Wednesday, January 23, 2013

Trả lời bài viết "GIẤC MƠ NƯỚC MỸ" của tác giả Nguyên Giang

                                Người Viết: đinh tấn khương




Bài dự viết về nước Mỹ gửi từ Sài Gòn bằng email, được đăng nguyên văn, không thêm bớt. Bài viết ngắn, tác giả 30 tuổi, cho biết đây là những câu hỏi mong được các chú bác anh em ở Mỹ trả lời
      
Tôi muốn được đặt chân tới Mỹ
                    Nguyên Giang

Đó là điều mơ ước cháy bỏng của tôi từ khi biết nhận thức sau khi rời Trung Học để bước vào đời. Vì sao ư? Để tôi tìm hiểu về nền văn hóa, chính trị, giáo dục, kinh tế của nước này. Để tôi tự trả lời cho nhiều câu hỏi cứ thôi thúc trong đầu mình bao nhiêu năm qua từ khi tôi biết nhận thức về đời sống.(ngưng trích)

Trả lời:

Trong những năm cuối thập niên 60, tôi cũng đã từng có chung một giấc mơ như bạn, đó là giấc mơ “Muốn được đặt chân tới Mỹ”.
Nhưng với bạn, là để muốn tìm hiểu nhiều điều về nước Mỹ, còn với tôi, thì lúc ấy, chỉ có một mục đích đơn giản, đó là giấc mơ theo đuổi bậc đại học, duy nhất chỉ có vậy mà thôi!
Coi như một giấc mơ bởi vì tôi đã không đạt điểm cao trong kỳ thi tú tài 2 để có thể nhận được học bổng, và, mặc dù lúc ấy tôi cũng đã xin du học theo diện tự túc về ngành giáo dục tại Mỹ nhưng lại không đủ điều kiện tuổi tác, bởi, sau biến cố Tết Mậu Thân tuổi động viên bị hạ mất một năm!
(Xin nói rõ, gia đình tôi không phải diện khá giả, nhưng tôi đã dám đánh liều,  tin vào ý chí của mình, có thể vừa học vừa làm, hy vọng kiếm đủ tiền phụ thêm cho những chi phí giáo dục và đời sống bản thân).

     Rồi, lại một lần nữa, tôi đã không đạt được giấc mơ đó, dẫu rằng tôi có đủ điều kiện để vào đất Mỹ theo diện thuyền nhân tỵ nạn, cũng chỉ vì tôi đã từng nghe nhắc đến nước Mỹ như là vùng  đất cơ hội ( land of opportunity) nhưng, ở đó, hoặc là bơi hay là chết (either swim or die) bởì thế, tôi đã đi tới quyết định  khi tự đánh giá hoàn cảnh, gia cảnh và bản thân của mình vào thời điểm đó, thời điểm trong những năm đầu thập niên 80, tôi đã không còn dám bước chân đến Mỹ, bởi sợ mình  không bơi giỏi, cho nên đã chọn Úc là nơi dừng chân!

Có thể bạn hay là những ai khác hiện sống ở Mỹ sẽ cho tôi là “vô duyên” khi nhận trả lời những thắc mắc của bạn, bởi vì tôi không phải là người Mỹ gốc Việt?

Thiết nghĩ, tôi đã tìm hiểu về nước Mỹ khá nhiều, tôi cũng có không ít thân nhân bạn bè là người Mỹ gốc Việt, và dĩ nhiên câu trả lời của tôi dành cho bạn chắc chắn sẽ khách quan hơn là những câu trả lời mà có thể khiến bạn nghĩ rằng, nó mang tính chủ quan, của người Mỹ gốc Việt!?
Hy vọng, bạn đón nhận những ý góp của tôi như là chút ít thông tin để tham khảo và đối chiếu, và mong rằng, bạn nên coi đây chỉ là ý kiến của một cá nhân mà thôi!

