Diệu Thơ
Trời ấm dần lên! Mùa Xuân đã về! Cây cối vụt rạo rực, đâm chồi nảy lộc.
Chim chóc choàng tỉnh dậy hót vang rồi ríu rít gọi nhau từng đàn bay lượn trên
vòm trời xanh thẳm. Cứ mỗi lần Xuân về tôi lại nhớ những cái Tết ở quê nhà rồi
lại bồi hồi nhớ đến Tết khi tôi còn học ở Qui Nhơn.
Cách đây 45 năm, năm
1968, tôi đang học năm cuối Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Còn phải hơn hai tuần nữa
mới đến Tết mà các giáo sinh đã lo thu xếp, mua sắm… để về quê ăn Tết. Nội trú
rộn rịp hẳn lên. Đêm đêm, các bạn không ngủ nói chuyện bàn tán xôn xao về
chương trình vui Tết khi trở về nhà làm cho mọi người nôn nao xao xuyến trong
lòng, mong chờ từng ngày. Trong phòng chúng tôi
hầu hết các bạn đến từ Nha Trang. Một số ít đến từ Đà Nẵng và Huế. Suốt hai năm
trời, chúng tôi sống với nhau rất êm đềm , gắn bó thương yêu nhau như ruột
thịt.
Các bạn tôi, ai cũng
may mắn hơn tôi nhiều, vì có cha, có mẹ lo lắng gửi tiền
đề về cho sớm, sum họp cùng với gia đình. Sau đó, lần lượt, mọi
người hết tốp này đến tốp khác rời phòng trọ trở về nhà. Riêng tôi vẫn còn lại
trong phỏng vì đang chờ đợi anh chị gửi tiền vào để mua vé. Tôi sinh ra vốn mồ
côi cha mẹ từ bé, cho nên sống trong sự đùm bọc của các anh chị em. Cùng lúc đó, trong
trường, tôi cũng thấy có một số nam sinh vẫn còn ở lại trường, có lẽ họ cũng
thiếu may mắn như tôi hay là vì một lý do nào khác… chưa về với gia đình được.
Trước Tết khoảng hơn
một tuần, anh Du đến phòng chúng tôi và đề nghị rằng:
- Mấy chị nào chưa về nhà
ăn Tết được, thì hãy cùng theo với đoàn lên Pleiku để úy lạo các chiến sĩ.
Tôi nghĩ, ở lại nội trú
cũng buồn nên đồng ý đi. Thế là vào một buổi
sáng cuối năm, đoàn chúng tôi gồm khoảng hơn 10 người cùng đi trên chuyến máy
bay quân sự lên miền đất đỏ Cao Nguyên mù sương. Mùa Đông ở Cao Nguyên
rất lạnh. Trời đầy sương mù. Xung quanh toàn là núi đồi và rừng cây chập chùng.
Khi đến nơi, chúng tôi được phân chia ở trong trại của Sĩ Quan. Tôi và một số
bạn nữ ở chung phòng. Căn phòng này của một sĩ quan cấp tá đã nhường lại cho
chúng tôi ở tạm. Ban ngày, chúng tôi đi
tham quan chỗ này, chỗ nọ. Khi đêm xuống, ở đây, thật buồn và lạnh. Đường phố
hiu hắt mù mù, những con dốc vắng vẻ, đìu hiu. Chúng tôi, co ro đi bên nhau lên
xuống những con dốc…Có một đêm, chúng tôi cùng nhau đến một quán ăn trong hẻm
để ăn đêm. Ngoài trời lạnh, tô bún bò nóng, cay, thơm thơm mùi sả…rất đậm đà,
rất ngon đã làm tôi cứ nhớ mãi... Bây giờ, nhiều khi nghĩ lại có lẽ vì hồi đó
đời sống nội trú của chúng tôi quá thiếu thốn cho nên thấy ngon tuyệt cũng nên.
Ngày tiếp theo, chúng
tôi lại được mời tham dự một buổi dạ vũ. Trong buổi tối hôm đó, toàn là cấp
tướng, cấp tá trở lên. Khung cảnh thật là ấm cúng! Dàn nhạc đánh lên một bản
với điệu nhạc du dương. Tôi thả hồn mình trong bài : Em đến thăm anh một chiều
mưa của Nhạc Sĩ Tô Vũ “Ta ước mơ một chiều
thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng, và quên đường về…”.
Trong ánh đèn màu,
trong cái lạnh của Pleiku. Ôi, Thật là lãng mạn! Nhìn xuống sàn nhảy, cô
bạn gái của tôi đang nhảy cùng một anh Thiếu tá rất phong độ và đẹp trai. Hai
người có vẻ tâm đắc. Thật là đẹp đôi. Tôi vốn quê mùa, không biết nhảy nhót,
chỉ biết nghêu ngao những bản nhạc tình thời tiền chiến mà thôi. Sau đêm dạ vũ trở về
trại, tôi cũng háo hức cho nên cô bạn tôi đã dìu tôi những bước tập tễnh của
một điệu nhảy Slow. Thật vui! Đó là lần đầu tiên tôi tập nhảy đầm. Sau đó,
chúng tôi lăn ra ngủ vì quá mệt. Sáng hôm sau thức dậy, tôi không còn nhớ gì
đến điệu nhảy nầy nữa.
Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, chúng tôi vẫn đang ở đây,
nhưng trong lòng rất là nôn nóng, mong sao có máy bay để sớm được về nhà. Lúc
này chiến trường nóng bỏng, phương tiện chuyên chở không còn . Chúng tôi ai
cũng buồn và chờ đợi. Một, hai ngày… trôi qua. Rồi 28 tết, chúng tôi đã có
phương tiện trở về nhà. Máy bay hạ cánh xuống phi trường Đà nẵng. Sau đó, tôi
cùng chị tôi về đến Huế vào đúng chiều 29 Tết.
Đến nhà, mọi người đang
quây quần bên nồi bánh tét, bánh chưng khói lên nghi ngút. Nồi bánh thật lớn. Tôi lo ủi áo dài mới để
mặc trong ngày mai. Gần 10 giờ đêm tôi đã vào giường nằm, trong đầu óc tôi đang
tính toán là sáng mai thức dậy , tôi sẽ đi chùa, đi thăm bà con , ăn mứt bánh,
hột dưa và đi gặp người bạn trai… Giấc ngủ đến với tôi lúc nào không hay...
Vào lúc nửa đêm, tiếng
mọi người gọi nhau nhốn nháo ngoài đường, thay tiếng pháo giao thừa… mọi mơ ước
cho ngày Tết tiêu tan... Xuân Mậu Thân 1968, một mùa Xuân nhiều kỷ niệm về cuộc
chiến về cảnh chết chóc tang thương. Cành cây cầu Tràng Tiền gãy nhịp và… Sau
gần một tháng nằm dưới hầm, tôi đã trở lại trường bình an và tiếp tục học năm
học còn lại. Tôi đã gặp lại đầy đủ bạn bè thân thương...
Sau khi ra trường, tôi
đã về dạy học ở Đà nẵng. Pleiku đã xa vời vợi trong tôi, 45 năm trôi qua tôi
chưa một lần trở lại thành phố này... nhưng thành phố đó đã để lại trong tôi
nhiều kỷ niệm đẹp của một chuyến đi… thời còn là giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn.
Mùa xuân lại về với quê
nhà! Tôi thèm một chút hương vị của ngày Tết. Thịt mỡ, dưa hành,
câu đối đỏ “Cây nêu, tràng pháo, bánh
chưng xanh”. Được ngắm hoa mai nở
vàng, rồi xúng xính trong bộ quần áo mới, nghe
tiếng pháo Giao Thừa vang vang rộn rã cả lòng, đi lễ chùa đầu năm và quây quần
bên bà con, bạn bè ăn những món ăn ngày Tết… rồi ao ước sao cho mình trở lại
thời còn bé thơ…
Năm mới đến, Diệu Thơ
cầu chúc các bạn trong và ngoài nước hưởng trọn mùa Xuân vui tươi, hạnh phúc và
vạn sự như ý!
Diệu Thơ
(Úc Châu, 20 tháng 1 năm 2013)
Cái hương vị Tết ở quê hương mình bây giờ không còn như xưa nữa bởi thiếu tiếng pháo Giao Thừa và trong những ngày đầu Xuân!?
Cám ơn Chị Diệu Thơ đã nhắc đến Tết Mậu Thân, một cái Tết mà ít có ai quên được những tang thương đã mang đến cho nhiều gia đình!!
Cám ơn lời chúc Xuân của Chị, cũng xin mượn cơ hội nầy, kính chúc gia đình Chị an vui hạnh phúc trong năm mới sắp tới.
Cám ơn anh Phạm Lê Huy đã chuyển tiếp bài viết nầy.
Tha Nhân
Một bài viết dễ thương gợi nhớ lại nhiểu kỷ niệm của những ngày còn trẻ, dưới mái trường, trong bối cảnh chiến tranh tang thương mất mát. Nhắc đến hai chữ Mậu thân là nhắc đến một nổi đau thương của người dân xứ Huế, một cột mốc mà không một người dân miền Trung nào không biết tới hay có thể quên, để sau đó có tác phẩm "Giải khăn sô cho Huế' ra đời đoạt giải văn chương toàn quốc. Cám ơn tác giả Diệu Thơ đã cho đọc một đoản văn gợi nhớ nhiều về một khoảng trời đã mất .
ReplyDeleteThảo trần