thợ may không phải là dân địa phương mà từ miền quê xa xôi , chạy tản cư về đây sống tạm . Ông có một người vợ và 5 đứa con trai .
Ông là thợ may ở quê cho nên kiểu may của ông không được đám thanh niên nam nữ thời đó ưa thích . Họa may lắm mới có được vài người lớn tuổi hay là những người ham rẻ , đem vải đến nhờ ông may cho lũ trẻ con mà còn trong độ tuổi chưa biết gì về thời trang .
Chính vì vậy , lúc nào gia đình của ông cũng thiếu trước hụt sau . Lắm khi ông không có đủ để trả tiền phòng , phải xin cho khất nợ vài hôm . Ông nói là khất nợ vài hôm chứ thật ra có khi nợ chồng chất tới vài ba tháng .
Bà chủ nhà cũng không già lắm , cỡ tuổi như ông . Bà có nhiều nhà cho thuê , nên mặt tài chánh cũng có phần rộng rãi . Tuy nhiên , sợ nợ chất chồng nhiều quá sẽ không trả nổi , cho nên bà rất bực bội ông thợ may . Nhiều lần bà muốn đuổi ông ra để lấy lại căn phòng , cho người khác thuê . Nhưng vợ chồng ông cứ mãi khóc lóc , ỉ ôi :
-     Chị nghĩ lại xem , nếu đuổi tụi em đi thì có chỗ nào khác cho gia đình em ở đâu . Nhờ chị mở rộng lòng từ , cho chúng em xin thêm một thời gian nữa . Em hứa sẽ trả đủ cho chị mà !
Đuổi thì không đi , tiền thì không trả . Riết rồi bà chủ nhà cũng chẳng biết làm gì hơn , cứ cầu mong cho ông ta làm ăn khấm khá để được ông trả hết cái món nợ khất lần đó cho mình . Có khi bà giận quá , đã nói :
-     Không có tiền mà lại đẻ cho cố , năm thằng con trai là ngũ quỉ thì làm sao khấm khá , cho được !?
Ông nghe vậy thì buồn lắm nhưng không nói gì . Năm thằng con được sinh cách nhau chưa tới một năm , đang ở độ tuổi “ăn như hạm” mà lại thiếu ăn . Bà vợ đứng nhìn cái đám con mà cứ khóc hoài !
 Thời gian cứ mãi trôi mà cuộc sống của mình lại có nhiều vướng bận , cho nên cũng quên mất những gì ở bên nhà . 

Cách nay mấy năm , tình cờ tôi gặp lại được bà chủ nhà nọ , tại nơi tôi làm việc . Thoạt đầu tôi không nhận ra bà vì có nhiều nét đổi thay , nhưng bà lại nhận biết được tôi . Phải chăng , bà còn nhớ cái tên của tôi nên đã nhận diện dễ hơn !? (Có lẽ vì hồi nhỏ, tôi là thằng quậy nhất vùng cho nên ai cũng nhớ đến tên !?).
Bà than hơi nhiều về đời sống hiện tại nơi xứ người , mặc dù bà có tiền trợ cấp an sinh xã hội !
Gặp bà , nhắc cho tôi nhớ đến ông thợ may . Lần về thăm quê đầu tiên vài năm trước đây , gặp lại người bạn cùng xóm nghèo ngày trước . Hỏi thăm đủ thứ chuyện và nhắc hết những  người trong xóm cũ ...
Được cho biết , gia đình ông thợ may bây giờ phát lắm , có 3 đứa con làm bác sĩ chuyên khoa , một đứa nha sĩ và một đứa nữa là luật sư . Tất cả đều an bề gia thất và thành công mọi mặt . Toàn bộ gia đình của ông thợ may ngày nào đều ở tại Sài Gòn và ai cũng có nhà riêng , rất lớn .
Thằng bạn nhắc lại hai chữ mà tôi vẫn còn nhớ , đó là : NGŨ QUỈ.

Sydney, 15 August 2011
LỜI NGƯỜI VIẾT : CÂU CHUYỆN VÀ NHỮNG NHÂN VẬT TRONG BÀI VIẾT  LÀ KHÔNG CÓ THẬT , MONG ĐỪNG NGỘ NHẬN . XIN ĐA TẠ

No comments:

Post a Comment