Nẫu sinh ra không có được nhiều may mắn như người khác, nói là không may mắn bởi vì Nẫu không được khỏe về thể chất, lại yếu đuối về tinh thần, mà chuyện học hành thì bết bát nữa. Tới cái tuổi mà hầu hết bạn bè trang lứa đã có bạn gái, không ít đứa thì đã cưới vợ và cũng có con. Thế mà, Nẫu vẫn chưa tìm ra được một bóng hồng nào để che chở cái tấm thân gầy tong, gầy teo của mình!
Thời đó, mấy đứa con gái cùng làng hay luôn cả làng bên cạnh, chẳng hề đoái hoài gì tới cái “tình cảm” chân thật, xuất phát tận đáy lòng, từ trái tim đang hồi biết yêu của Nẫu!
Nếu nhỡ có nhìn vào mắt cô nào thì cũng luôn bị mắng:
- Xí, bộ muốn trèo cao hả?
Họ nói vậy thì cũng phải, bởi vì các cô luôn mơ gặp những anh chàng sĩ quan vừa đẹp trai, trong cái thân thể rắn chắc, lại thêm mấy cái bông mai được gắn trên cổ áo, cái cổ áo được nhuộm hồ và được ũi sát lẽm. Nhìn mấy anh mà Nẫu còn muốn mê, huống hồ chi là các cô! Nghĩ lại, Nẫu thấy tủi thân lắm!
Cũng may cho Nẫu, cái cô coi bộ “bắt mắt” nhất trong làng, cái cô được cho là khó tính và vì quá kén chọn cho nên đã mất đi nhiều cơ hội tuyển chồng. Sau 1975, ngoài đường thì vắng bóng những chàng sĩ quan, trong làng thì mấy đứa thanh niên đồng lứa cũng đã có vợ có con hết rồi, chỉ có một mình Nẫu là vẫn còn độc thân.
Lợi dụng tình hình, Nẫu liền tung tin thất thiệt, nói với ba mẹ nàng là những thanh niên nam nữ nào còn sống độc thân thì sẽ bị gọi cho tham gia công tác thủy lợi xa nhà cả năm lận. Cô ta thì chân yếu tay mềm, nghe nói tới chuyện đi thủy lợi là cả nhà đâm lo, hối thúc cô phải tìm cho ra một tấm chồng để khỏi bị khổ thân. Nhờ thế mà Nẫu rước được nàng về làm vợ, lúc đầu nàng cũng còn coi thường Nẫu lắm, chê Nẫu đủ điều.
Những cái nàng chê thì cũng không sai tí nào cả, nhưng Nẫu cũng có chút tự ái của một thằng đàn ông chứ, Nẫu bèn dọa chia tay thì nàng sợ liền. Nẫu biết rõ, không phải là nàng sợ mất Nẫu mà chỉ vì nàng sợ bị bắt đi công tác thủy lợi nếu phải chia tay với Nẫu đấy thôi!
Nhưng dần dà, nhờ Nẫu chịu khó phục vụ cuộc sống của nàng, nhờ Nẫu đã dành tất cả tình yêu nồng cháy dâng trọn cho nàng (chứ còn ai khác để được chia sớt tình yêu của Nẫu đâu mà không dâng trọn!?), bởi thế cho nên nàng bắt đầu yêu Nẫu chút chút. Mấy đứa bạn của Nẫu mãi ganh tị:
- Mầy thật là may mắn, đúng là mèo mù vớ cá rán, quả không sai!?
Thời thế tạo anh hùng đấy thôi chứ Nẫu nào có tài cán gì hơn người đâu, được vợ thì mừng vô hạn mà lại được vợ “hiếm” nữa thì còn gì cho bằng (hiếm là vì trong làng chỉ có một mình cô ta là nằm trong độ tuổi quá lứa).
Rồi một may mắn khác nữa lại tới, nhờ buôn bán ở chợ trời cũng khá lâu cho nên có người tổ chức chuyến vượt biên nhờ Nẫu làm mối mua một cái hải bàn. Nẫu đáp ứng ngay, và sẵn có ít tiền tích cóp Nẫu xin ông cho vợ chồng Nẫu theo cùng, và được ông chấp nhận.
Nẫu được đưa ra một hòn đảo vắng bằng một chiếc thuyền con, phải trốn trong hang đá một ngày, ngày sau thì vợ Nẫu cũng tới đảo. Đêm hôm đó thì thuyền mẹ ghé bốc mọi người, kiểm tra lại thì duy nhất chỉ có Nẫu là đủ vợ, đủ chồng. Những người vợ khác đều bị kẹt lại, không chuyển ra đảo vào giờ chót được, vì chuyến đi nghi bị “bể”.
Nẫu lại cảm thấy đời mình thật hạnh phúc vì mang được vợ theo trong lúc mấy người khác rơi lệ khi phải chấp nhận xa lìa quê hương mà còn bị chia cắt tình nghĩa vợ chồng con cái nữa!?
