Author: RONG CHƠI
Em cứ ngang nhiên đẩy cửa vào
Ngồi chơi giây phút có là bao
Cho mây theo tóc bay qua ngõ
Em cứ ngang nhiên đẩy cửa vào
Cây ngoài song lặng ngát xanh xao
Mong em từ dạo xa xôi lắm
Nhung nhớ ươm mầm đã
lên cao
Em cứ ngang nhiên đẩy cửa vào
Ta ngồi đây đợi tự kiếp nao
Trà xưa vẫn ấm chờ ai đến
Nhấp một ngụm thơm thắm má đào
Em cứ ngang nhiên đẩy cửa vào
Nghìn xưa vẫn vậy đến nghìn sau ...
Ảnh chụp by Rongchơi |
Sáng chưa kịp uống nước, bụng rỗng không, gồng chân đạp tới dốc chùa là hết xí quách, thấy tay chân thân thể như cái lốp xe hết khí. Cổ khát khô vì trời lạnh cái mũi đã đóng băng, phải thở bằng mồm.
Vào cổng nghe niệm kinh trầm trầm, lâu lâu có tiếng leng
keng (loại chuông nhỏ cầm tay của các Sư, giống như chuông đi bán kem của mấy
ông già ngày xưa). Không biết tiếng kinh phát ra từ đâu, chùa Thượng, Trung hay
Hạ, tất cả các sảnh, Chánh Điện đều đóng cửa im lìm, không dám xông vô theo
kiểu ... "Em cứ ngang nhiên đẩy cửa vào". Cái khát
khô dẫn chân đi một vòng ra mạch nước ở trước sân chùa Trung, mặt bể đá có khe
nước nhỏ chảy tràn ra suốt làm đổi dòng luôn luôn nên không bị đóng băng.
Lá khô lớp thì nổi dập dềnh sát vành bể, mớ khác bám đầy rong rêu chìm phủ cái
gáo nằm dưới đáy, đành chui tay ra khỏi găng, có 2 tay mà mang tới 6 găng,
trong cùng là bao tay nilong (loại để mang làm bếp), tiếp theo là găng
tay bằng len điệu đàng, trên xe còn có 1 đôi găng bằng da ), vói tay hứng nước
lạnh như băng, uống tới đâu biết ruột ngoằn ngoèo tới đó.
Đối diện bể nước là gian
thờ Tổ (người đầu tiên dựng cái liêu nhỏ tu dưới chân núi Ưu Am này ), bây giờ
cũng vậy Tổ ngự trong một mái nhà nhỏ chỉ đủ khoảng năm chỗ ngồi. Đây
là nơi trú ẩn mỗi khi tôi muốn trốn người ta tấp nập vào lễ Phật ở các Chánh
Điện, ít ai vào đây cầu khấn chi, chắc họ nghĩ...Tổ nghèo quá, xin chắc không
có. Tháo giày để ngay ngắn, mũi giày xoay ra, để khi vào trong mà gặp...ma thì
quay về cửa xỏ vào chạy dễ dàng, đó là tôi giải thích cho cái phong tục của
người Hàn quốc khi vào chùa.
Rongchơi |
Cũng như các gian khác cửa đóng im lìm, cái khoen sắt
tròn đã mòn ở tay nắm chỉ gán hờ qua thanh khoá, một tay nắm kéo mạnh mà khuôn
cửa cũ kỹ vẫn không nhích, vậy là hai tay hợp lại cùng lúc, cánh cửa bật ra nhẹ
như tiếng thở, vừa bước vào vừa nghĩ ...Tổ thiệt là cắc cớ cho
tới cánh cửa mà cũng là một bài học, làm chi cũng phải quyết chí, dồn tâm sức
mới được, nghĩ thêm cái nữa (cái đầu vốn có bao giờ chịu yên), 2 cánh cửa này
cũ kỹ, bản lề gần long ra, 2 cánh dựa nhau thấy cũng giống chính cuộc
sống mình vậy, 1 cái Đời, 1 cái Đạo, phải kết hợp đồng điệu thì khi
mở thấy nhẹ tênh, không phải cánh Đời ép cánh Đạo, hay cánh Đạo...cứu
cánh Đời, Đời Đạo song hành vui chơi cùng nhau. Nghĩ tới đó là thắp hương xong,
quỳ lạy mà quên trãi gối, ui, mọp tới đâu, lạnh thấu tới đó, sàn gỗ mà lạnh như
đá, tạm ngưng khấn vái đi lấy gối...ngồi nhìn Tổ.
