QN11 |
Mãi cho đến bây giờ ông vẫn chưa biết rõ, tại sao thân sinh ông lại đặt cho mình cái tên như vậy!?
Nhưng mà ông không còn có một cơ hội nào để hỏi cho ra lẽ cái lý do đó nữa, bởi vì cha mẹ ông đã qua đời từ lâu, lúc mà ông chỉ là một đứa bé chưa đầy tám tuổi. Ông được nuôi lớn bởi một người chú duy nhất mà bà thím dâu thì lúc nào cũng quá khắc khe, với đứa cháu chồng. Chính vì thế mà ông đã sống và lớn lên trong một gia đình luôn có sự kềm chế. Ông chỉ biết làm theo mệnh lệnh và không được thắc mắc gì cả!
Thật ra, từ lâu ông cũng đã không có để ý gì đến cái tên gọi của mình, cái tên mà ba mẹ đã đặt cho ông khi vừa mới chào đời, đó là Chiêm Trường Mạnh.
Ông biết chắc có một điều là cha ông mang họ Chiêm cho nên họ của ông cũng phải như vậy. Nhưng ông không rõ cái tên và chữ lót thì từ đâu mà ba mẹ đã lấy ra để đặt cho mình.
Ông nghĩ, giống như bao đứa trẻ khác ai cũng có một cái tên riêng để gọi, đơn giản thế thôi. Rồi ông cũng chẳng có cơ hội để thắc mắc điều ấy.
Mãi cho đến cái ngày ông sắp thành hôn, đã khiến cho ông có một chút suy tư về cái nghĩa của tên gọi riêng mình.
Ông không thể nào quên được cái hôm mà ông nhận rõ là cô vợ sắp cưới của mình đang vui như gặp hội.
Bỗng dưng ông cũng vui lây và chợt hỏi:
- Ở tui có cái gì mà đằng ấy lại thích và dám lấy làm chồng dzậy?
Cha mẹ vợ của ông là dân Bắc kỳ chính gốc, nhưng cô ta thì được sinh ra và lớn lên tại vùng Đồng Tháp cho nên cách nói chuyện của cô cũng rập khuôn như những người miền Nam cởi mở.
Cô nhìn ông với cái vẻ mặt hơi bẽn lẽn rồi cười cười trả lời thật khẽ, như sợ ai đó nghe được:
- Đằng nầy thích cái tên của đằng ấy nhất, mới nghe qua là đã muốn lấy làm chồng liền hà!
Như còn mơ hồ, ông hỏi lại:
- Tui họ Chiêm, tên là Trường Mạnh thì có gì đâu mà khiến đằng ấy thích nhiều đến như dzậy?
Cô ta nhoẻn miệng cười duyên rồi xuống giọng:
- Người ta thường nói: “thấy mặt thì đặt tên” í mà, chắc là đằng nầy không đoán sai đâu!?
Rồi tỏ vẻ tinh nghịch một chút, cô liếc nhìn anh bằng ánh mắt thật tình tứ, hỏi rằng:
- Còn đằng ấy thích cái gì ở nơi tui dzậy?
Quả thực ông rất bối rối với cái câu hỏi quá đột ngột nầy. May mà ông cũng đã nhanh trí, nhìn thấy cái miệng chúm chím cười cười như có vẻ mời mọc của cô. Ông ta nói bừa:
- Tui thích nhứt là cái miệng của đằng ấy.
- Sao dzậy, cái miệng của tui nó ra làm sao? Ra vẻ ngây thơ, cô hỏi lại.
Bỗng dưng hai bên gò má của ông hừng đỏ.
Bởi lẽ ông đang nhớ lại cái câu nói của người chú, hôm mà cả hai đang ngồi trên bờ mương nghỉ mệt sau khi vừa cày xong cái thửa ruộng lớn, chuẩn bị cho mùa lúa tới. Cô con gái của bà Bảy, bán quán đầu làng đi cất hàng về, băng ngang qua chỗ chú cháu ông đang ngồi.
