Wednesday, November 14, 2012

Nguyễn Đức Đạt và Cửa Sổ của Linh Hồn

                            Nguyễn Thị Yêu Thương


Tác giả và Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt
Người ta hay nói, ’Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn’, như một khẳng định không sai biệt trong cách nhận xét về một người. Vậy đối với Nguyễn Đức Đạt thì làm sao tôi có thể tìm thấy linh hồn của anh khi đôi cánh cửa sổ đó đã phải khép kín như một định mệnh oái oăm mà Trời đã oan khiêng khắc nghiệt dành cho người nghệ sĩ này? Làm sao tôi có thể nhìn vào đôi mắt anh để tìm một giải đáp cho những câu hỏi tôi đặt ra với anh trong buổi tối hôm nay, giữa những tiếng ồn tiếng nhạc tiếng nói lao xao trong nhà hàng hơn 500 người tham dự cho một buổi tiệc gây quỹ của cộng đồng Việt Nam Tự Do mà Đạt là một quan khách. Núp sau một đôi kiếng mát đen sậm là hai khung cửa sổ đã khép kín từ thuở mới lọt lòng của Đạt. 
 
Nhìn Đạt, tôi chỉ thấy thể hiện một người đàn ông thật hiền từ, nhỏ người và có vẻ còn như là một đứa trẻ thơ từ phía xa, một cậu con trai mới lớn! Anh có dáng đi nhẹ nhàng của những người khiếm thị, chậm rãi và hơi có vẻ ngập ngừng. Nét do dự trong bước chân đi của anh lại trái hẳn hoàn toàn với nét cương quyết và mạnh dạn khi Đạt đứng hay ngồi trên sân khấu với cây đàn guitar trong tay. Thật ra chỉ cần đưa cho Đạt cây đàn quen thuộc của mình là tôi đã thấy Đạt thay đổi hẳn. Anh bỗng trở nên tự tin ngay lập tức. Cái dáng người hơi cuối xuống, mặt nghiêng nghiêng nghe ngóng, hai tay có vẻ luống cuống thừa thải khi không có đàn trong tay lại biến mất mầu nhiệm khi anh ôm đàn vào người, đưa tay phải gãy và bấm tay trái vào khung đàn lưu loát, uyển chuyển thật thiện nghệ, thật ung dung. Cây đàn guitar đã trở thành khung cửa sổ của Đạt như một lẽ tự nhiên. Cái dáng người nghiêng nghiêng có vẻ nghe ngóng, mặt hơi cuối xuống cố hữu của những người khiếm thị bỗng dưng tan biến. Hai tay anh không còn thừa thải, luống cuống không biết để đâu nữa mà đã gắn liền vào thứ nhạc cụ mà Đạt đã chọn để đem đến cho đời những bản nhạc về tình yêu về đời sống, theo một phương châm của anh: Yêu Đời thì Đời sẽ Yêu Ta. 
 
Tôi nhìn thấy sự thay đổi này của Đạt rõ ràng hơn tối nay nhờ ngồi cùng bàn với anh và có dịp quan sát thật gần. Âm nhạc quả thật là nguồn nhiệt huyết của anh và cây đàn guitar chính là cửa sổ của linh hồn Đạt, là đôi mắt mà hầu như tất cả chúng ta đã coi sự hiện hữu của nó như một lẽ tự nhiên. Nhưng đối với những người mà Trời không cho hưởng sự hiện hữu của ánh sáng thì nó trở thành một giấc mơ thật xa vời. Chỉ còn là một giấc mơ! Họ đã ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi thấy mình lại bị chọn làm một thiểu số để chịu một sự thiếu sót mà những người khi có nó trong tay, trên khuôn mặt, trên người, trong não bộ thì lại không thấy gì là quan trọng cả! Lại quên bẵng sự hiện diện tối cần của ánh sáng để soi thấu vào linh hồn của con người! Mà đã nhận lấy đặc ân của Ơn Trên như một sự kiện đương nhiên, như hơi thở và giòng máu chảy qua tim nuôi dưỡng thân thể tứ chi và đầu óc. Vì không có hơi thở và giòng máu chảy qua tim thì con người đã không còn hiện hữu nhưng khi không có cửa ngõ để bước vào cuộc đời thì họ sẽ trở thành ra sao? Một phần tử nhỏ nhoi bên lề của cuộc sống? Giữa những xôn xao của thay đổi và biến chuyển thì họ đã đứng yên chịu trận! Đã không thể nào hình dung ra được hình dạng, màu sắc và cảnh vật chung quanh mình mà chỉ có bóng tối dầy đặc trước mặt, sau lưng! Đạt nói với tôi là anh cũng đã ước ao nhìn thấy "một ngọn núi hùng vĩ một lần trong đời để thử xem nó như thế nào, chỉ một lần!" hay "sự bao la rộng lớn của sông dài, mây trắng, biển sâu ra làm sao" vì những thứ ấy anh đã không tài nào đo lường được và hoàn toàn vô phương tìm cảm giác trong bàn tay để có cảm xúc về chúng. Tôi đã thật buồn cả một lúc lâu sau với sự ao ước này.
 
Mới vài ngày trước đây tôi có nói với một người bạn về sự mất mát của những gì mình đã có. Lúc đó tôi nghĩ rằng sự đau khổ khi mất đi thứ gì mình đã hưởng thụ qua có thể sẽ nhiều hơn và sâu đậm hơn là khi mình hoàn toàn không có. Tôi đã tưởng rằng nếu tôi không thấy được từ khi mới sinh ra thì tôi sẽ không thấy đau khổ hay thất vọng hoặc gần như tuyệt vọng nếu tôi sẽ phải mất đi nguồn ánh sáng của đôi mắt ngay bây giờ. Nghĩa là khi tôi đã có sự so sánh giữa màu sắc, cảnh vật, hình dáng, chiều sâu, độ cao và tất cả... thì khi không còn cơ hội nhận xét những thứ ấy nữa thì sự thèm muốn có lại được sẽ vô cùng mãnh liệt và đau đớn. Nhưng tối nay, khi ngồi nói chuyện với Đạt thật gần, nhìn thật kỹ dáng người nhỏ nhắn, nắm lấy bàn tay thật mềm mại của người nghệ sĩ tài ba này, tôi mới hiểu rằng sự thèm khát và mong muốn của Đạt cũng đã mãnh liệt và gần như có thể đem đến niềm tuyệt vọng khi cơn thèm muốn đó lên thật cao, khi Đạt không cưỡng nổi sự lôi cuốn của đòi hỏi và giận dữ, bực dọc khi nghĩ đến cái nghiệt ngả của đời mình. Khi tức bực cho một thân phận hèn mọn nhỏ bé của một cuộc đời bất hạnh không thể tưởng! Anh cũng đã phải tập luyện cho chính mình một vài phương pháp để đối chọi với những cơn thất vọng và nỗi tuyệt vọng thỉnh thoảng trong đời, khi ý định tự huỷ là một thôi thúc thật quyến rũ và lôi cuốn, khi nhắm mắt buông xuôi có lẽ sẽ thật dễ dàng hơn là phấn đấu vươn lên. Làm sao không buồn rầu và đau khổ gần như đến bước đường cùng khi Đạt không những khiếm thị lại mồ côi và mang hình ảnh của đứa con lai giữa một xã hội Việt Nam thật khắc khe, thiếu tình thương và nâng đỡ của an sinh trong đời sống. Đạt đã cảm ơn sự hiện diện của đứa em gái vì chính sự hiện diện của đứa em gái trong cuộc đời anh đã cứu Đạt và đẩy anh trồi lên trên mặt nước mênh mông trong cơn sóng của tuyệt vọng và đau khổ. Trách nhiệm và bổn phận của một người anh đã giúp Đạt đẩy ra xa ý tưởng đen tối kia và mang anh về với cuộc đời tuy bất công nhưng vẫn mang nét thơ mộng của nó khi cần thiết!

Lớn lên giữa những bất công và hà hiếp của người đời, ăn những bữa cơm thiếu dinh dưỡng chỉ với nước lạnh chan vào làm thức ăn sau một buổi tối đi học về năm 14-15 tuổi, ở cái tuổi mà cơ thể của một người thiếu niên đang cần tất cả những thứ bổ dưỡng để trưởng thành thì anh chỉ có cơm nguội và nước lạnh thì làm sao Đạt không mang hình dáng nhỏ nhoi, yếu ớt thế kia? Đó là một trong những buổi ăn đau buồn nhất của Đạt, nó có quá nhiều lần nên khi tôi hỏi đến thì đạt cười khẻ, "Ồ, nhiều lắm, không nhớ hết đâu. Nhưng em nhớ nhất là buổi tối đó vì em biết là chỉ vài ngày nữa là tới Tết mà mình chỉ có chén cơm nguội chan nước lạnh để ăn trước khi đi ngủ thì thê thảm quá! Buồn quá! Không phải được nước trà nữa chị, có nước trà đã là may rồi!" Nhưng Đạt cũng cho tôi biết về một miếng bánh mì khô, cũ và hẩm hiu vài ngày mà anh đã được ăn trong một buổi thiền xong, ngay trong thư viện Lộc Uyển ở California, khi tôi hỏi về một bữa ăn Hạnh Phúc nhất trong đời mình. Mọi người đều cảm thấy miếng bánh mì là như vậy chỉ riêng Đạt lại cảm thấy thật ngon, thật ngọt ngào và đầy hương vị vì gần như lúc ấy anh đã đạt được sự tĩnh tâm hoàn toàn sau buổi thiền và cảm nhận được từng mùi vị, từng tinh bột của miếng bánh mì khô hẩm hiu ấy và chỉ biết là nó thật ngon. Anh nói, "như vậy em mới biết là miếng ăn ngon không phải từ chính vật mình đưa vào miệng mà là ở tâm hồn của mình cảm thấy như thế nào mà thôi! Em nhớ hoài miếng bánh mì đó, đó là bữa ăn Hạnh Phúc nhất của em"

Người nghệ sĩ tài ba này đã làm tôi xúc động thật nhiều với cái dáng ngồi ung dung trên sân khấu đêm đầu tiên nghe anh trình diễn thính phòng giữa một rừng người! Những bản nhạc thật gút mắc, đầy chi tiết đã được anh trình bày điêu luyện và dễ dàng. Những bản như Hòn Vọng Phu I, Hotel California... đã được bàn tay thiện nghệ của Đạt biến thành những giòng âm thanh réo rắc mang đủ tính chất của mọi hình vật trong không gian và vũ trụ. Âm nhạc qua sự trình diễn ung dung nhàn nhã của anh như rót vào lòng tôi những hình ảnh và sự vật mà chúng ta đã may mắn nhìn thấy và quan sát. Anh đã hát về những bản nhạc mình sáng tác đêm ấy và Tình Yêu đối với Đạt bao gồm tất cả mọi thứ tình, không phải chỉ tình trai gái nam nữ mà gom góp hết tất cả những tình người trên thế gian. Hãy ban cho nhau tình yêu và hãy hưởng thụ tình yêu trao cho nhau, tình yêu đã cho anh đôi cánh bay đi thật xa để đến những khung trời thật thần tiên và thơ mộng mà bóng tối chan hoà của cuộc đời anh đã không cho phép Đạt hưởng thụ ngoài cách thoát ly từ âm nhạc. Tuy vậy, không phải đương nhiên Đạt có được những điêu luyện tài nghệ đâu, chính anh đã phải tập hàng ngày, ít nhất là bốn tiếng mỗi ngày và có khi tám hoặc mười hai tiếng là thường khi có thì giờ. Với đứa con gái còn nhỏ tí chưa qua tuổi mười đã không cho Đạt nhiều thì giờ như trước. Ước mơ sau này của Đạt khi không còn đi lưu diễn nữa sẽ là sự truyền bá tay nghề của anh để lại cho đời sau, là một trường dạy đàn và một studio khi tuổi đã cao.
NTYT và  Nguyễn Đức Đạt
Khi Đạt trở về chỗ ngồi sau khi trình diễn tối nay, tôi lại trở về ngồi lại với anh để kết thúc những câu hỏi đặt ra cho sự tìm tòi của mình. Chén lẩu đã nguội lạnh khi Đạt đưa muỗng vào, tay xúc, tay rờ nhẹ vào chén để biết vị trí của thức ăn và đưa lên miệng thì có khi miếng được miếng không, có khi Đạt chỉ đưa muỗng không vào miệng vì không xúc được gì. Tôi hỏi Đạt có cần tôi hâm lại cho nóng không vì tính tôi không thích ăn đồ ăn nguội lạnh bao giờ, thì Đạt cười nói, "Thôi, không sao đâu chị, chị quên là em quen như thế này sao? Ăn cơm nguội lạnh là chuyện thường, là cuộc đời của em mà! Mắc công lắm, hâm làm chi!" Khi thấy Đạt hơi khó khăn đưa thức ăn vào miệng, tôi ngập ngừng, nửa muốn giúp anh nửa bấm bụng để yên. Vì tôi biết, chỉ vài tiếng đồng hồ nói chuyện với nhau tôi hiểu rõ Đạt là một người nghệ sĩ rất kiêu ngạo. Không phải anh kiêu ngạo khinh đời, coi rẻ những người chung quanh mà chính là sự kiêu ngạo của một người tự trọng, không cần sự giúp đỡ của một ai khi không cần thiết, khi chính anh có thể nương vào mình và chính mình mà thôi. Những bất công hà hiếp của người đời lúc thuở nhỏ lang thang mồ côi đói khổ của anh đã cho Đạt niềm kiêu ngạo đó trong hiện tại. Khi anh đã không còn cần vào sự ban bố, thương hại của người dưng kẻ lạ, khi miếng ăn và những nhu cầu sinh sống hàng ngày đã không còn là niềm lo ngại từng giờ từng phút của hai đứa trẻ mồ côi dẫn nhau đi trên đường phố quận 10 của Sài Gòn. Khi hai anh em đã bấm bụng nuốt trọng niềm tự hào, kiêu ngạo và trông nhờ vào sự thương hại của người đời, khi đứa anh trai mới 8-9 tuổi đầu đã phải ôm em mình trong tay dỗ dành trong tiếng khóc đau thương của em gái vì đói, khát và lạnh. Chẳng những thiếu thốn; đói, khát và lạnh trong vật chất mà còn luôn cả thiếu thốn, đói và khát và lạnh tình thương dành cho hai đứa trẻ đó nữa. Đạt nói anh không thích bị đưa vào những sự bắt buộc từ những lời nói dịu ngọt hoặc đưa đẩy để ép anh vào làm những chuyện mình không thích. Anh muốn một sự rõ ràng trong lời nói và cách cư xử vì không muốn cảm giác bị manipulated! Sự cương quyết trong lời nói này của Đạt đã cho tôi biết anh đã bị manipulated trong quá khứ khi feeling helpless, khi không thể nào cưỡng lại được và rất ghét bị lâm vào trường hợp tương tự trong hiện tại. Nhưng đó là con người của Đạt dưới sân khấu. Theo dõi sự kiện xảy ra tối đó lại cho tôi một khiá cạnh khác của Đạt, con người trên sân khấu của Đạt vẫn là một người nghệ sĩ thật dễ thương, sẵn sàng chìu lòng khán giả! Mặc dù trước đó một nửa giờ đồng hồ anh đã có ý từ chối quyết liệt dưới sân khấu!!!
 
Đạt hiện tại đang tập thiền rất chăm chỉ. Anh đã phám phá ra đạo Phật trong khoảng thời gian gần mười năm nay và trông nhờ vào nơi tín ngưỡng đó rất nhiều để tìm cho mình những an bình trong tư tưởng. Anh đã có những lúc oằn oại đau đớn, dằn vặt và đau khổ cho những suy nghĩ thật nguy hiểm mang tính cách tàn phá, huỷ diệt, vì dĩ nhiên làm người thì ai lại không có những lúc thật... Một Mình. Nhìn quanh lúc nào đó sẽ chỉ thấy chính mình đơn độc và sự bất công của Định Mệnh sẽ trồi lên vũ bảo đem nguy cơ phá huỷ làm tan nát những hướng thiện của đầu óc nếu không thức tỉnh kềm chế kịp thời. Tôi nói với Đạt là chính những cảm xúc đó trong cuộc đời bao giờ cũng là những kinh nghiệm quý báu mà không ai có thể có ngoài mình mà thôi, người ta có thể nghe kể lại nhưng người ta sẽ không bao giờ có cơ hội trải qua nếu không nằm trong hoàn cảnh. Là nghệ sĩ sáng tác thì chúng tôi đôi khi phải đi qua những đoạn đường bế tắc tuyệt vọng đó mới có được những đặc tính để mà sáng tác. Đạt đồng ý và cũng như tôi, anh đã cám ơn đời đã đưa anh những kinh nghiệm đau khổ, hãi hùng và tuyệt vọng đó để biến thành con người của hôm nay. Đạt đã nói thêm, "Nhưng em cũng mừng cho những người mà cuộc đời của họ thật phẳng lặng bình yên, đó là cái may mắn của họ và em chúc cho họ sẽ tiếp tục được vậy..." Lời nói này của Đạt đã thể hiện cá tính bao dung và rộng lượng của anh, thật đáng khâm phục. 
 
Tuy nhiên khi tôi đặt một vài câu hỏi để gợi lại cái tuổi thơ không hiện hữu của anh, Đạt đã ngập ngừng và nói tôi "đừng nhắc nhở gì nhiều đi chị, vì nó buồn quá! Chị viết về âm nhạc đi, viết cho vui vui đó!" Cái vỏ ngoài cứng rắn, bình tĩnh của Đạt khi cố quên về những bất hạnh của mình từ mấy mươi năm trưc hoặc ngay cả hiện tại thỉnh thoảng trong đời đã hiện rõ trong câu nói đó. Tôi biết bên trong tâm tư của Đạt hãy còn nhiều gút mắc chưa giải toả được, anh vẫn hãy còn cần dày công tu luyện về thiền học mới mong thoát ly hoàn toàn với một dĩ vãng quá tàn nhẫn và phũ phàng cùng một thiếu sót mà Trời đã đành lòng trao cho anh. Nhưng tôi cũng có nói thêm với Đạt rằng, "Luật Bù Trừ của Tạo Hoá bao giờ cũng có mặt cả, Đạt phải mất đi một thứ gì quý giá mới đánh đổi một thứ quý giá hơn, thì chính âm nhạc đã là một đánh đổi rất xứng đáng rồi đó Đạt!"
Cuối cùng thì ước mơ thật trẻ con của Đạt đã làm tôi bật cười. "Em muốn là người khiếm thị đầu tiên có bằng lái xe!" Tôi phá lên cười lớn, "Í trời, cái này coi bộ nguy hiểm thật à Đạt!" Đạt đã lật đật đính chính, "No no, không phải đâu, không phải bằng lái ngoài đường nhưng chỉ đậu bằng lái digitally thôi!!!"  


NTYT 12112012_________________________________
_____________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment