Saturday, January 14, 2012

TUỔI XẾ CHIỀU ...

Giới trẻ ngày nay , sinh ra và lớn lên ở hải ngoại , đã được giáo dục , tiếp nhận nền văn minh , sự suy nghĩ của thời đại mới . Tính độc lập được hình thành vững chắc trong tư tưởng ...





Author: Quinhon11

Tháng tám năm ngoái , Tôi đi dự đám tang con của vợ chồng người bạn đồng hương . Cháu mất khi còn rất trẻ sau một cơn bịnh hiểm nghèo , hưởng dương 36 tuổi , chưa vợ chưa con .
Ở nhà Quàng hôm đó , hơn phân nữa số khách là bạn học , bạn đồng nghiệp .... những người quen biết của cháu cùng lứa tuổi .
Nhìn hơn trăm cháu trong những bộ Vest đen hay chí ít cũng được chiếc áo sơ mi đen . Các em với thái độ lịch sự , tôn trọng , nghiêm nghị , chững chạc , dù tôi chưa từng gặp hay quen biết các em  , nhưng nhìn hình ảnh đó , lòng tôi tự dưng có nhiều thiện cảm .

Lúc di quan , vì muốn tới an ủi bạn , tôi có chút hấp tấp khi cố vội len lỏi vào hàng người và vô tình đụng mạnh vào ai đó .. Xoay người tính xin lỗi nhưng thật ngạc nhiên , cùng lúc có haì , ba người trẻ tuổi quay lại và nói xin lỗi tôi . Có em nói tiếng Việt dễ nghe : Con xin lỗi Bác . Có em nói bằng ngôn ngữ nước đôi : Sorry Bác . Có em dùng tiếng Anh rất chuẩn : Excuse me ! , kèm theo những cái cúi đầu rất lễ phép ... dù rằng chính tôi mới là người có lỗi .
Tình cờ thôi , chuyện nhỏ , nhưng những việc này khiến tôi thấy vui và niềm vui này còn ở trong lòng cho tới mãi hôm nay .

Không giống như Cha Mẹ  , hành trình hội nhập trên xứ người gặp khó khăn vì khác biệt văn hoá , ngôn ngữ , kinh nghiệm sống v.v.... các cháu  được sinh ra và lớn lên trên xứ người , hay những em theo Cha mẹ ra nước ngoài khi còn rất nhỏ , đã sinh hoạt , học hành , và  hội nhập hoàn toàn vào xã hội đương thời , một cách thuận lợi không gặp khó khăn gì . Hầu hết các em được ăn học đàng hoàng  . Ít nhất cũng hoàn tất  được 4 năm đại học dù cha mẹ giàu hay nghèo . Do chính phủ có nhiều cách giúp đở học sinh nghèo , không phân biệt chủng tộc , có khi còn ưu tiên cho dân thiểu số , chỉ cần các cháu chịu học . 
Mà người Việt nam mình , cha mẹ nào cũng muốn các con tiến thân bằng việc học . Do đó hết lòng tiếp sức , khuyến khích , hổ trợ , đó cũng là một iếu tố lớn giúp các em thành đạt vượt bực trên một đất nước xa lạ , như ngày hôm nay .

Thật lòng mà nói , không ít cháu đã không nói được tiếng Việt nhuần nhuyễn , tuy nhiên đa số vẫn nghe , và hiểu được tiếng Việt , qua sự giao tiếp với những thành viên trong gia đình . Như chúng tôi đây vẫn luôn dùng tiếng Việt trong nhà , có khi các cháu quên , nói tiếng Anh , tôi cũng giả vờ không hiểu và vẫn tiếp tục dùng tiếng Việt . Nhờ thế các con chúng tôi nói tiếng Việt khá tốt . 

Có một hôm đi học về cháu hí hững khoe với tôi : Mẹ biết không , lúc sáng ghé mua bánh ngọt ở tiệm gần trường , Bác chủ tiệm tưởng con là người ngoại quốc , đến khi Con cúi đầu chào Bác , và hỏi mua bánh bằng tiếng Việt , Bác trợn mắt nhìn con . Bác Nói :"Chu Cha ! Việt nam hả , sao cao lớn trắng trẻo , đẹp trai quá dậy , làm Bác tưởng người nước nào chứ !   con nói tiếng việt giỏi quá .. có bạn gái chưa .? ".. rồi Bác cho  con thêm hai cái bánh nữa .

