Author: Phạm văn nộ.
Tác giả áo xanh ngoài cùng, bên phải |
Các anh chị thử tưởng tượng xem, có một hôm giữa trưa hè nóng bức, trời nắng chang chang, nắng đổ đom đóm mà ngồi trên cyclo là hai người đàn bà to mập và một bao bắp, với người phu xe như tôi cúi khom người, lưng cong lại như con tôm, cố dồn hết sức lực xuống đôi chân, đạp cỡ nào cái pédal vẫn không nhúc nhích. Bỏ yên xe chạy tới trước, nắm càng xe ra sức kéo nó cũng trơ ra, chả mảy may di chuyển. May đâu có ba người phu xe đang ngồi nghỉ nắng, thấy tình cảnh trên họ bảo nhau:
“Mình xúm giúp thằng trí thức đạp cyclo một tay”. Họ phụ tôi, kẻ đẩy người kéo qua khỏi con dốc cao của cầu Thị Nghè, xong họ vỗ vai an ủi: “Bây giờ đến đoạn xuống dốc cầu, ráng lên nghe bạn”. Tôi lật đật cám ơn vừa leo lên yên cố đạp xe cho nhanh ra bến xe đó đi Tây Ninh. Tới nơi thì vừa lúc xe nổ máy chạy. Tôi cho xe cyclo chắn ngang đầu xe đò, khiến cả tài xế lẫn phụ xe cằn nhằn la lối, nhưng tôi cứ lờ đi như không nghe, vì xe đò này mỗi ngày chỉ chạy có một chuyến, không làm vậy thì hai người khách của tôi biết ăn đâu, nghỉ đâu đêm đó. Hai người đàn bà vội vàng nhảy xuống cyclo, chen lấn lên xe đò. Tôi lo bê bao bắp đưa cho lơ xe, họ thảy tiền xuống trả công cho tôi và la to: “Tặng anh thêm hai-chục đồng”. Tôi lom khom nhặt tiền, chạy lại chỗ bán thuốc lá mua một gói rồi đạp xe trở lại quảng đường cũ mời ba người bạn đồng nghề hút thuốc. Họ nhất định từ chối nói: “Cùng cảnh ngộ giúp nhau một chút có gì đâu mà bận tâm”. Tôi phải năn nỉ: “Đằng nào tôi cũng mua rồi mà tôi không biết hút thuốc, xin các anh hút giùm kẻo uổng”.
Cứ thế tôi đạp xe kiếm cơm từng bữa, đạp khắp nơi, ai cần đi đâu
mình chở đến đó. Một hôm tôi đang đạp xe thong dong kiếm khách, bỗng nghe có
tiếng gọi: “Cyclo!”. Tôi ngừng xe, ngẩn đầu lên nhìn hướng có tiếng gọi, chợt
thấy một người con gái chạy ngược vào trong căn nhà có vẻ giàu sang. Tôi đứng
chờ một lúc thật lâu không thấy cô gái quay ra. Tôi sốt ruột xuống xe, bước tới
cửa nhìn vào, thấy cô gái đang đứng quay mặt vào tường, tôi liền lên tiếng: “Cô
ơi! Sao cô gọi xe mà không ra đi”. Khi ấy cô gái mới quay mặt ra khóc òa và
nói: “Thầy ơi! Tại sao lại ra nông nỗi thế này!”. Tôi bình tĩnh nói: “Cô ơi!
Đời mà, có gì đâu mà cô thương tâm quá vậy?”. Cô gái vẫn tức tưởi khóc không
ngừng. Tôi lại phải năn nỉ: “Thôi thì nếu cô thương hoàn cảnh tôi, xin cố cứ ra
xe ngồi tự nhiên cho tôi chở cô đi, để tôi có tiền mua gạo cho con tôi ăn bữa
nay; còn cô từ chối ngồi trên xe tôi có nghiã là cô đã gián tiếp hại tôi và con
tôi sẽ đói. Khi đó cô ta mới chịu ngồi lên xe cho tôi chở đi. Qua hai ngày sau,
khi tôi đi làm về được vợ tôi cho biết có một cô gái chở đến nhà cho một bao
gạo và nói: “Biếu Thầy Cô nấu cơm cho các em ăn”. Để tránh sự việc này tái diễn
tôi bỏ tuyến đường cũ này và đạp xe trên những tuyến đường khác từ bữa đó,
nhưng lòng không bao giờ quên tình cảm tốt đẹp của cô học trò cũ này”.
Chăm chú nghe Thầy kể chuyện mà không biết tự lúc nào môi tôi
thấy mằn mặn, mắt tôi cay cay, khi đó mới chợt nhận ra rằng mình giống cô kia
mất rồi. Cô Hoa ngồi bên Thầy cũng buồn buồn tiếp lời: “Cả thằng con trai lớn
của chúng tôi vì không có tám trăm nạp đơn thi vào đại học nên cũng theo nghề
của cha đạp xe một thời gian”. Thầy tiếp tục kể: “Tôi đạp xe như vậy là mười
năm cả thảy. Đến năm 1985 giới trí thức bỏ đi hết, đại học thiếu giáo sư nên họ
mới cho tôi dạy lại”. Thầy thấy không khí hơi ngột ngạt nên Thầy pha trò: “Nay
thì tôi đã tám mươi tuổi rồi, mọi việc sướng khổ vui buồn đều trải qua. Cái vui
nên nhớ, cái buồn quên đi; nên bây giờ hễ nằm xuống ngủ là mơ toàn mộng đẹp,
như thấy mình là một thanh niên đứng tựa cây phượng vỹ đợi đối tượng đến. Đợi
cả giờ nàng mới xuất hiện mà còn từ từ đếm bước khoan thai mới khổ chứ”. Cô mỉm
cười nói: “Ông ấy có nhiều chuyện để nói lắm, nói cả ngày không hết đâu”.
