Thứ tư, 04 Tháng 7 2012 23:58
Mấy tháng nay em có may mắn biết về bệnh tình của thầy. Lẽ thường tình của đời sống là sinh lão bệnh tử, vậy mà em học hoài, đọc hoài có thuộc bài đâu. Nên chi khi nghe tin thầy ra đi, lòng em xốn xang lắm. Có một điều gì đấy làm em suy nghĩ. Dù em không học thầy ngày nào, nhưng tên tuổi thầy đã đứng ở một đỉnh cao trong lòng người đọc. Và em là độc giả thường xuyên ở trang web của thầy,
và em luôn hãnh diện là có thầy, một nhà văn Bình Định lỗi lạc trong văn đàn Việt Nam. Lòng ngưỡng mộ một nhà văn luôn là niềm hạnh phúc trong em và đặc biệt thầy là con dân của vùng đất Tây Sơn, vùng đất đã làm nên lịch sử!
Bây giờ thầy đã nằm yên. Bây giờ em mới thấy là đời sống quá mong manh, như những sợi tơ trời. Lóng lánh đấy rồi cũng mù mờ trong cõi đời nhau. Ôi cái chết! Cái chết là gì mà làm chúng ta trăm nghìn giọt lệ khi phải chia ly!
Nhưng nói đến cái chết, tự nó, có lẽ cái chết không làm mình sợ, phải thế không thầy? Em nghĩ có lẽ nỗi sợ hãi là sự kéo dài của những đớn đau thể xác và niềm tuyệt vọng chờ đợi ngày ra đi. Nghĩ thế bởi những tháng ngày qua em cũng đã rơi vào khoảng lặng điếng người. Và chỉ có ai đã từng như thế mới hiểu niềm tuyệt vọng nó quấn lấy chúng ta nghẹt thở như thế nào mà thôi, phải thế không thầy?
Trong đời sống văn chương, người ta hay nói nếu nói đến thi sĩ Hàn Mặc Tử phải nhắc đến bài Đây Thôn Vĩ Dạ, nếu nói đến nhà thơ Quãng Dũng phải nói đến bài Đôi mắt người Sơn Tây và bài Tây Tiến. Còn với thầy của chúng ta, khi nói đến thầy, đến nhà văn Nguyễn Mộng Giác, em luôn nhớ đến Sông Côn Mùa Lũ, Mùa BiểnĐộng và Ngựa Nản Chân Bon!
Thật lòng là dù em đã lớn lên ở Qui Nhơn, Bình Định nhưng những địa dự của tỉnh thành, em thật là mù mịt. Mãi đến khi em đọc Sông Côn Mùa Lũ em mới biết là trong lòng quê hương Bình Định đã có một giòng sông với cái tên "Côn" hiện diện. Giòng sông có lúc êm đềm có lúc cuồng nộ và chính sắc thái này đã khuấy động tâm hồn một người con lúc nào cũng yêu mến nơi sinh ra để những dòng chữ đầy tâm tình và nhiệt huyết chấp nối thành một trường thiên tiểu thuyết. Đó là Sông Côn Mùa Lũ. Và trường thiên tiểu thuyết này đã là một biểu tượng làm nên nhà văn Nguyễn Mộng Giác mà độc giả ngưỡng mộ mến thương, một thầy giáo mà học trò và đồng nghiệp luôn yêu thương và kính trọng.
Em không dám phân tích hay phê bình những tác phẩm của thầy vì em không có khả năng nhìn thấy một bao trùm rộng lớn, hay một chiều sâu vô cùng tận ở những tác phẩm của thầy, nhưng ở một góc nào đó của tâm hồn em, em nghĩ là em đọc được thầy, đọc được những trăn trở, những tình cảm nồng nàn thầy đã dành cho quê nhà, những yêu thương, hờn giận,
những...những...Em tin là thầy đã sống hết sức mình, sống trọn vẹn, sống bằng tất cả hồn mình, sống bằng tim, óc, phổi của mình. Yêu thương giận hờn hay ghét bỏ...thầy đã sống đến muốn đứt sợi dây đời căng thẳng trong một thế hệ với nhiều bất trắc.