Nẫu cầm tay vợ mình, nói nhỏ:
- Đời anh quá hạnh phúc, nhờ có em bên cạnh em ạ!?
Lần đầu tiên Nẫu thấy nàng rươm rướm nước mắt, siết chặt tay Nẫu và thỏ thẻ:
- Cám ơn anh!
Cũng lại là lần đầu tiên nàng gọi Nẫu bằng tiếng “anh” nghe ngọt lịm, lòng Nẫu bổng dâng trào một niềm hạnh phúc vô biên.
Thế rồi, mấy ngày sau, một cơn bão cấp 6, cấp 7 gì đó âp tới, (Nẫu chỉ nghe mấy ông tài công nói vậy thì hiểu vậy, chứ Nẫu nào có biết gì về bão ở giữa biển khơi đâu!). Lúc đó, mấy ông độc thân thì khóc như ri, lại khóc lớn hơn khi nghe mấy ông tài công, trông thật lực lưỡng, mà cũng khóc than:
- Chuyến nầy chỉ có vợ chồng ông Nẫu là chết có đôi có cặp mà thôi, tụi mình chết thì bị biến thành "ma cô đơn" rồi, hu..hu!!!
Cơn bão mạnh đến độ đẩy chếc thuyền lên cao rồi thả rơi xuống thật nhanh, cứ mỗi lần như thế thì vợ Nẫu lại ghì sát thân Nẫu vào sát thân nàng.
Đây cũng lại là lần đầu tiên vợ Nẫu ôm chặt lấy Nẫu như vậy, nàng ôm chặt lấy Nẫu trong cái tâm trạng muốn được Nẫu bảo vệ. Lòng Nẫu bổng dâng tràn một niềm hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ dứt!
Cơn bão rồi cũng qua đi, mọi người tỏ ra mừng rỡ vì biết mình còn được sống. Nẫu cũng có cùng niềm vui như vậy, nhưng không trọn vẹn cho một niềm vui, bởi vì sau cái đêm bão tố đó vợ Nẫu không còn thèm ôm Nẫu như thế nữa. Nẫu thầm trách sao ông trời không chịu kéo dài cơn bão lâu hơn!?
Nẫu tới được đất liền, gặp ngay thằng bạn thân đi vượt biên trước đó hơn một năm. Gặp nhau, hai đứa mừng vô hạn, tối hôm đó thằng bạn rủ Nẫu ra cái quán bia trước cổng trại để hàn huyên tâm sự. Nẫu kể cho nó nghe những “niềm hạnh phúc” của đời Nẫu, nghe chưa hết câu chuyện thì nó bổng cười chế nhạo:
- Mầy có biết trong trại nầy, người ta phân loại đám đàn ông ra sao không?
Nẫu tỏ vẻ ngạc nhiên thì nó cho biết:
- Ông nào có vợ đã đi định cư trước ở một nước thứ ba, là nhóm đàn ông hạnh phúc nhất
- Ông nào còn độc thân thì được xếp vào nhóm hạnh phúc thứ nhì
- Ông nào tới trại mà có vợ còn bị kẹt lại VN, thì được xếp vào nhóm hạnh phúc kế tiếp.
- Ông nào tới trại mà có mang được vợ theo là “bad luck” nhất!
Biết Nẫu ngạc nhiên, nó bảo:
- Sau chừng vài tháng ở đây thì mầy sẽ hiểu điều tao nói là đúng hay sai, hãy chờ xem!
Và quả thật như vậy, cái trại tỵ nạn không rộng lắm mà chứa cả mấy ngàn người, đi qua đi lại là thấy mặt nhau hết. Trại Palawan tại Phi Luật Tân nằm trên một hòn đảo có bãi cát trắng với hàng dừa xanh trông thật thơ mộng. Trại nầy được đánh giá là một trại được đối xử tử tế nhất. Có lẽ vì thế cho nên cao ủy tỵ nạn không tỏ ra “cấp bách” trong việc cho đi định cư sớm, vì phải dành ưu tiên cho một số trại ở các nước khác.
Phong cảnh hữu tình, đời sống thoải mái và thời gian ở lâu là nhân tố đã giúp nhiều “mối tình chớp nhoáng” phát sinh.
Nhờ những món tiền do mấy bà vợ đi định cư trước gởi qua, mấy ông độc thân tại chỗ nầy quả là đào hoa nhất trại.
Những chàng thanh niên chưa vợ thì đều có những mối tình (tiến gần hay tiến xa) để tối tối dẫn ra vườn dừa dọc bãi biển mà tâm sự.
Mấy ông có vợ còn bị kẹt lại VN thì đa số cũng có vài mối tình bỏ túi, cho quên thời gian đợi chờ cái ngày lên đường đi định cư.
Riêng những người có vợ mang theo bên mình (giống như Nẫu) thì được đánh giá là “đàng hoàng” nhất, bởi vì nhất cử nhất động đều bị phát hiện!
