Saturday, July 7, 2012

Nữ sinh Diane Trần và Luật cưỡng bách giáo dục của Tiểu bang Texas

            Phóng sự của VOA -  Nguyễn Phục Hưng thực hiện


 Diane Trần là một nữ sinh 17 tuổi lớp 11 của trường Willis High School tại Willis, một thị trấn nhỏ cách Houston, tiểu bang Texas, khoảng 50 dặm về phía Bắc.   Theo tin trên đài truyền hình CBS tại Houston thì trong tháng Tư vừa qua, Diane Trần đã phải ra tòa vì tội bỏ học quá 10 ngày trong 6 tháng và đã bị chánh án Lanny Moriarty cảnh cáo là sẽ bị phạt nặng nếu tiếp tục bỏ học. 
Sau đó Diane lại tiếp tục vắng mặt tại lớp thêm vài ngày nữa, nên ngày 23 tháng 5, năm 2012, chánh án Moriarty triệu hồi Diane ra tòa để trả lời lý do cô vẫn vắng mặt tại lớp học.  Ngay tại phiên tòa này, Diane Trần đã bị chánh án Moriarty phạt 1 ngày tù ở và 100 Mỹ Kim vì 2 tội danh là khinh thường tòa án và bỏ học không có lý do chính đáng.


Bản án này đã gây xúc động cho nhiều người, không chỉ tại Texas mà còn tại nhiều nơi trên nước Mỹ, cùng một số quốc gia khác trên thế giới sau khi đài KHOU-TV Houston loan tin chi tiết. Theo đài KHOU-TV thì Diane Trần là một học sinh xuất sắc, sở dĩ Cô vắng mặt nhiều ngày tại lớp học không phải vì Cô trốn học đi chơi mà vì Cô quá mệt không dậy đi học được đúng giờ. Vẫn theo đài KHOU TV thì hoàn cảnh của Diane Trần rất đặc biệt vì Cô phải đi làm 2 công việc để trợ giúp một người anh đang học đại học và một em gái còn nhỏ vì cha mẹ vừa bất ngờ ly dị, không săn sóc gia đình nữa.

Nói chuyện cùng Diane Trần, chúng tôi được biết mẹ Cô là người gốc Đại Hàn, cha Cô là một người Việt tị nạn cộng sản và Cô sinh ra tại tiểu bang Florida, trước khi gia đình Cô đến cự ngụ tại Texas. Cô có thể hiểu tiếng Việt nhưng không nói được lưu loát và Cô dường như còn bị xúc động khi cha mẹ bất ngờ ly dị. Được hỏi tại sao không trình bày sự khó khăn của Cô trước tòa, Diane nói vì Chánh án không hỏi nên Cô không nói ra chuyện gia đình. Dù bị nằm trong nhà tù một đêm nhưng Cô không trách vị chánh án đã nghiêm khắc với Cô, vì theo Diane thì ông không biết rõ hoàn cảnh của Cô mà thôi:
"He didn't really ask me that. I am not going to blame him. My parents is divorced and I am going through tough time, I have to work and I am so tired, I am not blaming him. He did not know my situation. I am sure if he knew he wouldn't have done that" 

Khi được hỏi tại sao Cô phải lo gánh nặng gia đình vì đó là bổn phận của cha mẹ, thì Cô yêu cầu để gia đình Cô bên ngoài vụ này vì Cô không muốn làm cha mẹ buồn:
"I am sorry, I just have to leave my family out of this" 

Luật về học đường của tiểu bang Texas rất nghiêm ngặt về việc trẻ em trốn học. Theo luật của tiểu bang Texas, học sinh trong khoảng từ 12 đến 18 tuổi chỉ được nghỉ không lý do chính đáng tối đa 10 ngày trong 6 tháng. Nếu vi phạm, trường học có thể gửi các em đến tòa án của thanh thiếu niên. Tòa án có thể phạt tù đến 3 ngày và phạt tiền đến 500 Mỹ Kim, cộng thêm phạt làm các việc công ích. Diane Trần đã vắng mặt hay trễ học khoảng 18 ngày vì cô quá mệt mỏi sau công việc.
Bà Elliot là chủ nhân nhà hàng chuyên tổ chức đám cưới, nơi Diane làm việc cuối tuần, nói Diane là một cố gái dễ thương, làm việc chăm chỉ và luôn cố gắng đạt điểm cao trong trường học.
“ She is a very good girl, she gets her school work, she is very dedicated to get good grades and she works hard, she is a hard worker”

