Sunday, January 27, 2013

Bồng Sơn Thân Thương

Lê Cát Bá
                   * Tặng bốn cô giáo Loan, Vân, Cảm, Ren 



Tôi đến Bồng Sơn vào mùa hè năm 72. Sau những ngày tháng thảnh thơi “ru hồn mình bồng bềnh” bên dòng sông Đà Rằng nước xanh biêng biếc. Bỏ lại núi Nhạn buồn vu vơ trơ trọi một mình giữa khoảng trời mênh mông. Bỏ lại nàng và những đêm nhâm nhi cà phê Vị Thủy nghe nhạc Trịnh nát vụn hồn mình. Bỏ lại những buổi chiều đứng ngẩn ngơ, ngắm chiều rơi êm ả trên mặt đầm Ô Loan phẳng lặng, thấp thoáng vài bóng thuyền ngư phủ xa xa.
Thật ra đây không phải lần đầu tôi tới Bồng Sơn. Đầu năm 70, tôi được đổi về Trà Quang. Ở đây gặp Lợi, anh bạn người Huế rất dễ thương và cũng rất chịu chơi. Lợi thường rủ tôi hai đứa lái xe đi Bồng Sơn… uống cà phê.
- Trà Quang thiếu gì cà phê… Ra cà phê Lãnh được rồi, đi Bồng Sơn làm chi cho xa, cha nội.
Nhưng Lợi nhất định đi Bồng Sơn để ghé cà phê “Rớt”. Cà phê Rớt nghe đâu là do ba cô nữ sinh thi rớt Tú Tài buồn tình mở quán bán chơi. Có lẽ nhờ cái mác nữ sinh và cái tên nghe có chút… hơi hớm trí thức nên quán rất đông khách dù mùi vị cà phê thì cũng lưng chừng… thơm ngon tùy người. Và thế là vào những lúc buồn tình tôi và Lợi hay xách xe chạy về Bồng Sơn, ngồi ngắm ba cô thi rớt cả tiếng đồng hồ. Bồng Sơn lúc đó tương đối còn yên bình và sầm uất.
Lần về lại Bồng Sơn này không êm ả như những lần trước. Chiến cuộc leo thang, đạn bom cày xới khắp nơi. Ruộng vườn tan hoang, nhà cửa đổ nát. Đã điêu tàn lại càng thêm điêu tàn. Khuôn mặt người dân u uẩn, nỗi buồn hằn sâu trên từng khuôn mặt. Người ta có thể đọc được những dòng thơ của Quang Dũng trên từng ánh mắt:
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan…

Chân ướt chân ráo mới tới nhận nhiệm vụ, nhìn chung quanh trống trãi chẳng có ai quen.  Chỗ làm việc của  chúng tôi ngay gầm cầu phía Nam, tồi tệ hơn tôi tưởng. Tôi ngán ngẩm nhìn dòng Lại Giang nước cạn, chảy lững lờ buồn tênh như đời tôi trôi dạt mãi từ dòng sông Đồng Nai tới tận nơi này. Vâng, quê tôi cũng có một dòng sông, dòng sông rộng lớn hơn, nước sâu hơn, chảy mạnh hơn và cũng chứa chan phù sa da vàng bồi đắp đôi bờ… Tôi chợt nhớ Mẹ quá. Chắc chắn Mẹ đang lo lắng và cầu nguyện cho đứa con trai hằng đêm…
Đang thừ người ra với nỗi nhớ nhà và… nhớ Tuy Hòa, nhớ cô bé Phúc những buổi tối lang thang đi ăn mì Quảng ở quán Cầu Ông Chừ thì khoảng 12 giờ trưa, trên cao một đoàn trực thăng ầm ì từ hướng Qui Nhơn bay tới, Hai chiếc gunship gầm gừ chao lượn, lúc thấp lúc cao, xoi mói từng ngõ ngách… Rồi từng chiếc slick đáp vội vàng xuống bãi đáp, được một lúc những chiếc trực thăng lại ù ù cất cánh. Bụi hồng bay lên che mờ dẫy phố. Những chiếc trực thăng như những con chuồn chuồn “Khi vui thì đậu, khi buồn bay đi”. Sau đó, tiếng súng, tiếng pháo… ì ầm vang dội lửa cháy, cát bụi tung mù mịt.
Tiếng pháo rồi cũng êm. Chiến trường ngổn ngang. Nhà cửa thêm đổ nát… Lại có những người bị chết hai lần mà có khi là ba bốn lần tại nơi này.