Vậy thì, thầy ơi!
Hãy ra đi một cách thanh thản và nhẹ nhàng thầy nhé. Nền đất là nhà và cát bụi là những hạt mầm rồi sẽ hồi sinh khi gặp nắng gió mưa nguồn.
Em xin vĩnh biệt thầy.
4 tháng 7 năm 2012
Nguyễn Kim Tiến .
__________________________________________________________________________
Cám ơn Kim Tiến với một bài viết tiển Thầy thật xúc đông . Xin chia sẻ với bạn .
ReplyDeleteHuong N ./
Cũng chẳng khác gì Kim Tiến, nếu không có tác phẩm "Sông Côn Mùa Lũ" của Thầy Giác thì tôi đã không biết được rằng, vùng đất mà mình sinh ra và lớn lên lại có một dòng sông mang tên là sông Côn!!
ReplyDeleteCám ơn bài viết "thư tiễn Thầy" của Kim Tiến, có cùng một cảm xúc khi mất đi một người Thầy và một nhà văn thật đáng kính!
đinh tấn khương
Khoảng năm 95, tình cờ trong một dịp từ San Jose đưa Ba Má tôi qua Houston thăm bạn . Thời điểm đó tôi chưa biết bạn bè nào ở Houston hết, Các con bạn già Ba Má tôi bận làm ăn buôn bán, nên các ông bà già .. chỉ ở nhà hàn huyên tâm sự. Đang chán quá, đi ra đi vô thì vớ được cuốn sách Sông Côn mùa lũ của thầy Nguyễn Mộng Giác. Tôi như buồn ngủ gặp chiếu manh, ôm hai tập truyện dày cộm đọc say sưa, truyện hấp dẫn đưa đẩy , có chuyện tình yêu lồng trong bối cảnh lịch sử ... cuốn hút tôi đọc mê man từ đầu đến cuối ..
ReplyDeleteTôi nhớ khi gấp truyện lại , trong tôi cứ vương vấn mãi về mối tình éo le, không thành của cô con gái Thầy giáo Hiến với Nguyễn Huệ mà thấy bùi ngùi thương cảm cho cô ...
Viết ra cũng hơi mắc cở về sự dốt nát của mình , không biết sao cuốn sách tôi đọc lúc đó , trang bià tên cuốn truyện không có dấu , làm tôi cứ tưởng tên truyện là "Sóng cồn mưa lũ ".. Thời đó internet không thịnh hành như bây giờ , nên phải mấy năm sau , khi đọc lại đâu đó mới biết tên truyện thật ra là "Sông Côn Mùa lũ" ...Một kỷ niệm mà mãi giờ này vẫn nhớ , vẫn thầm cười cho sự dốt nát về địa dư của quê mình . Giống như nhiều người , nhờ thầy mà tôi mới biết quê mình có con sông Côn .
Rất cảm ơn Kim Tiến về bài viết cảm động . Chúng ta vừa mất một người thầy đáng kính , một văn tài của đất Tây sơn - Bình Định .
QN/
Sóng cồn ,mưa lũ đã qua.
ReplyDelete"Sông Côn mùa lũ " quê ta lại về,
Thương "Thầy" đau đáu tình quê;
"Tiếng chim vườn cũ " bay về cõi Tiên .
...em còn nhớ đặc san Cường Đễ năm 1973 có tên là " Giao mùa " , tụi em qua trường Nhân Thảo bán đặc san , gặp Thầy đang có giờ dạy văn , tụi em xin phép thầy ngừng giảng mấy phút để quảng bá cho đặc san của trường , thầy mượn một cuốn , lật xem qua một số bài viết rồi hiền từ khen " khá đấy " ... mới đấy ,mà Thầy đã về một nơi không lo âu , không muộn phiền ...
ReplyDeleteCám ơn DO , Anh ĐTK , bạn Hương N vào trang nhà chia sẻ
ReplyDeleteQN11