Bà nói rằng tuổi trẻ làm việc, cố gắng quá thì thỉnh thoảng ngủ quên, chúng đáng được khoan hồng thay vì bị án tù vì tội trốn học:
“ Kids that are working hard, keep their grades up and sometimes they are working too hard they oversleep, they get tired and can’t get up to go (to school) sometimes. I think there should be a consideration in charging them with truancy”

Cô Devin là cháu bà Elliot, đồng thời là bạn cùng lớp với Diane cũng như cùng làm việc chung với Diane tại nhà hàng đám cưới. Devin cùng đi với Diane ra trước tòa để an ủi Diane.  Devin nói là cô rất đau đớn là Diane đã bị xử phạt tù và Cô đã cố gắng làm mọi việc để giúp Diane, người mà Cô coi như chị em trong nhà:
“ Diane is like my sister and for me watch them give her that punishment and watch them put cuffs on her for something I believe is not right it really bothers me...” 

Bà Elliot thì chia sẻ là sau khi nghe tin Diane bị phạt tù, Bà và cháu là Devin đã liên lạc với các cơ quan truyền thông để yêu cầu họ lên tiếng giúp đỡ cho Diane.  Sự nhiệt thành của Hai Bà cháu đã có kết quả hơn sự mong muốn. Hàng trăm ngàn người tại Hoa Kỳ và các nơi khác đã ký tên vào thỉnh nguyện thư, yêu cầu chánh án Moriarty xét lại bản án. Tính đến ngày 30 tháng 5, năm 2012 số người ký tên vào thỉnh nguyện thư đã lên đến 250 ngàn người. Và hội thiện nguyện “Giáo Dục Cho Trẻ Em” tại tiểu bang Louisiana (Louisiana Children’s Education Alliance) đã quyên góp được trên 100 ngàn Mỹ Kim để tài trợ cho việc học của Diane. 
Ngày 30 tháng Năm, 2012 sau khi biết rõ hoàn cảnh đặc biệt của Diane, Chánh Án Moriarty đã nói là ông sẽ hủy bỏ bản án cho Diane Trần và Diane Trần cũng nói là Cô muốn nhường số tiền 100 ngàn Mỹ Kim cho các người có hoàn cảnh bất hạnh hơn cô.
 Trước những tấm lòng vị tha sẵn sàng giúp đỡ Cô, Diane nói Cô vô cùng ngạc nhiên và nhận ra rằng còn có rất nhiều người có lòng tốt chung quanh Cô, giống như trong phim ảnh, làm Cô phấn rất khởi:
  I am in Awe, I realize that there's so much good people out there, they are out number of bad people.  Everyone comes out like that, It is like in a movie, It is very inspiring.”
Một  trong những người tích cực can thiệp giúp đỡ cho Diane Trần là luật sư Al Hoàng.  Với tư cách là nghị viên thành phố Houston, đại diện một khu vực có nhiều công dân gốc Á Châu nhất Houston, Luật sư Al Hoàng đã viết thư cho chánh án Moriarty, yêu cầu hủy bỏ bản án  cho Diane Trần.  Luật sư Al Hoàng giải thích thêm là theo luật lệ hiện hành của Texas, Chánh Án Moriarty chỉ có thẩm quyền hủy bỏ bản án hai tội danh trên, nhưng quyền xóa sạch hồ sơ phạm án "khinh thường tòa án" (Contempt of the court) lại thuộc thẩm quyền của Tòa cao hơn. Ông nói:
“Khi nó liên quan tới việc gọi là “contempt of the court’ thì hồ sơ này phải đưa lên District Court. Thế thì ông ấy đã bỏ 2 tội danh này rồi nhưng để cho hồ sơ được "tẩy sạch" thì phải đưa lên tòa district’
Và luật sư riêng của Diane là ông Bryan Wice đang xúc tiến việc "tẩy sạch bản án" vì nếu hồ sơ không được xóa sạch thì tương lai của Diane Trần có thể gặp nhiều phiền phức.
Câu chuyện có kết cục tốt đẹp như trong phim ảnh như lời Diane nói, cho thấy rằng xã hội Hoa Kỳ luôn có những tấm lòng vị tha đáng tự hào. Câu chuyện cũng cho thấy pháp luật tại Hoa Kỳ rất nghiêm minh, đặc biệt về vấn đề cưỡng bách giáo dục, nhưng cũng có nét nhân bản dành cho những trường hợp khó khăn ngoài tầm tay như hoàn cảnh của Cô Diane Trần. 
PS: Ai cho rằng nước Mỹ thiếu tình người ? thì nên suy nghĩ lại . Một quốc gia có luật pháp chặt chẻ , có tình , có lý như vậy có đáng cho ta học hỏi hay không ??
 
