Nhờ những năm sau 75 , nhà không còn người giúp việc phải tự làm nên cũng biết chút chút. Nhưng khổ nỗi, cơ hội học hỏi cũng không nhiều. Theo thời cuộc, sau vài lần đổi tiền và nộp thuế siêu ngạch, thì tài sản gia đình đã ra đi không cần đội nón. Thức ăn cũng dần vắng vẻ trên bàn, ngày ba bữa rau mắm lây lất no được bụng đã là quí, làm gì có điều kiện học nấu được món ngon món lạ !
Nhớ những năm mới vào SG, thời đó (77 ) thực phẩm còn phân phối theo hộ khẩu, chị em tôi thay phiên nhau sắp hàng mua bất kể nữa khuya gà gáy. Khi thì tổ dân phố kêu ra mua than đá, lúc thì một ít bột mì , lúc thì vài nắm mì vắt ... vậy mà quí lắm với lúc bấy giờ chỉ ưu tiên cho những người có hộ khẩu mà thôi .
Cũng nhờ vậy nhiều hộ dân sài gòn mỗi tháng có vài ngày qua được cơn đói.
Thời điểm đó , hộ khẩu là cánh cửa vàng của cuộc sống , quí như vậy nên dân ở chỗ khác như gia đình tôi , từ Kinh tế mới trốn về muốn có hộ khẩu Sài Gòn đã phải bán tất cả , vơ vét những gì còn sót lại cộng thêm vay mượn ... để có thể mua. Ngay vấn đề học hành, con nít dù chỉ là trung hay tiểu, không hộ khẩu cũng không được nhận vào học. Không có hộ khẩu thì dù không làm gì bạn cũng đương nhiên phạm pháp. Bức thiết như thế đó !.
Mà mua từ ai? Tôi nhớ lúc đó nhờ bạn bè đi trước chỉ vẻ tôi mò được đường dây môi giới, mà sau lưng họ là những cán bộ tập kết cao cấp có thẩm quyền từ Bắc mới được điều động vào Nam.
Nhiều năm sau này dù vắng nhà nhưng nghe các em nói lại , đường dây đó do ăn chia không đều , bị đổ bể và người đứng đầu đường dây đã bị bắt ! Những hộ khẩu giả trong đó có gia đình tôi sau đó đó đều bị truy cứu và cũng nhiêu khê lắm mới có lại ....
Sau này dân tứ xứ, trên núi , dưới biển đổ về SG quá nhiều, sống lây lất khắp nơi từ vỉa hè tới sạp chợ cầu đường ... họ đã tê dại những sợ hãi, đông cứng những lo âu .., vì đang sống cuộc sống không phải là con người và chẳng còn gì để mất ... nên dần dà hộ khẩu đã không còn bức thiết nữa !
Lúc đó, bữa ăn hằng ngày của chúng tôi là biến chế những nắm bột mì mốc, lúc nhúc những con mọt nhỏ màu đen .. thành những ổ bánh mì cứng, khô ăn cho đở đói. Học mót được của hàng xóm cách làm bánh mì. Sàng, sảy, ra sức nhồi bằng tay rồi nướng trên những nồi gang cũ kỹ, phải gắp than để trên nắp nồi, cho bánh chín đều. Nhiêu khê lắm, chứ không hiện đại có máy nhồi bột , máy đánh trứng hay có lò nướng như bây giờ .
AT |
Có một lần, vợ chồng Ông Cậu Út tới thăm đám cháu thơ dại đang sống lây lất , (vì cha đang ở K18 , Mẹ thì bươn chải buôn bán chợ trời, kiếm cái ăn cho đám con ..) gặp lúc sắp hàng mua được vài củ khoai, ít cà rốt, loại nhà vườn vứt đi, đẹt nhí bé tí ti như ngón tay, chị em tôi bấm bụng làm thịt chú gà chọi, (món đồ chơi quí của em trai tôi) để nấu cari đãi Cậu.
Cha mẹ ơi, chúng tôi còn nhỏ không biết, loại gà này thịt dai, cứng lắm. Con gà bé xíu mà nấu hơn hai tiếng đồng hồ, hết củi lửa, chờ sốt cả ruột mà không chịu mềm. Mãi .. chờ hết nổi quá giờ ăn, lại đói quá , đành phải múc dọn ăn. Vừa nhai vừa xé, mỏi miệng, mỏi tay ... , tội thằng em tôi vừa ăn, vừa khóc ...vì thương con gà. Thật là một bữa ăn nhớ đời .
Những ngày mới lớn, kỷ niệm cũng như kinh nghiệm nấu ăn của chúng tôi nghèo nàn như thế đó.
***
Qua Mỹ , những năm đầu mọi thứ gia vị đều thiếu, chúng tôi nấu ăn nêm nếm chỉ theo ký ức mơ hồ hay trí tưởng tượng do đọc qua sách vở.
Không xấu hổ tôi nói thật : ở Việt Nam người khác thì sao tôi không biết, chứ dân tỉnh lẻ như tôi nhà con đông, chỉ được cơm nước tươm tất ngày ba bữa, còn quà vặt, quà sáng, chỉ là chén bánh bèo, nắm xôi , chén cháo ... hay trái ổi xanh , cốc khế chua lét trước cổng trường .v.v. chứ .. phở , bún , mì , cam , quít ..v.v..ở lứa tuổi chúng tôi chưa được nếm trải nhiều, chỉ hoạ hoằn vào dịp tết được lì xì, có tiền đám con nít rủ nhau đi ăn phở. Hoặc thi thoảng Ba Mẹ tôi dẫn các con rồng rắn đi ra tiệm một lần. Do vậy với chúng tôi, đây là những món ăn thuột loại xa xỉ, nằm trong bộ nhớ của ước mơ. Nhất là thời đó, những món này chỉ thường có ở hàng quán chứ trong bếp gia đình ít có ai nấu những món này .
Bây giờ , nhìn lại những món ăn chúng tôi nấu hằng ngày ở đây, đã không thể nhận diện được thuộc trường phái nào cho đúng?.
Người lớn nấu ăn theo trí nhớ, theo ký ức mơ hồ. Bọn con nít sinh sau bên này, lại ăn uống theo kiểu nửa Việt, nửa Tây.
Nửa tây là do ăn sáng, ăn trưa ở trường và cái nửa Việt là bữa ăn chiều sum họp gia đình sau một ngày tản mác. Vậy mà bữa ăn Việt ở nhà đó cũng đã bị cải cách không còn nguyên gốc nữa, nên thật sự mà nói ... thức ăn và cách nấu ăn bên này đã khác nhiều so với thời còn sống bên quê nhà .
Có hôm tôi nấu cơm gà đãi bạn , ngồi ăn bạn khen ngon và hỏi: cơm gà gì đây , cơm gà siu siu ? hay cơm gà Hải nam .. Tôi ấm ớ ...!
Lúc trước thấy mẹ chồng nấu cho ăn, bảo là cơm gà, thì biết vậy và bắt chước vậy. Đến lúc ăn cơm nhà bạn, cũng cơm gà, thấy Cô ấy có cho thêm gừng .. thơm quá, nên lần sau nấu tôi lại thêm gừng ... Cứ thế theo sở thích , khẩu vị của vợ chồng con cái mà thêm, mà bớt ... Nên bây giờ hỏi tên ... chắc phải nói cơm gà kiểu Mỹ quá.... chứ biết trả lời sao ?
Theo chiều hướng đó, Phở hay các món khác cũng vậy ... thêm một bớt hai theo khẩu vị mới, nhất là bọn nhỏ bây giờ ảnh hưởng thức ăn Mỹ không thích gia vị nhiều. Bằng chứng là những tiệm ăn nhắm bán cho khách địa phương đã giảm rất nhiều gia vị, chỉ còn thoang thoảng chút hương xưa. Vậy mà khách ta, khách Mỹ vẫn đông nghẹt. Mấy ai còn tìm được hương vị phở Bắc chính gốc Hà nội, hay tô bún bò giò heo chính gốc Huế thơm nức mũi, cay xé miệng năm xưa trên đất Mỹ? Ngay cả Mì Quãng, món ăn dân dã một thời, cũng bị thay đổi khác đi rất nhiều .
Bây giờ ít còn ai dám ăn huyết heo vì sợ bệnh. Giò heo với móng vừa sợ cao mỡ trong máu vừa nhìn thấy ghê .. bọn trẻ con lớn lên bên này, nhìn thấy là nhắm mắt lắc đầu quầy quậy sợ xanh mặt. Do vậy, nồi bún bò nấu cho gia đình tôi giờ chỉ còn thịt bắp bò, chứ Huyết, giò, gân thì ... đã vắng bóng từ lâu rồi .
Những món ăn chính gốc năm xưa đã dần dà bị mai một tại hải ngoại, chỉ còn những người lớn tuổi một thời sành ăn vẫn một lòng lùng kiếm hương vị cũ năm xưa, nhưng hình như rất hiếm nhà hàng nào còn giữ được hương vị chính gốc quê nhà trên đất Mỹ.
Hình AT |
Cuối cùng ở trang nhà QN11 này, chắc bạn đã thấy những món ăn bị pha chế, không còn nguyên gốc, dù vẫn còn mang tên cũ.
Khi mà gia vị là kỷ niệm, nấu .. và ăn theo hồi ức, thì ngon dở , đúng sai ... cũng xin bỏ qua cho. Xin đừng chê là thức ăn làm kiểu này không đúng, cách kia là sai với nguyên gốc ... Bởi vì nấu món ăn VN theo "kiểu Mỹ" đó mà ..
Còn nữa, đến đời con đời cháu ở Hải ngoại sau này, tương lai thức ăn VN không biết có còn chút ... "hương gây mùi nhớ" nào hay không nữa ... Will see ...!
Quinhon11
_______________________________________________________
QN nhắc đén chuyện nướng bánh mì làm mình cũng nhớ lại hồi đó nhà mình mẹ cũng bận buôn bán kiếm cơm, cả ngày chỉ có mấy chị em, cứ nhồi bột nướng bánh mì làm hư hết mấy cái nồi gang! hết bánh mì lại đến bánh canh, bánh bao..
ReplyDeleteChào Cobamy .
ReplyDeleteChị Khỏe không ? QN cũng vẫn vậy ..vậy! . nghĩa là xìu xiù...
Cám ơn chị ghé thăm , Thỉnh thoảng QN vẫn nhớ lại thời điểm đó , tuy chỉ có bột mì cũ , vậy mà lúc đó thấy thơm ngon ghê đó chị , ăn thấy ngon gì đâu ... đúng là lúc thiếu cái gì cũng quí . Còn nồi niêu nấu bằng than đá , cái nào cái nấy lọ nghẹ tùm lum , chỗ sứt , chỗ mẻ ...
Bây giờ tuy đồ ăn dư thừa , nhưng vẫn cho là không bằng mùi vị xưa . Lạ vậy đó chị à !...
Thương mến /QN
QN có biết rằng trong khi dân Sài Gòn sắp hàng bất kể nữa khuya gà gáy để mua "những nắm bột mì mốc, lúc nhúc những con mọt nhỏ màu đen ..." hay "vài củ khoai, ít cà rốt, loại nhà vườn vứt đi, đẹt nhí, bé tí ti như ngón tay" thì dân quê miền Trung sống ra sao không? Lúa má làm ra không đủ nộp thuế mà khi nộp thuế thì phải sàng sảy sạch sẽ xong gánh lên mấy kho trên núi xa, dĩ nhiên là dân quê chỉ còn nước ngửa mặt lên trời cầu xin trời sập xuống cho chết hết đi cho rồi chớ khổ gì mà khổ dữ vậy ...
ReplyDeletehoangtruc
Hoàng Trúc mến .
ReplyDeleteBạn hỏi QN có biết ... không ???
Biết hết ! QN biết hết , còn biết nhiều hơn sự tưởng tượng của bạn nữa ... nếu hỏi những người ở Phù Mỹ , Có lẽ ai cũng biết dòng họ QN , sau 75 đã sống như thế nào ?? quá khứ không muốn khơi lại , vì dính líu tới nhiều thứ ..., liên hệ tới nhiều người còn sống ...
Nhưng Bạn ơi , không phải vết thương nào ,cũng thành sẹo , phai mờ theo năm tháng... .
bạn hiểu mình muốn viết gì .., phải không ??
Thân mến .
Chị QN nói vụ hộ khẩu làm em nho hoi co`n ở VN nha` em ko có được tờ hộ khẩu, nên em ko có được la`m cái chứng minh nhân dân ---> nghĩa là ko phải công dân, làm cái gì cũng khó khăn, đến khi có giấy đi Mỹ cũng phải bỏ tiền mua cái hộ chiếu....Vậy mà qua Mỹ chỉ 3 năm thì có quốc tịch Mỹ.... nghĩ lại thấy thật la khủng khiếp!
ReplyDeleteĐúng đó bạn , thời gian đó hộ khẩu là mạng sống , không có hộ khẩu thì không làm gì , không đi đâu được hết ... Thật may quá , sau đó dẹp bỏ , chứ cứ như thế không biết làm sao mà sống ? chắc cùng quẩn quá, phài có bạo loạn thôi ...
ReplyDeleteHộ khẩu là hậu khổ. Bây giờ ở Vn mấy đứa nhỏ ko có hộ khẩu Thành phố lớn thì đố mà tìm được việc làm..bao giờ bỏ đi những cái thủ tục lằng nhằng như hộ khẩu thì hậu..nó mới bớt khổ...
ReplyDeleteBạn mến. Đồng ý với bạn về những cái khổ sâu sắc của dân mình. Đôi khi búc xúc trước cái khổ nhiều người, của một dân tộc, mình đâm ra mất niềm tin nơi Chúa , Phật .. hay các đấng thiêng liêng...
DeleteẤy! sợ lại đụng chạm rồi..
Tự hỏi: Bao giờ dân VN mới bớt khổ đây??