Thursday, November 22, 2012

Lễ Tạ Ơn .

Thanksgiving


  Hoànglonghải.

Đối với nhiều người Việt Nam đến định cư ở Hoa Kỳ thời gian về sau nầy, khi đã có đông người Việt Nam sinh sống ở Mỹ thì Lễ Tạ Ơn, - người Mỹ gọi là Thanksgiving - có lẽ đối với số đông, không gây ấn tượng mạnh mẽ cho họ.
Điều nầy khá dễ hiểu. Những người tỵ nạn nầy, khi rời trại tỵ nạn hay rời Việt Nam theo chương trình nầy hoặc chương trình khác, họ đã chuẩn bị sẵn, không hoàn hảo thì cũng tương đối. Trước đó, họ đã lo học tiếng Mỹ, các lớp ESL ở trại tỵ nạn hay lớp tiếng Anh ở Việt Nam, thậm chí có người học lấy một nghề, để phòng khi qua tới Mỹ, khỏi sợ thất nghiệp. Có người học lái xe để qua Mỹ lấy bằng lái xe cho sớm. Khi lên đường ra đi, áo quần, giày giép, mũ nón, dụng cụ, son phấn, đồng hồ, bông tai, giây chuyền, vàng bạc, hột xoàn… thậm chí cũng đủ le lói với đời khi tới phi trường Mỹ. Tới Mỹ thì cũng đã có người chờ đón sẵn: Cha mẹ, con cái, anh em, bà con, v.v… Dù có ai là “Con bà phước” thì cũng có USCC, các hội đoàn, cộng đồng người Việt ra đón, lo sẵn nhà cửa, nồi niêu soong chão, đưa đi nơi nầy nơi nọ làm giấy làm tờ, v.v

So với người ra đi hồi 30 tháng Tư 1975 thì họ khác xa. Như một giấc mơ, một loạt vùng đất tưởng như vững chắc lắm, bỗng sụp đổ như xây lầu trên cát, giây chuyền; hết Vùng 2 tới Vùng 1, rồi Việt Cộng ở ngay cửa ngõ Saigon. Thiên hạ bỗng hốt hoảng chạy trốn, bằng phương tiện gì có được. Lúc ấy, chính phủ Mỹ, ngoài việc báo chí tuyên truyền Saigon sẽ có tắm máu, cũng chưa có chính sách gì, kế hoạch gì để định cư người di tản. Họ chỉ lo việc tiếp đón hơn 120 ngàn người bất thần được đưa tới Guam, lo chỗ ăn, chỗ ở tạm thời rồi… tính sau.

 Ngay lúc đó, người di tản (thời ấy gọi là di tản, chưa gọi là tị nạn), cũng không biết tương lai của mình sẽ ra sao, sẽ đi về đâu! Có được đưa đi định cư ở Mỹ không? Cũng chưa hẵn có nhiều người muốn định cư ở Mỹ. Người có ít nhiều văn hóa Pháp thì muốn được định cư ở Pháp, với hy vọng dễ sống hơn. Cũng có người Việt gốc Hoa muốn định cư ở Đài Loan, ở Hồng Kông, hy vọng cùng chủng tộc chắc dễ làm ăn, còn dư chẳng ai muốn định cư ở Trung Cộng. Sợ Việt Cộng mà chạy, còn tìm tới “sư phụ” của Việt Cộng làm gì. Túng quẫn, cũng có người xin trở lại Việt Nam theo tàu Việt Nam Thương Tín.