Bóng nắng tràn vào từ cửa
(chắc nãy giờ mây che mặt trời, nắng không xuống chơi được), thấy bóng mình ngã
dụi xuống đất và cái đầu tròn vo gãy nghiêng treo ở chân bàn thờ,
lúc đó mới biết mình ngồi ...sát Tổ quá. Chìm trong những lan
man riêng mình mà quên tiếng kinh ngắt quãng tan loãng ngoài sân, bấy giờ
chợt nhận ra vì Sư Thầy gõ một hồi mõ dài...chắc qua một bài chú
khác, tôi nói về những âm thanh như vậy nhưng không có ý rằng chúng làm giật
mình không gian tĩnh lặng đâu, bằng chứng là vừa mới nghe tiếng một con
chim trong veo hót gì đó và có tiếng con khác véo von đáp
lại, bọn nó chả thèm để ý mớ âm điệu bỗng trầm
của Sư, mặc cho Ông có làm thay đổi không khí bằng
một hồi khánh trầm lắng xa đưa...rồi bỗng lắng im, mà tôi cũng không
nhận rõ sự tĩnh yên thật sự đến từ lúc nào, vì cứ đinh ninh rằng
tiếng khánh lắng xa rồi, Sư sẽ gióng tiếp hồi khác như ban nãy. Lúc đó chưa kịp
nghĩ gì, cảm giác như mình là chút cáu cặn mỏng đang lượn nhẹ nhàng
và lắng dần xuống đáy nước (mà đúng là tưởng tượng vì tôi không biết bơi, có bao giờ dám lội sông, làm sao mà ...lặn chìm
ngĩm vậy được).
Tiếng ...giày gót nhọn gõ trên bậc đá gần gần, nghe
lao xao giọng nói, rồi thấy bóng ai đó...đè bẹp bóng mình bước vô
thắp hương, rồi sàn gỗ rung rinh vì thêm vài người nữa, thấy mình ngồi...ngang
nhiên choáng chỗ quá nên cúi lạy chào Tổ rồi đi ra. Tuy không có nhìn thẳng các
vị khách nhưng cũng cảm nhận được chút nghi vấn của họ...gian thờ lạnh thế này
sao có một người ngồi ngủ gật ở đây.
RongChơi |
Ra sân bước lên bậc
thang vào chùa Thượng, nghe loáng thoáng người Mẹ nói với con trai "Không
đi chơi nữa, vào ăn cơm rồi về", ui, hôm nay không phải rằm nguơn mà
sao...mình có lộc ăn thế không biết, nhưng nghĩ lại...bây giờ về đi chợ nấu cơm
cúng Ba, tha hồ mà tận độ vì đám bạn chỉ chia trái cây chứ đồ chay thì không mó
tới. Nhưng hiện tại đang đói, nói chi cảnh Niết bàn xa xôi thế, bụng bảo
dạ...vào trai đường xem thôi, chủ yếu là chụp hình về...trêu tức bao tử
mọi người, nhưng muốn thiêu đốt người thì mình phải...tự cháy cái đã ,
vậy là cũng muỗng dĩa xếp hàng (nhiều món lắm, nhưng chỉ chọn món...đẹp thôi, miễn
kể lễ ở đây sợ mang tiếng xấu, hehe). No rồi mới nhớ ra...chưa
cúng hành hương, kiếm trong túi không có tiền mặt, ui chà, căng đây vì đi
chợ thì toàn trả bằng thẻ, phải viết thư góp ý chùa này nên có
cái máy...thâu nhận hành hương qua thẻ ngân hàng, nghĩ tới đó thì đi
tới hiên sau chùa ngó lên núi, các bậc thang đã được thay
mới, gỗ còn mới toanh, vừa nạp năng lượng xong nên không leo núi mới là
chuyện khó tin.
RongChơi |
Vòng vèo lượn lèo rồi
cũng tắt được ra ngang lối núi (xé rào trúc quanh chùa mà chui ra, còn lối
chính lên núi thì phải ra ngoài cổng chính xa lắc). Đường lên rất dễ đi,
lá khô ngập kín mặt đất, cây nhiều nhưng trơ cành, nhìn xuyên xa tít tầm mắt
vẫn thấy rõ, mọi khi rừng dày phủ núi mà nay đứng nhìn thấu trời xanh, gợn
chút mây trắng cũng nhận ra. Ngoái nhìn chùa Thượng nhỏ xíu thấp thoáng giữa
cảnh tòng lâm u tịch. Đi hết bậc thang là những thanh gỗ thông tròn chắn
ngang, mặt đất như bằng phẳng, có lối mòn và rãi rác nhiều đụng củi thông
khô chất ngay ngắn. Một bên lưng núi tre vẫn xanh, một bên thì bung trắng hoa
lau. Núi hình như hết cao mà bắt đầu...dài ra, nếu đi nữa có khi đã sang một
ngọn khác rồi, ở đây núi như kề vai nhau gánh hư không, cõng trời đất nắng mưa
sương tuyết và...cả tôi suốt đời mê mãi rong chơi.