Cô nầy không đẹp gái cho lắm nhưng nhìn kỹ thì không mấy tệ. Ấy vậy mà tuổi cô đã ngoài 40 nhưng vẫn chưa có được một tấm chồng như thiên hạ. Thấy chú cháu ông, cô vội mở miệng cười chào:
- Chào Bác, chào cậu. Sao lâu rồi không thấy hai người ghé quán của má tui uống rượu. Chắc là bận rộn cho kỳ lúa sắp tới chớ gì. Hôm nào xong việc xin mời Bác cùng cậu ghé quán ủng hộ dùm cho.
Nói xong cô không quên nở thêm một nụ cười, chào tạm biệt rồi hai chân bước nhanh như sợ trễ giờ về.
Ông quay lại nói với người chú:
- Chị ấy có cái miệng rộng quá, chắc vì vậy mà ế chồng, phải không chú?
Người chú không trả lời ông, nhìn bâng quơ một lúc rồi nói:
- “Miệng sao thì ngao dzậy”.
Lúc đó quả thật ông không hiểu nổi chú mình muốn nói cái gì. Người chú phải mất một hồi lâu để giải thích cái ý của câu nói ấy cho ông hiểu. Cả hai cùng cười một cách thoải mái, như quên hết mệt nhọc.
Rõ ràng hai chú cháu của ông chỉ tìm được những giây phút như vậy mỗi khi thiếu vắng sự hiện diện của bà thím dâu khắc nghiệt.
Cô vợ sắp cưới của ông chợt lên tiếng, khiến cho ông quay về với thực tại.
- Tui biết là đằng ấy nói xạo rồi đó, tui không thích như dzậy đâu!
Câu chuyện bỗng dưng bị gián đoạn khi bà thím dâu vừa xuất hiện. Cả hai đành nín thinh và làm như không có gì để nói với nhau thêm nữa.
Đêm hôm ấy ông không tài nào chớp mắt cho được. Có lẽ ông quá lo lắng cho cái ngày cưới hôm sau, hay là ông quá băn khoăn cho cái tương lai sắp tới của đời mình nên giấc ngủ không thể nào đến được, mặc dù ông biết rằng ông cần phải giữ sức cho ngày mai.
Ngủ không được cho nên cái đầu của ông nó cứ bắt ông nghĩ ngợi lung tung.
Ông chợt nhớ những gì mà cô vợ sắp cưới đã đề cập với ông chiều nay. Ông lẩm bẩm gọi lại tên mình nhiều lần mà ông vẫn không thể hiểu được là cô ta muốn nói cái gì. Ông chỉ đoán, tên mình là Mạnh, có lẽ cô ta mong mình sẽ mãi mãi như vậy, để bảo vệ đời cô. Ông nghe nói, người con gái nào cũng ước muốn có được một người đàn ông khoẻ mạnh để trao gởi cái tấm thân liễu yếu của mình.
Rồi ông lại nhớ đến cái câu nói là lạ của người chú, ông nhắm mắt cố hình dung một cách trừu tượng. Ông mỉm cười và nhắc với chính mình:
- Để xem lời nói của ông chú quả thật có đúng như vậy hay không. Lòng ông bỗng dưng nôn nao khó tả khiến cho giấc ngủ lại càng không dễ đến !
Rồi tháng ngày cứ trôi nhanh cùng với dòng đời nổi trôi của hai vợ chồng ông. May mắn thay, ông bà đã dẫn được hai đứa con cùng nhau đến Úc, theo diện thuyền nhân tỵ nạn. Cũng giống như hầu hết những người mới định cư, ông bà đã dành trọn thì giờ để lo cho việc kiếm tiền xây dựng lại gia đình và chăm sóc con cái.
Nhiều lần ông cũng đã cảm nhận được rằng, bà vợ của mình dường như không mấy gì vui. Sở dĩ ông cảm nhận như thế là do ông thường nghe được những tiếng thở dài, dù rất khẽ, theo sau những lần gắn bó vợ chồng.
