Tuesday, February 19, 2013

Năm rắn nói chuyện… rắn ráo..

Tác giả: Y Nguyên



Ngày tôi còn nhỏ, ở quê, rắn nhiều vô kể. Đủ loại rắn. Lớn và nhỏ; hiền và dữ; độc và không độc quần cư khá hòa thuận cùng nhau - cả ngoài đồng lẫn những nơi bờ bụi rậm rạp hoặc các rặng tre xanh nhan nhản xứ quê. Ngày ấy đất rộng người thưa, môi trường còn hoang dã, ngành khai thác, tiêu thụ và chế biến… rắn chưa bùng phát nên rắn cứ “vô tư” mà nảy nở, sinh sôi.


Khác với người phương Nam, người Phú Yên sợ, rất sợ rắn. Nỗi sợ chắc là do ám ảnh từ cái chết thương tâm của những nạn nhân bị rắn độc cắn. Rắn độc sợ đã đành; nhưng, lâu dần, nỗi sợ ấy đã ăn sâu vào tâm thức, biến tướng thành cảm giác sợ tất tật mọi loại rắn - bất kể độc hay không độc; bất kể rắn sống hay rắn… chết! Hậu quả, con nít vừa mở mắt nhìn ra thế giới đã thừa hưởng, thậm chí lãnh trọn, cái tập khí sợ rắn của cộng đồng: hễ cứ thấy con gì nhỏ, dài, không chân, di chuyển uốn lượn ngoằn ngoèo là… bỏ chạy có cờ! Có đứa nhát hơn còn “cạch mặt” cả những con chẳng có tí ti họ hàng nào với rắn như giun đất, lươn, chình hay… cá nhét!

Với các “ông lớn” trong họ hàng nhà rắn như hổ mang, mai gầm… thì đáng sợ đã hẳn; bởi chúng vừa to lớn vừa có nọc độc. Nhưng kỳ nhất là có một loại rắn không to cũng không độc; nhưng cũng lại làm bọn con nít sợ chết khiếp: rắn ráo!

Mình rắn có màu xám nâu, đôi khi hơi ánh vàng. Hai phần ba thân đổ về đuôi có những vằn đen kích thước không đều chạy vòng ngang thân, đứt đoạn ở phần bụng. Bụng rắn màu vàng; bờ sau các tấm vảy bụng có viền đen. Tiếng rắn lành; nhưng đầu rắn ráo lại hơi bạnh, cổ thắt nên trông rất giống rắn độc. Thêm nữa, cái đầu xám nâu điểm thêm những sọc đen hơi vàng vằn vện hai bên má khiến bộ dạng con rắn ráo càng thêm hung dữ!