Phóng sự của VOA - 

Nguyễn Phục Hưng tường trình từ Houston, Texas

 _______________________________________________________________

Cô Nữ Sinh Diane Trần Từ Chối 100,000 USD Giúp Đỡ

Trong lúc: Một nữ sinh gốc Việt ở Mỹ từ chối khoản tiền 100.000 USD. Một người Việt du học tại Đức muốn đem 1.000 tỷ đồng được thừa kế làm từ thiện, thì Đan Mạch hủy viện trợ cho Việt Nam do nghi án gian lận.



Chỉ căn cứ vào các báo điện tử hôm nay thôi, ta có thể thấy ngay một vài bằng chứng cho thấy dù sao trong cuộc đời này vẫn còn sót lại vài con người có tự trọng mà người đời sẽ phán ngay là ngây ngốc: sao dám coi đồng tiền không là cái thá gì! Đồ điên khùng!

Trước hết, cứ phải nói rằng những người chê tiền thì thời nào và ở đâu cũng hiếm hoi như lá mùa thu, mà là người Việt nữa thì hình như lại càng hiếm tợn. Thêm vào đó, để biết mức độ yêu thích đồng tiền của mỗi người, nhất định phải có điều kiện “đầu tiên”, tức là tiền đâu. Mà cái điều kiện này lại chả mấy khi dư dả, nhất là giữa thời buổi khó khăn hiện nay.

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi cộng đồng mạng lập tức náo động, xôn xao, la hoảng... vì khoản tiền khổng lồ có thể đè chết người, tới cả nghìn tỷ đồng, mà một người phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh để lại sau cái chết bất đắc kỳ tử.

Theo tường thuật của các báo, bà chết đi, không có con ruột, chỉ có một người con nuôi mà bà nhận về từ lúc còn đỏ hỏn ở bệnh viện. Và đúng như nhân tình thế thái bấy lâu nay, các anh chị của bà lập tức muốn “làm rõ vấn đề”, tức là muốn chia đều khối tài sản ấy chứ không để mình cô con nuôi nắm giữ.

Xin phép độc giả để người viết không đề cập đến khía cạnh pháp lý trong câu chuyện, mà đáng chú ý nhất là việc cô con nuôi sẽ được thừa kế toàn bộ gia sản của mẹ theo pháp luật thừa kế, trong khi ruột thịt của người vừa khuất núi khẳng định toàn bộ số tài sản đều do công sức của cả dòng họ hùn hạp làm ăn. Phải rồi, trong một xã hội văn minh thì pháp luật là tối thượng, tranh luận nên hay không nên, vô tình hay hữu tình chẳng có ý nghĩa gì nhiều nếu không muốn nói là vô nghĩa.

Người đọc chỉ thấy lạ lùng khi người con nuôi – nhân vật chính trong câu chuyện – rất kiệm lời, từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về mọi vấn đề, khác hẳn sự phân trần nhiệt tình ngùn ngụt của những người có liên quan khác. Đặc biệt nhất, cô cho biết nếu được thừa hưởng khối tài sản của mẹ theo sự thừa nhận của pháp luật, cô sẽ để lại cho UNICEF Việt Nam.