Ông lại đoán, có lẽ vợ mình quá lo lắng vì món nợ nhà còn nhiều. Nghĩ thế, ông đã phải hạ quyết tâm làm việc nhiều hơn nữa. Không lúc nào ông dám bỏ qua những giờ phụ trội ở cái hãng mà ông đã làm hàng chục năm liền.
Nhưng rồi ông cũng vẫn không thấy ở bà vợ mình một chút gì vui thêm, trên cái gương mặt gần như không còn nét tươi mát của những ngày xa xưa kia nữa.
Ông căm hờn oán hận và âm thầm nguyền rủa, vì cho rằng mụ vợ già của mình quả thật quá tham lam!
Bây giờ ở cái tuổi ngũ tuần, gánh nặng gia đình có phần vơi đi khá nhiều. Thằng con trai thì đã trưởng thành và có việc làm ổn định, đứa con gái thì đã theo chồng về tiểu bang khác. Cho nên ông bà cũng đang dự tính cái chuyện hưởng phước ở tuổi cuối đời. Ông chỉ cầu mong cho mình được bình yên trong khoảng thời gian còn lại.
Mấy lúc gần đây, báo chí và nhiều người đang xôn xao bàn tán về những mẫu tin liên quan đến cái viên thuốc có màu xanh nước biển, mà được xem như là thần dược cho cánh đàn ông. Cũng chính vì cái viên thuốc này mà nó đã làm đổi đời nhiều cặp vợ chồng, trở nên tốt cũng có mà biến thành xấu cũng nhiều.
Cũng từ những ngày ấy, chuyện phòng the dường như được bàn tán nhiều hơn, ở nhiều nơi cũng như với nhiều người kể cả phái nữ. Bà vợ ông cũng tham dự các buổi bàn thảo khá thường xuyên cùng các bà bạn vào những dịp họp mặt của những gia đình quen biết tại trại tỵ nạn. Nhưng mấy ông chẳng cần để ý tới vì đang bận nhậu.
Và cũng từ những ngày ấy, vợ ông đã không ngần ngại thường xuyên nhắc nhở ông rằng, nên đến gặp bác sĩ gia đình để kiểm tra sức khoẻ.
Ông cảm thấy mình không có bệnh gì cả, kết quả thử máu tổng quát tháng rồi cũng được cho biết là rất tốt. Ông không hiểu tại sao mấy lúc gần đây bà vợ cứ mãi lo lắng về mình.
Mấy lần đến gặp bác sĩ gia đình, ông cũng được cho biết là sức khoẻ của ông không có gì đáng ngại. Bác sĩ có đề cập đến chuyện quan hệ vợ chồng nhưng ông đã trả lời rằng, chuyện ấy cũng vẫn bình thường.
Bình thường theo nghĩa của ông là không mấy gì thường xuyên. Chuyện đó dường như vợ chồng ông đã lơ là từ lâu.
Bác sĩ có khuyên ông hãy nên để ý đến điều ấy nhưng ông chẳng cần quan tâm vì cho rằng tuổi mình thì đã lớn.
Cho tới một hôm, cái hôm mà vợ ông bắt ông phải ăn hết cái tô súp gà đen, hầm với thuốc bắc. Ông không hiểu gì cả, nhưng tánh ông thì đã quen làm theo mệnh lệnh, từ khi còn nhỏ. Thấy vợ mình có vẻ hồ hởi sau khi nhìn ông ăn hết tô súp, ông cũng cảm thấy vui lây. Cái niềm vui trong sự chăm sóc của vợ mình.
Nhưng cái niềm vui vừa mới khởi phát ấy bỗng dưng tắt lịm, ngay giữa đêm hôm đó, từ lúc ông nghe rõ tiếng thở dài của bà vợ theo sau câu nói khe khẻ:
- Dở ẹt, quả thật con người không giống với cái tên, rõ chán!
Nỗi buồn đã thúc đẩy ông đến gặp bác sĩ gia đình một lần nữa, để trình bày cái nỗi sầu khó nói của riêng ông.
Vị bác sĩ đã phân tích tình hình sức khoẻ và khuyên ông những gì nên làm cũng như những gì nên tránh hầu đạt được cái điều mong ước ấy. Thêm vào đó, ông đã ghi một cái toa thuốc 4 viên, sau khi căn dặn thật kỹ cách dùng cũng như cho biết vài phản ứng phụ của nó có thể xảy ra, ở một vài người.
Ông rất tin vào những gì mà bác sĩ của mình đã nói. Nhưng ông muốn biết thêm cho chắc chắn nên ông hỏi lại, người mà ông đã nhận làm bác sĩ gia đình từ những ngày đầu đến định cư tại Úc. Ông bác sĩ này, đoán chừng hơn 10 năm tuổi.
Thưa bác sĩ, cho em được hỏi:
- có bao giờ bác sĩ dùng thử cái viên thuốc nầy chưa, liệu có hiệu quả như đã nói hay chăng?
Ông bác sĩ vội cúi xuống như muốn viết thêm gì đó vào hồ sơ bệnh lý, rồi trả lời với một vẻ mặt như đang suy tư:
- Tôi cũng chưa cần phải dùng đến nó bây giờ.
Thoáng nghĩ, chắc ông ta là bác sĩ cho nên đã biết cách để giữ gìn sức khoẻ, vì vậy mà chưa rơi vào cái trường hợp “khó nói “như ông.
Nhưng ông đâu có biết rằng, ông đang hiểu sai cái nghĩa mà ông bác sĩ đã muốn nói ra.
Sở dĩ ông bác sĩ bảo chưa cần dùng đến nó bỡi vì, sự thực là bà vợ đã không cho ông một cơ hội nào để được dùng đến. Tuổi của bà thì đã xế chiều mà lại không muốn chồng mình nghĩ tới chuỵện ấy, sợ làm mất đi cái danh dự của một người thầy thuốc!
Nhiều đêm trằn trọc không ngon giấc, ông bác sĩ cũng đã thầm trách là tại sao người ta không chịu khám phá ra cái viên thần dược nầy sớm hơn.
Rồi ông lại lẩm bẩm một mình:
- bây giờ thì đã quá muộn với tôi!!!
Rời khỏi phòng mạch bác sĩ với cái toa thuốc trên tay, ông đang phân vân là nên mua nó ở tiệm thuốc nào. Ông không muốn trở lại cái tiệm thuốc mà vợ chồng ông thường mua, vì thấy hơi kỳ kỳ. Ông đi một vòng Cabramatta thử xem tiệm nào có nam dược sĩ thì ông sẽ ghé vào. Tìm mãi không được như ý mong. Ông quyết định, hãy tìm đến vùng phụ cận may ra sẽ không gặp được người quen.
Bước vào cái tiệm thuốc tây có máy lạnh, cảm thấy khoẻ hẳn người ra vì ông đã mất khá nhiều thì giờ để đi tìm, trong một ngày nắng gắt. Ông thấy một hàng người đang đứng chờ trước quầy. Nhưng không thấy ông tỏ vẻ gì lo lắng, vì nếu ông có phải chờ lâu thì cũng chẳng sao, ông đang cảm thấy thật thoải mái trong cái phòng có máy lạnh nầy.
Điều đang làm cho ông lo sợ chính là cô bán thuốc, mà ông chẳng biết có phải là dược sĩ hay không. Ông hơi ngần ngại vì cũng không thấy một người nam nào trong tiệm. Chính sự ngần ngại ấy càng khiến cho ông do dự và quyết định nhường chỗ cho vài người đến sau.
Thật sự thì không chỉ vì cái ngần ngại có sẵn riêng ông, ông đã lần lựa cũng vì ông trông thấy cô bán thuốc sao mà tươi mát quá. Ông muốn có nhiều thì giờ để được chiêm ngưỡng.
Ông lẩm bẩm, như chỉ đủ cho một mình ông nghe:
- Vùng nầy lại có cô bán thuốc hấp dẫn quá, mấy cô dược sĩ ở Cabramatta không thể nào sánh được!