Ấy thế rồi dần dần người di tản được định cư ở Mỹ.
Ngày nay, có lẽ không có nhiều người ngồi nhớ lại hay tìm hiểu những gian khổ, vui buồn, bơ vơ, lạc lõng của những người di tản tới định cư ở Hoa Kỳ hồi tiên khởi.
 Anh Trần Minh Hải, nguyên là thiếu tá, một người di tản hồi 30 tháng Tư, về Việt Nam trở lại theo tàu Việt Nam Thương Tín, nhiều đêm trong trại cải tạo - (bị tù vì Việt Cộng qui tội xin trở về lại Việt Nam để làm CIA - ) thuật lại cho tôi nghe:
 “Ở trại tỵ nạn chẳng có cái gì thiếu, muốn có cũng không có gì khó khăn. Mỗi sáng, tôi hỏi chung những gia đình tôi làm đại diện, xem ai cần gì: Cây kim, sợi chỉ, thậm chí bửu bối mấy bà xử dụng mỗi tháng một lần cũng có sẵn. Tôi ghi vào tờ giấy, đưa cho thằng Mỹ coi về supply. Nửa giờ sau, tôi nhận hàng, phân phát lại cho bà con. Gặp trường hợp emergency? Cũng được, không gì trở ngại. Đang giờ trưa, có bà tới biểu tôi đi lấy “cái ấy” cho bà. Tôi cằn nhằn: “Hồi sáng sao không nói đi!” Bà ấy cự nự tôi: “Hồi sáng tôi chưa có, bây giờ tôi mới có thì sao?” Thì sao đâu! tôi lên nói với thằng Mỹ. Nó OK liền.
 “Ăn uống thì khỏi lo, khỏi nấu. Nhà bếp nấu sẵn. Tới bữa, lên nhà ăn, cầm cái khay đi lòng vòng; ưa món gì, chìa mâm ra, có thằng Mỹ gắp thức ăn bỏ vào mâm cho; không ưa thì thôi, bỏ qua thằng Mỹ bên cạnh. Ăn xong, bỏ khay vô thùng, có người tới đem đi rửa. Người tỵ nạn khỏi làm gì hết.”
 - “Còn học tiếng Anh?” tôi hỏi.
 - “Ngay ở Guam, mới tới nơi, đã học rồi, một chữ hết sức quan trọng, chữ đầu tiên là fire. Hễ thấy cháy là hô ngay fire để tụi Mỹ kịp thời đến chữa cháy.”
 - “Nhưng buồn lắm! Nam Lộc đặt bài hát “Người di tản buồn” là phải. Buồn! Buồn lắm! Cái buồn ấy không thể nào diễn tả bằng lời được. Nó hơn hẵn “Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn” của Thế Lữ . Còn như Huy Cận “Bỗng dưng buồn bã không gian” thì chẳng thấm thía vào đâu hết. Buồn ở thời gian, dù “Màu thời gian tím ngắt” cũng chẳng ăn nhập gì! Có thể nói là cái buồn ấy vô thủy, vô chung, không biết đâu bờ bến, không biết đâu là đâu; buồn ở không gian, ở chiều cao của trời, chiều rộng của đất, chiều sâu của địa cầu mà chiều sâu thăm thẳm nhứt chính là ở tâm hồn mình. Tôi chắc chắn anh chưa bao giờ thấm thía một nỗi buồn xa xứ, thân phận mình, gia đình mình, dân tộc mình, đất nước mình đến như vậy!”
  
 - “Buồn lưu vong?” Tôi hỏi.
 - “Nó hơn thế. Buồn lưu vong thì không ít người có. Có thể hai tiếng lưu vong đó bao gồm rất nhiều phương diện: Thân phận mình, thân phận người, đủ thứ thân phận, ngay chỗ mình đang ở hoặc ngóng nhìn về quê hương nơi góc biển chân trời. Không sao nói được.”

Một người bạn khác thuật lại: 
 “Gia đình nhỏ của tôi, một vợ ba con, được một gia đình người Mỹ đón về định cư ở một town nhỏ ở phía tây Lancaster, cách hơn một giờ lái xe. Từ Lancaster đi về phía đông để tới Philadelphia cũng mất gần hai giờ lái xe. Vậy thì từ chỗ tôi ở tới Philadelphia hơn ba giờ lái xe là xa biết bao nhiêu! Có thể coi như chỗ tôi định cư là một cái “hóc mò tró” bên xứ mình. Nhưng tình người ở đây thì khác xa nhiều lắm! 

