Nem chợ Huyện xuất hiện ngày càng nhiều và được ưa chuộng trên thị trường -
Người Bình Định thường nhắc đến câu ca dao khi nói về một món đặc sản đậm đà hương vị quê hương miền đất võ:
Ai về Vinh Thạnh quê em/Ăn nem chợ Huyện, xem đêm hát tuồng.
Theo Văn hóa ẩm thực Bình Định, thôn Vinh Thạnh ngày xưa là huyện lỵ Tuy Phước, có chợ Huyện buôn bán sầm uất; đặc biệt nhất là hát tuồng - quê hương của vị hậu tổ tuồng Đào Tấn. Hễ có hội là có hát. Ngoài thú xem tuồng còn có thú ăn uống. Món ăn tuy nhiều nhưng nổi bật nhất là "nem chợ Huyện", nem nổi tiếng từ xưa cho đến bây giờ.
Theo kinh nghiệm gia truyền của các nhà sản xuất, nem ngon là nhờ vào cách chế biến công phu nhưng yếu tố chính vẫn là thịt (heo). Thịt nạc phải săn, tươi, được cắt theo chiều ngang thớ thịt chừng 3 phân, thái nhỏ, để ráo nước rồi mới cho vào cối quết.
Thợ làm nem là những người trai lực lưỡng. Muốn thịt được nhuyễn, dai, giòn, người thợ phải quết liên tục, không có quãng thời gian ngừng tay lâu, chỉ dừng lại khi thịt đã "chín".
Mỗi cối thịt chỉ nặng chừng vài ký. Trong lúc quết họ còn gia thêm đường và muối theo một tỷ lệ chính xác. Khi thịt đã chín, nhuyễn người ta gia thêm tiêu hạt và da heo đã xắt nhỏ như con bún, hoặc như hạt lựu.
Nem tươi có mùi vị thơm lựng sau khi được nướng than, ăn kèm với rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt. Tùy theo sở thích, có người chỉ ăn độc một thứ nem để tận hưởng hương vị của thịt; có người lại thích cuốn với bánh tráng mỏng để thưởng thức cái dai, cái giòn của đặc sản này.
Nem tươi ăn liền, ai muốn để dành hoặc làm quà cho người thân thì mua nem chua. Nem chua là nem tươi được gói bằng lá vông, bên ngoài bọc lá chuối. Ngày nay người ta dùng lá ổi thay cho lá vông nhưng nem được gói bằng lá vông ngon và dịu hơn.
Sau khi gói được ba ngày thì nem sẽ đến độ chín, chua như món dưa cay tuyệt vời.
Nem chợ Huyện vừa ngọt lại vừa béo, dai mà lại giòn; đủ các vị mặn, ngọt, dai, giòn, thơm béo nên ăn dẫu có nhiều cũng không ngán. Lại nữa, nem hoàn toàn bằng thịt nạc nên ta có thể ăn no mà không sợ hàn.
Thực khách cứ sau khi thưởng thức một mẩu nem rồi uống một ngụm rượu Bàu Đá thơm, cay, nồng, tăm rượu sui sủi thì không gì sảng khoái bằng!
Bình Định không chỉ nổi tiếng với bánh ít lá gai, nem chợ huyện hay chim mía Tây Sơn mà vùng đất võ này còn có món tré được rất nhiều người biết đến.
Tré được làm từ thịt heo tươi gói trong lá chuối tươi ở Quảng Ngãi hay tré gói lẫn với thịt bò của người Đà Nẵng, Huế, nhưng không ở đâu món tré lại thơm ngon và được mọi người biết đến nhiều như ở Bình Định.
Vẫn tuân thủ nguyên tắc truyền thống là tré làm từ thịt heo và được chế biến thêm nhiều thứ mắm muối, gia vị để lên men như món nem chua, nhưng món tré lại được kết hợp với những nguyên liệu khác nhau như thịt heo thủ, thính, mè… đó chính là sự khác biệt về hương vị. Chính bởi thế, khi thưởng thức, bạn sẽ thấy tuyệt vời, khác hẳn với tré ở những vùng đất khác.
Tré ngon đầu tiên ở khâu chọn thịt. Thịt ở đây có thể là thịt ba chỉ, hoặc thịt heo thủ. Đầu tiên phải làm sạch thịt, và luộc chín, rồi xắt lát mỏng, sau đó cho vào ướp với các loại gia vị: riềng, tiêu, mè, muối…
Món tré Bình Định hội tụ đủ ngũ vị như: mặn, ngọt, chua cay và vị chan chát thích thú của lá ổi non. Để tré ngon, khi gói phải ủ thật kỹ trong nhiều lớp: bên trong là lá ổi, bên ngoài là lá chuối, phía ngoài ủ thêm ít rơm rạ, buộc thật chặt phía ngoài thì ba, bốn ngày có thể dùng được. Nhờ cách gói công phu này khiến cho món tré Bình Định có thể để được lâu trong nhiều ngày, đặc biệt, trong những ngày lễ Tết, đây là món không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân đất võ, và là món quà không thể thiếu cho người xa quê.
Bình Định sưu tầm .
___________________________________________________
No comments:
Post a Comment