Ông mãi liếc nhìn cô, như muốn nuốt trọn vẻ đẹp trong cái bộ áo mùa hè rộng cổ.
Cô bán thuốc nhìn thấy ông có dáng vẻ hơi lạ, nhưng vì quá bận rộn cho nên cô cũng chưa kịp nghĩ gì. Mãi đến lúc cô ta chợt thấy ông vụt quay nhanh ra cửa, lưng ông quằn xuống với hai cánh tay ôm vòng qua bụng.
Như một phản ứng nghề nghịêp, cô sợ ông ta sắp đột quỵ vì căn bệnh đau tim hay có thể là ông ta đang lên cơn đau bụng nặng.
Bước nhanh ra khỏi quầy và chạy tới đứng đối diện với ông. Cô cúi thấp hơn nữa để có thể nhìn được mặt ông, rồi hỏi:
- Ông có sao không, ông cần mua thuốc gì nào. Cho tôi xem cái toa, tôi sẽ giải quyết ưu tiên cho ông. Thành thật xin lỗi, vì tôi đang bận rộn nên không phục vụ cho ông sớm được.
Cô ta nói một hơi dài, nhưng ông thì không nghe gì cả.
Dường như ông đang chú ý đến cái mặt dây chuyền của cô, mà nó được treo lủng lẳng trước ngực bằng một sợi dài quanh cổ.
Ông lại càng gập người thấp hơn và bước nhanh ra cửa, như muốn chạy trốn một điều gì.
Một lần nữa, cô bán thuốc lấy làm lạ với cái người khách khá kỳ dị nầy. Nhưng có nhiều khách hàng đang đợi nên cô không có thì giờ để nghĩ gì thêm.
Một lúc sau, khi mà chỉ còn có một bà khách quen, đang chọn mua mấy lọ thuốc bổ xương. Cô mới định thần nghĩ lại cái chuyện vừa mới xảy ra.
Một thoáng rất nhanh, cô nhớ lại hình như có một vật gì lộm cộm nằm dọc theo túi quần của ông ta. Cô ráng hình dung trở lại liệu xem có món hàng nào mà mình đã bị ông lấy trộm. Lạ thật, cô không thể nghĩ ra một cái gì đó đã bị mất cắp.
Rồi không biết cô nghĩ gì mà hai má của cô bỗng dưng hừng đỏ và đôi mắt thì lại nhắm nghiền, người như bị chao đảo muốn ngã. Bà khách hàng thấy vậy liền gọi lớn, từ phía đằng xa:
- Cô ơi, cô có làm sao không. Coi chừng cô trúng gió, cô ráng vịn cái bàn đừng để ngã, tôi sẽ tới ngay.
Bà vừa chạy nhanh tới gần vừa lẩm bẩm- Trúng gió mà nhập thổ thì khó cứu!
Cô mở mắt ra, đầu lắc nhè nhẹ và nói:
– Cám ơn bác, cháu không sao chỉ hơi choáng váng một chút.
Bà khách bảo:
– Coi chừng cơ thể cô nó thiếu chất gì đó. Năm xưa bác cũng bị như vậy một thời gian. Bác sĩ khuyên nên tẩm bổ đầy đủ, quả thật đúng như lời ông đã nói. Bây giờ chuyện ấy không còn xảy ra nữa.
Cô gật đầu như đồng ý với bà, nói nhỏ:
– Chắc là cơ thể của cháu đang thiếu một chất gì, như lời bác nói!
Bà khách trả tiền và bước ra gần cửa, không quên quay lại nhắc cô là cần phải cẩn thận.
Riêng ông, ra khỏi tiệm thuốc một lúc ông mới dám đứng thẳng lên được, xé cái toa thuốc thật nhỏ rồi ném nó vào sọt rác của council, đặt dọc theo hai con đường phố.
Ông nói với chính mình:
– Cái mà tôi cần tới quả thật không phải là mấy viên thuốc nầy!
Rồi lại nghe ông buông thêm một tiếng thở dài.
Đinh Tấn Khương .
_____________________________________________________
No comments:
Post a Comment