Monday, January 23, 2012

Tan theo mây - #2


Author: Rongchoi.


... 
Cô ở Sở may, cô học may áo dài, nhưng vẫn thường theo ông đi chợ chở rau vì có lẽ xưa giờ cô hoạt động đi đứng mạnh dạn đã quen, nay ngồi hoài một chỗ, nhìn hoài một miếng vải, coi bộ quấn chân, chồn tay, nhất là sợ cái đầu trống không, nhớ nhà, nghĩ quẩn. Cô đi theo ông hoài nên học cả mấy tháng mà chưa dám cắt cái áo nào, chỉ lên lai, đơm nút hay cắt chỉ mà thôi. Ông chắc cũng bị nghe phàn nàn việc này của cô nên có bữa ông hỏi “Bây muốn mần thợ hồ chỗ qua không? Cực lắm à nghen!” Cô mừng rơn, gật đầu. Tuy vậy, ông dẫn cô qua Sở đắp vẽ thuộc Ban Kiến Trúc. Ông biết dù cô quen hoạt động mạnh nhưng cũng là con gái, khiêng gạch, vác xi măng sao nổi.

Ban đắp vẽ có một bà khoảng lục tuần, cũng còn khỏe, bà biết đắp vẽ nhưng giờ mắt kém nên chỉ lo phần nấu cơm và sàn cát mịn trộn hồ cho thợ đắp. Cô sáu ở đó với bà phụ bếp núc và theo bà học đắp vẽ những mẫu đơn giản. Cô tỉ mỉ, cẩn thận ve vuốt từng đường bay mịn màng để tác phẩm mượt mà, không tì vết. Trước giờ cô chẳng hề biết mình có khiếu làm những việc này, những khuôn bông hoa văn và cả rồng phụng từ tay cô như có hồn, sắc nét và tinh xảo. Dần dần ông tá lý của Sở cho cô tháp tùng với ban thợ chính đi làm công quả tạo tác những Thánh Thất ở xa. Cô cần mẫn, chịu khó và hiền hậu, cô đi đâu làm công quả dù cũng mệt như bao người nhưng cô luôn nhớ lời ông già rau căn dặn là phải thu xếp thời gian đi cúng. Ban ngày đắp vẽ, lấm láp xi măng, nên cô chỉ cúng thời khuya. 

            Có lần đi làm chung với ban thợ sơn ở một Thánh Thất miền tây, nhờ thời cúng khuya mà cô mới biết chú hai Mên công thợ là một chức sắc Phước Thiện hồi xưa mà cũng từng là nhạc sỹ ở Tòa Thánh. Chú hai khoảng hơn 60 nhưng thích rày đây mai đó nên xin chuyển vào Sở Kiến Trúc để được đi công quả khắp nơi. Chú hai cúng mà không đọc kinh, chú thổi sáo. Giữa trời khuya lồng lộng, tiếng sáo cao vút mà không khỏa lấp tiếng kinh. Cô sáu thấy tâm hồn mình như thấm đẫm những huyền diệu thiêng liêng, bao nhiêu mệt nhọc ban ngày như tan biến. Trong suốt thời gian tạo tác, chú hai thường giảng giải điển tích và giáo lý cho ban công thợ, cô được dịp lắng nghe, bây giờ cô mới hiểu ít nhiều những hình tượng mà cô đắp vẽ hàng ngày tiềm ẩn những ý nghĩa bí pháp quan trọng. Trước giờ cô làm mà không thắc mắc, nay mỗi mỗi chi tiết đắp vẽ cũng làm cô tò mò muốn hiểu. Từ đó mỗi buổi tối không còn rãnh rỗi nữa, cô hay ngồi học hỏi chuyện Đạo với chú hai Mên tới thời khuya đi cúng, có khi cô hỏi nhiều câu khó quá, chú hai cười chọc cô “Tui hết chữ rồi cô sáu”. Chú dặn cô như nửa chơi nửa thật: “Mai mốt dìa Trển, cô nhớ nhắc tui trả lời nghen. Con người ta khi được thoát cái xác này thì minh mẫn dữ lắm”. Rồi chú ngồi trầm ngâm một hồi: “Mà vậy thì cô đâu cần hỏi tui chi nữa”. Cô sáu không biết mình có được như chú hai nói không nhưng cũng trầm ngâm theo.

Làm việc chung với chú hai đôi khi rất…lơ lửng, nhất là những lúc chú ngồi trên nóc sơn hoa văn con cù chặn ngói. Nhìn một vệt nắng xuyên qua cụm mây xám dày giăng giữa trời chiều chuyển mưa, chú cũng có cảm xúc để nói chuyện Đạo. Chú nói “Đời này tan hợp như mây, thay đổi từng phút giây, có khi chớp mắt một cái, có thể mình không còn…nheo nheo nhìn ai được nữa mà phải nhắm mắt mãi mãi. Bởi vậy tui muốn gì, nghĩ gì là tui phải mần ngay”. Mấy đám thợ nhỏ hay trêu “Chú đừng có muốn…bay từ trên nóc xuống đất nha!”. Chú cười: “Bậy nà! Một kiếp sanh quý lắm, cái thân xác này đâu phải dễ có, làm hư hỏng vô lý cũng đã thấy xót rồi, huống chi hủy hoại nó”. 

 Chú hay ngừng, nhìn lên trời hay ngọn cây để…lấy hơi “Chẳng những phải bảo vệ cái thân này mà còn phải nuôi dưỡng nó đàng hoàng tử tế như … mấy bà công quả nấu cơm nuôi tụi bây đó”. Đám nhỏ cười rân. Chú tủm tỉm “Thiệt đó. Bây cũng biết Đức Ông dạy trong Phương Luyện Kỷ, để luyện thân, luyện trí thì phải ẩm thực tinh khiết, tư tưởng tinh khiết. Ăn chay là góp phần giữ cho thân thể tinh khiết, tụi bây làm công quả hằng ngày, ăn cơm chay mà có để ý gì đâu”. Chú buông cây cọ nghỉ tay “Nhưng như vậy thì cũng chưa có đủ, hỏng lẽ tụi bây đã ăn chay rồi, giờ lại nghĩ điều chi hại người thì coi sao được. Cái tư tưởng cũng cần phải tinh khiết”.

           Có đứa còn ngẩn ngơ coi chiều chưa thấu…”Giữ tư tưởng tinh khiết để làm gì, mắc chi phải giữ tư tưởng tinh khiết?” nên nó hỏi. Chú thủng thẳng uống ngụm nước rồi nói “Cõi Thiêng Liêng hay Bạch Ngọc Kinh là ngôi nhà của Đức Chí Tôn. Chư Thần Thánh Tiên Phật cũng như chúng ta và vạn vật đều là con cái một nhà, tất cả xuất ra từ đó, xuống thế gian này như đi học, ai học xong thì trở về. Chư Thần Thánh Tiên Phật đã về trước rồi, mình học dở nên còn ngồi đây học. Cái học ở thế gian này thì nhiều vô kể nhưng bài học quan trọng nhất vẫn là bài Thương Yêu. Sự Thương Yêu như dòng nước trong, chư Thần, Thánh, Tiên, Phật học xong giống như đã hòa mình vào dòng nước đó. Mình học Thương Yêu chưa đủ, chưa hoàn thiện, lẽ tự nhiên mình chưa thể hòa mình vào dòng nước đó, mình như cặn bẩn hay vết dầu loang trong nước, không tài nào hòa tan vào được. Khi mình thoát xác, sự tinh anh của chơn linh làm cho mình thấy mình còn “bẩn”, mình tự xấu hổ, chưa xứng đáng đứng chung trong hàng ngũ Thần Thánh, vậy là mình nguyện trở xuống học hỏi, gội mình thật tinh khiết thì mới trở về. Cũng như mình là người biết tự trọng, hễ vô một ngôi nhà sạch sẽ, ai cũng thơm tho, tinh tươm, còn mình thì lôi thôi, dơ bẩn, mình có dám ngồi chễm chệ trong đó không? Dù chẳng ai đuổi, chắc mình cũng đi tắm gội rồi mới vô, phải vậy không?”

          Nói tới đây thấy đám nhỏ gật gù. Chú Hai thong thả “Tắm gội đó chính là Ẩm thực tinh khiết. Tư tưởng tinh khiết. Bây ăn chay được, bây không nghĩ chuyện hại ai là bước đệm để rồi dần dần bây sẽ biết thương yêu, giúp đỡ người khác, việc làm này càng lan rộng ra đến con vật, cỏ cây,… thì xem như bây sạch bóng rồi đó, coi bộ con đường về nhà Đức Chí Tôn đâu còn xa”. “Mà bây có muốn vô nhà không?”. Đám nhỏ chưa kịp hiểu ý câu hỏi nhưng nghe cũng dễ trả lời nên tụi nó gật gù. Chú hai cười “Thì chí ít là tụi bây cũng tin ngôi nhà đó tốt đẹp để bây mới ráng cố gắng tắm gội, tìm đường vô. Chứ không tin gì hết, bây cứ long nhong đi chơi, không lo gì đến chuyện giữ tinh khiết thì…ôi thôi, tao cũng không dư hơi mà nói dông dài chi nãy giờ”.

Đám trẻ cười phá lên khi nhìn điệu bộ nheo nheo mắt của chú hai. Tụi nó đâu biết chú vừa trao cho nó một chìa khóa quan trọng để mở cửa Bát Quái Đài tại thế này. “Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn và Phật Mẫu. Thương yêu vô tận.”

Cô sáu hay theo đám nhỏ nghe chú hai nói Đạo, hồi trước ông già rau cũng hay giảng cho cô nghe, ông thường đưa sách cho cô biểu đọc, nhưng sao cô “nuốt” không trôi, cô thấy khô khan và khó hiểu, khó nhớ. Cách chú hai hóm hỉnh, nói tếu lâm mà thâm thúy sâu xa lý Đạo làm dễ thấm.

           Coi chú sống hằng ngày cũng thiệt ngộ, đụng cái gì chú cũng suy luận được và áp dụng học hỏi cho mình. Chú hay nói “Đức Khổng tử dạy Vạn vật trí tri. Các vị Thánh sống vào thời xưa chưa có nhiều vật nên chỉ lấy số Vạn thôi, bây giờ xã hội tiến bộ, tui nghĩ chắc là tỷ tỷ vật trí tri cũng không hết, bởi vậy tui cứ lý sự hoài, cô đừng có phiền nghe”. Được làm chung với chú chỉ vài tháng mà cô sáu học hỏi thiệt là nhiều, điều chính yếu là cô vui với sự sống Đạo, cô tin tưởng con đường mình đang đi là đúng để mỗi ngày càng cố gắng hơn, cô thấy bình an và yên tâm thẳng tiến trên con đường lập công bồi đức. 

Chỉ có lần đó thôi rồi như cánh chim tìm về tổ cũ, chú hai Mên trở về Tòa Thánh tiếp tục góp sức khai hoang mở mang sở lương điền Phước Thiện. Có dịp gặp lại, thấy chú vẫn vui khỏe, vẫn tiếu lâm trong những câu chuyện Đạo uyên thâm mà chân thành mộc mạc. Cô sáu Ngò có khi cũng rất nhớ tiếng sáo trong veo của chú, nhưng cô cũng để cảm giác đó lơ lửng mà tan theo mây. ... 




 Rongchơi ._____________________________________________


No comments:

Post a Comment