Cháu kể cho mẹ với một vẻ hãnh diện , thích thú lắm . Tôi chắc rồi đây , sau này khi mua bán , làm việc hay gặp bất cứ người Việt nào , cháu cũng sẽ không ngần ngại mà dùng tiếng Việt với một thái độ tương kính mà cháu đã được dạy dỗ .

Tuy vậy , Nhân sinh quan giữa thế hệ cha mẹ và con cái ở hải ngoại có  hòa hợp dễ dàng không ?  Câu trả lời là không .!

Giới trẻ ngày nay , sinh trưởng và lớn lên ở hải ngoại , đã được giáo dục , tiếp nhận nền văn minh , sự suy nghĩ của thời đại mới . Tính độc lập được hình thành vững chắc trong tư tưởng các em . Các em sống và suy nghĩ theo cách riêng của mình . Ý kiến của Cha mẹ , các em có thể tôn trọng lắng nghe , nhưng vẫn làm theo ý riêng chính mình , không còn như thời trước ở quê nhà , làm con dù không muốn vẫn phải làm theo ý Cha mẹ .
Trong trường hợp này , làm cha mẹ thật buồn lòng biết bao . Nhưng thôi , đã đến lúc chúng ta bước lui lại , nhường đường cho con trẻ đi tới và hội nhập  theo đà tiến hóa của xã hội , chúng sẽ vấp ngã và tự đứng lên trên chính đôi chân của chúng  . Mặt khác , có khi sự bảo bọc của cha mẹ sẽ làm chậm bước tiến của các em khi vào đời .

Những sự việc trên đã gây nên nhiều sự xung đột đáng tiếc giữa con cái và Cha mẹ , làm lòng cả hai bên đều cắn rứt và buồn phiền không ít . Tuy nhiên , cũng may tại thời điểm này , Cha mẹ đã ở nước ngoài nhiều năm , nên  có đủ thời gian để hoà nhập , điểu chỉnh suy nghĩ , cũng như tập cách chấp nhận hiện thực , vì biết đây là guồng quay tất yếu  không thể thay đổi được . Nên cho  dù có phần buồn phiền , thất vọng , thì lòng yêu thương  sâu sắc của bật làm cha mẹ cũng giúp họ vượt qua , và chấp nhận .

Với  những bật cha mẹ mới chỉ sống ở nước ngoài một thời gian ngắn  , vẫn còn mang nặng tư tưởng con cái phải phục tùng vâng lệnh cha mẹ , không được phát biểu ý kiến riêng , không được cãi lời , nếu có thì cho ngay là hỗn , và  khi nhận được phản ứng trả lại của con , đã bị sốc . Tôi được  biết không ít bật cha mẹ  đau khổ một cách  tuyệt vọng vì cho rằng các con đã bị Mỹ hoá , hỗn hào , ích kỷ ..v.v.

Thật vậy , dù  sống ở Mỹ nhiều năm , bản thân tôi cũng có lúc  trải qua  tâm  trạng này , nhưng rồi suy đi , nghĩ lại , tôi nhận ra rằng : Thời đại này đã khác xưa , giới trẻ bây giờ , tự lập rất sớm , 15 tuổi đã được phép đi làm thêm , có thể  tự trang trải cuộc sống . Lên đại học các cháu có thể được chính phủ tài trợ , cho vay không lãi , hoặc lãi nhẹ , chỉ trả sau khi học xong , có việc làm ...v.v
Tóm lại , từ việc học hành , ra ở riêng , lấy vợ , lấy chồng , mua nhà , nhất nhất chúng đều tự lo , tự quyết định , không phiền đến Cha mẹ . ( Dù phần lớn Cha mẹ VN đều muốn gánh vác & hỗ trợ tất cả những việc này cho con mình ) .
Với phong cách độc lập như vậy , thì làm sao chúng có thể sống và làm theo ý người khác  được ? ( dù là cha mẹ )

Ở thời đại mà xã hội đã có những thay đỗi toàn diện , thì làm cha mẹ, chúng ta cũng phải thay đỗi để bắt kịp đà tiến hoá , để song hành cùng con trẻ . Thật không phải nếu cứ  muốn con cái phải chậm bước lại để đi cùng với mình ...
Qui luật muôn đời ..  người hy sinh cũng vẫn là cha mẹ mà thôi .