Giữa lúc báo chí đang vẽ ra một bức tranh xã hội với sự vận động không ngừng nghỉ của đồng tiền, mà mới nhất là bảng giá qua đêm gây sốc của giới showbiz Việt vẫn chưa kịp nguội và có lẽ không bao giờ nguội lạnh, thì ý tưởng tặng 1.000 tỷ đồng được thừa kế cho trẻ em quả là chưa bao giờ có và nhiều khả năng là sẽ chẳng bao giờ có lần thứ hai.

Lâu nay, ta vẫn nghe các tỷ phú bên Tây tuyên bố tặng hết gia sản để làm từ thiện sau khi mồ yên mả đẹp, nhưng chuyện tương tự ở Việt Nam thì hẳn nhiên chỉ có trong truyện cổ tích hay phim viễn tưởng. Chà chà, mấy em học sinh nhặt được của rơi trả lại người mất – tức là không tham lam tiền của người khác - mà còn là sự lạ chả mấy khi gặp, vì nếu không lạ thì đã không trở thành tin, đã không trở thành gương điển hình tiên tiến cần nhân rộng…

Dĩ nhiên, có thể các nhà xã hội học sẽ căn cứ vào tiểu sử của cô gái được tiền rơi trúng đầu kia mà lý giải mọi sự, ví như tấm lòng quảng đại của cô chịu ảnh hưởng từ bà mẹ nuôi lúc sinh thời cũng luôn tay làm việc thiện, mà làm một cách âm thầm không có màu sắc “quảng cáo” như nhiều đại gia ngày nay, và vì xuất thân là một đứa trẻ mồ côi nên cô muốn giúp đỡ trẻ em… Nhưng hề gì, cô vẫn cứ nhất định là một hiện tượng chưa từng có ở Việt Nam!
Cũng liên quan đến thái độ coi nhẹ bạc tiền, một câu chuyện khác nóng không kém trên mặt báo hôm nay đến từ nước Mỹ. Tuy xảy ra ở nơi cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân vật chính trong câu chuyện lại là một người gốc Việt. Thế mới oách chứ!

Nữ sinh 17 tuổi này đã trở thành nhân vật gây chú ý khi bị tòa án buộc tội "khinh miệt tòa", phạt 100 USD và tống giam 24 giờ vì đã nghỉ học 10 buổi không xin phép trong vòng 6 tháng theo luật của bang Texas.

Và theo mô tả của các nhà báo, sau khi cha mẹ ly dị, cô gái này sống một mình, làm một lúc 2 việc để kiếm tiền nuôi em trai. Có những hôm Diane làm bài tập tới 7 giờ sáng sau khi đã làm ca ở một cửa hàng giặt khô và một công ty tổ chức lễ cưới. Quá mệt mỏi vì thiếu ngủ, Diane đã bỏ một số buổi học, tuy nhiên nhiều khả năng cô sẽ tốt nghiệp gần đứng đầu lớp.

Nếu chỉ dừng lại ở đấy thôi, thì câu chuyện cũng đã đủ khiến người ta phải cảm động và cảm phục, như cô nàng lọ lem khốn khổ cuối cùng sẽ gặp được một ông bụt tốt bụng và sống trọn đời hạnh phúc. Nhưng cô gái gốc Việt kia còn khiến mỗi người trong chúng ta cảm thấy một chút gì như là xấu hổ, như là áy náy, khi từ chối 100.000 USD được những người hảo tâm quyên góp giúp.

Dĩ nhiên, cô hoàn toàn có thể nhận số tiền 100.000 USD kia và không ai có thể phàn nàn hay thắc mắc về chuyện đó. Nhưng cô có lý lẽ của riêng mình, và lý lẽ đó rất đơn giản: “Nhiều đứa trẻ còn khó khăn hơn tôi”.

Nhất định là cô vẫn cần tiền, thậm chí rất cần tiền, vì như câu nói đã thành “kinh điển” của một người mẫu xinh đẹp nọ là “không tiền thì cạp đất mà ăn”, mà cô thì làm việc quần quật như vậy. Hành động từ chối của cô cũng không mang hàm ý rằng cứ cầm tiền người khác cho là một điều xấu hổ, là không tự trọng.

