Saturday, May 18, 2013

CHUYỆN TÌNH THỜI GHẺ NGỨA

   Đinh Tấn Khương  






Đọc xong bài viết “Một Thời Ghẻ Ngứa” của tác giả Phạm Hoài Nhân, đã nhắc cho tôi nhớ đến câu chuyện tình trong thời ghẻ ngứa, những ngày sau khi miền Nam mới được "giải phóng".
Thật ra, ghẻ ngứa không phải là một căn bệnh lạ ở miền Nam Việt Nam trước kia, nhưng căn bệnh nầy chưa  biến thành trận “đại dịch” như đã xảy ra trong khoảng thời gian sau 30 tháng 4 năm 1975

Bệnh ghẻ ngứa lan tràn ở miền Nam sau 1975 có thể là do bởi:


1. Cái ghẻ (Sarcoptes Scabiei, một loại ký sinh trùng gây bệnh ngoài da) được cho là du nhập vào miền Nam từ bộ đội, thân nhân cùng những cán bộ từ miền Bắc ồ ạt kéo vào Nam lập nghiệp và công tác.

2. Thuốc trị bệnh ghẻ ngứa bị khan hiếm.
3. Vệ sinh cá nhân trở thành “xa xỉ”, do thiếu xà phòng tắm, xà phòng giặt, nước sạch…
4. Giáo dục y tế phòng ngừa không được chú trọng.


Cái ghẻ xâm nhập biểu bì da, đào hầm và đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng sau chừng 3-4 ngày và phát triển thành con ghẻ trưởng thành trong vòng 3 tuần (vì thế chu kỳ các đợt ngứa là mỗi 3 tuần) . Căn bệnh lây lan rất nhanh, từ người nầy qua người kia, hay gián tiếp qua quần áo, chăn màn..
Mụn nước xuất hiện ở vùng da non như các kẽ ngón tay, lằn chỉ cổ tay, nếp gấp bàn tay, vùng thắt lưng, vùng bẹn, hai bên đùi, nơi bộ phận sinh dục, hai bên mông, vùng nách, có khi ngay cả ở núm vú của phụ nữ. Ghẻ không thấy xuất hiện  ở mặt, da đầu và 1/3 lưng trên.
Có thể dùng kính lúp soi bắt được cái ghẻ nằm ở cuối đường hầm sâu dưới da.


Triệu chứng chính là ngứa, ngứa nhiều về đêm, ngứa tăng khi trời nóng, lúc sinh hoạt thể thao hay khi lao động. Bởi ngứa cho nên người bệnh có khuynh hướng gãi nhiều, càng gãi càng gây tổn thương da, dẫn đến nhiễm trùng da, chàm hóa.. để rồi lưu lại những vết sẹo mà không một ai, nhất là phái nữ không thể không quan tâm và buồn lòng!?

Trong thời kỳ mà căn bệnh ghẻ ngứa được coi như là một trận đại dịch, lan tràn hầu hết các tỉnh thành miền Nam, một câu chuyện được truyền tai cho nhau nghe, dưới cái tựa là “Chuyện tình trong thời ghẻ ngứa”, chuyện có thật hay không thì chẳng ai kiểm chứng, chuyện được kể:

Một cô nàng vừa tròn tuổi đôi mươi, thuộc giai cấp trung lưu và nhờ có chút nhan sắc với làn da trắng nuột, vòng đo ba số đều đạt chuẩn, môi đỏ, má hồng, đôi mắt tròn tựa hai hạt nhãn cùng với mái tóc đen tuyền óng mượt chảy dài trên hai bờ vai thon thả...chính vì thế mà đã có lắm chàng sinh viên, nhiều chàng sĩ quan đã mang cây si đến mà trồng trước cổng  nhà, những mong tìm cách tiếp cận hòng chinh phục trái tim chưa từng lỗi nhịp của nàng. Và, cũng chính vì thế mà đức tính kiêu căng của nàng ngày một lớn dần, lớn dần...

Cho đến cái hôm, miền Nam được giải phóng, cái thời điểm được cho là có triệu người vui mà cũng có triệu người buồn. Nhưng với nàng, nàng không thuộc số phận  như  những người nầy, đối với nàng, ngày ấy chẳng có gì để vui và cũng chẳng có gì để nàng phải buồn!
Nhưng không bao lâu sau đó, nàng mới cảm nhận nỗi buồn như cứ từ từ phủ kín tâm hồn nàng, Khởi đầu, phát hiện ra là người bạn gái láng giềng đã theo gia đình rời khỏi Việt Nam, căn nhà đã được đổi chủ, và nghe đâu chủ mới là một gia đình mà ông bố là một cán bộ cao cấp, từ miền Bắc đã dọn vào chiếm ngụ. Tếng đàn dương cầm sát cạnh nhà mà nàng thường nghe vào những buổi tối tĩnh lặng, tiếng đàn đã từng hòa lẫn với tiếng hát nho nhỏ của nàng bây giờ đã không còn nữa. Lòng nàng lịm tắt giống như tiếng đàn lịm tắt, tâm hồn nàng bắt đầu cảm thấy trống trải cô đơn!