Mà rắn ráo dữ thiệt! Nổi tiếng hung trong làng rắn như con hổ mang, gặp nguy hiểm cũng chỉ ngóc đầu, bạnh cổ phun phè phè dọa cho đối thủ sợ phải bỏ đi là cùng. Nói chung, hổ mang tự vệ là chính chứ rất ít khi chủ động tấn công đối thủ (trừ trường hợp cùng đường). Rắn ráo thì không thế. Gặp nguy, rắn ráo không bao giờ tự vệ thụ động. Nó luôn chủ động tấn công và tấn công rất “sát thủ”! Công để thủ là sách lược tự vệ (tích cực) mà rắn ráo luôn áp dụng.
 Cảm thấy bị đe dọa, cho dù đối phương lớn hơn gấp nhiều lần, rắn ráo cũng không ngần ngại bạnh cổ, ngóc đầu rít lên; sau đó… quăng mình, lao ngay vào trận. “Võ nghệ” của rắn ráo khá lợi hại. Nó có khả năng “ra đòn” đa dạng và nhanh như chớp. Tùy theo vị trí và tầm vóc cụ thể của kẻ thù, rắn ráo - hoặc đột ngột từ mặt đất phóng bật lên cao, hoặc lao thẳng tấn công trực diện, hoặc quăng mình mổ ngược từ dưới lên - ngay cả ở tầm xa! Kiểu đánh nhanh nhẹn, linh hoạt này hóa ra lại vô cùng lợi điểm khi gặp những kẻ thù lớn.  
Thường đối phương to xác thì phản ứng chậm. Mà đối mặt cùng rắn ráo, chậm một chút là cầm chắc “dính đòn” ngay, không sai trật! Thêm nữa, giáp mặt kẻ thù, rắn ráo còn biết chơi một “chiến thuật” cũng thuộc hàng binh thư Tôn Tử: đánh phủ đầu, áp đảo tinh thần khiến đối phương phát hoảng. Thường đa số các loài vật trước khi giao đấu thường có giai đoạn “vờn”: thận trọng thăm dò đối phương trước khi thật sự tấn công. Rắn ráo thì khỏi; thấy nguy, nó lập tức nhào tấn công phủ đầu kiểu “khủng bố” ngay, không để đối phương kịp định thần, nhận ra kẻ đối mặt cùng mình thuộc dạng nào mà biết phương tự vệ! 
Ấn tượng tâm lý quan trọng lắm; đã thần hồn nát thần tính, tưởng đối phương là “thứ dữ” thì người hay vật cũng đều chỉ chung một phản ứng bản năng là… bỏ chạy! Thật dễ hiểu vì sao nhiều con vật xét “võ công” không hề thua kém chú rắn ráo mảy may; nhưng vẫn cứ… chạy có cờ khi bị rắn ráo hù dọa (trong đó có con người)!

…Ngày nhỏ, tôi từng bị rắn ráo rượt chạy trối chết nhiều lần. Ban đầu là vô ý quấy nhiễu rắn, sau biết được tập tính hung dữ của rắn thì lại sinh chứng nghịch tinh: cố tình trêu để rắn… nổi khùng rượt chạy chơi! Đó là một trò chơi gây cảm giác mạnh. Dù biết là con rắn ráo không độc; nhưng mỗi bận bị rắn nổi điên “truy sát”, tôi vẫn luôn chạy bán mạng, vấp té dúi dụi, mặt cắt không còn hột máu! Mà không riêng tôi; cả lũ bạn bè thời thơ ấu của tôi cũng thế.

Sau này lớn lên, nghĩ lại, tôi mới thấy kính nể con rắn ráo vô cùng. Trong thế giới loài vật, nó quả là một chiến binh dũng cảm và can trường ít thấy. Không được “trang bị” lợi hại như những người anh em có nọc độc trong họ hàng nhà rắn; nhưng con rắn ráo - bằng sự nhanh nhẹn, quả cảm của mình - cũng đã làm cho không ít đối phương khiếp vía - còn hơn cả các loài rắn độc! Võ nghệ tuyệt luân như thế nên rắn ráo cũng thuộc loài săn mồi rất giỏi - đặc biệt là chuột! Cùng với các anh em đồng loại, xưa, rắn ráo đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế sự sinh sôi của loài gặm nhấm đáng sợ này. Có điều, ấy cũng đã là chuyện xưa…
Giờ thì, buồn thay, con vật dũng mãnh không biết thua ai cuối cùng vẫn bị thua… con người! Rắn ráo tự nhiên hầu như không còn thấy. Không ai tưởng tượng nổi con vật vài thập niên trước ở quê hễ ra ngõ đụng mặt giờ lại đang nhăm nhe bước vào… sách đỏ! Cũng phải thôi; với cái giá rắn ráo thị trường hiện tại (xấp xỉ nửa triệu đồng/1kg) mà ta còn gặp được một con rắn ráo hoang đi dạo giữa thiên nhiên thì mới là chuyện lạ đời…

Bạn đọc chuyển tiếp  _______________________________
_________________________________________________ 

No comments:

Post a Comment