Còn Tuổi già ở Hải Ngoại ? Mọi người giờ đây đã nhận thức  rõ ràng . Không thể , nên không hề mong đợi nơi con trẻ . Tuổi già  hải ngoại cũng phải theo qui luật xã hội ( Ở bầu thì tròn , ở ống thì dài ). Còn sức làm việc thì ráng làm ăn nuôi con , dành dụm . Đến tuổi hưu thì có lương hưu , có trợ cấp xã hội . Hai vợ chồng nương dựa nhau , sống êm đềm khoảng đời còn lại . Có con cháu thỉnh thoảng về thăm  chơi chốc lát . ..
Đến lúc quá già, nếu  người phối ngẫu ra đi trước , còn một mình bệnh hoạn không thể tự chăm sóc được  , phải nằm lây lất một chổ , thì vào viện dưỡng lão . Ở đó sẽ có người chăm sóc cho đến lúc nhắm mắt .  

Đó là trình tự một đời người không ai tránh khỏi , Bạn có chuẩn bị trước , thì  sẽ giảm bớt hay không có gì phải đau khổ khi ngày ấy đến . Có khi bạn cũng nên cảm ơn đời , vì cho đến phút cuối cuộc đời cũng còn có chỗ dung thân , không phải làm vướng bận con cháu . 

Vậy hỏi : tuổi già sống như vậy thì buồn hay vui ? . Đây là ý nghĩ của riêng tôi thôi nhé . Buồn hay vui là do mình . Tôi vẫn nghĩ cuộc đời là ngắn ngủi ,  Ngày nào còn khoẻ mạnh , nếu có thể được , thì cứ sống và hưởng trọn vẹn cuộc sống . 

Hãy nhớ rằng con cháu không cần gia tài cha mẹ để lại . Và bạn càng không có bổn phận chắt móp - góp nhặt để dành lại cho chúng . 
 Bạn hãy dùng nó giúp tuổi già bạn có thêm niềm vui và ý nghĩa , bạn có quyền hưởng thành quả suốt một đời làm việc của chính mình . Hãy tập buông cho nhẹ gánh đôi bên . Đừng bám víu , đòi hỏi  hay chờ đợi niềm vui từ con trẻ . Càng trách móc , hờn giận , thì tình cảm càng cách xa .

Có khi nhờ không còn là trách nhiệm , là gánh nặng cho nhau mà  tình cảm giữa cha mẹ & con cái lại thoải mái , vui vẽ hơn nhiều .

Đến lúc không còn sức nữa , thì thanh thản coi như đời chấm hết tại đây . Đừng nên tham lam quá . Bạn càng ôm nhiều ham muốn  thì càng tự làm khổ mình mà thôi . Đừng luyến tiếc , đến lúc cần buông thì phải buông bạn ạ .

Tôi , giờ đang ở tuổi xế chiều , hướng về  đám con cháu  tràn đầy kiến thức , tự tin , được sống trong một xã hội văn minh , có tất cả tự do trong cuộc sống , làm việc và phát triển theo ý mình ... Nhìn  thấy chúng đang tươi cười , rạng rỡ những hạnh phúc , tôi thấy trong tim  sinh lực như tràn về , sáng rực ánh bình minh , dù ngoài kia , trời tháng chạp  giăng nhiều  mây xám , và đài khí tượng lúc sáng  thông báo có cơn bão rớt sắp  đi qua ..  
Vậy mà lòng tôi ấm áp , bình yên , mãn nguyện làm sao!