Ngày rời khỏi trại rồi cũng tới, Nẫu cảm thấy có nhiều hạnh phúc bên vợ. Tới quốc gia thứ ba thì Nẫu gặp lại thằng bạn cũ, nó hỏi liền:
- Mầy có còn nhớ những gì tao nói khi mầy vừa tới trại ở Phi không?
Nẫu gật đầu thay câu trả lời!
Bẵng đi một thời gian khá lâu, cũng gần 20 năm trôi qua trên đất khách quê người thì Nẫu cũng lại gặp thằng bạn cũ đó lần nữa, trong một buổi tiệc cưới con của người quen hồi ở bên trại. Kể cho nhau nghe, hỏi thăm đủ thứ chuyện từ chuyện bên nầy, qua chuyện bên trại cho tới chuyện VN. Lúc nầy, phong trào về thăm quê nhà nở rộ như hoa nở giữa mùa Xuân. Thằng bạn lại hỏi:
- Mầy có biết bây giờ người ta phân loại đàn ông hạnh phúc như thế nào không?
Nẫu hơi bở ngở trước câu hỏi nầy và lắc lắc cái đầu như để trả lời là Nẫu không biết. Nó nói tiếp:
- Nhóm đàn ông nào có đủ cha mẹ (hay còn cha hoặc mẹ) còn sống và đang ở VN, mà cứ bệnh hoài nhưng không chết là hạnh phúc nhất
- Nhóm đàn ông nào mà cha mẹ đã mất bên VN thì hạnh phúc thứ nhì
- Nhóm đàn ông nào mà có cha mẹ còn sống đang ở bên nầy là được xếp vào nhóm tiếp theo
- Ai có cha mẹ đã mất mà được chôn cất bên nầy thì là “bad luck” nhất.
Nẫu lại ngạc nhiên, trố mắt nhìn nó như để tìm câu trả lời nhưng nó lại bảo mầy cứ về VN một lần thì sẽ hiểu điều tao muốn nói.
Nẫu chưa vế thăm quê nhà lần nào cho nên không hiểu gì ráo, cho tới một hôm, trong một buổi tiệc cuối năm, nghe mấy người tham dự buổi tiệc, kể rằng:
- Cậu biết không, thằng A đó, nó hên quá đi, mẹ nó bệnh gì không biết mà cứ trở đi trở lại nhiều lần cho nên vợ nó phải chịu để nó về bên đó hoài, nó kể lại nghe đã lắm!?
- À, còn thằng B nữa, cha nó vừa chết, nó về xả tang, làm mộ..coi bộ nó cũng vui lắm!
- Thằng C còn đỡ hơn tao, ba mẹ nó chết bên VN lâu rồi, nó cũng được về để hốt cốt, dời mộ, sửa mộ theo phong thủy để cho con cái ăn nên làm ra, cho nên vợ nó không dám cản.
- Con vợ tao nó cứ nằn nặc nhất định không cho tao về thăm quê. Nó bảo ba mẹ ông ở đây rồi mà còn về bên đó thăm ai nữa, làm tao cứng họng luôn. Nhưng tao còn chờ cái cơ hội duy nhất, tao đang thuyết phục ông bà già tao về bên đó cho hạp khí hậu, cho có tình hàng xóm, tình bà con ..để tao có cớ nói với vợ tao là cần đưa cha mẹ đi và đón cha mẹ về. Khốn nỗi ông bà già tao không chịu vậy. Bây giờ tao chỉ còn một hy vọng cuối cùng là chờ tới khi ổng bã chết, tao sẽ đem hài cốt về bên đó, chắc con vợ tao không dám cản tao đâu, tao nói đó là ý muốn của ba mẹ tao mà!
- Còn thằng D đó, mầy nhớ không? Tôi nghiệp thằng nầy, nó coi như bị "đứt đường tơ" rồi. Cha mẹ nó đã qua đời và chôn cả bên nầy thì còn cái lý do gì để đi về VN nữa, phải không, nghe nói nó muốn phát bệnh tâm thần luôn vì vậy!?
Nghe trọn câu chuyện, thấy hoàn cảnh của mình cũng giống như nhân vật D nào đó, Nẫu tự hỏi: "Có phải mình vẫn còn là người đàn ông hạnh phúc hay không!?"
Nẫu Nhân.___________________________________________
___________________________________________________
Tác giả viết quá đúng luôn , đọc tới đâu tui cười tới đó. cười mà buồn chứ không phải cười vì vui đâu, cười cho tình đời, cho lòng người. Đàn ông là vậy. là giống vô tâm , lòng bạc như vôi.
ReplyDeleteCám ơn tác giả bài viết: vừa vui, vừa trào lộng và ý nghĩa
Bài viết quá hay luôn . Nói lên được những mặt trái cuộc đời hiện tại. Cũng dễ hiểu, Các ông chỉ có về tới VN mới thấy mình có giá , tư tưởng mới có thể du lịch về miền ảo mộng với những bóng hồng tươi trẻ nhỏ hơn mình vô số tuổi ... Thật tội cho những người vợ hiền, suốt đời hy sinh cho gia đình.
ReplyDeleteLH.