Những tháng ngày sau đó, lê bước trên những đống gạch vụn, nhìn những vành khăn trắng mà xót xa. Ngồi lề đường ăn những dĩa bánh dây, bánh xèo, uống những ngụm cà phê pha bằng nước mắt, thấy thương  Bồng Sơn quá ! Thương cho đồng bào mình chịu nhiều mất mát, tang thương. Ngậm ngùi cho đất nước mình.
Đời tôi như chiếc con thoi, rày đây mai đó… Năm 1973, một lần nữa tôi lại về Bồng Sơn, tái ngộ nơi xưa. Nơi xưa phố vẫn vắng đìu hiu. Cà phê Rớt không còn. Những tà áo dài trắng thướt tha của các nữ sinh trường Tăng Bạt Hổ cùng chiếc cặp ép hờ trên ngực cũng chỉ lờ mờ trong trí nhớ. Nhà dân ở thì đổ nát, hằn vết bom đạn, chẳng ai buồn sửa sang.
Đợt về Bồng Sơn lần này có phần bình yên hơn. Tôi ăn cơm tháng ở một quán bên kia đường đối diện chỗ tôi làm. Tôi được làm quen ba cô gái ở quán này – khách ăn cơm tháng, ngày ba bốn cữ ghé quán mà lị ! Nữ và Nhi là con gái ông bà chủ, Sinh là cô cháu. Ba cô, cô nào cũng xinh cũng đẹp.
Ba cô đội gạo lên chùa.
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư

Ước gì tôi được làm sư nhỉ ! Ước vu vơ vậy thôi chứ làm sao mình thành sư được, nếu có thì cũng chỉ là một chú tiểu nho nhỏ đứng cạnh những bậc đại sư phương trượng. Tôi nhủ lòng mình thôi hãy quên đi giấc mộng ngậm ngãi tìm trầm. Tôi hàng ngày lầm lũi bận bịu với công việc sáng trưa chiều tối, mặc những ngày mưa, mặc những ngày nắng. Có một ngày đẹp trời, Ninh từ Trà Quang ra ghé thăm tôi.
- Ê ! Sao tự nhiên tốt quá vậy cha ? Ghé thăm tui ? Khó tin đó nha… !
Ninh cười mủm mỉm ra vẻ bí mật rủ tôi đi thăm một người.
- Này… Thăm Loan đúng không ?
Tôi nghe phong phanh người yêu của Ninh dạy học đâu ở ngoài này. Ninh dẫn tôi tới một quán billard. “Chơi bi da hả ?”, tôi hỏi. “Ừ… Chơi bi da”. Bước vào quán tôi lựa cây cơ. Một cô gái từ phòng trong bước ra chào Ninh mừng rỡ. Hai người lại bàn ngồi nói chuyện, còn tôi… bị chơi bi da một mình. Và từ đó tôi lại biết thêm được ở thị trấn nhỏ bé này vừa mới xuất hiện bốn cô giáo sắc nước hương trời, học Sư Phạm Quy Nhơn mới ra trường đổi về, tô đẹp cho thị trấn đổ nát, nhỏ xíu, vốn hiếm thấy những tà áo dài thướt tha. Ninh về lại Trà Quang gọi điện cho tôi: “Này ông bạn… Bên kia đường là ánh mặt trời đó !”. – “Bên kia đường nào, cha ?” – “Thì bên kia đường chỗ mày ở đó… ”. Tôi cười to thành tiếng “À ! Một tà áo tím đúng không ?” – “Đúng năm trên năm… ”. Tà áo tím mảnh mai với đôi mắt đẹp hình như lúc nào cũng reo vui này đã có lần tôi bám theo sau.
Hai cô giáo ở trọ ngay cái quán mà tôi ăn cơm tháng, sáng sáng hai cô đi dạy thướt tha trong những tà áo dài, dáng cao gầy gầy; tôi hay nhìn theo lẩm nhẩm hát: “… Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi … ”. Trưa trưa lại thấy thấp thoáng các cô về. Nói thế thì cứ nghĩ như là chúng tôi có nhiều dịp gặp nhau lắm ! Nhưng thật là hiếm hoi, vì đó là quán ăn, khách ra vào thường xuyên, mãi tới 9 giờ tối mới thưa người, mà nhất là các cô giáo thì cứ giam mình trên gác hát bài “Gác trọ về khuya cơn gió lùa… ” nên thật sự không khi nào được trò chuyện với mấy cô. Tôi cứ nghĩ và thương cho các cô giáo trẻ đi dạy ở vùng lửa đạn, vất vả trăm điều.
Quán Lưu Ý nổi tiếng ở Bồng Sơn về món ăn ngon, bây giờ lại càng nổi tiếng vì có năm cô gái đẹp “Ngũ Long Công Chúa”. Những đêm Bồng Sơn sâu hun hút, yên tĩnh đến lạ lùng. Không có điện đóm, ánh đèn dầu trong quán hắt chéo ra trước sân. Các cô bắc ghế ngồi xung quanh, tôi cũng ngồi góp chuyện với cô Nữ, cô Nhi thỉnh thoảng cô Sinh giọng nhè nhẹ: “Chú ơi… ! Chú ơi… ! ” – (Xin đừng gọi anh bằng chú !).  Còn cô giáo Cảm với nụ cười tươi vui. cô giáo Ren đôi mắt sâu lắng… Tôi ngước nhìn lên bầu trời, muôn ngàn ngôi sao lấp lánh. Đêm đẹp và huyền diệu quá ! Những giây phút ấy, tôi thấy mình hạnh phúc và con tim mình được bình yên không còn cái cảm giác cô đơn của kẻ tha phương
Đêm khuya, sương xuống, các cô lần lượt đi ngủ, quán đóng cửa. Tôi vẫn ngồi lại trước hiên nhà như canh cho từng giấc ngủ yên bình… “Đêm nghe gió tự tình. Đêm nghe đất trở mình vì mưa… ”. Rồi những đêm mưa, mưa Bồng Sơn thì dai dẳng, rả rích suốt đêm ngày. Mưa thường làm chạnh lòng kẻ xa nhà như tôi. Tôi châm điếu thuốc rồi ngân nga nửa ngâm nửa đọc:
… Ai đi qua mà chẳng từng bịn rịn
Rời đau thương nào đã mấy ai vui
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ…
(Nhà Tôi – Yên Thao)
Ừ! Em lặng buồn nhìn… làm xôn xao lòng ai. Đã có vài lần tôi được ngồi gần cô giáo ấy và tìm thấy sự yên bình cho nỗi nhớ xa xăm trong đôi mắt cô, dù chưa một lần trò chuyện, dù chưa một lần làm quen. Có sao đâu… im lặng đâu có nghĩa là không nói gì.


Tháng 2/75 tôi rời xa Bồng Sơn thân yêu mà tôi cứ ngỡ như là quê hương thứ hai của mình. Rời xa Lại Giang một vài lần tôi mơ mộng. Thị trấn Bồng Sơn nhỏ bé, chiến tranh và điêu tàn với những ngày nắng cháy da, với những đêm mưa dầm dề, dai dẳng. Rời xa những khuôn mặt dù chỉ là thoáng qua hay quen biết sơ giao nhưng tôi vẫn thấy như là ruột thịt.
Tôi thương Bồng Sơn, yêu tất cả những người Bồng Sơn. Yêu những con đường bụi cát, yêu những quán xá đơn sơ, yêu những ngôi nhà đổ nát, yêu những hàng dừa xơ xác…
Tôi bước lên xe, hành trang chỉ vỏn vẹn một chiếc ba lô. Tôi đi để lại Bồng Sơn một nửa con tim, nửa còn lại tôi mang theo về Nam. Tôi biết rằng lần ra đi này không mong có ngày trở lại. Chiến cuộc càng ngày càng khốc liệt. Biết ra sao ngày mai ? Chiếc xe từ từ lăn bánh. Tôi không dám nhìn, không dám đưa tay lên vẫy… vì sợ rằng tôi sẽ khóc… Chiếc xe ra tới giữa cầu tôi quay đầu nhìn lại, dòng Lại Giang và thị trấn Bồng Sơn mờ dần, mờ dần trong đôi mắt cay cay… 

Lê Cát Bá 
 
(Portland, OR - 12/8/11) ____________________________________
_________________________________________________________

2 comments:

  1. Chào Anh Huy và Anh Bá .
    Nào giờ QN chưa hân hạnh đọc bài viết của Anh Bá. Được đọc lần đầu qua cuốn đặc san Liên Trường do Anh Huy gởi tặng vào mùa hè năm ngoái. Đọc xong bài "Gởi người em trường nữ " tự nhiên lòng dấy lên một nỗi buồn mênh mông..
    QN nghĩ có lẽ với lớp tuổi của mình vào thời đó , nhiều mất mác tan vở quá, nên bài thơ như khơi dậy một vết thương .. dù đã lành nhưng vết sẹo vẫn còn.
    Cám ơn AnH Huy , qua anh em mới được đọc những bài viết hay, và trang nhà QN11 rất hân hạnh khi có sự hiện diện những bài viết của Anh Lê Cát Bá
    Thay mặt độc giả QN Cám ơn Hai Anh rất nhiều . Và mong được đọc thêm những bài viết khác của hai Anh .
    Trân trọng .QN11

    ReplyDelete
  2. Anh Lê Cát Bá ơi! Bài viết hay quá, cho người đọc rất nhiều cảm xúc, vui buồn lẫn lộn. Đoạn cuối làm người đọc không khỏi ngậm ngùi:
    Tôi bước lên xe, hành trang chỉ vỏn vẹn một chiếc ba lô. Tôi đi để lại Bồng Sơn một nửa con tim, nửa còn lại tôi mang theo về Nam. Tôi biết rằng lần ra đi này không mong có ngày trở lại. Chiến cuộc càng ngày càng khốc liệt. Biết ra sao ngày mai ? Chiếc xe từ từ lăn bánh. Tôi không dám nhìn, không dám đưa tay lên vẫy… vì sợ rằng tôi sẽ khóc… Chiếc xe ra tới giữa cầu tôi quay đầu nhìn lại, dòng Lại Giang và thị trấn Bồng Sơn mờ dần, mờ dần trong đôi mắt cay cay…
    Cám ơn anh nhiều! Chúc anh luôn vui khoẻ!

    ReplyDelete