Màu chiều buồn của Phụ nữ VN thời nay .
Ảnh trên NET |
Thế gian truyền tụng biết bao điều tốt đẹp về đức hy sinh, tính nhẫn nại, chịu thương chịu khó của người đàn bà VN qua ca dao, qua sách vở. Cho đến hôm nay ở thế kỷ 21 này, phụ nữ VN ngoài việc được tiếp tục tuyên dương thiết nghĩ còn cần thêm sự quan tâm, giúp đở có tính cách thiết thực hơn nữa, vì chưa bao giờ vai trò người phụ nữ quan trọng, thực dụng và tủi nhục như bây giờ.
Trong nước sau 75, đầy dẫy những câu chuyện thương tâm. Nhiều người vợ lính, vợ công chức phải vất vả giữa chợ đời, khốn khó quay cuồng trong một xã hội mà đêm và ngày đang trộn lẫn vào nhau, bán buôn đủ mọi thứ kể cả thân xác để nuôi chồng tù tội, nuôi đàn con thơ, nuôi Cha Mẹ già...
Giờ đây sau khi đất nước thống nhất mấy mươi năm, ai ngờ lại sản sinh ra nhiều cảnh trớ trêu: Phụ nữ đang công khai kinh doanh cái vốn trời cho. Chuyện bán mình nuôi sống gia đình hay chuyện nhắm mắt lấy chồng xứ lạ, những mong vượt qua được cảnh đói nghèo cùng quẫn, giúp cha mẹ có chỗ che nắng mưa, cứu đàn em thơ qua cơn khốn khó v.v.. đã và đang là chuyện thường ngày ở Huyện cũng giống như chuyện tham nhũng của các quan chức, chuyện ăn nhậu, chuyện vung vít tới bến của các đại phú gia ở thì hiện tại...
Ngay cả lực lượng xuất cảng lao động cũng không thiếu mặt nữ giới, nhiều chị em để lại chồng, con thơ ở quê nhà, vất vả lăn lộn trên xứ người kiếm tiền gởi về ..Thế đấy, dù ở đâu, trong hay ngoài nước, lòng người Phụ nữ vẫn hướng về gia đình, quên đi bản thân. Hình như tính hy sinh, chịu thương, chịu khó, chịu thiệt thòi.. đã ăn sâu vào trong máu từ khi trót dại sinh ra làm người phụ nữ Việt nam rồi!
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi *
Được tuyên dương, khen ngợi, được nhìn nhận như thế, nhưng có mấy ai nghĩ đến chuyện làm sao cho đời họ bớt đi nỗi nhục nhằn ?.
Ngoài xã hội, vị trí người đàn bà VN vẫn còn bị coi nhẹ, từ công việc đến lối ứng xử, tư tưởng trọng nam khinh nữ (thập nữ viết vô..) vẫn còn hiện diện rõ nét nhất là ở thôn quê, làng xã, dù đã có tiến bộ chút ít.
Trong phạm vi gia đình, người đàn ông trong nước vẫn còn mang nặng tính gia trưởng. Không chỉ nói riêng về phụ nữ ở thôn quê ít học lam lũ, mà ngay phụ nữ thành phố được ăn học, trình độ được nâng cao không hề thua sút nam giới, tuy xông xáo ngoài xã hội không khác đàn ông nhưng vẫn phải gánh vát thêm việc nhà, bếp núc, chăm con trong khi nhiều ông xong việc sở là đi chơi, đi nhậu, thậm chí còn đi ngoại tình, mèo chuột. Trên mặt báo nạn bạo hành gia đình hiện ngày càng nhiều, ở mức đáng quan ngại..
Cuộc sống là thế, ở đâu và lúc nào cũng đều có những bất công, những khác biệt giữa người và người, nhưng hình như làm thân phụ nữ VN thời hậu chiến hiện nay là điều chua chát hơn cả!
Gần đây, người ta lên án phụ nữ trong nước khá nhiều, nhưng liệu như vậy có công bằng không? vì sao đến nông nỗi này?. Ai lại chẳng muốn mưu cầu hạnh phúc cho mình một cách lương thiện?. Nhưng với hoàn cảnh phụ nữ trong nước hiện nay, họ có được bao nhiêu điều chọn lựa?.. . biết làm sao hơn khi cái vốn duy nhất mình đang có lại là mặt hàng nóng, lắm người cần, nhiều người thích và sẵn sàng ngã giá bán mua?. Nếu chỉ một bàn tay vỗ làm sao kêu thành tiếng?
Tệ nạn này có ảnh hưởng tới cộng đồng người Việt nước ngoài không? Có chứ! như ván cờ Domino, ảnh hưởng dây chuyền.. khá nặng nề.
Phụ nữ sinh sống ở hải ngoại, những người mà nhiều năm trước sống sót khi vượt biên trên biển cả, có người may mắn được nguyên vẹn hình hài, có người tới được bến tự do đã phải trãi qua một quá trình hãi hùng của nạn hải tặc, đói khát. Họ vĩnh viễn mang trái tim tật nguyền, trong héo ngoài tươi, cố gắng tiếp tục đi cho hết kiếp người . ...
Và cũng không quên kể thêm nhóm phụ nữ ra nước ngoài sau này, theo kiểu ... "ra khỏi chốn này" bằng cách "chui vào một chiếc lồng khác". Những chiếc lồng mà trông xa xa, có sắc màu rực rỡ nhưng lại gần không ít người đau khổ vỡ mộng vì chiếc lồng được dán hờ bằng giấy vàng mả, hoặc được đan kết bằng những vòng kẽm gai sắc nhọn làm tan nát đời hoa..
Giới đàn ông sống ở hải ngoại được ảnh hưởng nếp sống văn minh, ít nhiều đã biết chia sẻ với vợ, phụ giúp việc nhà, chăm con, sống có trách nhiệm hơn với gia đình. Nhưng cánh đàn ông ... vốn dĩ trời sinh có tính ham của lạ, hay ngay cả những người không có tính ham của lạ, cũng khó tránh được sự cám dỗ của một rừng hoa đồng cỏ nội. Dù là vẻ mộc mạc của đóa hoa mười giờ hay kiêu sa lộng lẫy của đóa Hồng lắm gai .. Mỗi loài hoa đều có một nhan sắc rất riêng, và trong sự trao đỗi bên nào cũng thấy mình được giá hời, vừa nhìn qua đã thấy hàng tốt giá rẻ ai mà không ham?
Từ khi Cộng sản VN mở cửa cho núm ruột ngàn dặm thoải mái đi đi .. về về thì có biết bao nhiêu gia đình ở hải ngoại đã tan nát. Chả biết trách ai cho đúng bây giờ ?, nhìn lại, chỉ biết thương cho thân phận đàn bà, trút hết sinh lực một đời cho trách nhiệm: làm con lúc mới ra đi, cày cục lo cho gia đình còn kẹt lại, đến giai đoạn làm vợ, bận bịu làm mẹ .. quên nghĩ tới thân mình, để rồi vào tuổi hoàng hôn chân trời tím không ít người sống đời lặng lẽ, cô đơn, cam chịu.
Những người chồng năm xưa, nay con cái đã lớn, có chút tiền, đang ở tuổi hồi xuân, nhìn lại người vợ đồng hành với mình nhiều năm qua, giờ đã không còn xuân sắc. Bên cạnh đó tiếng gọi quê hương với chùm khế ngọt cứ thiết tha giục giã bên tai. Thế là chỉ chờ một điều nghịch ý, vài bất đồng nhỏ (mà cái này không khó kiếm) là có lý do chính đáng tung cánh chim đi tìm chùm khế ngọt .. bỏ mặc chiếc tổ ấm năm nào lạnh lẽo, chơ vơ, người vợ tào khang ngậm ngùi cay đắng thơ thẩn ra vào.. thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai.... !
Nếu bảo: " thôi thì các bà cũng nên lấy chồng khác cho có bạn cuối đời"!
Trời ạ! thời buổi này các bà lứa tuổi 50-60 dễ gì kiếm được một người bạn đời mới. Các bà làm sao cạnh tranh nỗi với một rừng phụ nữ trẻ trung đang dang tay chờ đón, chào hàng các ông ở ngoài kia.
Ở lứa tuổi này ông nào bị chết vợ, bỏ vợ,..hay cả đến thành phần ế vợ ... hầu hết cũng chỉ nghĩ tới một bóng hồng trẻ trung đang thấp thoáng bên đồn biên giới...Người thực tế thì còn nhắm đến đối tượng cỡ trên ba mươi .. dưới bốn mươi, còn ông nào thích chơi trống bỏi, hăng rết.. muốn gặm cỏ non thì các em mười mấy hai mươi không thiếu.
Thị trường hàng hoá dồi dào như vậy thử hỏi có ai mà thèm ngó tới mấy bà ở lứa tuổi chân trời tím như trên? hoạ may khi tiền hết, tình tan, cùng đường, mấy Bác trai nhà ta mới lê tấm thân tàn, bệnh tật trở về bến cũ.
Còn nương nhờ con? đây càng là chuyện không tưởng. Mà thời bây giờ phụ nữ cũng thức thời lắm, chẳng ai muốn làm phiền con. Thôi thì ngày nào còn tự lo được thân thì lặng lẽ sống, lúc không tự lo được nữa thì nhờ viện dưỡng lão lo dùm...
Cũng đành thôi, thời thế .. thế thời phải thế!.
Bao nhiêu lời ca ngợi, tuyên dương bằng thơ văn, bằng sáo ngữ không hề giúp nhẹ bớt khổ đau mà phụ nữ đang gánh chịu . Xin hãy nhìn lại và làm chút gì thực tế để thân phận người phụ nữ VN trong nước lẫn ngoài nước bớt đi phần đắng cay khổ nhục ... Thân phận phụ nữ VN thời hậu chiến đang là một vấn nạn nhức nhối mà một bài viết ngắn không thể nào trình bày hết được.
Những đấng nam nhi ngoài kia ơi, xin hãy khoan bàn đến chuyện đội đá vá trời, xin làm ơn nghiêng người xuống, thử làm một người có đạo đức, một quân tử chính nhân với những người con gái, những người vợ, những người Mẹ tội nghiệp.. trước khi mơ chuyện viễn vông xa xôi...
Hãy đừng đổ lỗi tất cả cho xã hội dù rằng đây là lý do chính yếu. Vậy hà cớ gì các ông lại thừa gió bẻ măng, xây thành đắp lũy thêm cho vũng bùn lầy lội, nơi những người phụ nữ không may bị sa chân vào, đang ngụp lặn tìm chưa thấy lối ra. Không thấy hổ thẹn vì bất lực đã đành, sao còn nỡ hùa theo, dìm số phận họ xuống sâu hơn đến tận đáy?
Ngày nay, còn có bao nhiêu người chồng, người cha còn được chút suy nghĩ tình nghĩa như bài thơ này
Bài thơ tặng vợ. (* Thơ Hồ Dzếnh)
Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi! * (1986)
Dưới ánh tịch dương bóng trời chiều nghiêng ngả, những cánh chim bạt gió mỏi mòn, tuyệt vọng tìm kiếm một bến nước trong, mà sao trước mắt vẫn hun hút một chân trời tím thẫm ..
Nghĩ mà thương thay cho cái kiếp đàn bà VN thời hậu chiến ...!
Quinhơn11 ______________________________________________________
_______________________________________________________________________
ReplyDelete"Nghĩ mà thương thay cho cái kiếp đàn bà VN thời hậu chiến ...!" (QN)
Còn đáng thương hơn khi mà những người phụ nữ nầy lại bị cái đám "theo đốm ăn tàn" sỉ vả và đổ mọi thứ bất hạnh đó lên đầu những nạn nhân của một xã hội đầy dẫy bất công!
ĐÚNG VẬY, ĐÂU AI MUỐN ĐEM THÂN MÌNH ĐI BÁN , ĐÂU AI MUỐN LẤY CHỒNG NGƯỜI KHÁC , AI CHẲNG MUỐN ĐƯỜNG ĐƯỜNG CHÍNH CHÍNH TÌM MỘT HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC CHO RIÊNG MÌNH?, CŨNG LÀ HOÀN CẢNH ĐẨY ĐƯA THÔI , XÃ HỘI VỚI CÁCH ĐẠP LÊN NHAU ĐỂ SỐNG, MẠNH ĐƯỢC YẾU THUA... CHẢ TRÁCH NHỮNG MẢNH ĐỜI THẤP CỔ BÉ MIỆNG PHẢI ĐI VÀO NGỎ CỤT, KÉO THEO HÀNG LOẠT ĐỖ VỠ HỆ LUỴ DÂY CHUYỀN ĐỂ RỒI BỊ MANG TIẾNG XẤU, TỘI LỖI TRÚT HẾT LÊN MÌNH NGƯỜI PHỤ NỮ. sAO KHÔNG TRÁCH MẤY ÔNG??
ReplyDelete