"Con hơn Cha , nhà có phúc ". Phải , con cháu tôi sung sướng hơn Cha mẹ , Ông Bà  nhiều . Chúng đang hướng về phía trước , chăm chỉ làm ăn , vui với gia đình riêng . Vợ chồng chung sức nuôi dạy đàn con với  những khuôn mặt thiên thần  . ..
Không như thế hệ cha mẹ chúng nó , là chúng tôi đây phải lo bương chải , khom lưng làm những công việc nặng nhọc trên xứ người , quên cả thân mình vì ngoài nuôi con , còn cưu mang thêm cả một đại gia đình : cha mẹ anh em , thêm rất nhiều người thân , bằng hữu ở quê nhà ... vì họ đói khổ cần được giúp đỡ .

Đôi khi hướng tầm mắt ra xa một chút , ta sẽ thấy chân trời có ánh bình minh . Làm thân tràm , thân mắm tuy cực nhọc , nhưng đến đời con , đời cháu được sung sướng thì cũng nên lắm . 
Phải không bạn !


Houston  Jan/12/12
Quinhơn11 

___________________________________________________________________________

5 comments:

  1. Cháu rất tán đồng suy nghĩ của cô, 1 suy nghĩ mang tính bao dung và tính tích cực. Không ít cha mẹ VN hay có quan điểm áp đặt con cái, và mang suy nghĩ "nuôi con để sau này được nhờ". Cháu thích nhất câu này của cô : "Có khi nhờ không còn là trách nhiệm, là gánh nặng cho nhau mà tình cảm giữa cha mẹ & con cái lại thoải mái, vui vẻ hơn nhiều". Cha mẹ nên có quan điểm rõ ràng : "Sinh con ra & nuôi con khôn lớn là niềm vui và hạnh phúc của đời mình. Khi chúng lớn khôn thì mình không còn trách nhiệm cưu mang chúng nữa. Cuộc sống của mình thì mình phải có trách nhiệm, đừng nên quá dựa dẫm vào con cháu". Còn các con khi đã trưởng thành thì phải tự lập, không dựa dẫm vào cha mẹ nữa. Lúc đó, cha mẹ-con cái thỉnh thoảng gặp gỡ, thăm hỏi nhau là quý rồi. Cuộc đời mỗi con người đều xoay vần thế thôi.
    Cháu tuy sau cô 1 thế hệ, nhưng cháu cũng như cô, hiện vẫn gánh vác cả 1 đại gia đình ở VN. Vẫn biết đó là bổn phận của mình, nhưng đôi khi cũng thấy mệt mỏi, buông xuôi.
    Vài dòng tâm sự đầu năm, nhân dịp đọc được 1 bài viết có cùng quan điểm với mình.
    Chúc cô luôn bình an.
    Thương mến
    Saigon

    ReplyDelete
  2. Chào Cháu Saigon .
    Qn viết bài này như một cách nhắc nhở và động viên chính mình . Từ chổ suy nghĩ , và đi tới thực hiện cũng có một chặng đường để vượt qua .
    Tuy khó nhưng Qn cũng ráng để biến suy nghĩ thành hiện thực ..

    Kinh nghiệm từ những khó khăn gặp phải của QN với Cha mẹ , Và bây giờ bản thân mình với các con ... Sau nhiều buồn phiền mới phát hiện ra lý lẽ .. Nhờ vậy giúp QN nhẹ lòng một chút .

    Rất cám ơn sự đồng cảm của cháu . Thương mến .QN

    ReplyDelete
  3. Cùng chung quan điểm với QN

    Nếu chúng ta, bậc làm cha mẹ, nhận thức được trách nhiệm cũng như niềm vui của chính mình đối với con cái, thì cuộc sống của chúng ta ở tuổi xế chiều sẽ được thoải mái hơn rất nhiều.

    đtk

    ReplyDelete
  4. Đoc bài viết của chị,em thấy khâm phục chị quá, em xin được giới thiệu em tên mai, 62 tuổi, em mới sang Mỹ được 7 tháng, đã phải về VN vì quá buồn,
    em muốn đươc làm quen với chị để chia sẻ trong cuộc sống ở Mỹ, nếu được xin hồi âm để chị em minh nói chuyện

    ReplyDelete