Rongchơi |
Bài này viết lúc em còn học ở South Korea, đi chùa vào 1 ngày cuối năm.
RongChơi ____________________________________________
__________________________________________________
Chào em RongChơi.
ReplyDeleteý thơ, lời văn cứ bình thản đong đưa mà chứa đựng một nội tâm sâu sắc tuyệt vời. Em làm QN thấy yêu vô cùng cái nhẹ nhàng tỉnh lặng của không khí trong chùa. Cái không khí mà khá lâu QN không tìm thấy được ở Hải ngoại. QN Ngạc nhiên vì thời nay, ở cái xã hội xô bồ này mà còn có một người có tâm tỉnh lặng, trong sáng, hướng thiện như em. Mong rằng em giữ được như vậy mãi.
Năm mới , chúc em cùng gia đình vạn sự như ý .
Thương mến ,/QN
ReplyDeleteLâu quá, hôm nay mới được đọc bài viết của Rong Chơi, bài viết như đưa tâm tôi đi vào cõi tịnh.
Tôi đoán, Rong chơi tuổi đời chắc là còn trẻ (so với tôi), nhưng mà sao có được cái tâm bình thản, qua lối viết như vậy!?
Mở cổng, quan sát hai cánh cửa cổng mà đã liên tưởng đến mối tương quan giữa Đời và Đạo, thật tuyệt vời!
Phải chăng, Rong Chơi là một Thiền Sư?
Tác giả Rong Chơi còn trẻ lắm, Vậy mà cách viết của em ấy thật chửng chạc, có phần giống nhà Văn Bình Nguyên lộc. QN quen biết em khi còn sinh hoạt ở một forum bạn. Đọc văn em, chịu quá nên mời em cộng tác. Cám ơn Rong Chơi với những bài viết nhẹ nhàng, hiền hòa làm sao xuyến tâm thức người đọc.
DeleteMột bài viết tuyệt vời, đọc có vài đoạn tôi cười một mình vì cái dí dõm của tác giả, cách viết cứ nhẹ nhàng như không mà có. Cám ơn tác giả về một bài viết ý nghĩa, đưa người đọc tới một góc thanh tịnh mà an vui.
ReplyDelete"..ở đây núi như kề vai nhau gánh hư không, cõng trời đất nắng mưa sương tuyết và...cả tôi suốt đời mê mãi rong chơi. "
Thạnh Nguyễn
Sáng sớm trời lạnh, chuẩn bị đi làm, đang hơi có phần hơi ủ ê vì lười vậy mà đọc bài viết chợt thấy lòng nhẹ nhàng thanh tịnh sao đâu. Một bài viết thật tuyệt vời.
ReplyDeleteCái tên RC còn xa lạ, xin hỏi Tác giả có bài post ở đâu nữa không ??
Tôi thường dạo lòng vòng trên những trang web khi có thời giờ, nhưng thường là vô định, không có nơi đặt biệt để dừng chân lâu. hoặc giả một đi không trở lại. Tôi không dám chê khen hay hoặc dở, vì tôi hiểu mỗi bài viết đều là tâm tư tình cảm của tác giả, và là cảm nhận riêng của mỗi người khác nhau. Có khi hay với người này mà không hay với người khác.
Tôi đã ghé vào nhà QN11 và chắc rằng sẽ còn trở lại nhiều lần nữa
Đây là một trang web có nhiều bông hoa đẹp(với riêng tôi), có tiêu chuẩn cao, có sắc thái riêng không phải dễ thấy trong một rừng những trang Web ngoài kia.
Hy vọng các Bác giữ mãi được như thế này, tôi tin chắc ngày sẽ càng có nhiều người tìm tới hơn .
Cám ơn RC, cám ơn tất cả các Bác trong ban quản trị đã cho ra đời một trang web hay.
Thảo Trần
Thư của RongChơi
ReplyDeleteChào Anh Chị
Cám ơn Chị QN đã post bài và gửi cho em.
Thật là vui khi bài viết được mọi người đón nhận.
Trong quá trình tìm bài để gởi, em thấy...thơ nhiều hơn văn. Thôi thì em có gì gửi nấy, mong góp vui với mọi người.
Chúc Anh Chị mấy ngày xuân an lạc.
Thân mến
RC
PS: nhà em đạo Cao Đài, nhưng ko hiểu sao em thích đọc về mấy vị Thiền sư nên tư tưởng có khi hao hao vậy thôi.
Mot bai viet voi loi hanh van rat chuan, rat gay gon, rat doc quyen, nhieu cau van rat hay ma toi chua tung bap gap trong nhung bai van khac. Hay !!! tuoi tre tai cao, rat than phuc
ReplyDelete