“Dĩ nhiên, mọi việc có chủ nhà, có hội đoàn, hội nhà thờ lo, giúp đỡ từ cái ăn, cái mặc, việc học hành của con cái. Tôi khó lòng quên được những nụ cười thân ái, những cái bắt tay nồng nhiệt, những thái độ lăng xăng của họ khi giúp tôi việc nầy, việc khác. Bao giờ họ cũng có một thái độ đầy nhiệt tình, một nụ cười thân mến, một hành vi thân ái. Điều ấy, an ủi tôi nhiều lắm, làm tôi an tâm trước cuộc sống mới, nơi không còn tính cách tạm bợ như ở trại tỵ nạn mà dài lâu. Tôi thấy an ủi rất nhiều khi nghĩ tới việc tôi sẽ phải ở đây dài lâu với họ và tôi hy vọng một cách sâu sắc rằng, với họ, nhờ họ, tôi sẽ vượt qua những khó khăn tôi sẽ gặp phải sau nầy.

“Tuy là người khác tôn giáo, tôi vẫn đi nhà thờ với họ. Tôi tin tưởng ở các đấng thiêng liêng bề trên, tôn giáo nào cũng có cái bản chất bác ái, từ bi, nhân đạo… Đó là những thứ tôi đang cần, không phải cho riêng tôi mà toàn thể gia đình, nhất là các con tôi để chúng có một tương lai tốt đẹp mai sau. Dĩ nhiên, tôi sinh ra và lớn lên ở đất nước Việt Nam, nơi đượm màu văn hóa phương đông, nó thích hợp với đạo Phật của tôi hơn với văn hóa của phương tây. Tiếng chuông nhà thờ dòn dã, dồn dập, khác với tiếng chuông chùa chậm rãi buông tiếng ngân nga trải vào hư không vô tận. Nhưng suy cho cùng, dù là tiếng chuông nào, nó cũng làm cho tâm hồn tôi lắng đọng, chùng xuống, đi vào chiều sâu của lòng mình, đem lại cho tôi những nỗi êm ả, nhẹ nhàng, thanh thoát, làm vơi đi những nỗi sầu muộn của một đời tha hương. 

 “Buổi chiều, trên con đường nhỏ từ nhà thờ về nhà, có hai hàng cây rợp bóng, che bớt những ánh nắng thu đã dịu xuống sau những cơn nóng của mùa hè đã qua, tôi tưởng như tôi đang đi trên con đường làng rợp bóng tre xanh, nơi tôi trải qua thời thơ ấu, không phải đến giờ nầy tôi mới xa nó mà từ lâu lắm, từ những năm xa xôi trước, khi chiến tranh mới bắt đầu. 
  “Mùa thu đã qua đi với bao nhiêu màu sắc rực rỡ của những lá sồi thay màu một cách kỳ lạ. Và rồi Thanksgiving đã tới. Một mùa Lễ Tạ Ơn đầu tiên nơi xứ người.

Tôi ngạc nhiên và thích thú về ngày Lễ Tạ Ơn của người Mỹ. Đó không phải là một ngày lễ tôn giáo, tuy người ta vẫn đi lễ để cầu nguyện. Đó là một ngày lễ đặc biệt chỉ có người Mỹ mới có. Không có một ngày lễ toàn quốc nào của dân tộc nào trên toàn thế giới giống như vậy.

Trải qua những ngày lạnh lẽo vô cùng ở miền Đông Bắc nước Mỹ, với tuyết trắng dày dặc, mây mù khắp nơi, những ngày đông u ám buồn lê thê, những đêm đông lạnh lẽo có cơn gió lạnh như cắt da thịt từ Bắc cực thổi về, người ta dễ cảm nhận ý nghĩa sâu sắc của ngày lễ đó. Ngày nay, nhà cửa khang trang đẹp đẽ, với đầy đủ tiện nghi máy sưởi, lò sưởi, nước nóng nước lạnh và áo quần rất ấm, vậy mà có không ít người muốn bỏ miền Bắc nầy di cư về phương Nam.

 Nhìn lại ngày xưa, cách nay gần bốn trăm năm, cha ông của những người Mỹ tiên khởi đến định cư ở xứ nầy, cuộc sống của họ ngày ấy, bánh mì không có ăn, áo không đủ mặc, nhà cửa thô sơ không ngăn nỗi lạnh, không che được gió thì họ khốn khổ biết bao nhiêu.