1. Tôi muốn đến Mỹ, để tôi hỏi vì sao đồng bào tôi có mặt ở đây, và sự ra đi này kéo dài hơn một thế hệ rồi, mà đến bây giờ hằng ngày đi ngang Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn vẫn còn lũ lượt người chờ đợi một tấm vé đặt chân vào Mỹ, dù đất nước Việt tôi đã im tiếng súng đã lâu, từ khi tôi chưa chào đời.(ngưng trích)

Trả lời:

Người Việt ở Mỹ là ai?

1.    Những người đến Mỹ theo diện du học, những quan chức trong chính quyền VNCH đã làm việc, công tác ở Mỹ trước 1975, họ đã xin định cư tại Mỹ sau biến cố nầy.
2.    Những người đến Mỹ bằng thuyền, được gọi là thuyền nhân, là những người Việt tỵ nạn chính trị, dĩ nhiên trong số nầy cũng có những người ra đi vì lý do kinh tế, nhưng khi đến trại, gặp phái đoàn Mỹ thì họ đã lừa dối, tự nhận mình là tỵ nạn chính trị để được chấp nhận vào nước Mỹ.
Tôi nói như thế vì nghĩ rằng, nếu như tất cả thuyền nhân đều là những người tỵ nạn chính trị thật sự, thì bây giờ, đâu có những người quay về và sống tại VN, bởi, cho đến giờ phút nầy tình hình chính trị tại VN vẫn không hề có một chút gì thay đổi, phải không bạn!?
Trong số những người Việt ở Mỹ thì diện thuyền nhân chiếm một tỷ lệ lớn nhất, đa số đã hội nhập vào xã hội Mỹ, nhất là thế hệ thứ 2, thứ 3.
3.    Những người đến Mỹ theo diên HO, hầu hết những người trong diện nầy đều có lập trường chính trị rõ rệt.
4.    Những người đến Mỹ theo diện con lai
5.    Những người đến Mỹ theo diện lao động nước ngoài
6.    Những người đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình
7.    Những người đến mỹ theo diện hôn nhân
8.    Những người đến Mỹ theo diện kinh doanh
9.    Những người đến Mỹ theo diện du sinh
10.           Những người đến Mỹ theo những diện khác


Không chỉ có người Việt mà còn có rất nhiều người khác trên khắp thế giới đều mong muốn được đặt chân đến vùng đất cơ hội nầy.
Những người giàu có, kể cả những người đến từ những quốc gia mà các vị lãnh đạo của họ chẳng ưa gì hệ thống chính trị của nước Mỹ, đã và đang đem tiền đến Mỹ đầu tư vào lãnh vực bất động sản, kinh doanh..
Nếu là độc giả thường xuyên của báo mạng VnEpress, thì gần đây, chắc chắn bạn đã đọc được những bản tin nói về những triệu phú người Hoa đang lo thủ tục rời TQ để đến Mỹ, những triệu phú Liên Xô đang làm chủ những căn nhà ở Mỹ có giá trị đến hơn cả chục triệu Mỹ kim.
Những người với bộ não chứa nhiều chất xám cũng mong muốn có cơ hội làm việc tại Mỹ, vì ở đó họ có thể tìm thấy môi trường thích hợp giúp phát triển dẫn đến thành công.
Thêm nữa, hằng năm có hơn cả triệu người trên khắp thế giới nộp đơn tham gia “trò chơi” rút thăm chọn 50,000 người để được chính phủ Mỹ cho cấp thẻ xanh. Tôi xin phép được dùng hai chữ “trò chơi”vì theo thiển ý của riêng tôi, chẳng có chuyện rút thăm gì hết, mà kỳ thật là họ đã xem xét hồ sơ cá nhân rất kỹ, với mục đích tìm kiếm tài năng để nhận vào nước Mỹ một cách hợp pháp!?
      
    Tại sao là nước Mỹ mà không phải là Trung Quốc, một nước đang vươn lên và chiếm được ngôi vị thứ hai của nền kinh tế thế giới, lại thu hút nhiều người như vậy?
    
    Đến Mỹ, bạn sẽ không thấy những tấm biển lớn chứa đựng những hình ảnh vẽ vời về một tương lai, không có những tấm băng rôn đỏ rực treo khắp nẻo đường, ngỏ ngách mang nội dung quảng bá một xã hội văn minh, tự do, dân chủ như tại Trung Quốc.
    Nước Mỹ không hứa hẹn qua hình thức "quảng cáo" và người Mỹ không dễ dàng cúi đầu chấp nhận số phận của mình như những con lừa.
Ở Mỹ, quyền con người được tôn trọng, tài sản riêng tư được luật pháp bảo vệ, tiếng nói của người dân được quan tâm, thể chế chính trị đa đảng, tam quyền phân lập, người dân được quyền lựa chọn người lãnh đạo đất nước qua lá phiếu của mình.

     Nếu đảng Cọng Sản Trung Quốc tự tin rằng đường lối lãnh đạo của mình là đúng đắn nhằm mục đích đem lại quyền lợi cho đại đa số người dân thì tại sao họ không dám tổ chức một cuộc bầu cử có nhiều đảng phái tham gia!? 
                     
2. Tôi muốn đến Mỹ xem coi có phải đó là Thiên Đường không mà đồng bào tôi, bạn bè tôi sau khi định cư vài năm có trở về thăm quê họ như một con người khác, lịch sự nhã nhặn, có kiến thức giỏi giang hơn rất nhiều. Tôi tự hỏi điều gì đã làm nên đôi hia bảy dăm đó? (ngưng trích)


Trả lời:

Như đã nhắc, nước Mỹ được coi là "vùng đất cơ hội" nhưng bạn phải biết “bơi", nếu bạn cố gắng và có thực tài thì bạn sẽ không bị cản trở mà ngược lại, luôn được khuyến khích và có nhiều cơ hội để giúp bạn tới được bến bờ xa hơn.

Nước Mỹ không phải là Thiên Đường cho tất cả mọi người, những ai đến Mỹ mà đã biết làm thế nào để vượt qua những khó khăn lúc ban đầu thì họ sẽ tìm thấy một thỏa mãn trong cuộc sống sau nầy.

Những du học sinh có trình độ giỏi, đến Mỹ bằng học bổng hay theo diện tự túc mà đạt được thành quả xuất sắc, thì đó là điều kiện để được nhận làm việc và cho nhập cư vào nước Mỹ, họ là những người nhìn nước Mỹ như một vùng đất tốt để gieo mầm cho cuộc sống.

Trái lại, những ai vừa đặt chân tới Mỹ mà muốn được hưởng thụ,
muốn có tất cả thì coi như đó là một khởi đầu của sự thất bại. 

 Những ai có cuộc sống tương đối đầy đủ, có chức quyền ở VN, đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình thì rất khó hội nhập vào cuộc sống mới. Những người chỉ biết cậy quyền để làm việc, thích người khác phục vụ mình và quen phong cách hưởng thụ,vui chơi với những thứ  mà chỉ tìm thấy tại VN, thì họ thường cho rằng, Mỹ là địa ngục đối với họ!?

Những người đến Mỹ theo diện đoàn tụ mà lại ở trong độ tuổi sắp nghỉ hưu hay đã nghỉ hưu, không còn sức lực hay tinh thần để học tập hay làm việc, và những ai không chấp nhận cuộc sống độc lập thì rất khó hội nhập vào cuộc sống mới, cho nên nước Mỹ không phải là nơi mang lại niềm vui cho họ ở tuổi xế chiều! 

Những du học sinh thuộc diện con nhà giàu mới nổi, được cha mẹ gởi sang Mỹ như là một giải pháp ngăn chận cuộc sống buông thả của chúng tại quê nhà, hoặc là chỉ mong tìm cho được một “tấm giấy” để về nước, tiếp tục con đường “ngồi mát ăn bát vàng” nhờ vào uy quyền, cơ sở kinh doanh đã có sẵn của cha mẹ. Nhóm du sinh nầy cũng sẽ nói rằng, nước Mỹ là địa ngục đối với họ!

Những du sinh gặp thất bại trên con đường học vấn tại Mỹ hay là dẫu đã lấy được một mảnh bằng nhưng không có cơ hộ ở lại làm việc và nhập cư, thì chắc chắc sẽ nói rằng, nước Mỹ không phải là Thiên Đường, bởi họ muốn đánh lừa người khác nhằm che đây những thất bại mà họ không thực hiện được giấc mơ định cư tại Mỹ!?

    Nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử (xếp hàng, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, biết nói lời cám ơn, xin lỗi, làm ơn.. ) là kết quả của quá trình học tập, tiếp xúc hàng ngày và đã  trở thành thói quen trong mỗi cá nhân.
Nhà trường VN không chú trọng  giảng dạy đến những điều tầm thường đó, nơi công sở thì các quan chức, nhân viên thường có thái độ thiếu nhã nhặn, coi thường cấp dưới, coi thường người dân thì làm sao mà tạo được một thói quen tốt cho mọi người!?
Không hề có đôi hia bảy dặm để giúp cho người Việt hải ngoại trở thành những người nhã nhặn, lịch sự như bạn đã nghĩ như vậy đâu!?


3. Tôi muốn đi để hỏi các cô gái lấy chồng “Việt Kiều Mỹ” niềm vui rạng ngời hơn các cô gái phải bán thân đi Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia? (ngưng trích)

Trả lời:

Trong câu hỏi nầy đã cho thấy một chút phiến diện trong cách suy nghĩ của bạn, bởi, không phải tất cả các cô gái lấy chồng “Việt Kiều Mỹ”(xin tạm dùng cụm từ nầy của bạn) đều có được niềm vui rạng ngời hơn là những cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc..
Theo sự hiểu biết của riêng tôi, thì, những cô gái lấy chồng xứ người mà cuộc hôn nhân đó không phải xuất phát từ tình yêu, không phải bởi tiếng gọi của con tim mà chỉ là để đạt đến mục tiêu thầm kín, đó là thoát ra khỏi sự nghèo khó và có cơ may kiếm tiền để giúp đỡ gia đình.
Những người lấy chồng mà trên vai lại trĩu nặng một nỗi lo, cái nỗi lo mà có người cho là, đã mang theo về nhà chồng với một cuốn sổ nợ nhiều trang!?
Không có tình yêu, thiếu chuẩn bị tinh thần, chưa tìm hiểu đối tượng mà lại còn mang theo một cuốn sổ nợ nhiều trang như vậy thì chắc chắn rằng, đổ vỡ hôn nhân là điều không thể tránh khỏi!?
Chỉ có những ai đến với nhau bằng tình yêu, sự hiểu biết, không có cuốn sổ nợ đè nặng trên vai hoặc nếu có thì cũng không phải là cuốn sổ nợ nhiều trang thì mới hy vọng đạt được niềm vui rạng ngời trong hôn nhân mà thôi!?

4. Tôi muốn đi để thấy, để biết Tổng Thống Mỹ có phải ông Trời không mà sao cả thế giới phải nghe ngóng, chờ đợi mỗi mùa bầu cử Tổng Thống Mỹ? (ngưng trích)

Trả lời:

Mỹ là quốc gia dẫn đầu nền kinh tế thế giới, mạng lưới kinh tế nối liền với nhiều quốc gia khác cho nên chính sách ngoại giao, kinh tế tài chánh của nước Mỹ được nhiều người trên khắp thế giới quan tâm. Người ta thường nói, một khi nước Mỹ sổ mũi thì cả thế giới đều bị lên cơn sốt, là vì lý do đó!
Bởi thế, người ta muốn biết chính sách của nước Mỹ sẽ theo chiều hướng nào trong những năm kế tiếp, chính vì vậy mà kết quả bầu cử được nhiều người trên thế giới theo dõi, nghe ngóng, chờ đợi trong kỳ bầu cử Tổng Thống Mỹ.
Còn những người như chúng ta thì sao, dẫu ai trở thành Tổng Thống của nước Mỹ thì cuộc sống của chúng ta cũng chẳng có gì thay đổi(?), thế thì tại sao chúng ta cũng lại trông ngóng, đợi chờ..?
Xin thưa, giống như đọc một câu chuyện hay, thật lôi cuốn thì người đọc muốn biết kết cục của câu chuyện sẽ ra sao, có giống như mình suy đoán hay không?
Những cuộc bầu chọn  lãnh tụ tại các quốc gia như Trung Quốc chẳng hạn, thì kết quả đã được biết trước, người ta nhắc tới Tập Cận Bình là người kế vị, hơn một năm  trước khi Đại Hội Đảng tổ chức để bầu chọn người lãnh đạo. Một quyển sách mà ai cũng biết rõ phần kết của câu chuyện thì người đọc có còn hứng thú để theo dõi tiếp nữa hay không?


5. Và tôi muốn đi để hỏi các Chú Bác những chiến hữu của Ba tôi ngày xưa được chìa khóa HO để đến thiên đường nước Mỹ, có còn nhớ đến bạn bè chiến hữu, quê hương hay không. Mà sao ai cũng chen chân bỏ lại “chùm khế ngọt” mà hân hoan làm kẻ lưu vong?
(ngưng trích)

Trả lời:

Tôi không phải là một người lính, một quan chức trong chính quyền VNCH và cũng không là con em của họ, cho nên tôi không dám mạo muội trả lời câu hỏi nầy của bạn.
Nhưng, tôi tin rằng không một ai trong chúng ta muốn làm kẻ lưu vong, mà chỉ vì hoàn cảnh đã bắt buộc phải chấp nhận vậy thôi!?
Đối với những người xa xứ như chúng tôi, quê hương quả thật cao cả, quí báu hơn gấp triêu triệu lần so với cái ví von như “chùm khế ngọt”của một nhà thơ nào đó, mà, đã thôi miên rất nhiều người như bạn, vô tình đánh giá quá thấp về hình ảnh quê hương VN!?

Là những người đi tìm ánh sáng tự do, cho nên nơi nào có tự do thì ở đó là nơi dừng chân của chúng tôi, đơn giản là như thế!

6. Tôi muốn gặp những người cùng lứa tuổi tôi là Người Mỹ Gốc Việt để thử xem cách xa hai nửa bán cầu, tuổi trẻ có gì giống và khác nhau. (ngưng trích)
 
Trả lời:

Tôi không cùng lứa tuổi của bạn cho nên câu trả lời nầy cũng xin được dành cho các đc giả cùng trang lứa với bạn.
Nhưng, tôi cũng thu góp được chút ít những thông tin, xin được chia sẻ đến bạn:
Lớp trẻ ở VN hiện nay gần như ít quan tâm đến vận mệnh của đất nước, thiếu tinh thần tự chủ, mang nặng tính ỷ lại và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đã và đang bị "xì hơi"!? 
Tài năng tuổi trẻ tại VN không được trọng dụng đúng mức, không được trả công xứng đáng và thực trạng xã hội đã gởi đến tuổi trẻ VN một lời nhắn, công cuộc "cách mạng giải phóng giai cấp" là bất khà thi!
Lớp trẻ ở Mỹ có tất cả những gì mà lớp trẻ VN không có. Và lớp trẻ ở Mỹ không có những gì mà lớp trẻ VN đang có.
  
7. Cuối cùng tôi muốn đi để xem vì sao, hấp lực gì mà hàng triệu người miền Nam đổ xô ra biển không định hướng những năm sau 1975 đến những năm 1990 và tiếp tục đến bây giờ bằng nhiều cách.(ngưng trích)

Trả lời:

Hằng triệu thuyền nhân đã chấp nhận ra đi cũng chỉ mong đến được bến bờ TỰ DO, một vùng đất cơ hội, một đất nước biết tôn trọng quyền làm người, biết ưu đãi nhân tài và tài sản cá nhân được bảo vệ bằng luật pháp minh bạch.

Nhưng đường đến nước Mỹ với mình chắc xa diu vợi. Thôi thì các Chú, Bác anh em đồng bào ở Mỹ có ai còn tâm tình với những người bên này vui lòng trả lời dùm tôi, một thanh niên 30 tuổi những câu hỏi vừa nêu, để tôi khỏi khắc khoải về một nước Mỹ vô cùng lạ lẫm, và thần kỳ. Nếu vậy thì âu cũng là một niềm vui lớn rồi, chứ chưa dám nghĩ ngày nào đó mình đạt chân đến Mỹ quốc!

Mong lắm thay!
   
Nguyên Giang (ngưng trích)

Trả lời:

Ngày xưa, tôi cũng đã từng bi quan như bạn, cứ nghĩ rằng “đường đến Mỹ chắc xa diu vợi”, nhưng tôi đã sai và chính vì thế mà tôi mong rằng bạn cũng sẽ nói như tôi bây giờ, trong những năm tháng sau nầy.
Chúc giấc mơ của bạn trở thành sự thật, bạn nhé!


Sydney, đầu năm 2013
đinh tấn khương ________________________________
____________________________________________________________________


11 comments:

  1. Một bài viết khá đầy đủ và chính xác để trả lời những thắc mắc của bạn trẻ Nguyên Khang cũng như của hầu hết những người còn ở trong nước.

    M.A rất đồng ý với tác giả, Ở thân phận người xa xứ, tình yêu quê hương đối với chúng tôi sâu nặng hơn những lời ví von vớ vẫn: "Chùm khế ngọt" hàng triệu .. triệu lần .

    "Quote "

    "..Đối với những người xa xứ như chúng tôi, quê hương quả thật cao cả, quí báu hơn gấp triêu triệu lần so với cái ví von như “chùm khế ngọt”của một nhà thơ nào đó, mà, đã thôi miên rất nhiều người như bạn, vô tình đánh giá quá thấp về hình ảnh quê hương VN!? "
    "End Quote"

    Cám ơn Tác giả đã viết hộ tâm tình của tôi cũng rất nhiều độc giả tha hương thầm lặng ..

    Quí mến ./ Văn Mỹ Ái

    ReplyDelete

  2. Cám ơn Văn Mỹ Ái đã đọc và chia sẻ sự đồng cảm

    ReplyDelete
  3. Chào anh Khương! Công nhận anh là người xứ kangaroo mà lại thấu hiểu về tất cả mọi mặt của nước Mỹ một cách tường tận như vậy. Bravo!!!. thật là quá đầy đủ cho những ai đang thắc mắc về xứ Mỹ.
    Trong bài của anh có đoạn này "Những người đến Mỹ ở trong độ tuổi lỡ thời, học không nổi, làm việc thì không đủ sức, không chấp nhận cuộc sống độc lập thì rất khó hội nhập vào cuộc sống mới, cho nên nước Mỹ không phải là nơi mang lại niềm vui cho họ ở tuổi xế chiều!" Thật ra cũng không hẳn như vậy. Thí dụ như trong gia đình của em rằng, Ba em là người vượt biên sang Mỹ năm 1981 lúc đó ông cụ đã gần 50 bó rồi, nhưng ông vẫn cố gắng đi học 4 năm và vẫn ra trường làm, hai đứa em trai Ba em dắt theo đã thành công rực rỡ trên đất Mỹ. Năm 1991 ông cụ bảo lãnh 4 chị em của chúng em qua Mỹ định cư, lúc đó ai cũng đã lỡ thời từ 25 đến trên 30 tuổi, nhưng chúng em ai cũng cố gắng lo làm việc, tự học tiếng Anh trong sách vở và từ những người chung quanh. (After a long struggled over 20 years) Sau 20 năm cố gắng gian khổ để tự đứng lên tất cả mấy chị em ai cũng đều thành công (successful) và giờ đây ai cũng mong sao cho mau đến tuổi về hưu sớm cả.(Retire early at sixty-two. Retire on a pension at sixty-six). Về hưu sớm lúc 62 tuổi, về hưu đúng tuổi là 66. Bất cứ mọi lứa tuổi nào trên đất Mỹ này hể chịu cố gắng và tranh đấu vươn lên cho chính bản thân mình thì đều đạt được kết quả tốt đẹp. Ngoài ra cũng có nhiều gia đình và bạn bè ở tuổi lỡ thời cũng rất thành công trên đất Mỹ. Nếu họ không đi học được nhưng cố gắng đi làm hoặc buôn bán thì cuộc sống tuổi già của họ cũng sẽ được hưởng niềm vui. Riêng em sau khi một chuyến du hành ÚC Châu, về lại Mỹ không muốn đi làm nữa, bèn xin xếp cho nghỉ việc "lay-off" để được ăn tiền thất nghiệp 2 năm rồi sau đó về hưu non luôn, nhưng xếp không chịu cho nghỉ việc nên thôi đành phải lê cái thân già này thêm vài năm nữa, chứ tự động bỏ việc thì không được tiền thất nghiệp.
    Chứ thật ra nước Mỹ này không có gì là thần kỳ cả, những gì ta muốn có và muốn đạt được với niềm mơ ước sự cố gắng sẽ rất dễ dàng trên đất nước bình đẵng này.
    Thân mến/Hanna

    ReplyDelete
    Replies

    1. Cám ơn Hanna đã đọc và phản hồi bài viết cũng như cho lời "khích lệ".

      Đoạn trích mà hanna đề cập thì quả thật tôi viết hơi tối nghĩa, dễ gây hiểu sai ý, tôi đã sửa lại cho rõ hơn:

      "Những người đến Mỹ theo diện đoàn tụ mà lại ở trong độ tuổi sắp nghỉ hưu hay đã nghỉ hưu, không còn sức lực hay tinh thần để học tập hay làm việc, và những ai không chấp nhận cuộc sống độc lập thì rất khó hội nhập vào cuộc sống mới, cho nên nước Mỹ không phải là nơi mang lại niềm vui cho họ ở tuổi xế chiều!"
      Cám ơn Hanna đã nhắc.

      Chúc mừng những thành đạt của gia đình Hanna qua những cố gắng vượt bực của một người Cha và các thành viên trong gia đình.

      Chúc Sơn & Hanna an vui

      Tình thân

      Delete
    2. Chào anh Khương. Cám ơn anh rất nhiều, chẳng qua lời phãn hồi của em chỉ là một chút bổ sung thôi. Với lời điều chỉnh lại của anh rất là đầy đủ, thật ra có lẻ cũng tại em cũng hơi ngộ nhận về đoạn viết này của anh. Tối hôm qua khi anh Sơn đọc bài của anh xong và xem phản hồi của em anh áy đã la em một trận, nói là "anh Khương viết như vậy là đã quá hay quá đúng và đầy đủ rồi, mà em còn tày khôn phản hồi lại, anh Khương có đọc được các thống kê của nước Mỹ nên mới viết như vậy" làm em hơi lo và ngủ không yên. Hihihihi. Thật ra em chẳng đọc thống kê nào hết chỉ dựa vào mắt thấy của mình thôi.
      Thôi từ nay về sau hãy đọc cẩn thận hơn và suy nghỉ cho chính chắn hơn.
      Cám ơn anh và chúc gia đình anh hưởng một cái tết Việt Nam của người xa xứ với một thời tiết ấm áp của xứ kangaroo.
      Tình thân/Hanna

      Delete

    3. Hanna nói đúng mà, cho nên đã sửa lại.
      Cám ơn lời chúc Tết, cũng xin chúc Sơn & Hanna cùng gia quyến một Năm Mới an khang, hạnh phúc và thành đạt

      Thân tình

      Delete
  4. Anh Đinh Tấn Khương thân mến,

    Tôi đã đọc nguyên văn bài này của bạn trẻ Nguyên Giang đăng trên mục Viết Về Nước Mỹ trên Việt Báo Online với lời giới thiệu : “Bài dự viết về nước Mỹ gửi từ Sài Gòn bằng email, được đăng nguyên văn, không thêm bớt. Bài viết ngắn, tác giả 30 tuổi, cho biết đây là những câu hỏi mong được các chú bác anh em ở Mỹ trả lời”.

    Và, tôi cũng định sẽ có đôi điều để “thưa chuyện” cùng bạn trẻ Nguyên Giang, nhưng nói thật tôi bận lắm, chưa có thì giờ (hẵn anh cũng “thông cảm” với tôi rồi). Nay may mắn đọc được những câu trả lời của anh giành cho Nguyên Giang, tôi thật sự đã được cuốn hút vào những câu trả lời rất cặn kẽ, tận tình và thấu lý ấy. Tôi tâm đắc với anh lắm.

    Cám ơn anh thật nhiều.

    Phạm Lê Huy

    ReplyDelete
    Replies

    1. Kính Anh Huy

      Cám ơn Anh Huy rất nhiều, đã tâm đắc với bài viết.

      Không phải là người Mỹ gốc Việt , sợ rằng cái nhìn, sự hiểu biết về nước Mỹ không toàn diện cho nên cũng do dự nhiều lằm Anh Huy à!
      Tuy nhiên, biết gì nói nấy, nghĩ sao nói vậy, vì đó cũng đã từng là giấc mơ của chính mình đấy mà!
      Mong được thông cảm cho những thiếu sót do tính chủ quan!

      Kính Anh Huy
      Khương

      PS: Mấy hôm rày chờ đọc nhật ký của Chị Loan, muốn thành con hươi rồi đó Anh Huy ơi...he he

      Delete

    2. Xin lỗi Anh Huy, đã viết sai chính tả, sợ cô giáo cho zero nên xin sửa lại là "con hươu"

      Delete
  5. Lối viết của Anh Khương luôn rành mạch, gãy gọn, có chiều sâu . QN cũng muốn trả lời bài viết nhưng nghĩ mình chưa đủ kiến thức.. May quá, được đọc trước bài này trong phần lưu trử nháp(Draft)của Anh trước khi post, QN thấy mừng vì có Anh K. làm việc này, mà lại viết rất đầy đủ, chính xác một cách khách quan, dù Anh ở Úc chứ không phải ở Mỹ.

    Nhưng QN nghĩ, dù Mỹ hay Úc, hay nói chung các nước tự do, không phải "Xã hội chũ nghĩa" thì cuộc sống của người dân, và hệ thống vận hành của chính quyền đều hao hao giống nhau hết. Có điều nước Mỹ là một hiệp chủng quốc, phát triển hơn, giàu mạnh hơn, bình dẳng hơn, nên cơ hội cũng nhiều hơn cho mọi sắc dân không phân biệt chủng tộc.

    ... Qua bài viết, QN rất phục ý chí của Anh K. Từ lúc còn là một thanh niên nhiều tham vọng ... hay ngay lúc xế chiều chững chạc như bây giờ, Anh luôn mạnh mẽ, kiên cường trong cuộc sống.


    Chị LoanCA ơi !QN cũng đang chờ phân đoạn tiếp Nhật Ký dễ thương của Chị LoanCA mà vẫn chưa thấy .. Chị LoanCA ơi à .



    Thân mến /QN

    ReplyDelete