Chúng tôi xin phép chụp chung với Thầy Cô vài tấm hình làm kỷ
niệm. Thầy vui vẻ nói: “Tôi rất sẵn sàng nhưng nhà tôi thì chắc không mấy
thích, vì sau tám lần sinh con đều nuôi bằng sữa mẹ; tiếp đến năm bảy-lăm ăn
uống không đủ dinh dưỡng nên người cứ sụt ký hoài, nay có tẩm bổ gì cũng cứ gầy
rộc người đi”. Tuy Thầy nói vậy nhưng khi chúng tôi mời Thầy Cô ngồi và chúng
tôi cùng đứng sau lưng Thầy Cô để cô con gái Thầy Cô chụp cho vài tấm hình thì
Cô vui vẻ nhận lời ngay.
Thầy Trò hàn huyên cũng khá lâu nên sau khi chụp hình xong,
chúng tôi xin phép Thầy Cô ra về để kịp thời đi thăm Cô Bích. Thầy Trò quyến
luyến mãi. Thầy Cô tiển chúng tôi ra tận cổng. Nghĩ rằng bắt tay xong Thầy sẽ
đi vào nên cả đám nói lén: “Thấy Thầy da dẻ hồng hào khỏe mạnh thật mừng cho
Thầy; còn tội nghiệp Cô quá gầy yếu, thấy thương ơi là thương”. Bất thình lình
tôi quay lại thấy Thầy còn lẻo đẻo theo sau lưng. Thầy tiển chúng tôi ra tận
đường cái.
Nhà Cô Bích cách nhà Thầy không xa mấy, nhưng rủi cho chúng tôi
là Cô mới đi chùa cầu siêu cho người quen vừa qua đời. Con gái Cô Bích ân cần mời
chúng tôi vào nhà chơi đợi mẹ về, nhưng vì có hẹn với một nhóm anh em khác nên
chúng tôi gởi lại quà tặng Cô rồi từ giã và hẹn dịp khác trở lại thăm Cô.
Điều lâu nay chúng tôi hằng tâm nguyện mong có ngày gặp lại Thầy
Cô Bùi Khương đã được thực hiện. Chúng tôi nghẹn ngào trước những bất hạnh đã
xảy ra cho Thầy Cô, và cũng rất hảnh diện như học được một bài học quý từ sự
bình thản chiến đấu với nghịch cảnh và vương lên của Thầy Cô và gia đình.
Chúng tôi rất vui mừng khi biết “cơn bỉ cực” đã chấm dứt và “hồi
thái lai” đã đến với gia đình Thầy Cô, khi biết tất cả các em — những người con
ngoan hiền và hiếu thảo của Thầy Cô – đã cùng cố gắng vươn lên trước nghịch
cảnh và hiện đều đã rất thành đạt trong xã hội.
Xin ngưỡng phục ý chí của cả gia đình Thầy Cô và xin cảm tạ
Thượng Đế đã ban ơn lành xuống cho gia đình Thầy Cô Bùi Khương của chúng tôi.
Mời đọc phần #1 : ĐI TÌM THẦY CŨ – Phạm Văn Nộ
Mời đọc phần #1 : ĐI TÌM THẦY CŨ – Phạm Văn Nộ
Nguồn: (ĐS CĐ-NTH Qui Nhơn 2011 — Houston / Texas)
Lê Huy ( chuyển tiếp)________________________________________________
________________________________________________________________________
________________________________________________________________________
ReplyDeleteCám ơn anh Lê Huy đã chuyển tiếp bài viết nầy, câu chuyện "bi đát" về một người Thầy đã trải qua trong giai đoạn đổi đời!!
Em cám ơn anh, đây là người thầy mà em rất kính trọng, năm nay thầy đã 83 tuổi rồi.
ReplyDeleteAnh Phạm Văn Nộ mến,
ReplyDeleteXin anh cho tôi địa chỉ của thày Bùi Khương, tôi cũng là học trò cũ của thày (trường Vinh Sơn Liêm, Gò Vấp). Tuần tới tôi về VN dự định sẽ đi thăm thày nhưng không biết nhà; tôi đến một lần vào năm 1978 nhưng đã quên ngõ.
Cảm ơn anh,
Nguyễn Đức Cường (email: nguyencuongandy@gmail.com)
QN đã chuyển comm của anh đến anh Nộ. Và anh ấy trả lòi như sau:
Delete"Anh Cương thân mến.
Ngày mai tôi sẽ gỏi đến anh địa chỉ và đường đi đến nhà thầy Khương."
PVN