 Họ cũng như người Việt ngày hôm nay vậy. Họ rời bỏ quê hương trốn chạy cũng vì lý do bị đàn áp chính trị như chúng ta, bị đày đọa về tôn giáo như chúng ta. Nhưng ngày hôm nay, khi chúng ta đến đây, họ giang rộng vòng tay đón chúng ta, đem đến cho chúng ta nhà để ở, cơm để ăn, áo để mặc.

Ngày xưa, khi họ lần đầu tiên đặt chân đến chốn núi cả rừng sâu hoang vắng nầy, không ai đón họ, không ai đem lương thực đến cho họ, không ai cho họ áo quần mặc ấm, không ai cho họ nhà để ẩn trú những ngày đông tháng giá. Vậy rồi họ sống sót được. Khi tuyết tan, đất lại phơi bày ra, họ tự tay trồng bắp trồng khoai để tự tìm cái ăn. Và trong sự no ấm của những ngày xuân mới trở lại, họ biết ơn ai đã cho họ lương thực và từ mối xúc cảm sâu xa trong lòng họ, họ biết cảm ơn Thượng Đế đã cho họ sống còn. Ngày Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ đó.

Tôi đến Mỹ sau những người đầu tiên những gần 20 năm, và tôi cũng định cư trong một cái town nhỏ, không có một gia đình người Việt nào khác. Cũng nơi đó, tôi ăn mừng Lễ Tạ Ơn đầu tiên trong đời.

Dĩ nhiên, tôi có những suy nghĩ về Lễ Tạ Ơn như người bạn tôi kể lại trên kia, và tôi cũng tò mò lái xe đi trên đường Massasoit ở thành phố kế cận nơi tôi ở. Đây là tên đường người ta đặt ra để kỷ niệm người tù trưởng da đỏ đã đem lương thực và bảy con nai đến biếu và chung vui Lễ Tạ Ơn với những người Mỹ sống sót ngày ấy. Nhưng khi đưa miếng gà tây lên miệng, tôi thắc mắc tại sao không phải là miếng thịt nai truyền thống như trong câu chuyện. Có phải xứ Mỹ nhiều gà tây hơn nai, hoặc nai không đủ để cho người Mỹ ăn trong ngày Lễ Tạ Ơn.
            Dù thịt nai hay thịt gà tây, điều tôi suy nghĩ chính là truyền thống của người Việt chúng ta. Tại sao chúng ta không ăn mừng ngày Lễ Tạ Ơn như người Mỹ, mà quên đi câu tục ngữ “nhập gia tùy tục”. Chúng ta có bốn ngàn năm văn hiến, tự hào là một dân tộc biết trọng lễ nghĩa, và chúng ta có khi nào nghĩ đến những người giúp đỡ chúng ta theo tinh thần chung thủy của cha ông. 
            Lái xe chạy bon bon trên xa lộ, sinh hoạt trong những ngôi nhà tiện nghi ấm cúng, có đủ rau quả, thịt gà heo bò cho những bữa ăn muốn gì có nấy, áo quần không những ấm mà đẹp. Và những đêm đông lạnh lẽo, khi nhìn qua cửa kính thấy tuyết xuống hàng hàng lớp lớp ở ngoài sân, có khi nào chúng ta nghĩ tới tình cảnh của những người Mỹ đầu tiên đặt chân đến đất nước nầy khi nơi nầy chỉ toàn là rừng hoang cỏ dại, sống trong những căn lều nhỏ bé, lạnh lẽo và thiếu ăn. Ai giúp chúng ta ngày nay được sung sướng ấm no hơn tổ tiên họ. Có phải do cha ông ta phúc đức hơn hay chính do truyền thống bác ái, nhân đạo của dân tộc Mỹ, của những lời răn trong thánh kinh, của người da đỏ qua hình ảnh tù trưởng Massasoit. 
            Tìm được ai đã cho mình ấm no để bày tỏ một lời cám ơn là điều đáng quí. Trong ý nghĩa đó, du nhập một tập tục tốt của người Mỹ, ăn mừng Lễ Tạ Ơn là điều nên làm. Dù đến nước Mỹ trước hay sau, ngày Lễ Tạ Ơn là một tập tục tốt, người Việt tỵ nạn định cư ở Mỹ không nên bỏ qua.


Hoànglonghải._________________________________________________________
_______________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment