Friday, January 6, 2012

KHÔNG BỐ MẸ NÀO CÓ THỂ ..

                 xóa đi làm lại cái ‘job’ dạy con .





Liên Tử .

Mấy bữa nay, cũng như bất cứ ai hay dùng thư từ trên mạng lưới điện tử, tôi nhận được hàng chục cái email kể lại câu chuyện của chú bé người Nhật 9 tuổi, nạn nhân vụ động đất và sóng thần, đã biết nghĩ tới những người khổ hơn mình trong khi chính em đang bị đói lạnh.

Trong đầu tôi nảy ra câu hỏi: Bà mẹ cậu bé đã dạy con cách nào mà em hấp thụ và hành xử được như một vị “tiểu quân tử” vậy? Bà có giống với bà Chua (tên Hán Việt đọc là Thái Mỹ Nhi) trong tác phẩm Battle Hymn of the Tiger Mother (Mẹ cọp) chăng?

Giáo dục trẻ theo lối Việt xưa, không nghiêm khắc quá đáng nhưng cùng lối dạy con như bà Chua đã mô tả, theo đa số chúng ta, tuy hơi quá khắt khe, nhưng nó đã tạo được nhiều kết quả tốt.

Đa số trẻ được nên người nhờ cha mẹ đặt chúng vào vòng kỷ luật, ép buộc chúng học hành thật chăm chỉ, làm tròn mọi công việc được giao phó ngay từ thời thơ ấu...

Tâm hồn các em bé thường được ví như tờ giấy trắng, có thể ghi nhận mọi chuyện xả ra chung quanh mình. Khi các em được cha mẹ tập cho những thói quen tốt lành từ thời thơ ấu, thì khi lớn lên, dù ở lứa tuổi mới lớn (tuổi teenager), các em có phá phách, làm ngược lại, nhưng lúc trưởng thành, trẻ cũng trở lại với những gì đã in sâu vào tiềm thức khi còn nhỏ. Nhất là đối với các phụ huynh nghèo khổ, phải làm việc cực nhọc, nhiều khi hy sinh hạnh phúc riêng tư để con cái đủ điều kiện học hành như bạn bè của chúng.

Thời trước cuộc đổi đời 1975, dù cho cha mẹ Việt cũng như Trung Hoa, nói chung vùng Á châu, ít biểu lộ tình thương yêu con cái, nhưng trẻ em vẫn nhận ra được tình thương của họ trong cách giáo dục “Yêu cho roi cho vọt”.

Tôi được chứng kiến bà cô trong gia đình đã chạy vô bếp để con không thấy cô khóc sướt mướt sau khi cho cậu con một trận đòn roi mây. Khi con cái thi đỗ hoặc được lãnh thưởng, cô cũng chỉ “cốc yêu” lên đầu các em, nói gọn một chữ “giỏi!”. Vậy mà các cô cậu ngày nay, khi nhắc tới bà mẹ, là nói tới tình yêu vô bờ bến của bà.

Có thể nói trong các gia đình có nền nếp, trẻ em huấn tập được nhiều khả năng để khi ra đời, các em có nhiều nghị lực phấn đấu, dễ thành đạt hơn là trong các gia đình có lổi giáo dục cởi mở, dễ dãi với con cái. 

“Bé không vin, cả gẫy cành”
“Dạy con từ thuở còn thơ”
“Yêu cho roi cho vọt… 

Là những phương châm để người đông phương xưa giáo dục con cái. Ngược lại, luật pháp xứ Mỹ cũng như Canada ngăn cấm cha mẹ đánh đòn trẻ con, nếu đánh có vết tích là cha mẹ sẽ bị vô tù. Các thầy cô giáo cũng không thể dùng roi vọt đánh các học sinh ngỗ nghịch như thập niên 1950 trở về trước.

Văn hóa của Trung Hoa và vùng Đông Nam Á xưa được hình thành từ những bài học về Người quân tử hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, giữ được tư cách dù gặp phải những hoàn cảnh nguy khốn tới thân mình.

 Tuy sống với văn hóa thuần Việt, ngay từ khi bắt đầu làm mẹ, tôi đã đi tìm sách nuôi dạy con của các tác giả Âu Mỹ, vì không muốn mình phải rập khuôn theo mẹ ruột hay mẹ chồng, tôi thường nghĩ là các cụ quá khó và quá nghiêm! Thời còn là học sinh được mẹ bao bọc, tôi có nhiều lúc tự nhủ: “Khi có con, mình sẽ dạy nó cách khác”; vì không muốn bị la mắng, đôi khi đánh đòn oan uổng.

Sang tới Bắc Mỹ châu, tôi cởi mở hơn với con cái, biết ôm hôn chúng, biết khen ngợi con khi chúng học giỏi hay ngoan ngoãn. Tuy nhiên, tôi vẫn theo nền nếp gia phong xưa (chịu ảnh hưởng của cụ Khổng khá nhiều), vẫn đòi hỏi các con phải cố gắng tối đa trong việc học, phải luôn có lễ độ và giữ tư cách với mọi người v.v…

Khi trẻ tới tuổi ngỗ nghịch (teenager), chúng tôi may mắn học được cách sống tỉnh thức, biết nhìn vào chính mình khi có sự bất đồng ý kiến trầm trọng trong gia đình, biết coi trọng nhân vị của các con. Coi trẻ cũng là những thành viên ngang hàng với bố mẹ chúng, cần cho trẻ bày tỏ ý kiến trước các quyết định chung trong gia đình.

Có thể nhờ vậy mà tôi không cần phải bắt con theo kỷ luật sắt như bà Chua, không phải đóng vai Bà Mẹ Cọp để con được thành tài! Không khí trong gia đình không tới nỗi ngộp thở như có lần chú Bê , bạn của con út tôi than thở về mẹ chú: “Con thà có bà mẹ ở dơ như heo, còn hơn làm con mẹ, bắt con phải chùi toa-let mỗi ngày như vầy!”

Con gái tôi, khi tới tuổi tin (teenager), có lần cũng đã phát biểu về ý muốn làm khác với mẹ của nó “Chắc con sẽ dạy con con giỏi hơn mẹ!… Khi thấy mẹ ngơ ngác, có vẻ buồn, cô ta lại khôi hài “chẳng hạn như nó sẽ phải biết giúp mẹ nó nhiều hơn là con! Cũng chính cô bé này, lúc được 12 tuổi, khi so sánh tôi và cô em họ, nó cho rằng “cô Di dễ dãi hơn mẹ nhiều….nhưng con cho là mẹ cứ như vậy được rồi – Mẹ dễ quá, con sẽ không học đan được đâu!”

Trong khi đó, cậu con trai của tôi, nhạy cảm hơn chị. lại cho rằng cha mẹ quá cứng rắn, khác hẳn với giáo dục ở trường. Khi tới tuổi thiếu niên, cậu phản ứng lại các lệ luật trong gia đình bằng cách ù lì không làm gì cả hoặc làm ngược hẳn với ý bố mẹ. Sau một thời gian bối rối và tìm hiểu qua sách vở cũng như trao đổi với bạn bè cùng lứa, tôi nhận ra là mình cần phải dạy mỗi con theo một kiểu. Không thể dạy chúng giống hệt như nhau. Mỗi đứa trẻ là một con người đặc biệt. Không có lối dạy con nào thích hợp với tất cả các trẻ. Không thể có “One size fit all !”

Tôi mừng cho bà Chua, trước hết đã quảng cáo thật mạnh mẽ được trước khi phát hành cuốn sách của bà, bằng tiểu luận gây tranh cãi sôi nổi khắp thế giới. Có lẽ đó là nhờ tài đặt tựa cho bài bà Chua viết “Tại sao bà mẹ Trung Hoa được coi là hơn người?”.

Các phụ huynh Âu Mỹ tất nhiên phản đối triệt để cách giáo dục quá sắt thép của bà. Một số nhỏ ủng hộ bà Chua, cho rằng cha mẹ Mỹ quá lỏng lẻo với con, không bao giờ dám chê con (chứ đừng nói mắng nhiếc chúng là “đồ rác rưởi” như bà Chua, khiến cho nhiều em hư đốn, thất bại suốt đời dù chúng thông minh lanh lẹ! Dạy con như bà Chua mới giúp con thành công ở đời.

Phe chống đối coi bà Chua như ác thần, ép buộc con cái một cách vô lý - nhất là chuyện học môn nghệ thuật như đàn dương cầm hay vỹ cầm. Theo nhà báo, hai cô con gái khi trả lời phỏng vấn, đã tỏ ra không ủng hộ cuốn sách của mẹ, họ cho rằng bà viết không hết mọi sự kiện ra!

Rất nhiều độc giả của tờ báo trên cho rằng bà Chua đã viết những điều gây tranh cãi, chỉ để cuốn sách của bà được thiên hạ chú ý mà mua. Bài tiểu luận có cái tựa khiêu khích độc giả cũng do tờ Wall Street Journal đặt. Chỉ có bà mới biết rõ tâm ý mình. Nhưng nếu bà đã viết một phần sự thật chăng nữa, thì tôi cũng nghĩ rằng bà cũng như các con bà, không ai sung sướng gì mấy trong sinh hoạt hàng ngày với bà mẹ dữ như Cọp vậy.

Bà Chua được coi như tiêu biểu một bà mẹ “yêu cho roi cho vọt” thời nay, không chỉ ở giống dân Trung Hoa mới có, mà họ cũng đang còn hiện diện trên khắp các xứ, nhất là trong các cộng đồng di dân mới: rất cần sự thành công nghề nghiệp để tiến thân.

Những bà mẹ quá chú trọng tới sự thành đạt về công danh sự nghiệp, thường gây những áp lực nặng nề trên tâm thức con cái khi chúng trưởng thành. Ngược lại, những trẻ được cha mẹ quá chiều chuộng, thường khó đạt được cuộc sống dễ dàng cho bản thân , nếu chúng không tự có kỷ luật và ý chí trong việc học, việc làm. Cả hai lối giáo dục cực đoan này đều có nhiều khuyết điểm. Con đường Trung Đạo có lẽ vẫn là phương cách tốt hơn cả.

Tôi nghĩ rằng nuôi dạy trẻ là một đề tài muôn thưở của loài người. Ai cũng mong muốn con mình giỏi giang, sống hạnh phúc.. Không ai được huấn luyện làm mẹ trước khi sanh con. Và bà mẹ trẻ nào, khi mới có con, cũng nghĩ rằng nuôi dạy con là công việc hệ trọng nhất đời bà – một cái job lâu dài, suốt cuộc đời; mà bà chỉ được huấn luyện trong công việc (training on the job), được học bằng cuộc sống của chính mình mà thôi.

Lúc cuối đời, bà mẹ sẽ nhìn được con người của các bê-bi bà nuôi dưỡng, cũng như kết quả công việc dài hạn của bà một cách rõ ràng hơn. Tùy quan niệm thế nào là hạnh phúc - là thành công mà các phụ huynh giáo dục con em mình. Nếu có sai lầm, đưa đẩy con vào những xa lộ chông gai, thiếu lương hảo, thì bố mẹ cũng chỉ có thể cầu nguyện, và ăn năn. Không bố mẹ nào có thể xóa đi làm lại cái job dạy con .

 Mỹ Ái ( chuyển tiếp )__________________________________

No comments:

Post a Comment