Có lẽ cô chỉ muốn nói rằng, con người đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ nhau tất nhiên rất đáng trân trọng, nhưng trước hết mỗi người, trong đó có cô, hãy tự nỗ lực hết mình đi đã và sự giúp đỡ nên dành cho những người cần nhất!

Bạn có thấy xấu hổ tí nào không, chứ riêng người viết thì thú thật là mặt cũng có đỏ lên một tẹo! Ờ, cũng y như trong truyện Mưa Nhã Nam của Nguyễn Huy Thiệp, khi Đề Thám hỏi ông đồ làng: Ông vẫn làm thơ chứ. Ông đồ đỏ mặt lên thú nhận: Thì vẫn, thế mới đê tiện chứ!

Đứng từ góc độ một người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng con rồng cháu tiên, câu chuyện về nữ sinh gốc Việt kia mang lại cho người đọc những cảm xúc khá trái ngược. Này, trong cái thời mà đồng tiền đang làm mưa làm gió như hiện nay, hành xử của cô gái 17 tuổi – cũng hệt như chuyện người con nuôi định tặng 1.000 tỷ đồng cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc – chứng tỏ không phải lúc nào đồng tiền cũng nắm lá phiếu quyết định khi phán xử về chân lý.

Chỉ có một nỗi phiền lòng nho nhỏ, nếu bạn biết được điểm giống nhau "rất chi là dở hơi" giữa các nhân vật trong hai câu chuyện. Xin thưa, nếu cô nữ sinh 17 tuổi kia đang ở Mỹ - đất nước vốn nổi tiếng về sự tôn sùng đồng tiền – thì cô con nuôi được thừa kế nghìn tỷ hiện cũng không ở Việt Nam. Cô ấy đang du học ở Đức. Dù sao họ cũng là người Việt, xin đừng giảm lòng tự hào và cũng đừng có suy diễn láo, rằng cái lòng tự trọng hiếm hoi như di sản quý báu của dân tộc Việt đã di cư sang tận trời Tây, hoặc tệ hơn, hai cô ấy sang Tây học hành nên lây nhiễm cái điều gàn dở ấy!

Có lẽ sẽ là vội vàng nếu kết luận rằng người Việt Nam ta vốn rất tốt nhưng lại giỏi thích nghi như con tắc kè, nên nếu ăn ở học hành tại xứ người thì ứng xử rất đúng mực với đồng tiền, còn nếu mòn đời sinh sống với “chùm khế ngọt” với tất cả tinh hoa văn hóa dân tộc thì… như báo chí phản ánh.

Thú thật, người viết rất thích sống lạc quan, rất muốn tin rằng kết luận trên chỉ là sản phẩm của những cái đầu hằn học, nhưng xét thêm một tin nóng khác trong ngày, thì đành chịu thua, không sao tự động viên nổi.

Hôm nay, các báo Việt Nam đau xót đưa tin, Đan Mạch đã chính thức hủy ba dự án viện trợ cho Việt Nam vì nghi án gian lận. Quốc gia Bắc Âu nổi tiếng vì minh bạch này khẳng định không thể chấp nhận việc ngân sách viện trợ phát triển bị sử dụng sai mục đích, những hành vi gian dối này cần phải được chặn đứng và trừng phạt.

Là con Rồng, cháu Tiên, bạn nghĩ sao nào? Theo bạn, biết đến bao giờ một người - đã ngửa tay nhận sự giúp đỡ rồi tìm cách gian dối với người đã giúp đỡ mình – có đủ tự trọng như cô bé 17 tuổi để từ chối 100.000 USD?

Chao ôi, nếu đám trẻ con có ngây thơ hỏi, thì người lớn chúng ta biết ăn nói thế nào, không biết có đủ dũng khí mà nhìn vào mắt chúng hay không? Hôm nay ,1/6, cũng là ngày quốc tế thiếu nhi đấy... 



 TAM THÁI (PHỤ NỮ TODAY)
_____________________________________________________________

No comments:

Post a Comment