Irene
Mấy hôm nay trời Sài
Gòn như chuyển tiết lập Xuân. Mưa lất phất bay, thời tiết trở nên lành lạnh
giống khí hậu miền Trung quê tôi vào những ngày giáp Tết.
Ở đây, bắt đầu từ Giáng
Sinh là không khí Tết như đang tràn về trên những hàng cây, trên những con
đường, trên khắp phố phường… và làm nao nao lòng tất cả mọi người.
Sáng nay, tôi vừa nhận
được một thùng quà ở ngoài quê gởi vào. Nhìn những món bánh, mứt, những đặc sản
riêng biệt của quê mình sao tôi cảm thấy bồi hồi trong dạ. Từ lúc tôi vào miền Nam
này để ở với con cái. Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến thì bà con bên nội, bên ngoại,
chị em bạn bè ngoài đó lại lần lượt gởi cho tôi những món quà quê hương đậm đà
tình nghĩa… gợi lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm về những ngày Tết êm đềm nơi
quê nhà.
Ở quê tôi, khi mà cái
giá rét của Mùa Đông vơi dần đi nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp thì dường
như đâu đó Mùa Xuân đang hiện diện. Mùa xuân về trên những bãi cỏ xanh mượt,
trên những mầm non lộc biếc, trên những đóa hoa mới nở và trên những khuôn mặt
rạng rỡ nụ cười...
Tết đến! Rõ nét nhất là
khi các chợ đã bắt đầu đông dần lên với những hàng hóa Tết tràn ngập. Từ hàng
áo quần cho đến hàng tạp hóa cho đến hàng mứt bánh đến những quang gánh rau
trái… rồi đến phố phường người xe rộn rịp, tấp nập.
Tôi quên sao được? Vào
những năm cuối thập niên 50, lúc đó tôi còn bé lắm! Không gì vui sướng bằng
những ngày Tết. Tết tôi được mặc quần áo mới. Tết sẽ được tha hồ ăn mứt bánh.
Tết có tiền lì xì và Tết được đi chơi… Vì thế, tôi trông đến Tết từng ngày.
Lòng tôi rộn ràng xen lẫn vui sướng từ lúc mà mẹ tôi bắt đầu may cho chúng tôi
những bộ quần áo mới. Mẹ may tay chứ hồi đó không có nhà nào có máy may.
Và lại càng không đến thợ may để may như sau này. Tôi vẫn nhớ những ngày cuối
đông ngoài trời rét mướt, trong gian phòng khách, tôi ngồi cạnh mẹ. Dưới ngọn
đèn dầu, bên cái “tráp” bằng nhôm đựng đồ may như kim chỉ… Mẹ ngồi may áo, một
tay cầm kim, một tay khẽ nâng cái áo lên, may từng mũi kim lên, xuống đều đặn,
hết đoạn này đến đoạn khác. Chốc chốc mẹ tôi lại lấy cục sáp ong suốt chỉ để
cho chỉ trơn không bị rối. Thỉnh thoảng bà dừng lại để xâu kim hay cắt chỉ. Các
chị tôi cũng ngồi xúm xít xung quanh. Có khi, mẹ vừa may vừa kể chuyện Phạm
Công Cúc Hoa. Tôi cứ ngồi xích gần, xích gần lại. Sợ nhất là khi mẹ kể đến đoạn
hai chị em Nghi Xuân, Tấn Lực ra mộ và mẹ Cúc Hoa hiện về bắt chấy cho con…
Có những lúc khuya quá,
tôi lại buồn ngủ và thế là tôi nằm sát vào bên chân mẹ để ngủ trong khi mẹ tôi
vẫn miệt mài may áo quần… Những giây phút ấy, bây giờ nhớ lại sao nó êm đềm và
ấm áp biết bao! Nó khắc sâu vào trong tâm trí tôi xâu kết thành những mảng ký
ức tươi đẹp của một thời thơ ấu.
Và rồi đến lúc ba tôi bắt đầu đem mấy cây mai ra tỉa lá là
lòng tôi như rạo rực hẵn lên. Những ngày sau đó, mẹ tôi chuẩn bị làm dưa món,
bánh mứt… chị em tôi lại vui như hội và tôi thấy cái Tết như đang gần kề.
Cả nhà thường ngồi bên
cạnh để xem mẹ chuẩn bị làm bánh. Trước tiên là phơi bột, chị tôi hỏi :
- Mạ ơi! Sao mạ phải phơi
bột vào buổi tối thế hả mạ ?
- Phơi buổi tối lấy sương
đêm để bột nó dịu không thì nó sẽ khô khốc không in bánh được.
Khâu phơi bột cũng rất
là kỳ công. Đêm mẹ tôi không bao giờ ngủ yên giấc. Cứ chốc chốc, lại trở dậy ra
xem. Có đêm sương xuống nhiều quá thì phải đậy sàng bột bằng vải thưa kẽo bột
sẽ bị đẫm ướt. Có đêm bất chợt có một cơn mưa nào đó rơi xuống. Thế là phải
nhanh chóng chạy ra sân đem bột vào chứ không thì bỏ luôn sàng bột…
Hết bánh in, bánh hồng
đến bánh thuẫn, bánh bông lan… rồi rim mứt. Nào là mứt gừng, mứt dừa, mứt bí,
mứt me, mứt chùm ruột…nhưng có lẽ thú nhất là chị em tranh nhau vét nồi. Sao mà
nó ngon lạ, ngon hơn cả khi được mẹ cho mứt ăn vào những ngày Tết. Lúc bé, tôi chưa biết
gì nhiều nhưng tôi vẫn biết rằng Tết đến mẹ tôi lo toan, sắp đặt mọi việc trước
sau. Rồi bỏ rất nhiều công sức ra làm bánh, làm mứt… Mẹ còn phải thức khuya dậy
sớm để lo chu toàn cho ngày Tết.
Khi mẹ tôi gói bánh
tét, bánh chưng là ba tôi và cả chúng tôi cùng túc trực để phụ giúp. Mẹ gói
bánh rất kén chọn lá, lá chuối phải là lá chuối hột thì bánh mới xanh. Lá chuối
được phân thành những loại lá đầu, lá khổ rộng thì dùng làm thân bánh, lá bên
ngoài… rửa và lau lá sạch đem phơi nắng cho lá mềm. Lạt buộc phải chẻ thật
mỏng, chiều dài vừa phải và phải ngâm nước một đêm cho nó mềm mại. Rồi đến khâu
chọn mua nếp, mua đậu… Hình ảnh mẹ tôi ngồi nhặt từng hạt thóc, từng hạt gạo tẻ…
từ trưa cho đến khi bóng mẹ mờ mờ in rõ dần trên vách trong buổi chiều
tàn.
Thường thường, mẹ tôi
vừa làm vừa giải thích, như để truyền những kinh nghiệm… Năm nào cũng vậy, các
chị tôi ngồi bên xem mẹ gói bánh, giúp mẹ đưa lá hoặc cột dây… Còn tôi mong sao
đến khi gói gần hết nếp là tôi xin một chút nếp để gói một cái bánh nhỏ. Rồi
khi bánh bỏ vào thùng để nấu, cái bánh của tôi để lên trên cùng. Trời cuối đông
miền Trung rét buốt mà cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng sao mà ấm áp,
hạnh phúc vô cùng. Bánh chín tôi vui mừng vì mình có cái bánh nhỏ nhưng không
dám ăn chỉ cầm chơi. Cũng nhờ quanh quẩn bên mẹ mà sau này khi ba chị em chúng
tôi lớn lên, người nào cũng đều biết chút ít về thêu thùa may vá và làm bánh
trái…
Hăm-ba tháng Chạp cúng
đưa ông Táo về trời. Không phải như bây giờ ra tiệm mua là có sẵn hết. Mẹ cúng
đưa Ông Táo bằng bông chuối và nấu nồi xôi chè. Lễ cúng ông Táo rất là trịnh
trọng. Mẹ tôi áo dài chỉnh tề đứng trước bàn mâm lễ khấn vái rất thành khẩn.
Không biết mẹ khấn những gì nhưng đứng lâm râm lâu lắm rồi lạy mấy lạy…
Một lần nọ, tôi hỏi:
- Mạ ơi, vì sao mình phải
đưa ông Táo về trời ?
- Ông Táo là người trông
coi bếp núc. Ông ghi chép hết mọi việc làm tốt xấu của mọi người trong nhà năm
qua báo cáo lên Ngọc Hoàng. Vì vậy, hàng năm ngày hăm-ba tháng Chạp là ông Táo
về chầu trời.
- Rồi ngày mấy ông xuống
lại, hả mạ ?
- Ngày ba-mươi Tết. Khi
mà mình cúng rước tổ tiên ông bà thì mình đón ông trở lại.