Và, nàng cũng lại nhận ra rằng những cây si trước cổng nhà ngày xưa dần dà biến mất, được thay thế bởi cây si của một người thanh niên vừa mới dọn vào ở sát cạnh nhà. Nghe như, chàng thanh niên nầy là một giải phóng quân, thuộc đơn vị quân y và đang công tác tại sở y tế thành phố. Nỗi buồn của nàng ngày một lớn dần, cây si hiện hữu đã được nàng coi như cái gai trước mắt chứ không phải là bóng mát che chở tâm hồn nàng, bởi trong trí nàng vẫn còn lưu giữ hình ảnh những cây si của một thời vang bóng...

Rồi tới một hôm, nàng phát hiện ra mình cũng mắc phải chứng ghẻ ngứa như bao người khác, tìm tới đủ bác sĩ, tìm cả thuốc bắc lẫn thuốc nam để mong điều trị mà cũng không khỏi, bệnh cứ tiến nhanh tiến mạnh lên ghẻ lở, ở khắp hang cùng ngõ hẻm, không chừa một chỗ nào.
Tiếng đàn dương cầm mà nàng đã từng nghe ngày nào lại được thay thế bằng những tiếng gãi sột soạt giữa đêm khuya, hòa lẫn với tiếng khóc thút thít của nàng. Nàng khóc vì những cơn ngứa không thể chế ngự được, nàng khóc vì căn bệnh chưa biết ngày nào chấm dứt và nàng khóc nhiều nhất bởi vì phát hiện làn da trắng mịn ngày nào đã không còn như trước, nhất là ở những vùng “đắc địa”!
Nàng bắt đầu nhận ra rằng nàng thuộc vào nhóm “triệu người buồn”, cái nhóm mà trước kia nàng tưởng chừng như xa lạ!?

Anh chàng láng giềng bèn gạ gẫm, nói cho nàng biết rằng anh ta là bác sĩ chuyên khoa bắt cái ghẻ, còn khoe  là đã từng đạt danh hiệu “anh hùng bắt cái ghẻ” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nghe thì nghe, nhưng nàng vẫn bỏ ngoài tai cho đến khi căn bệnh bắt đầu để lại nhiều vết sẹo màu đen chàm trên khắp vùng chiến thuật đã khiến cho nàng hốt hoảng và đành chạy qua nhờ cậy ông “bác sĩ chuyên khoa bắt cái ghẻ” giúp hộ.
Thế là chàng ta trổ tài bắt cái ghẻ, đồ nghề của anh ta là một cái kính lúp, một cái kẹp nhỏ & một lọ nước gì đó mà không ai biết là thuốc gì(?)

Quả thật, thành quả bắt cái ghẻ của anh ta đã thuyết phục được lòng tin của nàng, thứ nhất là anh đã cho nàng xem cái ghẻ qua kính lúp phóng đại và thứ hai là những cơn ngứa ở hai bàn tay đã khỏi dần.

Lúc đầu nàng cũng do dự nhiều lắm, nhưng nghĩ tới những vết sẹo mà nàng tưởng chừng sẽ lưu dấu vĩnh viễn ở những vùng "đắc địa" đã khiến nàng quyết định liều lĩnh hòng chấm dứt căn bệnh chết tiệt nầy đi. Thế là, việc bắt cái ghẻ của chàng cũng tiến nhanh tiến mạnh như vũ bão, khi mà nàng đã bật đèn xanh  cho phép chàng thực hiện công tác tới tận cả những vùng sâu vùng xa. Điều này đã nhắc cho chàng nhớ lại những tháng ngày tiến chiếm vùng đất đang bỏ ngỏ, như đồi thông hai mộ, thung lũng tình yêu của thành phố Đà lạt sương mù thơ mộng!
Sự gần gũi thân thiện và công ơn bắt cái ghẻ của chàng đã thuyết phục con tim nàng, nàng đã chấp nhận cho cây si (tưởng chừng như cái gai trước mắt ngày nào) được mang vào nhà. 
Để tỏ lòng biết ơn, ai bước vào nhà họ cũng thấy trên bức tường nơi phòng khách có treo một phóng ảnh “cái ghẻ” thật lớn, cùng với hàng chữ:"CÁCH MẠNG ĐÃ CHO TA SỰ NGHIỆP & CÁI GHẺ ĐÃ CHO TA TÌNH YÊU" 



Sydney, cuối Thu 2013
đinh tấn khương  __________________________________________________

__________________________________________________________________

1 comment:

  1. Ôi! nhắc lại thời kỳ này là nhớ cả một giai đơạn: người người, nhà nhà đều ngứa, nhất là những kẽ giữa các ngón tay, ngồi đâu cũng gải sột sột, đến nổi có người lấy tên một bài hát cách mạng là "tiếng đàn ta lư" để gán cho cái âm thanh nổi lên bất kể giờ giất này...Có những em bé bị nặng rất tội nghiệp. mỗi lần dùng cái thuốc màu vàng bôi lên là rát thấu trời. Mọi người đều khổ về bệnh này. Hình như còn có tên là GHẺ BỘ ĐỘI đi kèn với TIẾNG ĐÀN TA LƯ.
    Cũng may, sau một thời gian hoành hành rồi cũng hết..
    Cám ơn Anh K kể lại chuyện tình thời ghẻ ngứa..Ở giữa buổi giao mùa, không ít những cành hồng kiêu sa trở thành những đóa hoa lài tội nghiệp...

    ReplyDelete