Từ khi nghe mẹ nói như
thế, tôi sợ lắm không dám làm gì xấu. Nhất là không dám chạy vào bếp ăn vụng
như trước nữa vì sợ ông sẽ lên tâu với Ngọc Hoàng. Rồi tôi lại nghĩ mấy ngày
ông lên trời ở nhà nếu có việc gì xảy ra thì làm sao ông biết ? Vì vậy chắc mọi
người muốn làm gì tùy thích ông đâu có mà biết mà tâu với Trời nhỉ ? Những ngày cuối năm, ai
ai cũng quét dọn nhà cửa. Ba tôi nói đây là phong tục “Tống cựu nghinh tân” nói
nôm na là bỏ đi những cái cũ để đón những cái mới. Nhà cửa quét dọn sạch sẽ,
bàn thờ tổ tiên trang trí đẹp đẽ, bỏ đi mọi thứ rác rưởi, sắm mới chén bát, mọi
vật dụng trong nhà, cắt tóc hay làm mới đầu tóc, may sắm quần áo mới…
Tôi thích nhất là buổi
chiều cuối năm. Một buổi chiều bình yên lắng đọng. Mọi người đều dừng lại mọi
công việc để quay về bên mái ấm gia đình. Quây quần bên bàn thờ, đoàn tụ bên
mâm cơm … Trong giờ khắc này con người như trở về lại với cội nguồn, trở về lại
với chính con người thật của mình… rồi ngẫm nghĩ chuyện trong một năm qua.
Năm nào cũng thế, ba
tôi luôn nhắc nhở chúng tôi là sau giao thừa thì lời ăn tiếng nói phải cẩn
thận. Không gây gỗ, nhăn nhó...phải vui vẻ, niềm nở với mọi người. Ngày mồng
một không được bước đến nhà ai trừ nhà của ông bà, cha mẹ hay bà con… Ngày Tết
không được quét nhà vì sợ quét nhầm Thần Tài ra khỏi nhà…
Ba mẹ tôi chuẩn bị lễ
cúng giao thừa rất là đầy đủ. Một mâm cúng trên bàn thờ gia tiên, một mâm cúng
Thiên Địa ở trước sân nhà. Mẹ tôi bày mâm ngũ quả thật đẹp. Sau này vào Nam , tôi lại thấy người Nam chưng bày mâm ngũ quả theo
tiếng gọi hay gọi trại như : Mãng cầu, trái sung, quả dừa, đu đủ, trái xoài (cầu
sung dừa đủ xài )… Trong lúc ba mạ tôi kính cẩn khấn vái thì tôi lại vào bàn
học lấy vở ra học bài. Cái phong tục này tôi rất thích và giữ mãi truyền lại
cho các con tôi rồi học trò tôi… Bây giờ cũng thế cứ giao thừa là tôi lại ngồi
vào máy vi tính gõ một vài câu mở đầu cho một truyện ngắn nào đó xem như “khai
bút đầu năm”.
Giao thừa thường bắt
đầu trong khoảng 11g đến 1giờ sáng. Cúng xong ba tôi thường chọn hướng xuất
hành đi lễ Chùa. Nhà tôi ở hướng Bắc mà Chùa thì hướng Tây. Có năm xuất hành
hướng Đông, thế là cả nhà phải đi theo hướng Đông rồi vòng lại. Có năm xuất
hành hướng Nam ,
cả nhà phải xuất hành ngõ sau…
Hình ảnh cả gia đình
tôi xuất hành đầu năm để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Ba mạ tôi áo dài khăn
đóng đi trước, ba chị em tôi áo dài hớn hở đi sau. Trong lòng mỗi người tràn
ngập niềm vui và hạnh phúc. Trước bàn thờ Phật hương trầm nghi ngút, trong giây
phút giao thoa giữa năm cũ và năm mới, tôi thành tâm đứng khấn nguyện mọi điều
tốt lành đến với mình, với người thân, với đồng bào và với đất nước Việt Nam …
Ngoài sân chùa, người người đi lễ hay đến hái lộc đầu năm càng lúc càng đông
hòa với tiếng pháo nổ đì đùng vang vang rộn rã.
Ngày mồng Một tôi dậy
rất sớm. Xúng xính trong bộ áo quần mới, đi đôi guốc mới, tôi thấy mình lớn hẳn
vì năm mới thêm tuổi mới. Gia đình tập họp đông đủ tại phòng khách. Ba mạ tôi
ngồi ở bàn khách, chúng tôi đến bên cạnh và nói lời chúc mừng năm mới. Sau đó,
ba mạ tôi lì xì cho chúng tôi.
Từ lúc Ba-Mươi rước tổ
tiên ông bà về cùng ăn Tết thì trên bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút trầm nhang.
Trong mấy ngày Tết, mỗi ngày sửa soạn ba lần để cúng. Sáng cúng bánh, cúng
nước, trưa cúng cơm, chiều cúng cơm. Ròng rã từ mồng một cho đến mồng Bốn. Đến
mồng Bốn, cúng đưa ông bà về trời thì mới thôi. Cho nên ba ngày Tết chị em
chúng tôi phải lo túc trực cúng kiến không đi chơi đâu được. Thấy mọi người đi
chơi mà ao ước ! Tôi nói nhỏ với hai chị tôi rằng sau này lớn lên, Tết đến, mỗi
ngày tôi chỉ cúng một lần thôi ! Các chị tôi cũng đồng ý như vậy ! Mấy năm sau
khi tôi lớn lên thì tôi thấy ba má tôi đơn giản dần mọi nghi lễ, cúng giỗ không
còn như xưa nữa.
Sau này, khi tôi đã trở
thành thiếu nữ. Cứ mỗi độ Xuân về niềm vui vẫn thế nhưng tâm hồn tôi bắt đầu
biết bâng khuâng, biết xao xuyến khi gió xuân về hay khi nhìn những nụ mai trên
cành vừa hé nở và thoáng rung động khi có ánh mắt ai nhìn.
Hai năm học Sư Phạm,
Mỗi lần Tết đến, thấy các bạn ở nội trú náo nức thuê xe đùm túm, tay xách nách
mang đi về quê ăn Tết thì những giáo sinh ngoại trú như chúng tôi lại thấy nao
nao trong lòng. Thầm mong ước rằng, giá mình cũng được về quê ăn Tết như thế ? Rồi tôi trở thành cô
giáo ra dạy ở một làng quê. Tết đến lòng tôi náo nức, mong ngóng từng ngày để
về nhà . Tâm trạng cô giáo trẻ hớn hở lãnh tháng lương mua sắm thật nhiều quà
nào là bánh tráng dừa, bánh tráng củ lang, bánh nổ, bánh hột xoài, đường, đậu,
nếp… mang về biếu bố mẹ, biếu người thân trong dịp Tết. Và hân hoan vui sướng
khi về nhà nhận được rất nhiều những cánh thiệp chúc Tết của bạn bè.
Ngày Tết lại càng có ý
nghĩa hơn khi tôi đã có một gia đình nhỏ. Lúc này Xuân đến lòng càng nôn nao
xen lẫn những lo toan. Rồi cũng theo những phong tục của ngày Tết, tôi lo cho mái
ấm của mình êm ấm đầy đủ sung túc hạnh phúc.
Bây giờ thì tuổi về
hưu, đã có cháu nội, cháu ngoại. Nhìn thấy cháu chắt xum xoe quần áo mới, con
cái sắm sửa chuẩn bị Tết theo phong tục cổ truyền của ngày Tết… Lòng tôi cũng
nao nao, dường như trong con cháu, tôi lại bắt gặp hình ảnh mình của những ngày
xưa hiện về.
Ngày Tết cổ truyền của
dân tộc ta có nhiều phong tục hay cần phải duy trì nhưng cũng phải biết chọn
lọc những mỹ tục, tập quán tốt, loại đi những hủ tục không đáng có.
Tết Nguyên Đán ở quê
tôi, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi vẫn mang theo cố gắng gìn giữ mãi
để bây giờ truyền lại cho con cháu. Để thế hệ đi sau biết về cội nguồn, hướng
về Tổ Tiên, yêu đồng bào dân tộc, tự hào với truyền thống đất nước… Làm thế nào
sống tốt với mọi người, biết cách ăn ở cho có nhân, có nghĩa… thắt chặt tình
cảm đối với mọi người trong gia đình tạo mối dây thân ái trong làng xóm trong
cộng đồng. Nói chung là ông cha ta mong muốn tất cả đều hướng đến chân
thiện mỹ làm cho cuộc sống chúng ta mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên.
Xuân Quý Tỵ đã gần kề,
mong sao một năm mới này sẽ đem đến cho mọi người nhiều sức khỏe, ấm no, an vui
và hạnh phúc như lời bài hát Câu Chuyện Đầu Năm :
Mong đầu năm cuối năm gặp may
Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy
Trên
bước đường danh lợi rồng mây
Duyên vừa đẹp ý đắp xây
Ôm nàng xuân đẹp vào
tay…
Không biết tôi có xưa
không nhỉ ? Nhưng thật sự từ đáy lòng, tôi rất thích các phong tục cổ truyền ấy
và cũng rất thích nhìn thấy hình ảnh mỗi nhà đều dán câu đối đỏ trong ngày Tết :
Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày xuân vinh hoa phú quý về.
Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà.
Irene
(Sài Gòn, Mùa Xuân 2013)
________________________________________________
Bài viết làm tôi nhớ đến tết quê nhà . Nhớ nồi bánh tét , nhớ không khí dầm âm , nhớ tiếng phào đì đùng
ReplyDeleteNhớ đêm giao thừa ... háo hức ủi quần áo mới, chờ được lì xì , sáng mồng một chơi bầu cua cá cọp, được ăn ngon, bánh mức ê hề ... cắn hột dưa đỏ môi.. Cám ơn tá giả , đưa tôi dạo một vòng về những ngày nắng đẹp.
DeleteChỉ còn là giất mơ qua.